Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

LỐI VỀ ẤU THƠ - Nguyễn Thị Thanh Lam

                                        

      Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường 

      rụng nhiều và trên không có những đám mây 

      bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm 

      hoang mang của buổi tựu trường.

                      (Tôi Đi Học -Thanh Tịnh)

Sáng nay gió heo may làm lay động cây lá, tôi chợt nhận ra mùa thu lại về, mùa thu về mang theo bao hương sắc thuở còn thắt bím và cắp sách dưới mái trường tiểu học. Gần nửa thế kỉ trôi qua, cô bé ngày xưa, hôm nay đã vào độ tuổi mùa thu cuộc đời, nhưng những kỉ niệm ấu thời chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí. Ngày đầu tiên tôi đi học không thơ mộng như Thanh Tịnh:“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”. Ngày đầu tiên đi học, lòng tôi tràn đầy lo sợ và khuôn mặt thì đầm đìa nước mắt, vậy mà tôi đã yêu thương lớp học và ngôi trường đầu tiên của mình, ngôi trường Tiểu Học Cộng Đồng Tam Kỳ tự lúc nào không hay.

Trong trí nhớ mong manh của mình, thuở ấy tôi luôn mong ngóng đến giờ đi học để được vui sống trong vòng tay của bạn bè và cô giáo. Dù trời nắng chang chang hay mưa tầm tã, tôi cũng thường thả bộ đến trường trên con đường đất nhỏ, hai bên là lũy tre xanh; một tay cầm bình đông đựng nước uống, một tay xách chiếc cặp. Trong chiếc cặp nhỏ là vài cuốn vở, một bình mực tím, một cây viết chì, một cục tẩy và một cây viết lá tre. Thời ấy, học trò tiểu học không được viết bằng cây viết nguyên tử - bây giờ gọi là bút bi -  mà phải viết bằng cây viết lá tre để luyện nét chữ cho đẹp và cứng cáp. Cây viết lá tre có cái ngòi viết bằng thiếc, ngòi viết này có hình dạng như chiếc lá tre nhưng nhỏ hơn, nó được gắn vào đầu một cái cán viết bằng gỗ. Mỗi khi viết, học trò chấm cây viết vào bình mực bằng thủy tinh, mực đọng trên ngòi viết rất ít, vì thế khi viết bài hay làm bài thì phải chấm mực liên tục. Trong sự lặng yên của lớp học, tiếng va chạm lanh canh giữa ngòi viết và đáy bình mực thủy tinh nghe như những tiếng reo vui. Viết bằng cây viết lá tre quả là một sự bất tiện, bàn tay và quần áo thường bị lấm lem mực xanh, mực tím; chưa kể nhiều khi mực trong ngòi viết ra hơi nhiều hoặc do sơ ý làm mực đổ vào vở thì phải dùng viên phấn trắng hoặc giấy thấm để hút cho khô rồi mới viết tiếp. Những “dòng sữa ngọt” tuôn trào từ cây viết lá tre là dưỡng chất cho tâm hồn tôi và có lẽ của bao thế hệ ngày ấy. Bình mực tím và cây viết lá tre đơn sơ mộc mạc đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm êm đềm không thể nào quên.

Nhớ sân trường đầy cát với cột cờ nằm chơ vơ giữa sân. Nhớ cái cầu tuột và những hàng lon được đóng thẳng tắp, ngang bằng với mặt đất để học sinh nương theo đó mà xếp thành những hàng đều răm rắp trong giờ thể dục lúc ra chơi. Nhớ mãi những đêm Tết Trung Thu diệu kì huyền ảo mà lũ học trò chúng tôi luôn háo hức và mong chờ trước đó cả tháng trời. Trong dịp này, bạn nào cũng được cha mẹ hay anh chị làm cho một cái lồng đèn bằng giấy gương hoặc giấy dầu, khi lồng đèn làm xong thì đem phơi dưới nắng, càng phơi thì lồng đèn càng được căng bóng. Đến giờ nhà trường tổ chức thi lồng đèn đẹp, thôi thì đủ các loại lồng đèn đua nhau khoe sắc: từ những chiếc lồng đèn đơn giản như lồng đèn bánh ú, ông sao, trái bầu, trái bí, con gà, con bướm cho đến những chiếc lồng đèn cầu kỳ như lồng đèn cá chép, thiên nga, tàu thủy, tàu bay… Vài bạn được cha anh mình khéo tay làm cho những chiếc lồng đèn đẹp đẽ và rực rỡ thì lấy làm hãnh diện trước sự thèm thuồng của đám bạn học. Vào đêm trung thu, sau khi được thưởng thức những chiếc bánh kẹo ngon lành, cả một rừng lồng đèn được thắp nến lung linh, ánh sáng tỏa ngập cả sân trường. Đầu tiên, lũ học trò chúng tôi đi theo hàng một trong sân trường, rồi sau đó được cô giáo dẫn qua những con phố nhỏ, chúng tôi vừa đi vừa hát vang: “Tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca trong ánh trăng rằm…” (Rước Đèn Tháng Tám) và “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ. Lặng yên ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi…” (Thằng Cuội). Những khúc nhạc đầy hân hoan kia đã âm thầm gieo vào lòng tôi những hạt mầm thiện mĩ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn như nghe vang vọng đâu đây tiếng hát hân hoan của lũ học trò đang hòa quyện cùng dòng sông lấp lánh ánh sáng của những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu trong đêm rằm tháng tám.

Con trẻ ngày đó không học nhiều như hôm nay, ngoài giờ học trên lớp và làm một ít bài tập ở nhà, thời gian còn lại là được vui chơi thỏa thích. Ban ngày tôi và những người bạn láng giềng thường bày ra đủ loại trò chơi như: bán mì Quảng, làm cô giáo, rải ô làng, nhảy dây, đánh thẻ…; những đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi còn chơi trò u mọi, trốn tìm… trong những mảnh sân rộng rãi, cây cối um tùm mà giờ đây đã biến mất. Mặc dù ngày xưa nhà tôi nằm trong lòng thị xã nhưng cũng giống như ở trong thôn xóm, trước nhà là khoảnh vườn rộng rồi mới đến con đường đất nhỏ. Thuở mới tám, chín tuổi xóm tôi chưa có điện nên cứ khoảng năm giờ chiều là chị em tôi phải lo lau chùi bóng đèn và rót dầu hỏa thật đầy vào các cây đèn hột vịt để thắp sáng vào ban đêm. Khung cảnh về đêm thật yên tĩnh và thanh bình đến lạ; dưới ánh đèn tù mù, anh chị lớn của tôi cặm cụi ngồi học bài, còn tôi sau khi học xong bài vở thì lại chăm chú đọc các câu chuyện trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng hoặc những cuốn sách thiếu nhi khác. Tâm Hồn Cao Thượng đã nuôi dưỡng trái tim bé nhỏ của tôi trong những ngày thơ dại. Ngày ấy, tôi đã đọc đi đọc lại những câu chuyện đẹp trong đó, đến nỗi có vài chuyện tôi thuộc làu làu mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn đọc và suông sẻ một vài đoạn. Phần cuối trong bài Học Đường đã làm tôi nhớ mãi, nó như một lời nhắc nhở, động viên và đã cho tôi thêm sức mạnh trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”. Tâm Hồn Cao Thượng đã để lại ấn tượng cao đẹp trong tôi về tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương, tình yêu học đường, tình thầy trò, tình bạn bè, sự tử tế, lòng nhân ái… và nó đã theo tôi suốt cả thời niên thiếu.

