Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

NHỚ TRƯỜNG XƯA - Nguyễn Thị Thanh Lam


Trời chớm đông, những cơn mưa chiều gợi trong tôi nỗi nhớ nhung về một khung trời cũ, khung trời của tuổi hoa niên, của thời cắp sách đến trường. Ba mươi năm đã trôi qua, hôm nay lần cuối cùng tôi về thăm trường cũ. Không gian ngày ấy vẫn còn đây nhưng mái trường xưa giờ còn đâu nữa. 
Cảnh vật quanh đây dường như đã hoàn toàn thay đổi. Tôi bàng hoàng, run rẩy trong ngọn gió lạnh đầu mùa khi nhìn thấy bảng hiệu mang tên trường đã bị dỡ bỏ, hai cây trụ đứng chơ vơ trong mưa phùn, gió bấc. Nhìn quanh chỉ còn tường rào, sân trường vắng tanh như một bãi đất hoang, gạch ngói, đất đá chất đầy thành từng đống, hàng phượng vĩ như ốm đau, xơ xác vì xa người thân thích. Dãy lầu đối diện với cổng trường là nơi duy nhất còn lại, nhưng hình hài cũng không còn nguyên vẹn vì bàn tay của những người thợ xây đang đập phá cho hết để làm lộ ra một công trình to đẹp vừa mọc lên ở phía xa xa. Bảng đen, phấn trắng, bàn ghế, lớp học… đã trở thành hư vô. Quá khứ bị đánh mất, trí nhớ hoang vu, mong manh không điểm tựa. Tôi cô đơn như chú chim non không còn tổ ấm, cảm thấy mình bơ vơ, lạc loài, xa lạ giữa phố thị như chàng Từ Thức trở lại cõi trần gian.
Từ thuở đất nước còn khói lửa chiến tranh, tôi đã có gần hai năm gắn bó với mái trường này. Mùa thu năm ấy - một ngàn chín trăm bảy mươi ba, tuy mới mười một tuổi nhưng tôi đã được mặc áo dài và cắp sách đến đây vì được thi đậu vào lớp đệ thất. Ôi, tự hào biết bao khi được mang trên mình chiếc áo dài trắng mới tinh có đính bảng tên “Trường Nữ Trung Học Quảng Tín”. Bỗng nhiên, tôi thấy mình là cô bé nhỏ xíu của năm xưa, ngồi trên chiếc xe đạp bánh nhỏ đang liêu xiêu trong gió chiều cuối đông sau giờ tan học. Tôi mơ màng nhận ra mình cùng nô đùa với bạn bè dưới ánh nắng xuân và nghe vọng đâu đây tiếng gọi nhau í ới dưới sân trường trong giờ ra chơi. Tiếng pháo kích, tiếng kêu xé trời của máy bay phản lực, tiếng giảng bài của cô giáo trong những giờ học Cổ văn, Lịch sử… quyện vào nhau vẫn còn đọng lại trên gạch ngói đâu đây. Tôi cùng bạn bè chạy tán loạn, đan xen vào nhau, cùng cô giáo núp dưới bàn học để tránh… bom rơi, đạn lạc. Những ai đã từng trải qua cảnh đi học của thời chiến tranh mới thấy được hết giá trị của việc được học tập trong cảnh thanh bình. Bởi vậy, con cháu tôi, học trò tôi, con dân nước Việt được cắp sách đến trường ngày hôm nay thật là diễm phúc.
Khi chiến tranh chấm dứt, trường được đổi tên thành “Trường Cấp II Tam Kỳ”. Năm học đó, tôi tiếp tục học cho xong chương trình lớp bảy rồi mới chia tay với mái trường thân yêu này. Vào niên khóa sau, nơi đây được dành riêng cho những anh chị học sinh cấp ba vào học, một lần nữa trường được đổi tên là “Trường Phổ Thông Cấp III Trần Cao Vân”, rồi “Trường Trung học Phổ thông Trần Cao Vân” cho đến lúc bàn giao qua một đơn vị khác vào năm ngoái. Lúc mười lăm tuổi, khi đã trở thành một thiếu nữ mới lớn, tôi được trở lại trường xưa qua một kì thi