Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

THẮP SÁNG TƯƠNG LAI

Sau gần một tháng gia đình tôi được sum họp trong cảnh yên vui và đầm ấm, con tôi lại đi xa để tiếp tục công việc còn đang dang dở. Trong những ngày qua, mỗi khi chìm đắm trong tĩnh lặng, tôi hay hồi tưởng đến quãng thời gian con tôi còn nhỏ dại.

Căn gác cũ kĩ trong mái nhà xưa đã trở thành quá khứ, khoảng không gian bé nhỏ ấy là nơi lưu dấu bao kỉ niệm êm đềm của cha con tôi giờ đây thuộc về miền kí ức. Dấu tích xưa còn lại là cây đàn organ điện tử và một kệ sách khoảng hơn hai trăm cuốn của con tôi thuở nhỏ - hiện đang nằm trong căn phòng mới của con tôi. Chiều nay nhìn giá sách, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh đứa bé ngày xưa thường say mê và cặm cụi trên từng trang sách nhỏ. Lướt qua từng dãy sách mà một thời tôi đã cùng đọc với con trai, bỗng nhiên ánh mắt tôi dừng lại nơi cuốn Tâm Hồn Cao Thượng. Tay mân mê và nhẹ nhàng lật từng trang sách, tôi bắt gặp lại bài Học ĐườngHọc Đường là một bài viết có ý nghĩa nhất trong Tâm Hồn Cao Thượng mà tôi bắt buộc con tôi phải học thuộc lòng và chép đi chép lại nhiều lần để rèn luyện nét chữ. Cuốn vở học trò mà con tôi đã chép cẩn thận những bài học giá trị với nét chữ khá đẹp lúc còn đang học lớp ba đã bị thất lạc từ lâu. Khi con tôi đi học xa, tôi đã tìm đi tìm lại nhiều lần nhưng nó vẫn không lộ diện. Là người hay lưu giữ những kỉ vật của con và mang lòng hoài cổ nên đến giờ tôi vẫn còn hối tiếc.

Hỡi các bậc cha mẹ trẻ! Hãy lưu giữ cẩn thận những kỉ vật thuở ấu thời của những đứa con. Khi trẻ thơ trưởng thành, gia sản này sẽ làm phong nhiêu tâm hồn của chúng. Trước những giông gió phũ phàng của cuộc đời, cõi lòng chúng sẽ lắng dịu, tình yêu thương sẽ đâm chồi nảy lộc và cuối cùng chúng sẽ vượt qua được cơn thử thách.

HỌC ĐƯỜNG 

Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu’’ lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ: Xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng, chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi “xe trượt’’ trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ: Ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.

Tâm Hồn Cao Thượng - Edmond De Amicis (Hà Mai Anh dịch)

CHA VÀ CON



















Tình cờ, tôi sưu tầm được một bài luận của một học sinh viết về người cha thân yêu của mình. Bài luận này là một trong những bài luận mà một đại học Mỹ đã yêu cầu thí sinh phải hoàn thành khi nộp hồ sơ xin học đại học. Chủ đề của bài luận là “Hãy kể cho chúng tôi nghe về người đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc đời của bạn” .

Nhận thấy đây là một bài luận hay nên tôi đã tập tò dịch ra tiếng Việt với mục đích chia sẻ cho những bạn trẻ hiện đang có con trong độ tuổi cắp sách đến trường. Từ trải nghiệm bản thân - làm con rồi làm cha - tôi nghĩ rằng những bậc cha mẹ bớt thời gian tìm kiếm danh lợi, ít vui chơi và hưởng thụ cá nhân nhưng dành nhiều thời gian cho con trẻ thì sẽ nhận lại được niềm tin yêu, sự kính trọng và lòng hiếu thảo. Đây là những báu vật mà không bạc tiền nào có thể mua được. Có những món quà vô giá mà đứa trẻ sẽ hân hoan nhận lấy và mãi mãi biết ơn.Thời gian trôi qua rất nhanh, con cái bạn sẽ lớn nhanh như thổi và lúc ấy bạn không thể gần gũi chúng như thuở còn ấu thơ. 

Mười tám năm về trước, khi đọc câu chuyện ngắn về tình cha con của nhà văn Benjamin  J. Stein (Ưu Tiên Một Của Tôi - Lê Anh Dũng dịch), tôi đã xúc động một cách dị thường. Theo ý của riêng tôi, lời kết của tác giả trong câu chuyện: "Dành thời gian cho con, nào phải đâu tôi đã bỏ qua những việc trọng đại trong đời. Dành được thời gian cho con, đó mới chính là điều trọng đại." luôn luôn là chân lí sâu sắc mà tác giả đã sớm lĩnh hội được trong lúc nuôi dạy con cái.
  
Với tôi, sự thất bại lớn lao nhất của cha mẹ không phải là có những đứa con không thành đạt ngoài xã hội; mà sự thất bại lớn lao nhất của cha mẹ là có những đứa con không biết thương yêu và kính trọng bậc sinh thành.

BÀI LUẬN:

Ông là một người không có bằng cấp nào đặc biệt, không đạt những thành tích lớn lao và không có tên tuổi gì cả. Giống như mọi người khác, ông chỉ là một con người bình thường; nhưng đối với tôi ông là người có một tính cách độc nhất vô nhị, sở hữu một sự uyên bác hiếm có và gây ảnh hưởng lạ thường đối với tôi. Ông chính là ba tôi.

Do hoàn cảnh bắt buộc, việc học của ba tôi chấm dứt sau bậc trung học phổ thông, tuy vậy ông đã tự phát triển bản thân mình và truyền lại cho tôi một tính ham hiểu biết đặc biệt về kiến thức. Tôi nhớ lại một cách sống động rằng tôi rất thích thú trong những tiệm sách vào ngày cuối tuần, trong thời gian đó ông đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm có được để thành lập một thư viện của gia đình. Vào lúc tám tuổi, tôi bắt đầu đọc Túp lều chú Tom và những câu chuyện về Albert Einstein; vào lúc mười lăm, tôi quay sang đọc Hermann Hesse và Stephen Hawking. Nhưng không chủ đề nào tôi đọc mà ba tôi không luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn tôi, ngoài ra ông còn tìm kiếm sự giải thích từ bạn bè của ông bất cứ khi nào ông không thể làm sáng tỏ một khái niệm trừu tượng.

Bên cạnh sự khát khao hiểu biết, tôi cũng thừa hưởng sự kiên trì và tính quả quyết của ông. Mặc dù không có sự rèn luyện từ trước, nhưng khi tôi được năm tuổi, ông bắt đầu tự học và dạy tôi chơi đàn organ điện tử ba giờ mỗi đêm. Sự bền bỉ đã truyền cảm hứng cho tôi trong nhiều năm, tôi đã luyện tập ít nhất thêm hai giờ sau những buổi giảng dạy của ông. Chúng tôi đã làm việc một cách kiên nhẫn, cuối cùng công việc này cũng đem lại cho chúng tôi một kết quả đáng tự hào: tôi được xếp vị trí thứ nhất trong kì thi đàn Organ cấp tỉnh. Nhưng chính sự phát triển cảm xúc mạnh mẽ về âm nhạc, sự rèn luyện tinh thần của chính tôi và sự sẵn sàng vượt qua những trở ngại ở phía trước mới là những thứ đem đến cho ba tôi một niềm vui sướng lớn lao nhất.

Ba tôi cũng khắc sâu trong tôi ý thức về trách nhiệm và sự đồng cảm trong sự quan hệ với mọi người xung quanh thông qua lòng nhân đạo hay qua việc phô bày cho tôi thấy cảnh nghèo khó trên xứ sở của chúng tôi. Lúc tôi lên mười, tôi bắt đầu theo ông đi đến những gia đình nghèo khổ ở những miền quê lân cận để trò chuyện và tặng quà cho những trẻ em trạc tuổi tôi. Khi lớn lên, tôi đã sử dụng nhiều mùa hè dạy miễn phí tiếng Anh cho trẻ em ở những vùng nông thôn của tỉnh nhà. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy đè nặng nhưng sự mệt nhọc này đã tiêu tan lập tức khi nghĩ rằng sự thi ân của tôi có thể đem lại cho những người ấy một sự may mắn nhỏ.

Tất cả mọi thứ tôi đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ba tôi; nếu không có ông tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Ông cũng cho tôi thấy rằng, ẩn giấu trong một con người trông vẻ ngoài bình thường có thể là người có trái tim bằng vàng và một tính cách có một không hai. Điều quan trọng nhất là ông đã giúp tôi những bước đi lớn nhất trong cuộc hành trình của đời tôi: dạy cho tôi biết thế nào để đứng vững trên đôi chân của mình và luôn giúp đỡ người khác.

Tam Kỳ, tháng 09/2015

Chủ Nhật, 24 tháng 5, 2015

TẠ ƠN NGƯỜI

Giữa năm 1998, một người quen cho tôi mượn tập sách mỏng photocopy có tựa đề Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo của Phạm Công Thiện. Tôi đọc xong liền đem trả ngay và nói với họ rằng, đây là một cuốn sách giả mạo, cuốn sách này do người khác viết ra và đề tên Phạm Công Thiện. Vì sao tôi lại khẳng định như vậy? Năm ba mươi hai tuổi, tôi “bắt gặp” Phạm Công Thiện. Đối với tôi, ông có một sức hút đầy ma lực; từ chỗ yêu mến và say mê, tôi tìm đọc gần hết các tác phẩm của ông được xuất bản trước năm 1975. Do ăn nằm với ông khá lâu nên tôi quá quen thuộc văn phong và tính cách của ông. Nhận thấy trong Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo không thể hiện rõ cá tính của ông nên tôi không suy nghĩ mà phán liền như thế. Đây chính là một sự sai lầm chủ quan.

Vì quá tin vào sự hiểu biết của mình nên tôi mới mắc bệnh chủ quan. Tại sao tôi quá tin vào sự hiểu biết của mình? Số là như thế này. Do trở ngại về chuyện xe cộ trong một chuyến đi ra miền Trung vào năm 1997, thầy Tuệ Sỹ có ghé lại chùa Hòa An, Tam Kỳ để nghỉ lại một đêm. Được tin ấy, người bạn vong niên của tôi - người trước đây từng là tì kheo, về sau hoàn tục - đến nhà tôi và hỏi rằng tôi có muốn gặp thầy Tuệ Sỹ không. Trong thời gian ấy, thầy Tuệ Sỹ vẫn còn là người mà nhà nước không có thiện cảm. Tuy rất ngại chuyện rắc rối với chính quyền sau khi gặp thầy, nhưng do nhu cầu giải tỏa những thắc mắc về học thuật nên tôi đánh liều đến chùa để gặp thầy. Trước năm 1975, thầy Tuệ Sỹ từng giảng dạy tại Viện Đại Học Vạn Hạnh, Sài Gòn (Viện ĐH Vạn Hạnh là nơi tập trung những giáo sư lỗi lạc về Phật học, về Khoa học Xã hội và Nhân văn của miền Nam), thầy từng làm Thư ký tòa soạn Tạp chí Tư Tưởng - cơ quan luận thuyết của Viện ĐH Vạn Hạnh. Vì thế, thầy hiểu rất rõ nền học thuật tại đây.

Qua vài câu xã giao, tôi đi thẳng vào hai vấn đề mà tôi không biết hỏi ai. Câu hỏi thứ nhất: Thưa thầy! Theo con, cuốn sách Trước Sự Nô Lệ Của Con Người tuy là đứng tên Hòa Thượng Thích Minh Châu nhưng do ông Phạm Công Thiện viết. Bởi vì cách hành văn và kiến thức trong cuốn sách hoàn toàn là của ông Phạm Công Thiện (đã được Phạm Công Thiện tỉa bớt sự góc cạnh và cách phát biểu hùng hồn). Không biết nhận định của con có đúng như vậy không? Thầy Tuệ Sỹ đã chấp nhận là tôi nói đúng, cuốn sách đó là do Phạm Công Thiện viết ra. Câu hỏi thứ hai: Thưa thầy! Sau khi Phạm Công Thiện sang Pháp, tạp chí Tư Tưởng không còn được như xưa, bài vở có chiều đi xuống, không hiểu vì nguyên nhân gì mà có chuyện như vậy? Thầy Tuệ Sỹ trả lời rằng, sau khi ông Phạm Công Thiện sang Pháp thầy thay thế ông ấy làm chủ bút tạp chí Tư Tưởng, kiến thức của thầy không bằng kiến thức của ông Phạm Công Thiện nên tạp chí Tư Tưởng không còn khởi sắc như xưa. Sau khi nghe thầy trả lời câu hỏi thứ hai, tôi thấy mình hơi thiếu tế nhị và xin lỗi thầy vì không biết là thầy phụ trách tạp chí Tư Tưởng trong gia đoạn đó nên mới đặt câu hỏi. Thầy bảo là không sao đâu! Đức độ của người tu hành thật có khác, thầy Tuệ Sỹ là một thiên tài của Phật giáo Việt Nam, được người người ngợi ca - kể cả thi sĩ Bùi Giáng - vậy mà thầy vô cùng khiêm tốn, nhận điều dở về mình và nhường điều hay cho người khác.

