Thứ Tư, 18 tháng 12, 2013

ĐÔI DÒNG TỰ TRUYỆN CỦA MỘT GÃ KHÙNG


Cách đây hơn hai mươi năm, để giải tỏa những ẩn ức và bế tắc trong đời sống thường nhật, tôi tự mày mò tìm hiểu về các trường phái Triết học và Đạo học. Trong hành trình cô đơn đó, tôi đã bắt gặp Friedrich Nietzsche - triết gia người Đức cuối thế kỉ XIX. Với tôi, Nietzsche là một triết gia vĩ đại và sâu sắc, một triết gia có một đời sống cô đơn và “điên loạn” nhất trong lịch sử nhân loại.

Nhờ sự dẫn đường của hai triết gia Kim Định và Phạm Công Thiện, tôi đã thấu hiểu Nietzsche được phần nào. Được cộng hưởng bởi ngọn lửa tỏa sáng từ trái tim của chàng trai trẻ họ Phạm (Phạm Công Thiện thời tuổi trẻ), tôi tìm ngay đến những tác phẩm quan trọng của Nietzsche được dịch từ nguyên bản tiếng Đức. Qua những trang viết rực lửa và đầy cuồng nộ, tôi đã bị nguồn tư tưởng và sức mạnh tâm linh của Nietzsche quyến rũ hoàn toàn. Tôi đã say sưa uống từng dòng chữ của Nietzsche như là được uống thứ tiên tửu của trời cao. Tôi thực sự choáng váng và say mê, sự say mê này kéo dài trong nhiều năm trời.

Dưới sự ảnh hưởng của Nietzsche và Thiền Tông Phật giáo, đầu năm 1996, tôi từ bỏ kinh doanh - công việc mà tôi đang kiếm nhiều lợi nhuận - để đưa đẩy đời mình và gia đình vào sự bất trắc. Để được phiêu du theo những dòng tư tưởng, ước vọng duy nhất của tôi là từ bỏ vùng bình nguyên náo nhiệt lên ẩn cư vùng núi cao tĩnh mịch. Mùa thu năm đó, tôi lên Đà Lạt tìm mua đất đai vườn tược, và dự tính nếu gặp duyên thì tôi sẽ bán hết gia sản rồi đem vợ con đến đó định cư. Lần đầu tiên đến Đà Lạt, tôi liền nhận ra rằng đây chính là vùng núi cao mà tôi luôn luôn mơ tưởng. Tuy vậy, sau vài lần thăm dò và xem xét địa thế, tôi hiểu ra rằng đây không phải là chốn thích hợp cho vợ con mình. Trong mười ngày ở Đà Lạt, tôi ít khi ra ngoài mà nằm lì ở chùa Linh Phong - nơi tôi có người chị đang tu hành - để đọc kinh Phật mà chẳng màng gì đến công việc đã dự tính. Chùa Linh Phong là chùa sư nữ nên đàn ông không được phép tá túc ở đó - trừ các vị tì kheo đã xuất gia. Khi diện kiến Sư bà Từ Hương, Sư Bà là sư trưởng chùa Linh Phong, không hiểu vì sao Sư Bà đã dành cho tôi nhiều ưu ái. Sau khi gặp gỡ và đôi câu trò chuyện, Sư bà đã cho phép tôi được ở lại và ăn cơm chùa tùy thích. Có lẽ đây là lần đầu tiên Sư bà dành biệt nhãn cho người trong cõi trần tục và đã dỡ bỏ luật lệ của tự viện với tôi. Nay Sư bà đã viên tịch nhưng tình nghĩa ấy tôi vẫn khắc ghi.

Mới đó mà đã mười bảy năm trôi qua, giờ ngẫm lại, tôi thấy mình suýt phạm phải sai lầm trong việc muốn đưa cả một gia đình vào cuộc phiêu lưu không lường trước. Nhiều khi tôi tự hỏi: Nếu ngày ấy tôi cứ khăng khăng sống theo ước vọng của mình mà không kể gì đến người thân thì không biết bây giờ vợ con tôi sẽ ra sao? Con tôi có được những thành tựu tốt đẹp như ngày hôm nay và vợ tôi có được đứng trên bục giảng để tiếp tục thực hiện được ước mơ từ thuở học trò không?

