Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

VỀ ĐẠO CA MILAREPA

Trong đà sống hiện nay, câu chuyện bên dưới dường như bị lạc điệu nhưng người viết đã lỡ dại viết ra rồi. Thôi thì đưa lên đây vậy.

Sau một thời gian hướng ra bên ngoài tạo lập nhà cửa để lo phần tiện nghi cho thân xác, tâm trí chàng trở nên khô cằn và rỗng tuếch như một vùng sa mạc hoang liêu. Do năng lượng tinh thần bị hao phí mà không được bù đắp, chàng đã thất bại trong việc gìn giữ nguồn suối TÂM LINH luôn dạt dào tuôn chảy. (Từ ngữ TÂM LINH được dùng ở đây mang ý nghĩa trong sáng và thuần khiết nhất, nó không phải là thứ từ "tâm linh" đã bị lạm dụng cho sự mê tín dị đoan của đám người ngu muội, hoặc bị những kẻ “đầu tròn áo vuông” lợi dụng vào mưu đồ danh lợi). Trong những ngày tháng sống chẳng ra hồn này, chàng lại trở về ngồi dưới chân các bậc Giác Ngộ để lắng nghe những lời giảng dạy diệu kì của họ và lặng nghe tiếng gọi tha thiết của lòng mình. Con đường trở về là lội ngược dòng, là quên lãng thế gian, là chìm đắm vào niềm cảm hứng TÂM LINH và phiêu du vào những vùng tâm thức sâu thẳm không dò tới đáy.

Để làm tươi nhuận đời sống tâm tư, chàng lại vào mạng internet tìm kiếm những cuốn sách quý đã được dịch và xuất bản. Cách đây mấy hôm, tình cờ - thực ra chẳng có chi gọi là tình cờ cả, mọi sự việc đều do nhân duyên tạo ra - chàng bắt gặp cuốn Đạo Ca Milarepa.Đạo Ca Milarepa đã được Garma C. C. Chang biên dịch từ tiếng Tây Tạng sang Anh ngữ và xuất bản vào năm 1962, Đỗ Đình Đồng dịch ra Việt ngữ và Viet Nalanda Foundation ấn tống vào cuối năm 2013. Ấn tống là kinh sách được in ra để cấp miễn phí cho người đang cần đến. Viet Nalanda Foudation là một tổ chức phi chính trị và bất vụ lợi có trụ sở tại bang Maryland, Hoa Kỳ. Viet Nalanda Foundation (VNF) được thành lập năm  2006 nhằm mục đích làm công việc từ thiện, giáo dục và tôn giáo. Một trong những tôn chỉ của Viet Nalanda Foundation là: “Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, Viet Nalanda Foundation sẽ hết lòng vận động cho tinh thần Hoà Bình Thế Giới và trong khi điều hành hoặc thực hiện các chương trình sinh hoạt hay đề án của Viet Nalanda Foundation, tất cả các thành viên của Viet Nalanda Foundation phải luôn phát khởi Bồ Đề Tâm và thực hành theo hạnh Từ Bi Hỷ Xả, theo đúng với lời dạy về tâm Tứ Vô Lượng của đức Thế Tôn”.

Bản sách điện tử Đạo Ca Milarepa cũng đã được đưa lên mạng, chàng lại có máy đọc sách (eReader) nên chỉ vài cái click chuột là chàng tải được cuốn sách ấy về máy vi tính. Sau khi mất khoảng ba phút cho vài công đoạn chuyển định dạng cho sách điện tử, rồi nạp vào máy đọc sách là chàng có sách để đọc ngay. Tuy đang có ấn bản điện tử của cuốn sách quý giá này nhưng chàng cũng chưa thỏa lòng, chàng vẫn muốn truy lùng để tận mắt "chiêm ngưỡng" bản in trên giấy. 