Câu chuyện kể trên là sự thực hoàn toàn, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay không ai dám bịa đặt một câu chuyện động trời như thế. Một kẻ vô danh tiểu tốt như tôi không đủ sức hạ giá trị học thuật của những bậc chân tu như thầy Minh Châu (Viện trưởng Viện Đại học trước năm 1975 và Viện trưởng Viện Nghiên Cứu Phật Học sau năm 1975) và thầy Tuệ Sỹ. Hai vị là người tu hành nên chuyên về nội điển (Phật học), vì thế không thể bao quát hết phần ngoại điển (thế học) như ông Phạm Công Thiện là lẽ dĩ nhiên. Cuốn sách Trước Sự Nô Lệ Của Con Người là Bản Thệ của Viện ĐH Vạn Hạnh nên dù do bất kì người nào chấp bút, thầy viện trưởng đã đứng tên vẫn là điều đúng đắn.

Mục đích của câu chuyện này cho biết, tôi là thế hệ trưởng thành sau năm 1975 nhưng đã hiểu Phạm Công Thiện đến từng chân tơ kẽ tóc. Cũng do suy nghĩ như vậy nên tôi đã mắc phải sai lầm trong việc cho rằng cuốn sách Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo không phải là của Phạm Công Thiện. Thực ra, qua sách vở, tôi mới chỉ biết về Phạm Công Thiện thời còn ở Việt Nam và thời còn làm Khoa trưởng Văn Khoa và Khoa Học Nhân Văn của Viện ĐH Vạn Hạnh. Tôi chưa biết hành trình tư tưởng của ông sau khi sang Pháp, chưa hiểu rõ về một Phạm Công Thiện khác. Vài năm sau đó, khi đọc được cuốn Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng của ông, tôi mới hiểu rõ là bắt đầu vào năm 1983, ông đã hoàn toàn chuyển hóa tâm thức. Đây chính là bước khởi đầu cho chặng đường cuối cùng trong cuộc hành trình phiêu lưu vào những dòng tư tưởng của ông. Sự chuyển hóa của Phạm Công Thiện manh nha từ Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng, càng về sau thì càng triệt để hơn. Những lời lẽ trong những cuốn sách được ông xuất bản nối tiếp Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng thật nhẹ nhàng và khiêm tốn, nó không phải là thứ ngôn từ đầy kiêu ngạo như trước đây.

Sau khi thi sĩ Bùi Giáng qua đời, giới văn nghệ và tu sĩ Phật giáo đã viết bài về ông, những bài viết chọn lọc được đưa vào tập Tưởng Niệm Thi Sĩ Bùi Giáng. Tập sách mỏng này được in thủ công và lưu hành nội bộ. Qua bài viết của Thích Nhuận Châu, tôi mới biết năm 1998, Phạm Công Thiện đã cho xuất bản tại Mỹ hai tập sách mỏng có tựa đề là Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo và Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương. Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo là cuốn sách mà cách đây mấy tháng, tôi đã cả gan phủ nhận là không phải của Phạm Công Thiện.

Sau gần hai năm lao tâm khổ tứ tìm kiếm, đầu năm 2000, Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo và Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương được in thủ công (in bằng bản lụa) mới đến tay tôi. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng tôi vẫn mở cuốn Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo ra để đọc; còn cuốn Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương thì tôi không dám đụng đến - sau khi đã đọc qua vài lần. Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương được dành cho những vị muốn theo hạnh nguyện của những bậc Bồ tát, phàm phu tục tử như tôi thì đành “kính nhi viễn chi” thôi. Tinh Túy Trong Sáng Của Đạo Lý Phật Giáo là cuốn sách chỉ 114 trang nhưng đáng kinh ngạc, bởi nó có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người. Quyển sách này và quyển sách Những Bước Chân Nhẹ Nhàng Trở Về Sự Im Lặng đã xô đẩy tôi vào thế giới thần bí, mênh mông của Phật giáo Mật tông Tây Tạng. Nhờ đó mà tôi hiểu rõ về cái chết, về thế giới bên kia cửa tử và sự tái sinh để tôi có thể đối diện với cái chết một cách bình thản và không sợ hãi. Chết, sau khi chết và tái sinh cũng là một lĩnh vực đã và đang thu hút sự quan tâm của nhiều giáo sư tâm lí học tại Đại học Virginia, Hoa Kỳ.

Thời gian gần đây, khi đã sưu tập gần như đầy đủ kinh điển của Phật giáo, tôi bắt đầu đọc lại kinh Phật một cách căn bản và có hệ thống hơn xưa. Trong lúc đọc kinh Phật, thỉnh thoảng, tôi tham khảo ý kiến cũng như kinh nghiệm của những học giả và hành giả có uy tín. Tối nay, khi đọc lại đoạn sau trong chương Những Điều Kiện Cần Thiết Khi Đọc Tụng Kinh Phật trong Cuốn Làm Thế Nào Để Trở Thành Một Bồ Tát Sáng Rực Khắp Bốn Phương, tôi vui sướng đến điên người.

“Ngôn ngữ của chư Phật và chư Bồ Tát là ngôn ngữ tự xóa mất trong từng chữ và từng tiếng để bất ngờ khai mở một thế giới vô tận và mới lạ, và chỉ khi nào cái bản ngã hạn hẹp của mình bị nghiền nát thành tro bụi thì may ra lúc ấy mới bừng sáng lên tất cả chân thực nghĩa vô lượng của Như Lai.

Mình phải đọc tụng kinh Phật với tất cả tinh thần khẩn trương của một kẻ bị xử tử hình đang quì cúi lạy trong xà lim tối đen, đang lắng nghe sự im lặng trườn mình qua nỗi chết sắp đến...

Mình cũng có thể đọc tụng kinh Phật như người đã bị tước đoạt mất hết tất cả trong đời sống, và bỗng nhiên bất thần lại được tìm thấy một kho tàng trân bảo vô lượng trước mắt mình; niềm vui sướng vô tận, cơn khoái lạc tràn trề tràn ngập cả thể xác lẫn tinh thần mà trọn cả đời người chưa bao giờ có được cảm thức phi thường như vậy.”

Những dòng chữ trên đã khiến tôi nghĩ ngợi, dù có vẻ điên rồ nhưng mình phải theo con đường này cho đến hơi thở cuối cùng, dẫu nghèo khó và cô đơn có thể rình rập.

Sau khi Phạm Công Thiện qua đời vào năm 2011, đã có quá nhiều người viết bài ca ngợi và xưng tụng ông. Ở đây tôi không làm chuyện trùng lặp này, tôi chỉ muốn nói rằng, nhờ ông nên tôi hiểu về Triết học Tây Phương, về Thiền Tông, về Mật Tông Tây Tạng và gần đây nhất là Tịnh Độ Tông - một pháp môn Niệm Phật mà trước đây tôi từng coi thường. Tôi luôn luôn xem ông là bậc thầy, là bậc thiện tri thức, là người đã mở đôi mắt mù lòa, đã gột đi từng lớp vô minh và ngu dốt của tôi. Với ông, tôi là kẻ thọ ơn! Bài viết này được viết ra để tạ ơn ông - một trong những người đã dẫn dắt tôi vào thế giới mênh mông bất tận của Phật Đạo.

