Thứ Sáu, 24 tháng 11, 2023

ĐIẾU VĂN

Nước xuôi lạnh một dòng sầu

Biết về đâu hỡi mấy màu thời gian

(Hoài Khanh)

Anh Huỳnh Ngọc Chiến đã ra đi và ra đi mãi mãi, sáu mươi bảy năm nhẹ nhàng trôi qua như một cơn gió thoảng. Trong giờ phút cuối cùng của ngày đầu tháng sáu, anh đã thôi cơn mộng huyễn, giã từ chúng ta và dừng cuộc rong chơi giữa cõi đời hư ảo. Anh sẽ hóa thân về cõi Tịnh Độ hay tái sinh trong chốn Ta Bà để tiếp tục hoàn thành những mộng ước ấu thời? Ở bên kia cửa tử, riêng anh mới biết rõ; còn chúng ta, những người đang ở phía bên này không thể nào đoán được. Bí ẩn vẫn hoàn toàn bí ẩn!

Sinh ra và lớn lên tại vùng đất Tam Kỳ, được song thân dưỡng dục theo tinh thần Từ Bi của Đạo Phật, nên từ nhỏ anh đã có tinh thần mộ đạo. Thuở thiếu thời, nhiều năm anh đã phát tâm trường trai và nuôi chí nguyện xuất gia nhưng có lẽ nghiệp lực vẫn còn ràng buộc với chốn trần gian nên nguyện ước không thành. Xuất thân từ một gia đình có truyền thống hiếu học, những anh trai của anh học giỏi nổi tiếng một thời; từ môi trường tốt đẹp đó, ngay từ thuở nhỏ, anh đã học hành xuất sắc và có những thành tích đáng nể. Anh đã đậu thủ khoa kì thi Đệ Thất vào trường trung học Trần Cao Vân năm 1967. Vào độ tuổi trung niên anh mới bắt đầu theo học ngành Tin học, anh đã tốt nghiệp thạc sĩ Công Nghệ Thông Tin với luận văn thủ khoa.

Năm 1974, sau khi tốt nghiệp tú tài toàn phần, anh vào Sài Gòn học dự bị Y khoa, chưa đầy một năm thì đất nước đổi thay. Vì hoàn cảnh cũng như thời cuộc, anh phải bỏ học và trở lại quê nhà. Năm 1976, anh theo học ngành Toán tại trường Cao Đẳng Sư Phạm Đà Nẵng; sau khi tốt nghiệp, anh được nhà trường giữ lại làm giảng viên âm nhạc. Đây là một điều kì lạ, tuy anh tốt nghiệp chuyên ngành Toán và không có bằng cấp gì về âm nhạc nhưng lại giảng dạy âm nhạc. Tám năm sau, anh về làm việc 3 năm tại Trung Tâm Dạy Nghề Tam Kỳ với vị trí giáo viên tiếng Anh cho học sinh cấp III tại trường Bán Công Trần Dư. Sau đó, anh đã công tác ở một số nơi như Công Ty Điện Lạnh Đà Nẵng, Công Ty Xây Dựng Tam Kỳ, Sở Khoa Học & Công Nghệ Quảng Nam, Phó Giám đốc Trung Tâm Công Nghệ Thông Tin & Tư Liệu Quảng Nam. Năm 2002, anh chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh làm giảng viên môn lập trình tại trường Cao Đẳng Giao Thông 3 cho đến lúc về hưu. Trong quãng đời 25 năm giảng dạy của mình, anh đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm vụ của một người thầy và đã để lại những dấu ấn sâu đậm cho nhiều thế hệ học trò. Tình nghĩa thầy trò vẫn tươi đẹp và gắn bó cho đến ngày anh rời cõi tạm.

Trong anh Huỳnh Ngọc Chiến có hai con người, con người của sư phạm và con người của biên khảo, sáng tác và dịch thuật. Con người nào cũng đem lại cho anh niềm hạnh phúc, nhưng có lẽ con người thứ hai đem hạnh phúc đến cho anh nhiều hơn: Con người của tài hoa và uyên bác. Từ cái nền logic của Toán và Tin học, cộng thêm với năng khiếu ngoại ngữ và văn tài rực rỡ, anh đã đạt được những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực khoa học nhân văn. Về báo chí, anh từng phụ trách mục “Tản Mạn Chuyện Võ Lâm” và “Chuyện Đông Chuyện Tây” trên tập san Kiến Thức Ngày Nay, viết về Phật học cho tập san Giác Ngộ và tập san Liễu Quán. Anh cũng viết về chủ đề văn chương và triết học cho tạp chí Hợp Lưu, Da Màu ở Mỹ và tạp chí Talawas ở Đức. Những năm tháng nghỉ hưu, anh còn cộng tác với báo Quảng Nam Cuối Tuần trong mục “Lai Rai Chữ Nghĩa”. Chỉ với vốn liếng cơ bản về tiếng Anh và tiếng Pháp thời trung học, anh đã không ngừng tự học, rồi đủ thành thạo để có thể dịch trôi chảy những tác phẩm tinh hoa về Triết học Phật giáo, Triết học Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng. Ngoài ra, với vốn chữ Hán tự học thời trung học, anh đã tiếp tục nỗ lực trong nhiều năm dài khi trưởng thành, và cuối cùng anh đã dịch thành công những tác phẩm nổi tiếng của Triết học và Văn học Trung Quốc. Về biên khảo, anh đã có hai tác phẩm sâu sắc mà tài hoa là Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ - Tiểu luận về Kim Dung và Trúc Thanh Tập - Hương Thiền qua tiếng trúc. Tổng cộng, anh đã xuất bản khoảng 20 cuốn sách về biên khảo và dịch thuật. Tác phẩm biên khảo dễ đọc và được nhiều độc giả trong nước cũng như hải ngoại chú ý đến là Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ. Lai Rai Chén Rượu Giang Hồ thuộc loại bán chạy nên đã tái bản rất nhiều lần. Không nói quá lời rằng, qua cái nhìn thấu đáo và tinh tế về Phật học và Triết học Đông Phương, anh là người đã giải mã và viết về Kim Dung xuất sắc nhất, tài hoa nhất và đúng ý đồ của Kim Dung nhất của đất nước Việt Nam. Đây chính là tác phẩm biên khảo để đời của anh.