Trước đây, vợ tôi đi dạy cách nhà 25 cây số nên mỗi tuần mới về nhà một lần. Sau khi sinh con và hết kì hạn nghỉ sinh, vợ tôi phải bồng con trở lại khu tập thể của nhà trường. Buổi sáng năm xưa, vợ tôi ôm con và xách va li, đón xe đến trường để chuẩn bị đi dạy trở lại thì ngay trưa ngày hôm đó, tôi tất tả chạy xe máy đến trường và đề nghị vợ tôi viết đơn xin nghỉ dạy hẳn. Vợ tôi là một người vợ hiền thục như những người phụ nữ thời xưa, bao giờ cũng nghe lời chồng nên đã vui vẻ đồng ý. Lí do quan trọng nhất mà tôi muốn vợ tôi nghỉ dạy là tôi vô cùng thương nhớ con, tôi không thể xa đứa con trai yêu quý mà mình đã từng nâng niu và bồng ẵm gần một năm qua. Lí do thứ hai là tôi không cam lòng để con tôi bò lê, bò lết trong cái nhà trẻ dành cho con giáo viên của nhà trường. Không phải tôi coi thường nhà giữ trẻ ấy, những cô giữ trẻ cũng rất tận tâm, nhưng vì nhiều trẻ quá thì làm sao mà chăm sóc cho chu đáo được. Thế là ngay tối hôm đó, gia đình tôi lại sum họp.

Trong thời gian này, cuộc sống kinh tế của gia đình tôi khá bấp bênh, bởi trong thời buổi khó khăn ấy mà chỉ có một mình tôi kiếm ra tiền để lo cho gia đình. Dù gia đình lớn của tôi là một gia đình khá giả nhưng vì tự trọng nên không bao giờ tôi giãi bày những khó khăn do chính mình tạo ra. Trong sự bế tắc đó, tôi - một người thiếu thực dụng - bắt đầu vạch ra kế hoạch và mượn vốn để kinh doanh. Bước vào lĩnh vực kinh doanh, do không quen cách giao tiếp của người buôn bán, không biết lấy lòng khách hàng để đem cái lợi về mình; vì thế, vợ chồng tôi đã gặp nhiều khó khăn trong buổi ban đầu, nhưng nhờ tính trung thực của chúng tôi nên mọi việc rồi cũng êm xuôi và kinh tế của gia đình tôi tạm ổn định. Khi kinh tế bắt đầu ổn định, tôi lại tìm đến thế giới của sách vở, cái thế giới mà tôi không thể nào quên. Sau sáu năm kinh doanh, công việc đang trên đà phát triển thì do ảnh hưởng từ sách vở, tôi bỏ ngang và muốn lên vùng núi cao để sống trong sự cô tịch. Vợ tôi lúc nào cũng chiều theo ý tôi nên đã đồng ý nghỉ công việc kinh doanh.

Trong việc giáo dục con cái, định hướng tương lai cho con cái thì tôi không bao giờ dám hành động theo cảm hứng, nhưng riêng việc lo kinh tế cho gia đình thì tôi lại làm theo cảm hứng. Tôi đang làm việc gì đó nhưng nếu không ưa thích công việc này thì sớm muộn gì tôi cũng bỏ. Tuy sống tùy hứng, nhưng tôi luôn có những quyết định sáng suốt nên mọi việc rồi cũng ổn thỏa. Bởi luôn sống bằng cảm hứng nên không bao giờ tôi góp ý với người thân - nhất là những đứa em trong gia đình về những điều bình thường trong đời sống. Vì vậy, dưới mắt của các em tôi, tôi trở thành kẻ ích kỉ, do thiếu đầu óc thực dụng nên ít khi tôi khuyên bảo và giúp đỡ người thân. Thật là oan cho tôi, bởi chính tôi tính chuyên cho tôi còn chưa xong thì nào đâu dám khuyên nhủ người khác. Cũng vì tôi chọn lựa lối sống nghèo tự nguyện, tuy nghèo nhưng nhàn nhã, nghèo nhưng bao giờ tinh thần cũng an lạc nên tôi bị người thân ngộ nhận. Sau lưng tôi bao lời trách móc là tôi chỉ biết lo cho vợ con mà không chịu lo cho người khác. Tôi chẳng bao giờ coi trọng dư luận, vì thế tôi luôn im lặng và chịu đựng. Cái gia đình nhỏ luôn đem lại cho tôi yêu thương, hi vọng và an lành thì trái lại, cái đại gia đình ấy thỉnh thoảng đã đem lại cho tôi những buồn bực, thất vọng và chán nản. Phải chăng đó là định mệnh và nghiệp lực mà tôi phải gánh lấy?

