Thứ Năm, 20 tháng 2, 2014

CHIẾC LÁ THU PHAI

Chiều nay thức dậy, nhìn thấy âm u và hoang vắng quanh đây, những ca từ trong Xa Dấu Mặt Trời của Trịnh Công Sơn từ cõi mênh mông vô thức ùa về.

Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời
Không còn thấy loài người
Vây phủ quanh đời
Nói tiếng yêu thương.

Hôm nay thức dậy không còn thấy mặt trời
Không còn thấy một người
Hơi thở ru đời
Như gió ru mây

..............

Hôm nay thức dậy không nhìn thấy mặt trời
Hay mình đã lạc loài
Vó ngựa trên đời
Hay dấu chim bay...
Xa Dấu Mặt Trời là nhạc phẩm mà tôi thường cất lên vào những chiều đông mưa gió mịt mùng trong cái nông trại hoang sơ hiu hắt ở thôn Trung Đàn tự thuở mới ngoài đôi mươi. 

Như trong chớp mắt mà đã hơn ba mươi năm trôi qua, dòng sông đời cũng cuốn trôi về biển cả những gì thuộc về thời đầu xanh tuổi trẻ. Trong chiều xuân lành lạnh nhưng có "gió heo may" thổi về, tôi ngồi đây như một ẩn sĩ giữa phố thị cô liêu với mái tóc đã trở thành lau trắng, rồi bỗng nhiên muốn nghe lại Chiếc Lá Thu Phai. 

Bài nhạc Chiếc Lá Thu Phai tuy nghe rất buồn nhưng không phải là cái buồn da diết, ủy mị, buốt xé da thịt mà là cái buồn sâu lắng mênh mông... Với tôi, mỗi khi nghe dòng nhạc này của TCS thì cũng chính là lắng nghe tiếng lòng của mình; trong phút chốc, cái bản ngã bé nhỏ của mình dường như tan biến, cõi lòng nhẹ nhàng và niềm yêu thương trải rộng đến vô biên.

Thứ Sáu, 14 tháng 2, 2014

LAN MAN CHUYỆN ĐỜI SAU TẾT GIÁP NGỌ - 2014

Một cái Tết lại trôi qua! Hôm nay là ngày mười một tháng giêng, ngoài kia mọi sinh hoạt đã trở về trong vẻ thường nhật; tôi ngồi đây tâm trí đủ tĩnh lặng để “phát lại” đoạn phim đã thu vào trong nửa tháng qua cùng đôi dòng cảm nghĩ.

Thời tiết trong những ngày cuối tháng chạp tốt lành báo hiệu cho những ngày Tết đến đầy nắng ấm tươi vui, nhưng người dân Tam Kỳ không náo nức đón xuân sang như mọi năm trước. Có lẽ do tình hình tài chính không mấy thuận lợi nên gương mặt của người người đều hiển lộ âu lo. Tuy vậy trong những ngày giáp Tết, không khí mua sắm ở các chợ cũng trở nên nhộn nhịp và sôi động hẳn lên. Trong tâm trí người Việt, ba ngày Tết là những ngày quan trọng nhất trong năm, vì thế dù có khó khăn đến mấy đi nữa, người ta cũng mong muốn có một cái Tết đầy đủ với bánh mứt, thịt thà... Nếu gia đình nào không đủ tiền lo Tết thì họ cũng phải xoay xở, vay mượn đâu đó rồi ra năm sẽ tính; cũng nhờ vậy, đến chiều ba mươi Tết những người buôn bán ở chợ cũng giải quyết hết hàng hóa. Người nghèo thường phải chịu thiệt thòi trong chuyện sắm Tết, bởi khi họ chạy ra được tiền thì đã bị trễ chợ, mà càng trễ chợ thì giá cả càng leo thang. Chuẩn bị kết thúc một năm cũ để bước sang một năm mới mà trong lòng đầy nỗi lo toan thì niềm vui làm sao được trọn vẹn. Không biết đến bao giờ giống nòi mình mới biết thương yêu nhau, mới hết cảnh bắt chẹt nhau để dân nghèo bớt khổ?

