Thứ Năm, 30 tháng 1, 2014

LY RƯỢU MỪNG

Suốt cả tháng qua, bầu trời âm u và thời tiết lạnh giá bởi những cơn mưa phùn gió bấc. Mấy ngày nay ánh nắng xuân đã về, lòng người bỗng thấy nhẹ nhàng phơi phới, cơn trầm uất hầu như đã biến mất. 

Bây giờ là thời khắc của năm tàn tháng tận, ngoài kia tiếng xe cộ rì rầm qua lại, tôi ngồi đây bình an nghe ngóng đất trời và cảm nhận cái khí vị của mùa xuân đang lan rộng khắp thinh không. Tuy đã qua lâu rồi cái lứa tuổi náo nức đếm từng ngày, từng ngày mong mau đến Tết, và đêm ba mươi thì không chợp mắt được vì trông trời mau sáng nhưng trong tôi vẫn còn tràn đầy bao kỉ niệm của những ngày quá vãng. Con trẻ hồn nhiên và thơ ngây, vô thức dường như thấu cảm điều gì đó rất thiêng liêng và huyền nhiệm trong những ngày mở đầu một năm mới; còn người lớn chúng ta có lẽ đã đánh mất thiên chân nên tâm hồn không được mấy hân hoan?

Sáng nay, tôi nghe đi nghe lại bài Ly Rượu Mừng do nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác cách đây hơn nửa thế kỉ. Dù đã từng được nghe lúc còn niên thiếu nhưng cho đến hôm nay Ly Rượu Mừng vẫn còn như rất mới - bởi bao giờ nó cũng làm xao xuyến và rộn rã tim tôi. Những lời cầu chúc trong Ly Rượu Mừng chưa bao giờ cũ, tuy chiến tranh đã chấm dứt gần bốn mươi năm mà bao ước mơ tươi đẹp của người dân Việt Nam vẫn chưa trở thành hiện thực.

Có thể nói rằng, người Âu Mỹ đón năm mới bằng nhạc phẩm Happy New Year của ABBA thì người Việt Nam lại đón Tết bằng nhạc phẩm Ly Rượu Mừng của Phạm Đình Chương. 

Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

VÀI DÒNG CẢM NHẬN VỀ ÂM NHẠC CỦA TRỊNH CÔNG SƠN














Với tôi, Trịnh Công Sơn là nhạc sĩ duy nhất của dân tộc Việt dùng âm nhạc để chuyển tải ý nghĩa của Triết học Hiện sinh và Thiền học Phật giáo. Con đường sáng tác của ông trước năm 1975 có thể được chia làm ba chặng; chặng đầu là những bản tình ca; chặng giữa là dòng nhạc phản chiến và tình tự quê hương; chặng cuối là dòng nhạc nói về thân phận con người, về lẽ tử sinh, sự đối diện với hư vô, niềm cô đơn tâm linh và nỗi thao thức trở về với chính mình - hòng tìm gặp con người chân thực của mình. 

Thời trai trẻ, tôi từng say mê đàn hát những bản tình ca của ông; đến mùa thu cuộc đời, tôi lại thích nghe dòng nhạc ông sáng tác khi đã trải nghiệm về sự tìm kiếm. Có khá nhiều nhạc phẩm của Trịnh Công Sơn ở giai đoạn cuối mà khi vừa mới nghe lướt qua, chúng ta cứ ngỡ ông nói đến tình cảm thế nhân; nhưng những ai tinh ý hoặc có chút am hiểu về Triết học Hiện sinh và Thiền học Phật giáo sẽ nhận ra cái "ý tại ngôn ngoại" (ý tưởng nằm ở ngoài lời nói) của ông - bởi ngôn từ của thế gian thì không thể diễn đạt hết được những cảm nghiệm về triết lí và đạo học. Với tôi, âm nhạc Trịnh Công Sơn không những nâng cao tâm thức và thăng hoa tâm hồn của người nghe mà còn có khả năng trị liệu những nỗi đau khổ triền miên. Nói theo ngôn ngữ của nhà Phật, ông chính là một Bồ Tát Nghệ Sĩ (Bodhisattva-Artiste).

Tuy đã bỏ nghe nhạc và hát nhạc từ lâu nhưng thỉnh thoảng vào những đêm khuya, tôi vẫn trở về với những ca khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn qua giọng hát Khánh Ly để được an nhiên tự tại sau những cơn giông bão của đời mình như: Một Cõi Đi Về, Đóa Hoa Vô Thường, Phôi Pha, Hành Hương Trên Đồi Cao, Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ, Lời Thiên Thu Gọi, Chiếc Lá Thu Phai, Tôi Đang Lắng Nghe, Chìm Dưới Cơn Mưa… 

Một Cõi Đi Về là nhạc phẩm cuối cùng của cuộc hành trình vô định, và cũng là nhạc phẩm sâu sắc nhất mà ông đã phô bày tâm trạng của một người muốn tìm lại “quê nhà”, muốn giã từ cõi đời hư ảo để trở về với thế giới hằng hữu khi không tìm được ý nghĩa của cuộc tồn sinh.