Trở lại với Nietzsche và chuyến đi Đà Lạt. Thứ rượu tiên từ trời cao tuy cần thiết cho tâm hồn, nhưng tôi vẫn phải cần thứ lương thực hạ giới để nuôi sống xác thân tôi và con cái tôi. Tôi đành giã từ Nietzsche và những tác phẩm của ông, giã từ điều mà triết gia Kim Định đã từng nói: “Đọc Nietzsche tôi nghe tâm hồn phừng phừng sôi nổi.” (Triết Lý Giáo Dục - NXB Ca Dao, Sài Gòn, 1975 - trang 81). Tôi phải trở về với đời thường để trả nợ áo cơm, để nuôi dạy con cái và cố quên bóng ma của Nietzsche luôn luôn mời gọi.Từ ngày ở Đà Lạt trở về, tôi loay hoay tìm kế sinh nhai, cách mưu sinh mới mà tôi chọn lựa là êm ả, tránh va chạm và không đi xa. Sau nhiều lần suy nghĩ, tháng 04/1997 tôi bắt đầu công việc mới. Một thời gian ngắn, công việc dần dần có kết quả khả quan. Trong năm sau, vợ tôi có nguyện vọng trở lại nghiệp cũ nên nộp đơn thi công chức để vào biên chế nhà nước, may mắn vợ tôi trúng tuyển và bắt đầu đi dạy lại cho đến ngày hôm nay. Năm 2007, con tôi được đại học Princeton, Hoa Kỳ cấp học bổng toàn phần cho bốn năm đại học; như vậy từ đây con tôi đã tự lo liệu được cho mình. Nhờ không còn lo tài chính cho con ăn học, tôi từ bỏ kinh doanh tiếp để theo đuổi “cuộc chơi” đã vạch ra từ hai mươi năm trước, bất kể lối sống thiếu thực tế này không biết sẽ đưa tôi về đâu.

Khi viết những dòng chữ trên, tôi luôn cám ơn vợ tôi, có lẽ vợ tôi là người duy nhất dám đi cùng chồng vào con đường chông chênh và vô định ấy. Vì luôn trân trọng những ước vọng điên cuồng của tôi nên vợ tôi không bao giờ chống đối và phê phán, hoặc không bao giờ đem tôi so sánh với bất kì ai đang có được danh vọng hoặc tiền tài. Để tôi được hoàn toàn thỏa mãn trong đời sống tinh thần như ngày hôm nay. Vợ tôi đã hi sinh rất nhiều, kể cả chịu đựng cái tính khí thất thường của tôi để tôi được sống tự do theo ý muốn. Tôi nói ra điều này mà không ngại mang tội đại bất hiếu: “Trên cõi đời này, vợ tôi là người đã đối xử với tôi một cách tốt đẹp nhất - tốt đẹp hơn cả bậc sinh thành ra tôi”.

Giờ đây đối với Nietzsche, lòng tôi đã nguội lạnh. Thỉnh thoảng, trong đôi bài viết ngắn tôi có nhắc sơ qua về Nietzsche. Thời gian gần đây, do không còn tin tưởng mấy vào những ràng buộc của những gì thuộc giá trị của truyền thống, tôi lại nghĩ đến Nietzsche và triết lý của ông. Điều quan trọng còn đọng lại sau bao nhiêu năm quên lãng kia là chương sách “Về Ba Cuộc Hóa Thân” nằm trong kiệt tác Zarathustra Đã Nói Như Thế (Also Spach Zarathustra) của Nietzsche. Qua “Về Ba Cuộc Hóa Thân”, Nietzsche muốn đưa thông điệp đến cho con người hậu thế về cuộc hóa thân tinh thần: “Làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà biến thành sư tử, và cuối cùng, làm thế nào sư tử trở thành trẻ thơ”. Lạc đà đi vào sa mạc tịch liêu, chuyên chở gánh nặng của văn hóa, truyền thống, giáo dục: đây chính là những giá trị xưa cũ. Sư tử là chúa tể của sa mạc, luôn luôn hung dữ và cuồng bạo: phê phán và đập phá các giá trị đã được con người định đặt ra từ trước. Trẻ thơ là đứa hài nhi vô tư và thơ dại: khởi đầu con đường sáng tạo ra những giá trị vĩnh cửu.