Về âm nhạc, anh đã cho mắt ra tập nhạc Cung Trầm, đây là tập nhạc gồm những ca khúc mà anh đã sáng tác trong một thời gian khá dài. Những cung bậc về tình yêu, tình bạn, lòng hoài cổ, vẻ đẹp của quê hương… của anh rất nhẹ nhàng và tình cảm. Nhạc phẩm Đêm Trăng Khơi nổi lên như một ngôi sao sáng rực, âm hưởng cổ điển và sâu lắng như những nhạc phẩm thời tiền chiến - thời mà nền văn minh cơ khí chưa ồn ào náo nhiệt. Phải chăng nơi đây anh đã gửi gắm niềm u hoài của riêng mình khi nhắc đến các điển tích và những bậc tài hoa trác tuyệt của hai xứ Đông - Tây?

Vùng đất nghèo Tam Kỳ khi xưa đã sản sinh và nuôi dưỡng một người con tài hoa lỗi lạc. Anh được nhiều người mến mộ, anh là niềm tự hào của gia đình, bạn bè, người quen và quê hương bé nhỏ này. Trong cõi sinh tử vô thường này có mấy ai được hân hưởng niềm vinh hạnh như anh.

Trăm năm rồi sẽ qua mau

Chỉ còn đọng lại trong nhau chữ tình

Từ biệt vợ con, anh để lại một khoảng trống mênh mông cho gia đình mà không có gì có thể bù đắp được. Thấp thoáng sau lưng anh là bóng dáng của người vợ hiền lành, đảm đang và tháo vát. Chị đã quán xuyến và lo toan mọi bề để anh hoàn toàn yên tâm theo đuổi sự nghiệp trước tác. Cứ ngỡ vợ chồng anh sẽ hưởng hạnh phúc trọn vẹn lúc tuổi già xế bóng, nào ngờ anh đi xa theo số trời đã định. Hai con anh dù đã trưởng thành nhưng vẫn đau buồn vì thiếu vắng tình cha. Khi anh im hơi lặng tiếng, chỉ có một cháu về nhìn mặt anh lần cuối, còn cháu kia thì ở bên kia bờ đại dương nên không thể nào về được. Trách nhiệm làm chồng làm cha của anh coi như trọn vẹn, nên anh đã bình tâm thâm nhập vào cõi vô cùng.

Nói về anh thì không thể nào quên nói về tấm lòng của anh đối với bạn bè. Anh là người bạn hết mực chân tình, lúc sinh thời, anh luôn quý mến, thương yêu và hết lòng vì bè bạn. Bởi vậy, lúc mạnh khỏe, cũng như khi đau đớn vì bạo bệnh, quanh anh luôn hiện diện những người bạn thân yêu - nhất là những người bạn thời còn cắp sách. Anh đã gieo những hạt mầm tươi đẹp, và đã gặt hái những mùa bội thu tình người cho đến lúc nhắm mắt xuôi tay. Trong thời buổi mà chữ tình dường như bị lãng quên trong tâm thức của con người đương đại, riêng anh, anh đã ra đi thanh thản trong vòng tay yêu quý và sự thương tiếc của một nhóm bạn thân hiếm có. Anh còn có những người bạn ở xa hoặc rất xa, vì tình hình dịch bệnh nên không thể gặp anh lần cuối và tiễn đưa anh về miền khói sương lãng đãng, nhưng lúc nào họ cũng ở bên anh và dõi theo anh đến thời khắc cuối cùng. Anh không bao giờ cô đơn hay cô độc khi lãng du qua cõi trần để rong chơi, tửu ẩm và ca hát. Như lời anh từng nói, anh là người bệnh hạnh phúc nhất thế gian. Dù anh đã ra đi vĩnh viễn nhưng hình ảnh của anh vẫn còn sống động trong trái tim của mọi người.

Đã đi rồi đã đi chưa

Thượng phương lụa trắng đong đưa giữa trời

Đã đi mất hẳn đi rồi

Hạ phương tịch mịch trùng khơi phong kiều

Bốn câu thơ mong manh như tơ trời của thiên tài Phạm Công Thiện đã tiễn đưa anh về nơi anh đã nguyện ước lúc sinh thời.

Giã từ những tháng ngày thơ mộng, giã từ những buồn vui của một kiếp nhân sinh, giờ đây thân xác anh đã được yên nghỉ sau những cơn thống khổ đến kinh người. Ngủ yên anh Huỳnh Ngọc Chiến nhé!

Hồ Phú Hùng

Tam Kỳ, 04/06/2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét