Thứ Ba, 29 tháng 1, 2013

TỪ MỘT TẤM ẢNH CŨ


Thằng bé được anh nó bồng ẵm trong tấm ảnh bị ố vàng chính là tôi của hơn năm mươi năm về trước. Trong trí nhớ hoang vu, mờ mờ sương khói, tôi nhớ lại cái ngày anh chị em tôi - lúc ấy chỉ mới có bảy người - từ ngã ba Trường Xuân được ba mạ dẫn xuống tiệm photo Ly Dung dưới Tam Kỳ để chụp bóng. Với trí óc non nớt và mong manh của ngày ấy, con đường từ nhà xuống phố rất nhỏ, quanh co giống như con đường làng, sau này lớn lên tôi mới phân biệt được đường làng hay đường cái. Thuở xưa, hai bên đường nhà cửa rất ít, cây cối mọc um tùm, san sát. Vì còn quá nhỏ, tôi được người nhà bồng bế ngồi đằng sau chiếc xe mobyllete của ba tôi. Năm đó là năm người Mỹ chưa đổ quân vào Việt Nam nên có lẽ con đường từ đường rầy xe lửa trở lên ngã ba Trường Xuân chưa được mở rộng và tráng nhựa thô như lúc tôi lên tiểu học. Cách đây vài năm, con đường này được mở rộng hơn nữa và tráng nhựa láng trơn, cảnh vật hai bên đường lại thay đổi một lần nữa.

Đã hơn nửa thế kỉ trôi đi, qua bao biến thiên của thời cuộc, qua nhiều lần dời nơi cư trú nhưng tôi không bao giờ quên hình ảnh căn nhà thân yêu, nơi tôi cất tiếng khóc chào đời. Hôm nay, căn nhà ấy không còn hiện hữu, trên nền đất cũ đã mọc lên một ngôi nhà mới với kiến trúc hoàn toàn khác lạ. Điểm tựa của một quá khứ êm đềm đã bị dỡ bỏ! Tuy luôn tập sống với thời gian hiện tiền, nhưng vì cái kí ức thuở ấu thời chưa được hoàn toàn phai hẳn, cho nên nó vẫn tuôn trào mỗi khi tôi tình cờ xem lại kỉ vật. Mỗi lần như vậy, lòng tôi buồn vô hạn, bởi tất cả đều hư hoại và trở thành hư vô, dù ta có nỗ lực gìn giữ. Bởi vậy tôi vô cùng ái ngại về những giờ phút mà tâm tưởng mình miên man đi tìm quãng thời gian đã mất.

Hôm nay xem lại tấm ảnh thủa ấu thời, lòng tôi bỗng nhiên bồi hồi khôn tả. Bà chị đầu và ông anh thứ tư của tôi - người trước, người sau - đã ra đi vĩnh viễn mấy chục năm nay. Anh chị tôi ra đi ở tuổi còn rất trẻ, anh tôi mất năm ngoài ba mươi, chị tôi mất năm mới ngoài năm mươi tuổi. Nếu hai người còn sống, đến tết này anh tôi cũng đã ngoài sáu mươi, còn chị tôi vừa đúng bảy mươi. Các anh chị tôi còn lại trong tấm ảnh sẽ từ từ biến mất khỏi thế gian trong vòng vài mươi năm nữa, kể cả tôi - cái thằng cu bé xíu trong tấm ảnh này. Viết đến đây, tôi chợt nhớ câu châm ngôn do ba tôi đặt ra, được viết bằng sơn đỏ trên vách gỗ có nền xanh lơ: "Một trăm năm sẽ đến, mọi người lần lượt về nơi an nghỉ cuối cùng. Chớ giận hờn, phiền muộn, oán trách, luyến tiếc, mê muội... Hãy vui vẻ phấn đấu trong cuộc sống. Hãy tha thứ cho nhau, thương yêu nhau để sống hòa thuận.". Tôi đã đọc khá nhiều và sống rất mãnh liệt với sách vở, từ văn chương, triết học cho đến đạo học, tôn giáo… nhưng nhiều khi lòng vẫn còn cố chấp và vô minh lắm lắm. Mãi đến tận hôm nay tôi mới cảm thấy được giá trị của những dòng chữ của ba tôi. Tôi không xem ba mình như là một hiền giả; chẳng qua, ông đã đau khổ và quá nhiều trải nghiệm trong cuộc đời nên mới thốt lên những lời như vậy trước khi về cõi vĩnh hằng khoảng một, hai năm.

Nếu không được người lớn nói ra, tôi làm sao biết được khuôn mặt và hình hài của mình thuở ấy. Đứa nhỏ trong tấm ảnh không phải là cái thằng tôi bây giờ, khuôn mặt của nó quá ngây thơ và xa lạ. Tôi tự nhủ, về mặt hình hài chắc chắn nó không phải là tôi, bởi theo các khoa học gia, trong khoảng mười hai năm, các tế bào cũ trong con người đã được đổi mới hoàn toàn. Nói cho đúng hơn, về mặt thân xác thì thằng cu đó đã chết rồi. Cái còn lại trong tôi là tinh anh, tinh túy, linh hồn..., ai muốn gọi gì cũng được, và cái tâm trí để nhận biết, suy nghĩ và hồi tưởng. Vài mươi năm sau - nếu tôi còn hiện diện - tôi cũng sẽ khác xa bây giờ. Khi ấy, nếu nhìn lại những tấm ảnh của ngày hôm nay, tôi cũng thấy tôi thật xa lạ. Hình hài của gã trung niên khỏe mạnh ấy cũng đã hư hoại mất rồi, thay vào đó là một ông già lụ khụ, tóc râu bạc trắng như mây trời, cơ bắp nhão nhoẹt, làn da đầy đồi mồi, giọng nói không còn sang sảng, hào hùng và ấm áp… mà từ tốn, nhỏ nhẹ và yếu ớt. Lúc ấy tôi sẽ tự nhủ: “Kẻ lữ thứ ơi, ngày tháng rong chơi của mi ở chốn trần gian đã gần hết rồi đó! Chiếc thuyền giong sẵn buồm sẽ đưa một mình mi về giữa trùng khơi gió lộng. Mi sẽ ra đi trong sự cô đơn và không mang theo chút hành trang nào cả, mi phải bỏ lại sau lưng con cháu, người thân, bạn bè, tài sản…”. Vì tôi đã tập sống với nỗi chết từng ngày cho nên đến giây phút cuối cùng, tôi sẽ thanh thản ra đi, ra đi không hối tiếc, không vướng bận. Những ai chưa sẵn sàng để đối mặt với điều ấy sẽ phải đau khổ và những ai ra đi khi tuổi đời còn trẻ thì càng phải đau khổ hơn nữa.

Tôi không bi quan, trái lại hoàn toàn lạc quan khi ngồi viết những dòng chữ trên. So với cuộc sống chung của những con người trong một xã hội còn lạc hậu và nghèo khổ, tôi thấy mình được may mắn hơn. Hiện tôi đang sống rất là bình an và hạnh phúc với những điều thuận lợi sau:

Về vật chất: Nhà tôi tuy không đẹp và tiện nghi cho lắm nhưng còn hơn xa những khu ổ chuột tại đất nước giàu có nhất thế giới là Hoa Kỳ. Tôi có ngày ba bữa cơm rau, áo quần lành lặn, có chút ít tiền mua thuốc men khi ốm đau lặt vặt… Bởi không tạo cho mình những nhu cầu không cần thiết nên chẳng bao giờ tôi thấy thiếu thốn hoặc than van. Tôi nghĩ rằng mình còn giàu hơn tỉ phú gấp nhiều lần, bởi họ chẳng bao giờ thấy mình đủ cả và lúc nào cũng muốn kiếm nhiều hơn nữa.

Về sức khỏe: Tôi không bị đau nặng, chỉ bị huyết áp cao và uống thuốc hằng này; tôi chỉ có bệnh mà không có hoạn, có đau mà không có khổ. Vào lúc 5 giờ sáng mỗi ngày tôi chạy bộ khoảng hai cây rưỡi số, 5 giờ chiều tôi tập khí công một tiếng đồng hồ. Nhờ vậy, tôi ăn gì cũng ngon và ngủ lúc nào cũng được ngon giấc.

Về tinh thần: Tôi có một gia đình an vui và đầm ấm. Vợ tôi hiền lành, vui vẻ, đảm đang, hi sinh, chịu đựng, yêu chiều chồng con rất mực. Con tôi chịu khó học hành, hiếu thảo, thương người… Tôi khỏi phải lo kiếm tiền để chu cấp cho con từ khi con tôi vào đại học, hiện nay tôi cũng không lo lắng gì nhiều về tương lai của con cái nữa. Về chuyện vợ con, tôi hoàn toàn mãn nguyện!

Tôi tuy nghèo - nghèo một cách tự nguyện - nhưng không bị gánh nặng mưu sinh làm cho khổ não, được tự do và sống với những điều mình yêu thích: nằm dài cả ngày để đọc sách, để suy tưởng và mơ mộng… và nhất có nhiều thời gian để tìm lại cái “bản lai diện mục” - con người đích thực của mình. Về mặt tinh thần, hiện nay tôi là tỉ phú ở chốn trần gian. Qua sách vở, tôi được làm học trò của nhiều thánh nhân và đạo sư…; "bạn bè" tôi thì rải rác khắp đông tây, kim cổ. Tuy có cuộc sống tốt đẹp như vậy, tôi luôn luôn chuẩn bị tinh thần để đón những tình huống xấu nhất, chứ không phải là tốt nhất sẽ đến với tôi trong tương lai chưa biết trước.

Nói đến chuyện chạy bộ, tôi lại nhớ một hình ảnh rất cảm động. Mỗi sáng sớm, tôi thường thấy một bà cụ cũng gần tám mươi với một gánh hàng rong trên đôi vai gầy xơ xác. Tôi vừa chạy vừa tự hỏi: Sao bà cụ lại đi bán vào giờ này, lát nữa bà sẽ bán ở đâu, sao con cháu để bà làm công việc cực nhọc này? Người Việt mình rất hiếu thảo, con cái không bao giờ để cho cha mẹ khổ sở lúc tuổi già, chắc con cháu của bà cụ này cũng quá nghèo khó nên bà cụ vẫn phải tự lo thân ở cái tuổi gần đất xa trời. Tôi - một người mới ngoài năm mươi - đã không chịu làm việc mà chỉ biết nằm dài đọc sách, trong khi bà cụ gần tám mươi vẫn còn gồng gánh để nuôi thân. Nghĩ đến đây, tôi cảm thấy hổ thẹn! Tôi đã làm chi đời tôi? Tôi đã làm được gì cho cuộc đời? Con tôi rồi sẽ giúp được gì cho đất nước? Bởi vậy, có gì mà phải đáng tự hào là mình có con du học tại những đại học danh tiếng nhất thế giới, đứa con trai đã và sẽ làm rạng danh cho gia đình và dòng họ.

Dù được người thân và bạn bè khuyến khích nhưng tôi rất ít viết, khi có nhu cầu thực sự thì tôi mới chấp bút, dù chỉ là vài dòng ngắn ngủi. Với tôi, viết không phải để ngợi ca mình, đề cao người thân, khoe khoang kiến thức, để được đăng báo hoặc in thành sách; mà viết là cách vứt bỏ cái độc tố trong tâm thức, để giải tỏa nỗi ẩn ức, để tạ ơn đời, để tự giáo dục và nhắc nhở mình… Tối nay tôi nổi hứng viết một mạch từ 7 giờ tối cho đến 11 giờ đêm theo thể tự sự và tùy bút, tự để ngọn bút đưa đẩy tâm tư. Thông thường, những nhà văn nổi tiếng mới viết tự sự để người khác biết đến đời sống của mình. Tôi, một tên vô danh tiểu tốt sao lại bày đặt làm cái chuyện lạ?

Bài viết này chủ yếu là viết cho mình và có thể chia sẻ với người thân nhưng lại đưa lên đây làm mất thời giờ của thân hữu. Nếu bài viết này có làm phiền quý vị, tôi thành thật xin được lượng thứ!

Tiết Đại Hàn, Nhâm Thìn - 2013