Tam Kỳ, 12 giờ đêm ngày 23/05/2015


Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

ĐÔI DÒNG VỀ PHẬT QUANG ĐẠI TỪ ĐIỂN

Vượt lên những nỗi khổ đau của thế giới điêu linh, vút cao giữa đổ nát hoang tàn của những thành quách cũ, lướt qua bao lớp sóng phế hưng của vô số triều đại, từ đỉnh cao giác ngộ Đức Phật nhìn xuống dòng đời mênh mang, nở nụ cười từ bi và cứu độ chúng sinh thoát khỏi nhất thiết khổ ách. Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau - nếu loài người còn có mặt trên trái đất - những pháp bảo của Ngài vẫn là phước báu đối với những ai muốn vượt lên cái nhất thời và tìm đến sự Vĩnh Cửu.
Qua nhiều năm khép lại những bộ kinh Phật để lo toan những công việc đời thường, gần đây chàng đã cúi đầu, từ tốn và nhẹ nhàng giở lại từng trang kinh Phật. Khi còn trai trẻ, chàng đã đọc giáo pháp của Đức Phật một cách vội vã, đọc nhưng tâm trí còn nghĩ đến chuyện khác, và bởi bao hệ lụy vây quanh nên tuy cũng hiểu được kinh điển nhưng chàng chưa thực hành nhiều lắm. Ngày xưa, lúc mới đọc được năm, sáu chục cuốn sách về Phật giáo, về Thiền Tông, Mật Tông Tây Tạng và vài bộ kinh Phật, dẫu không nói ra nhưng chàng luôn tự cho mình là hiểu sâu đạo Phật. Đó chính là sự kiêu ngạo, kiêu ngạo một cách ngu muội! Mới đây, khi sưu tập gần như đầy đủ những bộ kinh quan trọng của Phật giáo (khoảng tám mươi pho kinh điển đạo Phật, tương đương bốn mươi ngàn trang giấy chi chít chữ), chàng đã biết khiêm tốn hơn. Hôm nay, chàng bắt đầu bò trên từng trang kinh và trườn tới như đứa trẻ mới biết bò biết lẫy. Chàng là đứa con nít đang bò, dần dần tập đi, tập chạy, tập bơi và sẽ vùng vẫy trong cái biển cả mênh mông những pháp thoại ấy. Đọc kinh Phật là đọc chính mình, là gột đi từng lớp si mê ám chướng, là lọc sạch vọng tưởng điên đảo, là soi sáng những hố thẳm âm u trong tâm thức, là chuyển hóa tâm hồn, là trải rộng lòng yêu thương... và tìm thấy niềm an lạc vô biên. Niềm an lạc siêu tuyệt mà nếu đem tất cả khoái lạc của thế gian cộng lại cũng không thể nào sánh nổi.
Trở ngại lớn lao đầu tiên khi đọc thẳng vào kinh điển mà không qua bất cứ luận giải nào của các học giả hoặc hành giả Phật giáo là vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong kinh điển Phật giáo phần lớn được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, rồi từ chữ Hán sang tiếng Việt. Cách sử dụng ngôn ngữ trong kinh điển cũng không thống nhất, cùng một từ tiếng Phạn mà người dịch của Trung Hoa thời trước mỗi người dịch mỗi khác, cũng cùng một từ tiếng Hán mà dịch giả của Việt Nam dịch ra tiếng Việt mỗi khác. Dù đã dịch ra tiếng Việt nhưng ngôn ngữ trong kinh điển rất cổ kính và hàm súc. Nếu nghiền ngẫm kinh điển mà không có từ điển Phật học để tra cứu thì phải đành bỏ cuộc. Do chiến tranh loạn lạc, do xáo trộn của thời cuộc, mãi cho đến năm 1975 nước Việt chỉ có một bộ từ điển Phật học duy nhất của cư sĩ Đoàn Trung Còn. Từ sau 1975 đến nay, rải rác có xuất bản thêm vài bộ từ điển nữa nhưng từ ngữ cũng còn nghèo nàn và thiếu sót, bởi đó là những công trình của cá nhân hoặc của một nhóm chỉ vài ba người. Ngày hôm nay, Phật Quang Đại Từ Điển đã giải quyết được vấn đề khó khăn ấy.
Tăng ni sinh và người nghiên cứu Phật học ở Việt Nam luôn chờ mong bộ từ điển đồ sộ và công phu có tên là Phật Quang Đại Từ Điển được dịch ta tiếng Việt. Phật Quang Đại Từ Điển là bộ từ điển Phật học đầy đủ nhất từ trước cho đến nay trên thế giới. Bộ đại từ điển này đã được năm mươi học giả Đài Loan bỏ công biên soạn từ năm 1978 đến năm 1988, đúng y mười năm trời. Bộ đại từ điển đã được Hòa thượng Thích Quảng Độ - một tên tuổi lớn của Phật giáo Việt Nam - dịch trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thầy bắt đầu dịch vào năm 1990 và hoàn thành vào năm 1997. Vì nhiều lí do tế nhị, bộ đại từ điển này không được xuất bản trong nước nhưng lại được xuất bản tại Đài Loan năm 2000 và tại Pháp năm 2012. Thật hi hữu, vào cuối năm 2014 Phật Quang Đại Từ Điển bản tiếng Việt được cho phép ấn hành tại Việt Nam. Phật Quang Đại Từ Điển gồm 8 cuốn, gần 10.000 trang với 22.608 từ và bảy triệu chữ giải thích các từ.
Cách đây vài ngày, chàng đã sở hữu báu vật vô giá này và đã đặt nó vào vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chưa kể đến sự thu hút của nội dung phong nhiêu và giàu có, về mặt hình thức đây là một ấn bản hoàn hảo. Là một người chơi sách - chỉ chơi một cách tài tử - chàng công nhận nó tuyệt đẹp. Phật Quang Đại Từ Điển đẹp từ bìa sách, từ loại giấy chuyên dụng chỉ dành cho từ điển được nhập của Hà Lan, cho đến độ sắc sảo của từng con chữ bé xíu. Chàng mân mê, vuốt ve, ngắm nghía nó hoài không chán! Biết rằng nó cũng vô thường như bao sự vật khác, sẽ hư hoại và tan biến theo thời gian nhưng những phiên bản như nó sẽ trường tồn mãi mãi.


Dưới đây là trích đoạn trong bài giới thiệu về bản dịch Phật Quang Đại Từ Điển của thi sĩ Thi Vũ - người chịu trách nhiệm xuất bản Phật Quang Đại Từ Điển tại Paris năm 2012.
"Vừa thoát ách Pháp thuộc, liền bị rơi ngay vào chiến tranh rồi tranh chấp đến nay, dồn dập suốt 67 năm ròng. Nước ta chưa hình thành Hàn lâm viện để định chế ngữ văn trên bước tiến hóa của nhân loại, và sự đổi thay chuyển biến mỗi ngày trong cộng đồng dân tộc. Long đong theo những loạn động của thời thế, văn hóa và ngữ học mắc phải hệ lụy chưa biết ngày nào thoát thân.
.....
Phải đọc công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ điển mới thấy học thuật Hòa thượng thâm viễn, ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, và thù ứng với các từ Hán, Phạn tương đương. Tinh thông, nhuần nhuyễn, thanh thoát qua từng câu văn. Không còn là một tác phẩm dịch thuật, mà là tác phẩm văn chương trong lĩnh vực triết học và tư tưởng Phật giáo qua ngôn ngữ Việt. Vừa tường giải, vừa đối chiếu, mỗi từ mục là một bài thâm nhập giáo lý siêu thoát nhưng thực chứng của đạo Phật.
.........
Người ở xa nước, không được gần gũi chư Tăng Ni, Thiện tri thức thông hiểu giáo lý, có bộ Phật Quang Đại Từ điển trong tay sẽ như được sống bên vị Thầy cao cả về đường Phật lý. Và điều chắc chắn, sẽ không bao giờ bị xa lìa với chân ngữ của đạo Phật, hay bị suy diễn đạo Giác ngộ thành loạn tưởng của tà giáo vào thời Mạt pháp hôm nay.
Tiền đồ Phật học Việt Nam có phát huy, tiến bộ chăng, phần lớn sẽ nhờ vào bộ Phật Quang Đại Từ điển bản dịch Việt văn của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Và cũng sẽ là tiền đề cho sự rộ nở của triết học, của tư tưởng Việt Nam còn sơ khai hôm nay. Nhớ lại hồi thế kỷ VII Tây lịch, thánh tăng Huyền Trang bỏ 15 năm trường, xuyên sa mạc Gobi hoang vắng, hiểm nghèo, sang Ấn độ thỉnh Kinh Phật. Về nước ngài phiên dịch ra Hán văn dưới thời Đường. Tiếp sau những dịch phẩm của ngài Kumârajîva (Cưu ma la thập) đời Đông Tấn thế kỷ V, các bản dịch của ngài Huyền Trang với óc sáng tạo dồi dào, chữ nghĩa độc đáo, thâm huyền, làm rộ nở, phong phú, đổi mới văn học, ngôn ngữ và tư tưởng Trung quốc.
Sẽ lợi ích biết bao cho hàng chục nghìn Tăng, Ni, hàng triệu người học Phật trong nước, nếu Phật Quang Đại Từ điển được xuất bản tại Việt Nam. Thế nhưng nhà đương quyền đặt điều kiện muốn in phải xóa bỏ tên dịch giả, Thích Quảng Độ. Vì vậy, năm 2000, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh thuộc Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc cho xuất bản lần đầu tại Đài Loan. Nay đã tuyệt bản. Do nhu cầu học hỏi của Phật tử Việt Nam trên năm châu đòi hỏi, và được Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy quyền, tôi hân hoan thúc đẩy Nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris ấn hành Phật Quang Đại Từ điển vào mùa thu năm nay, 2012, gồm 6 tập, dày 7374 trang."


Paris, ngày 7.6.2012
Thi Vũ

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

VỀ ĐẠO CA MILAREPA

Trong đà sống hiện nay, câu chuyện bên dưới dường như bị lạc điệu nhưng người viết đã lỡ dại viết ra rồi. Thôi thì đưa lên đây vậy.

Sau một thời gian hướng ra bên ngoài tạo lập nhà cửa để lo phần tiện nghi cho thân xác, tâm trí chàng trở nên khô cằn và rỗng tuếch như một vùng sa mạc hoang liêu. Do năng lượng tinh thần bị hao phí mà không được bù đắp, chàng đã thất bại trong việc gìn giữ nguồn suối TÂM LINH luôn dạt dào tuôn chảy. (Từ ngữ TÂM LINH được dùng ở đây mang ý nghĩa trong sáng và thuần khiết nhất, nó không phải là thứ từ "tâm linh" đã bị lạm dụng cho sự mê tín dị đoan của đám người ngu muội, hoặc bị những kẻ “đầu tròn áo vuông” lợi dụng vào mưu đồ danh lợi). Trong những ngày tháng sống chẳng ra hồn này, chàng lại trở về ngồi dưới chân các bậc Giác Ngộ để lắng nghe những lời giảng dạy diệu kì của họ và lặng nghe tiếng gọi tha thiết của lòng mình. Con đường trở về là lội ngược dòng, là quên lãng thế gian, là chìm đắm vào niềm cảm hứng TÂM LINH và phiêu du vào những vùng tâm thức sâu thẳm không dò tới đáy.

Để làm tươi nhuận đời sống tâm tư, chàng lại vào mạng internet tìm kiếm những cuốn sách quý đã được dịch và xuất bản. Cách đây mấy hôm, tình cờ - thực ra chẳng có chi gọi là tình cờ cả, mọi sự việc đều do nhân duyên tạo ra - chàng bắt gặp cuốn Đạo Ca Milarepa.Đạo Ca Milarepa đã được Garma C. C. Chang biên dịch từ tiếng Tây Tạng sang Anh ngữ và xuất bản vào năm 1962, Đỗ Đình Đồng dịch ra Việt ngữ và Viet Nalanda Foundation ấn tống vào cuối năm 2013. Ấn tống là kinh sách được in ra để cấp miễn phí cho người đang cần đến. Viet Nalanda Foudation là một tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi có trụ sở tại bang Maryland, Hoa Kỳ. Viet Nalanda Foundation (VNF) được thành lập năm  2006 nhằm mục đích làm công việc từ thiện, giáo dục và tôn giáo. Một trong những tôn chỉ của Viet Nalanda Foundation là: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Viet Nalanda Foundation sẽ hết lòng vận động cho tinh thần Hoà Bình Thế Giới và trong khi điều hành hoặc thực hiện các chương trình sinh hoạt hay đề án của Viet Nalanda Foundation, tất cả các thành viên của Viet Nalanda Foundation phải luôn phát khởi Bồ Đề Tâm và thực hành theo hạnh Từ Bi Hỷ Xả, theo đúng với lời dạy về tâm Tứ Vô Lượng của đức Thế Tôn”.

Bản sách điện tử Đạo Ca Milarepa cũng đã được đưa lên mạng, chàng lại có máy đọc sách (eReader) nên chỉ vài cái click chuột là chàng tải được cuốn sách ấy về máy vi tính. Sau khi mất khoảng ba phút cho vài công đoạn chuyển định dạng cho sách điện tử, rồi nạp vào máy đọc sách là chàng có sách để đọc ngay. Tuy đang có ấn bản điện tử của cuốn sách quý giá này nhưng chàng cũng chưa thỏa lòng, chàng vẫn muốn truy lùng để tận mắt "chiêm ngưỡng" bản in trên giấy. 

Năm 2011, chàng phát hiện cuốn  Lời Vàng Của Thầy Tôi - đây là một cuốn sách vô cùng quý báu - được Viet Nalanda Foundation ấn tống tại Mỹ vào năm 2008. Khi đã phát hiện ra thì sách ấn tống đã được ba năm rồi nên chàng ít hi vọng gì để sở hữu nó nữa. Dù rất mong manh nhưng chàng vẫn nuôi hi vọng rằng, một ngày nào đó mình sẽ có được cuốn sách này. Chàng liền viết thư  cho VNF và nhận được thư hồi âm ngay, VNF cho biết sách đã được người ta thỉnh hết rồi. Dù VNF đã đưa ấn bản điện tử lên mạng, lúc đó chàng chưa có máy đọc sách, cho nên đọc nguyên cả cuốn sách dày 722 trang trên màn hình máy tính thì rất mỏi mắt. Vì thế, thỉnh thoảng chàng tìm kiếm thông tin về việc ấn tống cuốn sách này trên internet, trên diễn đàn của một cơ sở bán kinh sách ở Sài Gòn cho biết năm 2011 tại Việt Nam có một nhóm người phát tâm ấn tống và nhờ nhà sách chuyển Lời Vàng Của Thầy Tôi  đến người có nhu cầu. Chàng lại viết thư cho nhà sách, sau đó được trả lời rằng, do số lượng sách có hạn nên sách đã hết rồi; khi nào có người phát tâm góp tiền in sách thì họ sẽ báo lại. Bẵng đi cả năm trời, một hôm chàng nhận được email của nhà sách cho biết là sách đã được ấn tống lại. Chàng nhờ anh bạn thân ở Sài Gòn chạy xe hơn mười cây số đến nơi nhận giùm sách.

Vì đã từng nhận được Lời Vàng Của Thầy Tôi cho nên giờ đây chàng vẫn hi vọng là sẽ nhận được Đạo Ca Milarepa - dù sách đã được ấn tống vào cuối năm 2013 và chỉ tặng cho người Việt đang ở Mỹ. Chàng dự định nhờ thằng con ở Mỹ chuyển một email của chàng đến Viet Nalanda Foundation và đứng ra xin nhận sách giúp. Chưa kịp viết thư cho đứa con, loay hoay một hồi với trang nhà của VNF chàng biết được rằng, hiện nay ở Việt Nam cũng đã ấn tống cuốn sách này và có người chịu trách nhiệm biếu tặng. Chàng liền viết ngay email dài cho người ấy, nội dung email như sau:

“Kính gửi anh...,

Nhờ một nhân duyên kì diệu mà cách đây gần ba mươi năm trước, tôi tình cờ được biết đến vị đạo sư vĩ đại Milarepa qua hai bản dịch Milarepa - Con Người Siêu Việt  và Gửi Lại Trần Gian do dịch giả Đỗ Đình Đồng dịch ra Việt ngữ trước năm 1975. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng tôi đọc đi đọc lại hai cuốn sách mỏng trên để tạo niềm cảm hứng tâm linh và quyết tâm tu tập. Nay lại nhờ một nhân duyên khác, qua mạng internet, tôi biết thêm gần đây dịch giả Đỗ Đình Đồng đã dịch Một Trăm Ngàn Bài Ca của vị Thánh tăng Milarepa và đặt tựa cho cuốn sách vô cùng giá trị này là Đạo Ca Milarepa.

Tôi tìm kiếm trên mạng để xem có nơi nào ở Việt Nam đã xuất bản cuốn sách trên để mua nhưng không thấy. Cho dù hiện nay trên mạng đã có bản sách điện tử nhưng tôi cũng tham lam muốn sở hữu một bản in bằng giấy cho thuận tiện. Lục lọi trên internet, qua Viet Nalanda Foundation tôi được biết sách đã được VNF ấn tống và người thỉnh sách ấn tống tại Việt Nam có thể thỉnh sách này từ anh.

Kể từ ngày VNF thông báo đến nay đã hơn một năm trôi qua cho nên chuyện nhận được sách từ anh rất là mong manh; tuy vậy, tôi vẫn còn hi vọng và hi vọng. Nếu anh vẫn còn lưu giữ bản sách này, tôi mong anh giúp đỡ để tôi được thỉnh kho tàng quý báu về Pháp này và tôi xin chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển.

Viết cho anh cũng dài, mong anh bỏ qua về sự làm phiền này. Chúc anh cùng gia đình mọi sự an lành và thân tâm thường an lạc.

Kính thư!"

Email được gửi đi, chàng ngồi đọc lời giới thiệu của dịch giả bản Việt ngữ và của dịch giả bản Anh ngữ và chờ đợi. Chỉ hơn mười phút sau, chàng liền nhận được thư hồi âm, nguyên văn email như sau:

“Dạ hiện sách ấn tống tại VN thì em hết rồi anh ạ. Nhưng em vẫn còn bản sách in bên Mỹ ạ, sáng nay em sẽ gửi tặng anh ngay ạ. Vô cùng hoan hỷ vì tất cả ạ...”.

Thư hồi âm thật ngắn gọn và nhẹ nhàng nhưng chuyển tải thông tin tốt lành. Biết được người hồi âm thuộc phái nữ chứ không phải là phái nam như chàng đã xưng hô trong email, chàng cảm thấy hơi mắc cỡ vì cách xưng hô quá ư là trịnh trọng của mình. Gần trưa ngày hôm sau, nhân viên bên bưu điện gọi cửa; nghe gọi, chàng cứ ngỡ là họ giao sách mà chàng đã đặt mua trên mạng trước đó. Nào ngờ, khi mở cửa thì nhận được cuốn Đạo Ca Milarepa dày đến 889 trang từ Sài Gòn chuyển đến bằng dịch vụ chuyển phát nhanh EMS. Cuốn sách được in công phu trên một loại giấy tốt từ Mỹ nay đã được đưa đến một xó xỉnh tại Việt Nam. Như là một giấc mơ đẹp, chàng muốn cảm tạ những tấm lòng rộng mở: người dịch sách, người liên lạc để xin bản quyền dịch ra tiếng Việt, người phát tâm cúng dường tiền bạc, người in ấn, người chịu trách nhiệm biếu tặng... bằng một bài viết tràn đầy cảm hứng. Nếu ai đó đổi cho chàng một lượng vàng hoặc chiêu đãi chàng cả tuần lễ với những món ăn ngon tuyệt và những thứ rượu hảo hạng để lấy cuốn sách trên, chắc chắn chàng sẽ từ chối. Bởi khi đã đủ ăn, chàng quý sách hơn vàng. Đúng là đồ gàn bát sách!

Từ khi chàng biết đến vị thánh tăng Milarepa cho đến khi gặp Đạo Ca Milarepa (The Hundred Thousand Songs of Milarepa) là thời gian gần ba mươi năm, từ khi biết đến vị thánh tăng Patrul Rinpoche cho đến khi gặp Lời Vàng Của Thầy Tôi (The Words of My Perfect Teacher) là thời gian gần mười lăm năm trời. Năm 2000, chàng bắt đầu có sự tiếp xúc sâu rộng với Phật giáo Mật tông Tây Tạng thì chàng đã đọc được hàng loạt thánh thư dịch ra Việt ngữ. Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ của Patrul Rinpoche là một trong những cuốn sách quý báu đó. Phần cuối của Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ là tiểu sử ngắn của Patrul Rinpoche, trong tiểu sử này, người dịch có nhắc đến cuốn The Words of My Perfect Teacher (lúc ấy được dịch là Những Lời Nói của Vị Thầy Hoàn Hảo của Tôi). Chỉ nghe lời giới thiệu, chàng đã thấy một sự rung động sâu xa nào đó và ước ao có người phát tâm sớm dịch ra Việt ngữ. Bản tiếng Anh rất dễ kiếm, chỉ cần lên amazon.com là tìm mua được ngay, nhưng do khả năng tiếng Anh của chàng quá kém nên chàng không đủ sức đọc. Cái nhân đã được gieo ra, qua tứ thời bát tiết nó nẩy mầm thành cây lớn, rồi kết nên những quả ngọt.

Một cuốn sách từ khi phát hiện đến khi nhận được thì phải chờ đợi hơn cả năm trời, một cuốn sách khác từ khi phát hiện đến khi nhận được chỉ chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, có lẽ mọi sự đều do nhân duyên. Chuyện gặp được sách vở, được làm học trò và bạn hữu với sách vở cũng là duyên nợ như chuyện duyên nợ của vợ chồng - tất cả đều do trùng trùng trùng duyên khởi!

Về việc mê đọc sách, chuyện thú chơi sách, rồi so sánh sách giấy và sách điện tử (ebook) là cả một câu chuyện dông dài, khi nào rảnh rỗi chàng sẽ thư thả viết ra.

Tam Kỳ - 14/04/2015 

VỀ ĐẠO CA VÀ CUỘC ĐỜI ĐẠO SƯ MILAREPA

Trong lời nói đầu của Đạo Ca Milarepa (tiếng Tây Tạng là Mila Grubum), Peter Gruber - bạn đạo của dịch giả bản tiếng Anh - đã viết vào năm 1962 như sau:

“Mila Grubum là loại sách gì? Khó mà đưa ra một câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này. Chắc chắn, nó là một trong những tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại nhất, ngang hàng với Mahābhārata [một thiên trường ca anh hùng của Ấn độ giáo], Avatamsaka Sūtra [Kinh Hoa Nghiêm], The Bible [Kinh Thánh Cựu và Tân Ước], và những sách tương tự. Nhưng đồng thời, còn nhiều hơn thế nữa - nó là một loại sách khác trong quyền riêng của nó, người ta không thể tìm thấy một sách khác nào thực sự sánh đôi với nó trong lãnh vực văn học. Bởi vì bút pháp độc nhất vô nhị của nó, kết cấu bất thường, và nội dung bao quát, Mila Grubum là một quyển sách khó để dẫn nhập và ca ngợi theo nghĩa thông thường. Vì thế, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi, “Mila Grubum là loại sách gì?” sẽ là do chính mỗi cá nhân độc giả cống hiến qua sự hiểu và thâm cảm của mình.


Có lẽ bây giờ tôi có thể tự nói lên cho chính mình lý do tại sao, trong nhiều tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại, Mila Grubum  tác phẩm ưa thích cá nhân của tôi. Xin nêu lên một vài lý do, trước hết, tôi có thể nói rằng tôi thấy sách này là một nguồn suối hứng khởi vô tận, một kho tàng mênh mông của những lời dạy tâm linh, một kho tàng chứa những chỉ dẫn về yoga, một dẫn dắt trên Đường Bồ-đề, và trên hết, một người bạn luôn luôn có thể tin cậy được của người sùng mộ chân thành. Thứ nhì, nó cung cấp tin tức nội bộ về đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng – cư sĩ, hành giả yoga, cũng như tăng nhân – trưng bày một bức tranh sống động về các vấn đề tinh thần, những cố gắng, và những thành tựu của họ. Trong tập sách này, những ý kiến và lời dạy sâu xa nhất của Phật giáo được tiết lộ trong sáu mươi mốt câu chuyện hấp dẫn trình bày qua ngôn ngữ đơn giản. Vì thế, đọc nó thì cực kỳ thích thú và lợi ích. Bởi vì mỗi câu chuyện là một trương mục về kinh nghiệm cá nhân của Milarepa trong một hoàn cảnh đặc biệt, những thông điệp và chỉ dẫn cống hiến trong đó, tự nhiên mang sức thuyết phục và lôi cuốn phi thường, thực sự đưa người ta đến một niềm tin quyết to lớn hơn, sự an ủi rộng rãi hơn, và nội kiến thâm sâu hơn. Thêm vào đó, Grubum còn chứa những miêu tả rõ ràng và đánh giá minh bạch về các kinh nghiệm yoga trọng yếu, kể cả những kinh nghiệm của các giai đoạn cao nhất, cho đến bấy giờ, chưa được tiết lộ trong các kinh sách khác. 

Nếu đánh giá Mila Grubum là khó, thì ca tụng nó còn khó hơn. Sau cùng, lời nói có thể không phải là một phương tiện tốt để ca ngợi một quyển sách thuộc loại này. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả có thể chia sẻ với tôi, trong im lặng và hân hoan, một kinh nghiệm có phần thưởng nhiều nhất trong khi đọc quyển sách được yêu mến này của Tây Tạng như hàng triệu người Tây Tạng đã có lần chia sẻ, trong quá khứ gần đây và xa xưa.

Trong lời nói đầu của bản dịch Milarepa - Con Người Siêu Việt (xuất bản năm 1971)dịch giả Đỗ Đình Đồng đã tóm tắt về cuộc đời của đại thánh tăng Milarepa:

“Cuộc đời đại hiệp sĩ phi thường phi phi thường này bắt đầu từ khi lên bảy, cái tuổi thơ dại đã thực sự bước vào địa ngục trần gian này: ngục của lòng tham không đáy; ngục của lửa thù hận phụt lên vô bờ vì bị người thân cướp đoạt quyền thừa kế gia tài của dòng họ quý phái giàu sang, vì cái chết quá sớm của người cha đáng kính. Cuộc sống bị đày đọa khốn cùng của cậu bé bảy tuổi Mila Thopaga kéo dài chịu đựng cho đến năm mười lăm tuổi, cái tuổi chập chững nhưng lại quá phong trần: một người một ngựa lên đường tìm thầy học Huyền thuật để mong trả thù rửa hận cho thỏa lòng người mẹ góa yếu đuối nhưng vẫn giữ niềm kiêu hãnh vô biên. Sau khi học thành tài, Mila Thopaga đã dùng tuyệt nghệ huyền thuật của mình giết hằng ba bốn chục người có liên hệ với hai kẻ tử thù chính là ông chú và bà thím độc ác của chàng, và phá hoại rất nhiều của cải, hoa màu của những người khác...Mila Thopaga bị lương tâm cắn rứt, cõi lòng xao xuyến bất an và phát tâm tìm thầy học Đạo, khát khao giác ngộ và giải thoát đến cực độ đến nỗi phải hy sinh bất cứ thứ gì kể cả thân mạng của chính mình.

Định Mệnh của Mila Thopaga là một thứ định mệnh Đại Hạnh, nhưng quá khốc liệt khắt khe. Cuối cùng Mila Thopaga đã gặp được Đạo sư định mệnh của mình: Đại Dịch giả Marpa, tổ sư khai sáng tông phái Bkarh-gyudpa của Phật giáo Tây Tạng. Sau tám lần được bậc Đạo sư ném tận cùng đáy sâu hố thẳm tuyệt vọng, Mila Thopaga đã được thanh thần tẩy thể, gột sạch ác nghiệp và thọ lãnh tất cả những Giáo lý Tối mật của tông phái này, để rồi một mình một bóng lang thang khắp các vùng thâm sơn cùng cốc để thiền định và tu tập Giáo lý Giải thoát Vô thượng. Sau khi đã quì lạy từ giã Đạo sư với lời thệ nguyện vĩ đại là phải đạt Giác ngộ để cứu độ chúng sinh như thái tử Tất-đạt-đa trước đó khoảng mười bảy thế kỷ dưới gốc cây Bồ-đề xứ Thiên trúc: nếu Ta không đạt được giải thoát rốt ráo thì vĩnh viễn không trở lại với thế giới loài người.

Sau khoảng mười năm ẩn tu trong trong thâm sơn cùng cốc tuyết phủ giá lạnh của vùng Hy-mã-lạp sơn, với thân thể suy nhược đến cùng độ vì thiếu thức ăn và quần áo thích hợp, Milarepa đã hiến mình trọn vẹn cho Chân lý, phối hợp Nhân Tâm và Thiên Tâm, Tiểu ngã với Đại ngã thành Nhất Thể Chân Như của Bản Thể Vũ Trụ kỳ ảo, Milarepa đã đạt được Giác ngộ và Giải thoát cho chính mình để rồi cất tiếng hát phổ độ tất cả chúng sinh trong ba cõi.”

Năm 1973, trong Gửi Lại Trần Gian (tuyển dịch các bài ca của Milarepa), Đỗ Đình Đồng đã có một đoạn so sánh tuyệt vời giữa thánh tăng Milarepa và vị thánh Thiên Chúa giáo Francis Assisi:

“Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti; cũng cùng có một giọng điệu tình tự, cũng cùng một thiện cảm nồng nàn, cũng cùng mang một tính chất trần gian, đối với người Áo Vải cũng như đối với Poverello, toàn thể thiên nhiên là bạn cũng như một quyển sách thân yêu. Có khác nhau chăng là người trước học được bi tâm qua tri thức, trong khi người sau tìm được khôn ngoan qua tình thương. Mặc dù họ xa cách nhau trong không gian, song họ không cách biệt nhau về thời gian, bởi vì một người sống vào thế kỷ thứ mười hai thì người kia cũng sinh ra đời”. 

Trong một bài viết có nhan đề Sư Phụ Milarepa Tây Tạng vào năm 1999, Phạm Công Thiện - một hành giả của Mật Tông Tây Tạng - đã xưng tụng và ca ngợi thánh tăng Milarepa là con người diệu thường:

“Sư Phụ MILAREPA là tất cả những gì trác việt diệu thường hơn cả những đỉnh núi cao nhất của Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng và của cả những thế giới cao siêu khác ngoài mặt đất.

Tất cả những bậc diệu thường đều bắt đầu sống như người tầm thường, rồi phải chịu gian khổ cùng độ trải qua bao nhiêu lộ trình từ bình thường cho đến dị thường, thường khi trải qua vô số kiếp mới đến được Diệu Thường.

Một người tầm thường có lẽ không bao giờ được nghe đến tên Milarepa, nếu may ra có biết đến Milarepa, người ấy có lẽ đôi chút thiện cảm, hoặc ác cảm, hoặc dửng dưng, tùy theo hoàn cảnh tôn giáo, xã hội, văn hóa, văn minh, tâm lý, giáo dục, hoặc bối cảnh ý thức hệ và sinh hoạt tinh thần hay vật chất. Mình vốn tầm thường mà lại có được đôi chút thiện cảm với cái tên Milarepa, điều này đã chứng tỏ rằng có một sự thay đổi nhỏ trong dòng tâm thức. Mỗi một sự thay đổi nho nhỏ cũng bắt đầu biến đổi người tầm thường trở thành bình thường. Một sự thay đổi lớn hơn sẽ thay đổi cái gì bình thường thành ra bất thường.

Đối với Phật Pháp, không phải tình cờ tự nhiên mình biết đến Milarepa; cũng không phải tự nhiên tình cờ mình cảm thấy có thiện cảm với tên của ai đó; lại càng không phải bất ngờ ngẫu nhiên mình lại cảm thấy ngưỡng mộ sùng bái mỗi khi nghe đến cái tên Milarepa: do công đức vô lượng từ bao nhiêu kiếp xưa mà từ cuộc sống tầm thường và bình thường khổ lụy này, chúng ta mới được nghe đến Milarepa giữa lòng tẻ nhạt của đời sống thường tình. Bỗng nhiên chúng ta bắt đầu xoay chiều tâm thức mình đến một cái gì cao siêu vượt lên trên những bình nguyên, những đồng bằng hiu quạnh thường gặp mỗi ngày mỗi đêm. Có một cái gì khác hiện lên trong dòng tâm thức bất thường từ xưa đến nay. Mỗi lần bất thường mình nhớ đến tên của một vị Bồ Tát hoặc hồng danh của một vị Đại Bồ Tát hoặc của Đức Phật. Mỗi lần bình thường mình lại có lòng thành tín một cách bất thường đối với diệu danh của Sư Phụ Milarepa, điều này chứng tỏ rằng có cái gì khác thường xảy ra trong đời sống hiện tại của mình, chứng tỏ rằng mình có liên hệ mật thiết với Milarepa trong nhiều kiếp xưa.”