Tuy kinh tế đi xuống nhưng năm nay tại các địa điểm bán hoa lại bạt ngàn hoa Tết, người mua thì ít nhưng hoa cúc và cam quật thì nhiều không kể xiết. Giới bán hoa năm nay phần đông bị thất bại nặng nề; có người lỗ méo mặt, có người mất sạch vốn. Tôi không có thói quen đi dạo khu bán hoa lớn nhất ở Tam Kỳ vào tối ba mươi Tết nên không chứng kiến những cảnh đau lòng; tuy vậy, trong những ngày đầu năm, tôi đã được người thân kể lại. Đến giờ giao thừa nhưng khu này vẫn còn nguyên cả rừng cam quật và hoa cúc, người đi mua hoa thì ít mà khách đến ngắm chơi thì nhiều. Giả sử, người bán có nhã ý tặng hoa cho tất cả những người có mặt lúc đó thì cũng chỉ vơi đi một phần mười số chậu hoa đang trưng bày la liệt. Một điều đáng buồn là trong những năm gần đây, một số không ít người chơi hoa thường “phục kích” đến sát giờ giao thừa mới đi mua hoa để được giá rẻ; kẻ mua đánh trúng vào tâm lí của người bán: thà bán rẻ để vớt vát chút ít, thà là của đổ hốt lại còn hơn là trắng tay. Nói chung, kẻ mua muốn ép người bán, nếu người bán không chịu bán đổ bán tháo vào thời điểm này thì trước sau cũng phải “bỏ của chạy lấy người” mà thôi.

Năm nay kẻ mua hoa vô cùng nhẫn tâm, họ ép người bán hoa phải bán cho họ bằng một phần năm giá trị hiện thời, một chậu cúc trị giá 250 ngàn đồng nhưng kẻ mua chỉ trả giá chỉ còn 50 ngàn đồng. Một số người bán hoa quyết “thà chết chứ không chịu bị thương”, họ chấp nhận mất sạch nên đã tìm cách đập bể hết các chậu hoa xong rồi mới về nhà. Địa điểm bán hoa nằm tại quảng trường - đối diện với trụ sở của UBND tỉnh Quảng Nam - nên ngay sáng ngày mùng một Tết, công ty môi trường phải huy động rất nhiều xe hốt rác đến, nhân viên vệ sinh phải mất một buổi mới dọn hết cả đống chậu vỡ và hoa cúc nằm ngổn ngang. Nghe nói có một đôi vợ chồng trẻ vay mượn gần hai trăm rưỡi triệu đồng đem mua hoa để bán trong dịp Tết, nhưng từ lúc bắt đầu bán đến lúc kết thúc thương vụ họ chỉ bán được vỏn vẹn có vài triệu đồng. Khi giờ giao thừa đã điểm, đôi vợ chồng trẻ thì chỉ còn biết ôm mặt mà khóc.

Chuyện không đoán được sức mua của thị trường và lời lỗ trong kinh doanh chỉ là chuyện thường tình, nhưng nghĩ đến việc người dân xứ mình đối xử tệ bạc với nhau như vậy, lòng tôi cảm thấy quá ngao ngán. Hành động người dân đổ xô cướp bia ở Biên Hòa và cướp nhãn tươi ở Quảng Bình khi xe tải chở hàng bị lật cách đây chưa tròn ba tháng đã nói lên điều gì? Đất nước này sẽ về đâu nếu tình trạng thừa nước đục thả câu và tình trạng sống chết mặc bay cứ thường xuyên xảy ra? Có quá nhiều trái tim đang bị chai cứng, quá nhiều tâm hồn đang vô cảm trước nỗi đau của đồng loại.

Đêm trừ tịch, nhà tôi không có lệ cúng giao thừa nhưng đến giờ này tôi vẫn có thói quen mở hé cửa và bước ra ngoài trời để hít thở bầu không khí nguyên sơ của giây phút bắt đầu một năm mới. Không có tiếng pháo đì đùng gần xa nên giờ giao thừa đã mất đi nhiều ý nghĩa, tuy vậy nhìn cảnh nhà nhà hai bên phố đã bày hương án, cảnh mọi người xì xụp khấn vái và cầu xin cho một năm đầy an khang và thịnh vượng thì lòng tôi cũng cảm thấy yên vui. Dẫu không tin thánh thần và cô bác phù hộ độ trì nhưng tôi vẫn nhận ra lễ cúng giao thừa là một nét đẹp trong dân gian, một biểu hiện của văn hóa tâm linh trong giờ phút thiêng liêng nhất.