Lối về ấu thơ là nẻo đường đưa ta về miền bình yên và tĩnh lặng. Những mùa thu cũ mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại; mảnh vườn thân yêu, mái ngói rêu phong, con đường đất nhỏ, lũy tre xanh, hàng dừa cao cao… giờ đây mất dấu. Hình bóng của ngôi trường đầu tiên trong đời cũng trở thành mộng tưởng. Tất cả đã chìm vào sương khói mênh mông. Trong những giấc mơ, tôi chưa từng thấy mình chạy xe giữa phố thị đông vui mà thường thấy mình rảo bước trên lối xưa quạnh vắng. Nhiều đêm chợt thức giấc, tôi bỗng thương nhớ một vùng trời êm ả, để rồi mãi tiếc nuối khung cảnh tươi đẹp của những tháng ngày thơ mộng.  

Nguyễn Thị Thanh Lam

Tam Kỳ, Tháng 08/2017

Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

ĐIẾU VĂN

Nước xuôi lạnh một dòng sầu

Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian

(Hoài Khanh)

Anh Huỳnh Ngọc Chiến đã ra đi và ra đi mãi mãi, sáu mươi bảy năm nhẹ nhàng trôi qua như một cơn gió thoảng. Trong giờ phút cuối cùng của ngày đầu tháng sáu, anh đã thôi cơn mộng huyễn, giã từ chúng ta và dừng cuộc rong chơi giữa cõi đời hư ảo. Anh sẽ hóa thân về cõi Tịnh Độ hay tái sinh trong chốn Ta Bà để tiếp tục hoàn thành những mộng ước ấu thời? Ở bên kia cửa tử, riêng anh mới biết rõ; còn chúng ta, những người đang ở phía bên này không thể nào đoán được. Bí ẩn vẫn hoàn toàn bí ẩn!

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tam Kỳ, được song thân dưỡng dục theo tinh thần Từ Bi của Đạo Phật, nên từ nhỏ anh đã có tinh thần mộ đạo. Thuở thiếu thời, nhiều năm anh đã phát tâm trường trai và nuôi chí nguyện xuất gia nhưng có lẽ nghiệp lực vẫn còn ràng buộc với chốn trần gian nên nguyện ước không thành. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, những anh trai của anh học giỏi nổi tiếng một thời; từ môi trường tốt đẹp đó, ngay từ thuở nhỏ, anh đã học hành xuất sắc và có những thành tích đáng nể. Anh đã đậu thủ khoa kì thi Đệ Thất vào trường trung học Trần Cao Vân năm 1967. Vào độ tuổi trung niên anh mới bắt đầu theo học ngành Tin học, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ Công Nghệ Thông Tin với luận văn thủ khoa.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, anh vào Sài Gòn học dự bị Y khoa, chưa đầy một năm thì đất nước đổi thay. Vì hoàn cảnh cũng như thời cuộc, anh phải bỏ học và trở lại quê nhà. Năm 1976, anh theo học ngành Toán tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Nẵng; sau khi tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm giảng viên âm nhạc. Đây là một điều kì lạ, tuy anh tốt nghiệp chuyên ngành Toán và không có bằng cấp gì về âm nhạc nhưng lại giảng dạy âm nhạc. Tám năm sau, anh về làm việc 3 năm tại Trung Tâm Dạy Nghề Tam Kỳ với vị trí giáo viên tiếng Anh cho học sinh cấp III tại trường Bán Công Trần Dư. Sau đó, anh đã công tác ở một số nơi như Công Ty Điện Lạnh Đà Nẵng, Công Ty Xây Dựng Tam Kỳ, Sở Khoa Học & Công Nghệ Quảng Nam, Phó Giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Tư Liệu Quảng Nam. Năm 2002, anh chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm giảng viên môn lập trình tại trường Cao Đẳng Giao Thông 3 cho đến lúc về hưu. Trong quãng đời 25 năm giảng dạy của mình, anh đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của một người thầy và đã để lại những dấu ấn sâu đậm cho nhiều thế hệ học trò. Tình nghĩa thầy trò vẫn tươi đẹp và gắn bó cho đến ngày anh rời cõi tạm.

Trong anh Huỳnh Ngọc Chiến có hai con người, con người của sư phạm và con người của biên khảo, sáng tác và dịch thuật. Con người nào cũng đem lại cho anh niềm hạnh phúc, nhưng có lẽ con người thứ hai đem hạnh phúc đến cho anh nhiều hơn: Con người của tài hoa và uyên bác. Từ cái nền logic của Toán và Tin học, cộng thêm với năng khiếu ngoại ngữ và văn tài rực rỡ, anh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Về báo chí, anh từng phụ trách mục “Tản Mạn Chuyện Võ Lâm” và “Chuyện Đông Chuyện Tây” trên tập san Kiến Thức Ngày Nay, viết về Phật học cho tập san Giác Ngộ và tập san Liễu Quán. Anh cũng viết về chủ đề văn chương và triết học cho tạp chí Hợp Lưu, Da Màu ở Mỹ và tạp chí Talawas ở Đức. Những năm tháng nghỉ hưu, anh còn cộng tác với báo Quảng Nam Cuối Tuần trong mục “Lai Rai Chữ Nghĩa”. Chỉ với vốn liếng cơ bản về tiếng Anh và tiếng Pháp thời trung học, anh đã không ngừng tự học, rồi đủ thành thạo để có thể dịch trôi chảy những tác phẩm tinh hoa về Triết học Phật giáo, Triết học Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng. Ngoài ra, với vốn chữ Hán tự học thời trung học, anh đã tiếp tục nỗ lực trong nhiều năm dài khi trưởng thành, và cuối cùng anh đã dịch thành công những tác phẩm nổi tiếng của Triết học và Văn học Trung Quốc. Về biên khảo, anh đã có hai tác phẩm sâu sắc mà tài hoa là Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ - Tiểu luận về Kim Dung và Trúc Thanh Tập - Hương Thiền qua tiếng trúc. Tổng cộng, anh đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách về biên khảo và dịch thuật. Tác phẩm biên khảo dễ đọc và được nhiều độc giả trong nước cũng như hải ngoại chú ý đến là Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ. Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ thuộc loại bán chạy nên đã tái bản rất nhiều lần. Không nói quá lời rằng, qua cái nhìn thấu đáo và tinh tế về Phật học và Triết học Đông Phương, anh là người đã giải mã và viết về Kim Dung xuất sắc nhất, tài hoa nhất và đúng ý đồ của Kim Dung nhất của đất nước Việt Nam. Đây chính là tác phẩm biên khảo để đời của anh.

Về âm nhạc, anh đã cho mắt ra tập nhạc Cung Trầm, đây là tập nhạc gồm những ca khúc mà anh đã sáng tác trong một thời gian khá dài. Những cung bậc về tình yêu, tình bạn, lòng hoài cổ, vẻ đẹp của quê hương… của anh rất nhẹ nhàng và tình cảm. Nhạc phẩm Đêm Trăng Khơi nổi lên như một ngôi sao sáng rực, âm hưởng cổ điển và sâu lắng như những nhạc phẩm thời tiền chiến - thời mà nền văn minh cơ khí chưa ồn ào náo nhiệt. Phải chăng nơi đây anh đã gửi gắm niềm u hoài của riêng mình khi nhắc đến các điển tích và những bậc tài hoa trác tuyệt của hai xứ Đông - Tây?

Vùng đất nghèo Tam Kỳ khi xưa đã sản sinh và nuôi dưỡng một người con tài hoa lỗi lạc. Anh được nhiều người mến mộ, anh là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, người quen và quê hương bé nhỏ này. Trong cõi sinh tử vô thường này có mấy ai được hân hưởng niềm vinh hạnh như anh.