Năm 2011, chàng phát hiện cuốn  Lời Vàng Của Thầy Tôi - đây là một cuốn sách vô cùng quý báu - được Viet Nalanda Foundation ấn tống tại Mỹ vào năm 2008. Khi đã phát hiện ra thì sách ấn tống đã được ba năm rồi nên chàng ít hi vọng gì để sở hữu nó nữa. Dù rất mong manh nhưng chàng vẫn nuôi hi vọng rằng, một ngày nào đó mình sẽ có được cuốn sách này. Chàng liền viết thư  cho VNF và nhận được thư hồi âm ngay, VNF cho biết sách đã được người ta thỉnh hết rồi. Dù VNF đã đưa ấn bản điện tử lên mạng, lúc đó chàng chưa có máy đọc sách, cho nên đọc nguyên cả cuốn sách dày 722 trang trên màn hình máy tính thì rất mỏi mắt. Vì thế, thỉnh thoảng chàng tìm kiếm thông tin về việc ấn tống cuốn sách này trên internet, trên diễn đàn của một cơ sở bán kinh sách ở Sài Gòn cho biết năm 2011 tại Việt Nam có một nhóm người phát tâm ấn tống và nhờ nhà sách chuyển Lời Vàng Của Thầy Tôi  đến người có nhu cầu. Chàng lại viết thư cho nhà sách, sau đó được trả lời rằng, do số lượng sách có hạn nên sách đã hết rồi; khi nào có người phát tâm góp tiền in sách thì họ sẽ báo lại. Bẵng đi cả năm trời, một hôm chàng nhận được email của nhà sách cho biết là sách đã được ấn tống lại. Chàng nhờ anh bạn thân ở Sài Gòn chạy xe hơn mười cây số đến nơi nhận giùm sách.

Vì đã từng nhận được Lời Vàng Của Thầy Tôi cho nên giờ đây chàng vẫn hi vọng là sẽ nhận được Đạo Ca Milarepa - dù sách đã được ấn tống vào cuối năm 2013 và chỉ tặng cho người Việt đang ở Mỹ. Chàng dự định nhờ thằng con ở Mỹ chuyển một email của chàng đến Viet Nalanda Foundation và đứng ra xin nhận sách giúp. Chưa kịp viết thư cho đứa con, loay hoay một hồi với trang nhà của VNF chàng biết được rằng, hiện nay ở Việt Nam cũng đã ấn tống cuốn sách này và có người chịu trách nhiệm biếu tặng. Chàng liền viết ngay email dài cho người ấy, nội dung email như sau:

“Kính gửi anh...,

Nhờ một nhân duyên kì diệu mà cách đây gần ba mươi năm trước, tôi tình cờ được biết đến vị đạo sư vĩ đại Milarepa qua hai bản dịch Milarepa - Con Người Siêu Việt  và Gửi Lại Trần Gian do dịch giả Đỗ Đình Đồng dịch ra Việt ngữ trước năm 1975. Từ đó đến nay, thỉnh thoảng tôi đọc đi đọc lại hai cuốn sách mỏng trên để tạo niềm cảm hứng tâm linh và quyết tâm tu tập. Nay lại nhờ một nhân duyên khác, qua mạng internet, tôi biết thêm gần đây dịch giả Đỗ Đình Đồng đã dịch Một Trăm Ngàn Bài Ca của vị Thánh tăng Milarepa và đặt tựa cho cuốn sách vô cùng giá trị này là Đạo Ca Milarepa.

Tôi tìm kiếm trên mạng để xem có nơi nào ở Việt Nam đã xuất bản cuốn sách trên để mua nhưng không thấy. Cho dù hiện nay trên mạng đã có bản sách điện tử nhưng tôi cũng tham lam muốn sở hữu một bản in bằng giấy cho thuận tiện. Lục lọi trên internet, qua Viet Nalanda Foundation tôi được biết sách đã được VNF ấn tống và người thỉnh sách ấn tống tại Việt Nam có thể thỉnh sách này từ anh.

Kể từ ngày VNF thông báo đến nay đã hơn một năm trôi qua cho nên chuyện nhận được sách từ anh rất là mong manh; tuy vậy, tôi vẫn còn hi vọng và hi vọng. Nếu anh vẫn còn lưu giữ bản sách này, tôi mong anh giúp đỡ để tôi được thỉnh kho tàng quý báu về Pháp này và tôi xin chịu trách nhiệm về chi phí vận chuyển.

Viết cho anh cũng dài, mong anh bỏ qua về sự làm phiền này. Chúc anh cùng gia đình mọi sự an lành và thân tâm thường an lạc.

Kính thư!"

Email được gửi đi, chàng ngồi đọc lời giới thiệu của dịch giả bản Việt ngữ và của dịch giả bản Anh ngữ và chờ đợi. Chỉ hơn mười phút sau, chàng liền nhận được thư hồi âm, nguyên văn email như sau:

“Dạ hiện sách ấn tống tại VN thì em hết rồi anh ạ. Nhưng em vẫn còn bản sách in bên Mỹ ạ, sáng nay em sẽ gửi tặng anh ngay ạ. Vô cùng hoan hỷ vì tất cả ạ...”.