Khi mọi người đã cúng xong, thủ tục đốt vàng mã bắt đầu xuất hiện. Tục lệ đốt vàng mã có lẽ do tính nhân văn mà hình thành, và ngày xưa người ta chỉ đốt một ít giấy vàng bạc cho có lệ. Ngày nay, do tin tưởng là “người cõi âm” sẽ có tiền bạc để chi tiêu và hưởng thụ đầy đủ những tiện nghi như người trần thế nên người ta đốt vàng mã quá nhiều. Khoảng mười năm trở lại đây, đời sống vật chất được nâng lên đáng kể, người dân không còn lo chuyện ăn no mặc ấm nữa mà đã được ăn ngon mặc đẹp. Tuy vậy, tâm thức của cộng đồng đã có chiều hướng đi xuống, tệ nạn mê tín dị đoan bùng phát và hoành hành dữ dội, tục đốt vàng mã theo đó cũng lên ngôi. Từ người có học đến người ít học, từ công chức nhà nước cho đến dân đen, ai ai cũng cúng bái và đốt vàng mã. Người ta đốt vàng mã trong vô số dịp: cúng rằm và mùng một, đám giỗ, chạp mã, cầu an, khai trương, tất niên..., có người còn chi ra cả chục triệu đồng để đốt đi số vàng mã chất đầy cả một xe ba gác. Tôi càng yêu mùi thuốc pháo và màu hồng của xác pháo bao nhiêu thì càng ghét cái mùi khét lẹt của vàng mã bị cháy và màu tro bụi xám đen theo gió vương vãi khắp nơi bấy nhiêu.

Ngày thường, nhiều lúc cảm thấy ngột ngạt với đời sống thế tục, người ta muốn vãn cảnh chùa để tạm lánh xa cảnh bụi trần và tìm thấy sự thanh thản của tâm hồn. Trong dịp đầu xuân, Phật tử đến chùa lễ Phật để nuôi dưỡng hạt giống Bồ Đề và mở rộng lòng từ bi là một nét văn hóa tốt đẹp. Nhưng chùa chiền thay vì là nơi hướng dẫn đời sống tinh thần cho tín đồ lại thành nơi tuyên truyền sự mê tín, có nhiều thầy tu cũng xem ngày tốt xấu, cũng cúng nhương sao giải hạn... Nơi dạy đạo lí Giác Ngộ của bậc từ phụ đã biến thành nơi buôn thần bán thánh và không khí sặc mùi danh lợi. Đức Phật bị biến thành vị thần linh, thiên hạ thi nhau quỳ mọp trước tượng của ngài để cầu xin phước lộc.

Carl Jung - người sáng lập ra trường phái Phân tâm học Miền sâu - đã sáng tạo ra cụm từ “vô thức tập thể”, từ ngữ này nói đến sức mạnh của vô thức trong việc điều động tâm trí của một nhóm người, của một cộng đồng, của một dân tộc... Phải chăng sau một thời gian dài không còn tin vào bất cứ thế lực nào có thể đem đến cho mình hạnh phúc ở chốn trần gian nên hiện nay có quá nhiều người ở đất nước này chỉ còn biết dựa dẫm vào thế lực của thần quyền? Cơn lên đồng tập thể đầy mê sảng này sẽ “di truyền” đến tận đời con cháu, chắt chít... Biết đến bao giờ dân Việt mới thoát ra khỏi cơn rồ dại nói trên?

Ba ngày Tết năm nay thiên hạ ít đi chơi xuân hơn, lượng xe máy đi lại thưa thớt, thành phố có vẻ yên tĩnh. Thời tiết năm nay rất đẹp, có nắng hanh gió nhẹ, bầu trời trong xanh và hoa lá reo vui... Trong khung cảnh yên bình thơ mộng, mùa xuân réo gọi ngoài cửa, hồn tôi bỗng rộng mở thênh thang, những khắc khoải siêu hình dường như đã biến mất. Tết năm nào vợ chồng tôi cũng du xuân, nói du xuân cho vui nhưng thực ra chúng tôi chỉ đi loanh quanh để thăm viếng anh em, bà con mà không dám đi chơi đâu xa. Việc di chuyển bằng xe máy ở Việt Nam có nhiều sự bất trắc, cho nên hạn chế ra đường là cách đề phòng tốt nhất.

Thanh niên bây giờ chạy xe máy rất ẩu tả và không cần tuân theo luật lệ gì cả, có khi chúng uống rượu say mà vẫn chạy xe ào ào. Nhiều lúc mình đang chạy xe yên ổn, đột nhiên xuất hiện một thanh niên ngồi trên chiếc xe máy ngay ở phía sau mình, nó rú ga lạng lách qua mặt làm cho mình giật thót cả tim; khi hỏi ra, mới biết nhiều người cũng bị rơi vào tình trạng như vậy. Tôi đã chứng kiến những cảnh đụng xe, nhiều thanh niên đi sai luật giao thông mà còn hành hung người bị nạn theo kiểu côn đồ. Trước Tết, tôi chở vợ đến siêu thị để mua một ít đồ dùng lặt vặt thì gặp phải chuyện rất bực mình. Hai thanh niên khoảng chừng mười chín, hai mươi tuổi chen lấn vào cái cổng giữ xe của siêu thị, vì chen ngang nên tụi này phải lui lại cho xe tới trước đi vào. Lúc ấy, xe tôi dừng ngay phía sau xe của tụi này, khi chúng lui lại đột ngột thì đụng vào xe của tôi. Tôi liền bảo chúng là: Nếu lui xe lại thì phải xem có ai đứng phía sau mình không chứ, sao chẳng ý tứ gì vậy. Thay vì xin lỗi, hai thằng nhóc ngoái đầu lại sừng sộ tôi, tuy rất giận nhưng tôi đành nhịn bởi vì đụng đến đám này thì chỉ biết nhục với tụi nó, chưa nói đến chuyện chúng có thể hành hung mình và đôi khi còn dùng dao để xử mình nữa.