Trăm năm rồi sẽ qua mau

Chỉ còn đọng lại trong nhau chữ tình

Từ biệt vợ con, anh để lại một khoảng trống mênh mông cho gia đình mà không có gì có thể bù đắp được. Thấp thoáng sau lưng anh là bóng dáng của người vợ hiền lành, đảm đang và tháo vát. Chị đã quán xuyến và lo toan mọi bề để anh hoàn toàn yên tâm theo đuổi sự nghiệp trước tác. Cứ ngỡ vợ chồng anh sẽ hưởng hạnh phúc trọn vẹn lúc tuổi già xế bóng, nào ngờ anh đi xa theo số trời đã định. Hai con anh dù đã trưởng thành nhưng vẫn đau buồn vì thiếu vắng tình cha. Khi anh im hơi lặng tiếng, chỉ có một cháu về nhìn mặt anh lần cuối, còn cháu kia thì ở bên kia bờ đại dương nên không thể nào về được. Trách nhiệm làm chồng làm cha của anh coi như trọn vẹn, nên anh đã bình tâm thâm nhập vào cõi vô cùng.

Nói về anh thì không thể nào quên nói về tấm lòng của anh đối với bạn bè. Anh là người bạn hết mực chân tình, lúc sinh thời, anh luôn quý mến, thương yêu và hết lòng vì bè bạn. Bởi vậy, lúc mạnh khỏe, cũng như khi đau đớn vì bạo bệnh, quanh anh luôn hiện diện những người bạn thân yêu - nhất là những người bạn thời còn cắp sách. Anh đã gieo những hạt mầm tươi đẹp, và đã gặt hái những mùa bội thu tình người cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong thời buổi mà chữ tình dường như bị lãng quên trong tâm thức của con người đương đại, riêng anh, anh đã ra đi thanh thản trong vòng tay yêu quý và sự thương tiếc của một nhóm bạn thân hiếm có. Anh còn có những người bạn ở xa hoặc rất xa, vì tình hình dịch bệnh nên không thể gặp anh lần cuối và tiễn đưa anh về miền khói sương lãng đãng, nhưng lúc nào họ cũng ở bên anh và dõi theo anh đến thời khắc cuối cùng. Anh không bao giờ cô đơn hay cô độc khi lãng du qua cõi trần để rong chơi, tửu ẩm và ca hát. Như lời anh từng nói, anh là người bệnh hạnh phúc nhất thế gian. Dù anh đã ra đi vĩnh viễn nhưng hình ảnh của anh vẫn còn sống động trong trái tim của mọi người.

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Bốn câu thơ mong manh như tơ trời của thiên tài Phạm Công Thiện đã tiễn đưa anh về nơi anh đã nguyện ước lúc sinh thời.

Giã từ những tháng ngày thơ mộng, giã từ những buồn vui của một kiếp nhân sinh, giờ đây thân xác anh đã được yên nghỉ sau những cơn thống khổ đến kinh người. Ngủ yên anh Huỳnh Ngọc Chiến nhé!

Hồ Phú Hùng

Tam Kỳ, 04/06/2021


Chủ Nhật, 19 tháng 11, 2023

TRỞ VỀ

Cuối thu năm 1983, trong ngôi nhà êm ấm tại làng Bàn Tân, Đại Lộc - nơi có con sông Vu Gia từ đầu nguồn chảy qua - tôi thường đàn hát bài Trở Về của Châu Kỳ từ tập nhạc quý báu được gìn giữ rất lâu của người cậu ruột. Bốn mươi năm trôi qua, ông bà ngoại và cậu mợ tôi đã lần lượt đi xa. Giờ đây, mấy đứa em con cậu tôi mỗi người mỗi ngả, chỉ còn một người ở lại trông nom ngôi nhà ấy.

Mảnh vườn xưa, căn nhà nhỏ - nơi đại gia đình bên ngoại tôi sum vầy - giờ hoang vắng cô liêu. Mỗi lần nghe lại bài nhạc trên, cảnh cũ người xưa, làng mạc hiền hòa, bãi sông thơ mộng... hiển hiện thật rõ nét. Phải chăng, ca khúc Trở Về là điềm báo về một làng quê thanh bình, nơi mà tôi đã từng sinh sống trong một thời gian ngắn cách đây mấy mươi năm, giờ đây không còn nữa?

Trở về. wmv (NS: Châu Kỳ- C.S:Ngọc Hạ). - YouTube