Thư hồi âm thật ngắn gọn và nhẹ nhàng nhưng chuyển tải thông tin tốt lành. Biết được người hồi âm thuộc phái nữ chứ không phải là phái nam như chàng đã xưng hô trong email, chàng cảm thấy hơi mắc cỡ vì cách xưng hô quá ư là trịnh trọng của mình. Gần trưa ngày hôm sau, nhân viên bên bưu điện gọi cửa; nghe gọi, chàng cứ ngỡ là họ giao sách mà chàng đã đặt mua trên mạng trước đó. Nào ngờ, khi mở cửa thì nhận được cuốn Đạo Ca Milarepa dày đến 889 trang từ Sài Gòn chuyển đến bằng dịch vụ chuyển phát nhanh EMS. Cuốn sách được in công phu trên một loại giấy tốt từ Mỹ nay đã được đưa đến một xó xỉnh tại Việt Nam. Như là một giấc mơ đẹp, chàng muốn cảm tạ những tấm lòng rộng mở: người dịch sách, người liên lạc để xin bản quyền dịch ra tiếng Việt, người phát tâm cúng dường tiền bạc, người in ấn, người chịu trách nhiệm biếu tặng... bằng một bài viết tràn đầy cảm hứng. Nếu ai đó đổi cho chàng một lượng vàng hoặc chiêu đãi chàng cả tuần lễ với những món ăn ngon tuyệt và những thứ rượu hảo hạng để lấy cuốn sách trên, chắc chắn chàng sẽ từ chối. Bởi khi đã đủ ăn, chàng quý sách hơn vàng. Đúng là đồ gàn bát sách!

Từ khi chàng biết đến vị thánh tăng Milarepa cho đến khi gặp Đạo Ca Milarepa (The Hundred Thousand Songs of Milarepa) là thời gian gần ba mươi năm, từ khi biết đến vị thánh tăng Patrul Rinpoche cho đến khi gặp Lời Vàng Của Thầy Tôi (The Words of My Perfect Teacher) là thời gian gần mười lăm năm trời. Năm 2000, chàng bắt đầu có sự tiếp xúc sâu rộng với Phật giáo Mật tông Tây Tạng thì chàng đã đọc được hàng loạt thánh thư dịch ra Việt ngữ. Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ của Patrul Rinpoche là một trong những cuốn sách quý báu đó. Phần cuối của Kho Tàng Tâm Của Các Bậc Giác Ngộ là tiểu sử ngắn của Patrul Rinpoche, trong tiểu sử này, người dịch có nhắc đến cuốn The Words of My Perfect Teacher (lúc ấy được dịch là Những Lời Nói của Vị Thầy Hoàn Hảo của Tôi). Chỉ nghe lời giới thiệu, chàng đã thấy một sự rung động sâu xa nào đó và ước ao có người phát tâm sớm dịch ra Việt ngữ. Bản tiếng Anh rất dễ kiếm, chỉ cần lên amazon.com là tìm mua được ngay, nhưng do khả năng tiếng Anh của chàng quá kém nên chàng không đủ sức đọc. Cái nhân đã được gieo ra, qua tứ thời bát tiết nó nẩy mầm thành cây lớn, rồi kết nên những quả ngọt.

Một cuốn sách từ khi phát hiện đến khi nhận được thì phải chờ đợi hơn cả năm trời, một cuốn sách khác từ khi phát hiện đến khi nhận được chỉ chưa đầy hai mươi bốn tiếng đồng hồ, có lẽ mọi sự đều do nhân duyên. Chuyện gặp được sách vở, được làm học trò và bạn hữu với sách vở cũng là duyên nợ như chuyện duyên nợ của vợ chồng - tất cả đều do trùng trùng trùng duyên khởi!

Về việc mê đọc sách, chuyện thú chơi sách, rồi so sánh sách giấy và sách điện tử (ebook) là cả một câu chuyện dông dài, khi nào rảnh rỗi chàng sẽ thư thả viết ra.