vào lớp mười. Cảnh vật lúc ấy vẫn như cũ, nhưng sau cơn biến động lịch sử thì lớp học, bạn bè và thầy cô cũng đã đổi thay. Bạn bè tôi có đứa bỏ học giữa chừng để về quê sau ngày đất nước thống nhất, có đứa vẫn tiếp tục học nhưng không được may mắn trở lại trường xưa vì bị rơi rụng trong kì thi vượt cấp. Bấy giờ, chỉ một số thầy cô còn ở lại, phần đông mỗi người mỗi nơi do thuyên chuyển đi nơi khác hoặc về dạy học nơi cắt rốn chôn nhau. Sau một thời gian ngắn, tôi hòa nhập vào môi trường mới, có được bạn bè và thầy cô trong niềm vui mới. Những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi được ghi dấu nơi đây. Cũng chính tại nơi đây, tôi đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo, để ngày ngày đến lớp vui buồn cùng lũ học trò thơ ngây, tinh nghịch… Quãng đời vô tư chỉ biết học hành và vui chơi giờ đây đã trở thành xa xôi miên viễn.
Ba năm học phổ thông trôi qua thật nhanh, những tiết học cuối cùng rồi cũng kết thúc! Tôi và bạn bè chuẩn bị hành trang để bước đi trên con đường thênh thang phía trước. Sắp đến ngày chia tay, những cuốn lưu bút được chuyền cho nhau; những kỉ niệm buồn vui, những hoài vọng của tuổi học trò, những lời chúc tụng chân thành... được nắn nót ghi vào trang giấy trắng. Ba mươi năm trôi qua, bạn bè tôi mỗi người một ngả, cuốn lưu bút đã bị ố vàng, bìa gáy cũ kĩ, sờn rách do tôi đọc đi, đọc lại quá nhiều lần. Mỗi lần nhẹ nhàng giở từng trang giấy cũ - tuy dấu mực đã bị phai màu nhưng nét chữ thân thương của bạn bè vẫn còn hiện hữu - tôi lại bồi hồi như đang sống trong giờ phút cuối cùng của ngày tháng yên vui, như được thở lại cái không khí nguyên sơ của một thời vàng son đó. Từng khuôn mặt thân quen, từng tính cách riêng biệt hiện ra thật rõ nét, chừng như là chúng tôi vừa mới chia tay nhau ngày hôm qua. Trong những giây phút vô cùng tĩnh lặng ấy, quá khứ - hiện tại - vị lai không bị phân chia đứt đoạn, thời gian đã ngừng trôi, hội thông cùng đất trời bao la và trở thành thiên thu bất tận. Mỗi khi giã từ cơn mộng mơ ấy để trở về với đời sống thường nhật, tôi lại nhớ trường xưa, thầy cô, bạn cũ...
Thầy cô ngày trước nay về đâu? Bạn học ngày cũ đã lưu lạc phương nào? Hàng phượng già còn đó, nơi ghi dấu những kí ức khó phai, rồi đây có còn được nguyên vẹn, hay là sẽ “hóa kiếp”? Tất cả đã trở thành quá vãng nhưng kỉ niệm của một thời thơ ngây, vụng dại vẫn sống động trong tâm tưởng của một người đã trải qua thời tuổi trẻ. Thực tại nay còn đâu? Dòng sông đời đã nhẹ nhàng trôi về biển cả và mang theo bao hoài vọng của tuổi thanh xuân. Tất cả đã biến mất... chỉ còn vang vọng đâu đây tiếng trống trường rộn rã. Mỗi khi trở về thăm chốn cũ, nơi mà vết tích quá khứ đã trở thành sương khói, nơi mà truyền thống có thể bị lãng quên thì tìm đâu ra nơi chốn để tâm hồn ta nương tựa trong cuộc sống đang quay cuồng, vội vã.

 Nguyễn Thị Thanh Lam
 Tiết Lập Đông, Canh Dần - 2010

                                                             

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét