Thứ Hai, 15 tháng 1, 2024

TẶNG VỢ TÔI


Sống Đẹp - The Importance of Living - của Lâm Ngữ Đường (Lin Yutang) do Nguyễn Hiến Lê dịch cách đây hơn nửa thế kỉ là một cuốn sách tuyệt vời về nghệ thuật sống. Khi mới xuất bản vào năm 1937, The Importance of Living đã đứng đầu trong số những sách bán chạy nhất ở Mỹ liên tiếp trong mười một tháng.

Lâm Ngữ Đường đã giới thiệu triết lí trung dung của người Trung Hoa với người Âu Mỹ trong kiệt tác Sống Đẹp. Đây là nền triết lí đã tổng hợp và dung hòa được hai nguồn tư tưởng chính của Trung Hoa là Khổng giáo và Lão giáo, của nhập thế và xuất thế. Ông cho biết, triết lí đó không phải là của ông mà của dân tộc Trung Hoa. Nhờ có một nhân sinh quan cận nhân tình cho nên nền văn hóa Trung Hoa thời trước đã xuất sinh một đời sống quân bình về mặt tinh thần: Rất lãng mạn nhưng vô cùng thực tế, rất mơ mộng nhưng không đánh mất thực tại.

Sống Đẹp là một trong những cuốn sách mà trong vòng ba mươi lăm năm qua tôi đã đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Vào những năm đầu, tôi thường đọc từ đầu đến cuối cuốn sách; nhưng về sau, mỗi lần đọc, tôi chỉ đọc một vài chương mà mình cảm thấy cần. Sáng nay, tôi nằm đọc lại chương “Lạc Thú Gia Đình”, đọc đến một đoạn thật thú vị tôi liền nghĩ: Những ai đang “say nắng” mà tình cờ đọc được đoạn văn dưới đây chắc sẽ tỉnh ngộ ngay.

“Theo tôi, chương về Sáng tạo trong Sáng Thế Kí(6) cần phải viết lại. Trong truyện Hồng Lâu Mộng(7), nhân vật chính là Giả Bảo Ngọc, một thanh niên được chiều chuộng, đa cảm, thích gần gũi đàn bà và rất phục các chị em họ diễm lệ của chàng, hận rằng mình trót sinh làm nam nhi, có lần nói rằng đàn bà do nước tạo thành, còn đàn ông do đất sét tạo thành, vì đàn bà đều linh lợi, thông minh, kiều mị, khả ái như các cô chị em họ kia, còn đàn ông như chàng thì xấu xa, ngu độn, thô lỗ, tàn bạo. Nếu tác giả Sáng Thế Kí là Bảo Ngọc thì chuyện Sáng tạo chắc đã khác: Thượng Đế lấy một nắm đất sét, nặn một hình người, hà hơi vào mũi và thành Adam (thuỷ tổ của đàn ông). Nhưng không bao lâu Adam nứt nẻ, rớt thành từng miếng. Thượng Đế bèn lấy một chút nước, nặn lại cục đất sét và cái nước thấm vô thân thể Adam đó, Thượng Đế gọi là Eve (thuỷ tổ của đàn bà), như vậy nhờ có Eve mà sinh mệnh của Adam mới hoàn thành. Theo tôi, đó ít nhất cũng là ý nghĩa của hôn nhân. Đàn bà là nước, đàn ông là đất sét, nước thấm vào đất sét mà thành hình; đất sét giữ nước, mà nước lưu động, sinh hoạt được trong đất sét, nên mới có cụ thể.

Đời Nguyên, có một hoạ sư danh tiếng là Triệu Mạnh Phủ; bà vợ họ Quản cũng là một hoạ sĩ danh tiếng cũng đã dùng thí dụ nước và đất sét đó tả tình vợ chồng. Lúc hai ông bà đã đứng tuổi, lòng yêu vợ của ông giảm đi, ông muốn cưới một người thiếp. Bà làm bài từ khúc nhỏ này, ông rất cảm động và thôi không nghĩ đến việc nạp thiếp nữa:


Anh của em, em của anh,

Giữa chúng ta tình cực đậm đà,

Cho nên nhiều khi nồng như lửa.

Lấy một nắm đất sét,

Nặn thành hình anh,

Đắp thành hình em.

Rồi đập phá cả hai hình chúng ta, nhào chung lại,

Lại nặn thành hình anh,

Lại đắp thành hình em.

Trong chất đất của em có anh,

Trong chất đất của anh có em,

Anh với em, sống thì đắp chung mền,

Mà chết thì liệm chung quách.”


(6) Chương trong Thánh kinh về sự sáng tạo thế giới.

(7) Tiểu thuyết tả chân danh tiếng nhất đời Thanh, của Tào Tuyết Cần (1719-1764).

Đọc đến đây, tôi bỗng nhớ đến nhạc phẩm Thơ Tình Cuối Mùa Thu do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc từ một bài thơ của Xuân Quỳnh. Thời tuổi trẻ, tôi không thích bài nhạc này mấy, nhưng bây giờ tôi thấy nó rất thơ mộng, càng nghe càng thấy thi vị. Tình yêu trong bài nhạc như thứ rượu nồng đã được ủ kín nhiều năm; tình yêu bồng bột và say đắm của thời tuổi trẻ đã qua đi để nhường chỗ cho một tình yêu êm đềm nhưng sâu lắng ở lứa tuổi mùa thu của cuộc đời.

 (1041) Thơ Tình Cuối Mùa Thu - Bảo Yến | Nhạc Trữ Tình 2017 | MV Audio - YouTube