VỀ BA CUỘC HÓA THÂN - FRIEDRICH NIETZSCHE


“Ta sẽ thuyết minh cho các ngươi nghe về ba cuộc hóa thân của tinh thần: làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà trở thành sư tử, và sau cùng làm thế nào sư tử trở thành trẻ thơ.

Có rất nhiều gánh nặng đối với tinh thần, đối với tinh thần dũng mãnh kiên trì được sự tôn kính khích động: dũng lực của tinh thần ấy đòi hỏi những gánh nặng nặng nề nhất.

Có cái gì nặng nề đâu? Tinh thần can đảm cất tiếng hỏi như thế; rồi nó quỳ gối như con lạc đà và muốn người ta chất thật nặng lên lưng mình.

Hỡi kẻ anh hùng, đâu là gánh nặng nặng nề nhất để cho tôi hất lên mình tôi và để cho sức mạnh của tôi được vui hưởng? - Tinh thần can đảm lên tiếng hỏi như thế.

Há chẳng phải là điều này: tự khiêm tốn nhún nhường để xúc phạm đến lòng kiêu hãnh của mình? Làm hiển lộ cơn điên nơi mình để biến trí huệ hiền minh thành trò cười thiên hạ?

Hoặc giả là điều này: từ bỏ chính nghĩa mình đúngvào lúc nó đang xưng vinh sự chiến thắng? Leo lên những đỉnh núi cao để cám dỗ kẻ cám dỗ?

Hoặc giả là điều này: sinh sống bằng những trái dẻ rừng cùng cỏ non của tri thức, và chịu đựng cơn đói cào nát tâm hồn, vì tình yêu chân lý?

Hoặc giả là điều này: ngã bệnh và xua đuổi hết những kẻ an ủi đi, để kết bạn với những người điếc, những người chẳng hề nghe được những gì ngươi muốn nói?

Hoặc giả là điều này: lặn sâu xuống làn nước đục, nếu đó là nước của chân lý, và không xua đuổi những con ếch lạnh cùng những con cóc nóng sốt?

Hoặc giả là điều này: yêu thương kẻ khinh bỉ ta và đưa tay về phía ma quỷ khi ma quỷ muốn làm ta khiếp hãi?

Tinh thần dũng mãnh nhận lãnh tất cả những gánh nặng đó: như con lạc đà vừa được chất hàng xong, vội vã lên đường về sa mạc, tinh thần dũng mãnh cũng vội vã về với sa mạc của đời mình như thế.

Nhưng giữa lòng sa mạc hoang liêu cô độc nhất đã thành tựu cuộc hóa thân thứ nhì: ở đây tinh thần biến thành sư tử, tinh thần muốn chinh phục tự do và làm chủ sa mạc riêng của mình.

Ở đây tinh thần tìm kiếm người chủ cuối cùng của nó: tinh thần muốn làm kẻ thù của người chủ ấy, và làm kẻ thù của vị Thượng đế cuối cùng của mình; để đạt chiến thắng vinh quang, tinh thần muốn chiến đấu với con đại khủng long.

Đâu là con đại khủng long mà tinh thần không còn muốn gọi là Thượng đế hay Chủ nhân nữa? Con đại khủng long ấy là “Mi phải”.Nhưng tinh thần của con mãnh sư thì bảo rằng “Ta muốn”.

Con đại khủng long “Mi phải” rình dò tinh thần dọc đường, lấp lánh ánh vàng dưới lớp da sừng có muôn ngàn vẩy và trên mỗi vẩy, lóe sáng dòng chữ vàng: “Mi phải”.

Những giá trị cổ lỗ ngàn đời lấp lánh sáng trên những chiếc vẩy ấy, và con rồng mạnh nhất trong loài rồng nói như thế này: “Giá trị của tất cả vạn sự đang lấp lánh trên mình ta”.

Tất cả giá trị đã được sáng tạo nên, cũng như tất cả những giá trị đang được sáng tạo, đều nằm trong ta. Thực ra, không nên có câu “Ta muốn” nữa! Con đại long ấy nói như thế.

Hỡi những anh em ta, tại sao lại cần đến con mãnh sư của tinh thần? Chúng ta há chẳng có khá đủ loài vật khỏe mạnh vừa có tinh thần khước từ vừa tuân phục hay sao?

Sáng tạo nên những giá trị mới; - đó là điều mà ngay cả con mãnh sư cũng chưa làm được; nhưng tự giải phóng mình để tiến đến những sáng tạo mới mẻ, - đấy là điều mà sức mạnh của con mãnh sư có thể làm được.

Tự giải phóng mình, thốt ra tiếng “Không” linh thiêng ngay cả với bổn phận: đấy là nhiệm vụ dành cho con mãnh sư, hỡi những anh em của ta.

Chinh phục quyền sáng tạo những giá trị mới, -đấy là cuộc chinh phục khủng khiếp nhất đối với một tinh thần kiên khổ và đầy lòng tôn kính. Thực ra, đối với tinh thần, đấy là một sự đánh cướp và là hành vi của một con thú săn mồi.

Ngày xưa, tinh thần yêu mến câu “Mi phải” như là điều thiện hảo linh thánh nhất của mình; giờ đây tinh thần phải thấy sự ảo tưởng và độc đoán ngay cả trong điều linh thánh nhất, cốt để tự do giải phóng khỏi tình yêu mến của mình: cần phải có một con mãnh sư cho một cuộc đạo tặc như thế.

Nhưng hỡi các anh em, hãy nói ta nghe, đứa trẻ thơ có thể làm điều gì mà con mãnh sư đã không thể làm được? Tại sao con mãnh sư dữ tợn phải biến thành trẻ thơ?

Trẻ thơ là sự ngây thơ và quên lãng, một sự tái khởi miên viễn, một trò chơi, một bánh xe quay vòng quanh mình, một vận chuyển đầu tiên, một tiếng “Vâng” linh thánh.

Vâng, hỡi các anh em, đối với trò chơi sáng tạo, cần phải có một tiếng “Vâng” linh thánh. Ý chí riêng của chính mình, đấy chính là điều mà hiện giờ tinh thần mong muốn; thế giới riêng của chính mình, đấy là điều mà kẻ đã đánh mất thế giới muốn chiếm được.

Ta đã nêu ra với các anh em ba sự hóa thân của tinh thần: làm thế nào tinh thần trở thành lạc đà, làm thế nào lạc đà biến thành sư tử, và cuối cùng, làm thế nào sư tử trở thành trẻ thơ”.

Zarathustra nói như thế. Và vào lúc này, Zarathustra cư ngụ trong thành phố mà người ta gọi là thành phố Con Bò Tạp Sắc.

Zarathustra Đã Nói Như Thế - Trần Xuân Kiêm dịch (NXB An Tiêm, Sài Gòn 1971, trang 33 - 37)

Chủ Nhật, 15 tháng 12, 2013

ƯỚC VỌNG CỦA NGƯỜI ĐIÊN


Tôi muốn làm kẻ điên
Ngày, đầu đường xó chợ
Đêm, về ngủ quạnh hiu
Trên vỉa hè hoang vắng.

Tôi muốn thành gã khờ
Vượt thoát nợ trần ai
Chẳng nhớ ngày tháng qua
Không màng ngày mai tới.

Tôi muốn sống tịch liêu
Xa phồn hoa đô thị
Giữa núi đồi mênh mông
Ngắm nhìn đường mây trắng.

Tôi muốn lượn thênh thang
Thoát khỏi mọi buộc ràng
Của tập tục lưu truyền
Mấy ngàn năm truyền thống.

Tôi muốn được Tự Do
Không thuộc dòng họ nào
Không mồ mả cha ông
Không lễ nghi phiền phức.

Mượn tinh túy người cha
Và cái trứng của mẹ
Vay thức ăn của đất
Thành thân xác vô thường.

Cha tôi là Chân Như
Mẹ tôi là Đại Ngã
Bà tôi là Tính Thể
Ông tôi là Thực Tại.

Tôi muốn gặp lại Tôi
Chơi vơi không gốc rễ
Không quá khứ vị lai
Không làng xưa đất tổ.

Tôi muốn thấy Quê Hương
Chốn từ đó ra đi
Không phải nơi chào đời
Lúc hài nhi thơ dại.

Tôi, đứa con bất hiếu
Không hiểu tình thiêng thiêng
Từ chối chốn gian trần
Tìm Quê Hương miên viễn!

Đây là tâm thức của một người đã chìm sâu vào nền Đạo học Ấn Độ, Thiền Tông Phật giáo và Mật Tông Tây Tạng. Hắn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi nhân sinh quan và thế giới quan Khổng giáo của vùng Á Đông. Bất kì cuộc thoát xác nào cũng gây nhiều đau đớn, xáo trộn và đổ vỡ trong đời sống thường nhật, nhưng một khi đã lên đường là quyết đi đến cùng.

Tam Kỳ - 15/12/2013

Thứ Sáu, 13 tháng 12, 2013

VỌNG TIẾNG HƯ KHÔNG

Thinh lặng nơi này
Ta nghe tan rã
Đổ nát, hoang tàn
Gió nổi, mưa sa.

Ngoài song u uẩn
Vọng nhịp hải hà
Trang kinh bỏ dở
Bên bờ hư không.

Chờ ánh triêu dương
Xua tan đêm tối
Vây phủ trùng trùng

Trọn kiếp nhân sinh

Bao năm rong ruổi
Mong tìm thấy lại...
Chỉ trong chớp mắt
Hay mãi thiên thu?


Đây là tâm tưởng của một người đang tìm nguồn ánh sáng nội tại - trong một xã hội đang băng hoại và phân hóa đến cùng cực.

Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

VÀNG PHAI MẤY LÁ - ĐOÀN CHUẨN

Tối qua, tình cờ tôi gặp bạn cũ trong khung cảnh văn nghệ trà dư tửu hậu. Mặc dầu không uống một giọt rượu bia nào để có được nguồn cảm hứng nhưng bạn bè vẫn ép tôi đàn hát cho vui.

Cũng đã lâu, tôi không còn cầm đàn guitar để hát những bài nhạc mình từng yêu thích từ thuở thanh xuân nên ngón đàn lóng ngóng và giọng ca không còn quyến rũ như xưa. Tuy vậy, để chiều lòng bạn, tôi cũng hát vài bài nhạc của Đoàn Chuẩn - ông hoàng nhạc trữ tình của dân tộc Việt. Một người bạn của bạn mà tôi mới gặp lần đầu lại rất thích nhạc của Đoàn Chuẩn nên khi tôi vừa hát xong hai nhạc phẩm Lá Thư và Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay thì liền hỏi tôi có biết bài Vàng Phai Mấy Lá (Vĩnh Biệt hay Bài Ca Bị Xé) của Đoàn Chuẩn không. Thực tình, tôi chưa từng nghe tên bài nhạc này nên mới bảo rằng tôi không hề biết. 

Thời tôi còn trẻ tuổi, Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu mến nhất vì thế tôi thuộc khá nhiều nhạc của ông. Trong thời buổi ấy, nhạc phẩm của các nhạc sĩ thành danh thời tiền chiến và các nhạc sĩ thành danh của miền Nam trước năm 1975 rất khó tìm nên tôi không thể nào biết hết cho được - dù tôi đã bỏ nhiều công sức để sưu tập. Hôm nay nhờ vào sự bùng nổ thông tin trên internet, thế giới đã trở thành "phẳng" nên dù ở bất kì xó xỉnh nào thì việc tìm kiếm thông tin cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn xưa rất nhiều.

Khi chia tay bạn bè, vừa về đến nhà tôi liền mở máy tính, vào internet và được nghe bài Vàng Phai Mấy Lá qua giọng ca rất tuyệt vời của Ánh Tuyết ngay. Đây là một trong những nhạc phẩm cuối cùng mà Đoàn Chuẩn sáng tác để tặng cho người ca sĩ nổi danh đất Hà thành là Thanh Hằng vào thập niên 1950, nhưng mới được công bố khoảng mười năm trở lại đây. Mặc dù tôi đã không còn nghe nhạc tình từ rất lâu nhưng chất liệu cổ kính và những chuyện cũ tích xưa tuyệt đẹp trong Vàng Phai Mấy Lá vẫn để lại dấu ấn tươi đẹp trong tôi.

Tam Kỳ, Tiết Lập Đông, Quý Tỵ - 2013