Ngày xưa, hầu hết thanh niên ở Tam Kỳ như chúng tôi ai nấy đều hiền lành và dễ mến, thế nhưng ngày nay lại có không ít thanh niên mất dạy và hung hăng một cách đáng sợ. Khuôn mặt của chúng luôn đằng đằng sát khí, lúc nào cũng chờ chực để gây sự và chẳng coi những người đáng tuổi cha chú mình ra cái thá gì cả. Phải chăng việc đô thị hóa luôn kèm theo sự lưu manh hóa? Báo chí thường đưa tin về những vụ việc thanh niên va chạm xe với nhau ngoài đường, hai bên chẳng hề hấn gì nhưng rồi bọn chúng cũng gây gổ với nhau và án mạng lại xảy ra. Sinh viên là thành phần có ăn học hẳn hoi mà cũng có một số chơi cờ bạc, đâm chém, cướp giật, nghiện ngập; thậm chí, có đứa sau khi làm tình với người yêu của mình, đã không ngần ngại giết chết bạn tình để cướp của mà còn chặt đầu để phi tang. Thật dã man hết sức! Đất nước đã thống nhất gần 40 năm, sao mà “tàn dư của đế quốc Mỹ” còn di hại đến tận bây giờ?

Mấy ngày nay trời âm u và lành lạnh, tuy đầu năm mới nhưng tôi vẫn ngồi đây để kể những câu chuyện không mấy hay ho cho người thân và bè bạn. Niềm vui của người dân xứ sở này có thể nào được trọn vẹn khi mà chuyện đau buồn cứ xảy ra thường trực. Phải chăng, chỉ khi nào ta tập sống vô tư như con trẻ thì may ra mùa xuân của cuộc đời mới trở thành vĩnh cửu?

Dẫu chưa có dấu hiệu gì rõ ràng nhưng khi đạo lí đã mờ nhạt, đạo đức quá băng hoại thì xã hội dần dần bị phân hóa và tan rã. Tai họa không phải xảy ra trong một sớm một chiều, mà do cái mầm đã được gieo trước đó. Những câu chuyện đau lòng như con giết cha, vợ giết chồng đâu phải bỗng nhiên mà có nếu trước đó hạt giống con tố cha vợ tố chồng không được gieo kĩ và đã đến lúc dần dần nẩy nở. Người xưa đã thốt lên: “Lí sương kiên băng chí” - Chân dẫm lên sương mà biết trước được mùa băng giá sắp đến (Kinh Dịch). Đất nước đã lặng im tiếng súng từ lâu, thiên hạ được sống trong cảnh thanh bình như hằng mong ước nhưng lòng người đi vào thời li loạn. Khi lí trí luôn được đề cao, khi sự thành công về vật chất luôn được tôn vinh, còn cảm xúc của trái tim bị xem là thứ vô ích thì bất kì chuyện xấu xa gì cũng có thể xảy ra như báo chí thường xuyên cho biết. Dường như tất cả đã trở nên bế tắc!

Quê hương là một từ ngữ trống rỗng nếu lòng người mất đi tình tự quê hương. Quê hương không chỉ là cảnh vật, núi sông, là thú vui ẩm thực... mà còn là những kỉ niệm êm đềm hiền hòa, là tình cảm sâu nặng với ông bà và cha mẹ, với người thân và đồng bào, với bạn bè và thầy cô - những sợi dây thân ái nối liền qua năm tháng. Khi những yếu tố tinh thần vô cùng tốt đẹp kia bị mất đi thì quê hương sẽ rơi vào quên lãng. Làm sao những thanh niên lớn lên trên xứ sở khô cằn này có thể nhớ về Quê Hương khi viễn xứ? Còn có bao nhiêu người biết lo lắng và trăn trở cho vận mệnh của Quê Hương?

Khóc lên đi, ôi quê hương yêu dấu! (*)

(*) Cry, The Beloved Country (Alan Paton - Nguyễn Hiến Lê dịch, NXB Ca Dao, Sài Gòn 1969)