Tam Kỳ - 14/04/2015 

VỀ ĐẠO CA VÀ CUỘC ĐỜI ĐẠO SƯ MILAREPA

Trong lời nói đầu của Đạo Ca Milarepa (tiếng Tây Tạng là Mila Grubum), Peter Gruber - bạn đạo của dịch giả bản tiếng Anh - đã viết vào năm 1962 như sau:

“Mila Grubum là loại sách gì? Khó mà đưa ra một câu trả lời thích đáng cho câu hỏi này. Chắc chắn, nó là một trong những tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại nhất, ngang hàng với Mahābhārata [một thiên trường ca anh hùng của Ấn độ giáo], Avatamsaka Sūtra [Kinh Hoa Nghiêm], The Bible [Kinh Thánh Cựu và Tân Ước], và những sách tương tự. Nhưng đồng thời, còn nhiều hơn thế nữa - nó là một loại sách khác trong quyền riêng của nó, người ta không thể tìm thấy một sách khác nào thực sự sánh đôi với nó trong lãnh vực văn học. Bởi vì bút pháp độc nhất vô nhị của nó, kết cấu bất thường, và nội dung bao quát, Mila Grubum là một quyển sách khó để dẫn nhập và ca ngợi theo nghĩa thông thường. Vì thế, câu trả lời tốt nhất cho câu hỏi, “Mila Grubum là loại sách gì?” sẽ là do chính mỗi cá nhân độc giả cống hiến qua sự hiểu và thâm cảm của mình.


Có lẽ bây giờ tôi có thể tự nói lên cho chính mình lý do tại sao, trong nhiều tác phẩm cổ điển tôn giáo vĩ đại, Mila Grubum  tác phẩm ưa thích cá nhân của tôi. Xin nêu lên một vài lý do, trước hết, tôi có thể nói rằng tôi thấy sách này là một nguồn suối hứng khởi vô tận, một kho tàng mênh mông của những lời dạy tâm linh, một kho tàng chứa những chỉ dẫn về yoga, một dẫn dắt trên Đường Bồ-đề, và trên hết, một người bạn luôn luôn có thể tin cậy được của người sùng mộ chân thành. Thứ nhì, nó cung cấp tin tức nội bộ về đời sống tôn giáo của người dân Tây Tạng – cư sĩ, hành giả yoga, cũng như tăng nhân – trưng bày một bức tranh sống động về các vấn đề tinh thần, những cố gắng, và những thành tựu của họ. Trong tập sách này, những ý kiến và lời dạy sâu xa nhất của Phật giáo được tiết lộ trong sáu mươi mốt câu chuyện hấp dẫn trình bày qua ngôn ngữ đơn giản. Vì thế, đọc nó thì cực kỳ thích thú và lợi ích. Bởi vì mỗi câu chuyện là một trương mục về kinh nghiệm cá nhân của Milarepa trong một hoàn cảnh đặc biệt, những thông điệp và chỉ dẫn cống hiến trong đó, tự nhiên mang sức thuyết phục và lôi cuốn phi thường, thực sự đưa người ta đến một niềm tin quyết to lớn hơn, sự an ủi rộng rãi hơn, và nội kiến thâm sâu hơn. Thêm vào đó, Grubum còn chứa những miêu tả rõ ràng và đánh giá minh bạch về các kinh nghiệm yoga trọng yếu, kể cả những kinh nghiệm của các giai đoạn cao nhất, cho đến bấy giờ, chưa được tiết lộ trong các kinh sách khác. 

Nếu đánh giá Mila Grubum là khó, thì ca tụng nó còn khó hơn. Sau cùng, lời nói có thể không phải là một phương tiện tốt để ca ngợi một quyển sách thuộc loại này. Tôi thành thật hy vọng rằng độc giả có thể chia sẻ với tôi, trong im lặng và hân hoan, một kinh nghiệm có phần thưởng nhiều nhất trong khi đọc quyển sách được yêu mến này của Tây Tạng như hàng triệu người Tây Tạng đã có lần chia sẻ, trong quá khứ gần đây và xa xưa.

Trong lời nói đầu của bản dịch Milarepa - Con Người Siêu Việt (xuất bản năm 1971)dịch giả Đỗ Đình Đồng đã tóm tắt về cuộc đời của đại thánh tăng Milarepa:

“Cuộc đời đại hiệp sĩ phi thường phi phi thường này bắt đầu từ khi lên bảy, cái tuổi thơ dại đã thực sự bước vào địa ngục trần gian này: ngục của lòng tham không đáy; ngục của lửa thù hận phụt lên vô bờ vì bị người thân cướp đoạt quyền thừa kế gia tài của dòng họ quý phái giàu sang, vì cái chết quá sớm của người cha đáng kính. Cuộc sống bị đày đọa khốn cùng của cậu bé bảy tuổi Mila Thopaga kéo dài chịu đựng cho đến năm mười lăm tuổi, cái tuổi chập chững nhưng lại quá phong trần: một người một ngựa lên đường tìm thầy học Huyền thuật để mong trả thù rửa hận cho thỏa lòng người mẹ góa yếu đuối nhưng vẫn giữ niềm kiêu hãnh vô biên. Sau khi học thành tài, Mila Thopaga đã dùng tuyệt nghệ huyền thuật của mình giết hằng ba bốn chục người có liên hệ với hai kẻ tử thù chính là ông chú và bà thím độc ác của chàng, và phá hoại rất nhiều của cải, hoa màu của những người khác...Mila Thopaga bị lương tâm cắn rứt, cõi lòng xao xuyến bất an và phát tâm tìm thầy học Đạo, khát khao giác ngộ và giải thoát đến cực độ đến nỗi phải hy sinh bất cứ thứ gì kể cả thân mạng của chính mình.

Định Mệnh của Mila Thopaga là một thứ định mệnh Đại Hạnh, nhưng quá khốc liệt khắt khe. Cuối cùng Mila Thopaga đã gặp được Đạo sư định mệnh của mình: Đại Dịch giả Marpa, tổ sư khai sáng tông phái Bkarh-gyudpa của Phật giáo Tây Tạng. Sau tám lần được bậc Đạo sư ném tận cùng đáy sâu hố thẳm tuyệt vọng, Mila Thopaga đã được thanh thần tẩy thể, gột sạch ác nghiệp và thọ lãnh tất cả những Giáo lý Tối mật của tông phái này, để rồi một mình một bóng lang thang khắp các vùng thâm sơn cùng cốc để thiền định và tu tập Giáo lý Giải thoát Vô thượng. Sau khi đã quì lạy từ giã Đạo sư với lời thệ nguyện vĩ đại là phải đạt Giác ngộ để cứu độ chúng sinh như thái tử Tất-đạt-đa trước đó khoảng mười bảy thế kỷ dưới gốc cây Bồ-đề xứ Thiên trúc: nếu Ta không đạt được giải thoát rốt ráo thì vĩnh viễn không trở lại với thế giới loài người.

Sau khoảng mười năm ẩn tu trong trong thâm sơn cùng cốc tuyết phủ giá lạnh của vùng Hy-mã-lạp sơn, với thân thể suy nhược đến cùng độ vì thiếu thức ăn và quần áo thích hợp, Milarepa đã hiến mình trọn vẹn cho Chân lý, phối hợp Nhân Tâm và Thiên Tâm, Tiểu ngã với Đại ngã thành Nhất Thể Chân Như của Bản Thể Vũ Trụ kỳ ảo, Milarepa đã đạt được Giác ngộ và Giải thoát cho chính mình để rồi cất tiếng hát phổ độ tất cả chúng sinh trong ba cõi.”

Năm 1973, trong Gửi Lại Trần Gian (tuyển dịch các bài ca của Milarepa), Đỗ Đình Đồng đã có một đoạn so sánh tuyệt vời giữa thánh tăng Milarepa và vị thánh Thiên Chúa giáo Francis Assisi:

“Milarepa là Thánh St. Francis của Tây Tạng. Chúng ta không thể nhầm lẫn âm điệu của những ca khúc này với âm điệu của những ca khúc Fioretti; cũng cùng có một giọng điệu tình tự, cũng cùng một thiện cảm nồng nàn, cũng cùng mang một tính chất trần gian, đối với người Áo Vải cũng như đối với Poverello, toàn thể thiên nhiên là bạn cũng như một quyển sách thân yêu. Có khác nhau chăng là người trước học được bi tâm qua tri thức, trong khi người sau tìm được khôn ngoan qua tình thương. Mặc dù họ xa cách nhau trong không gian, song họ không cách biệt nhau về thời gian, bởi vì một người sống vào thế kỷ thứ mười hai thì người kia cũng sinh ra đời”. 

Trong một bài viết có nhan đề Sư Phụ Milarepa Tây Tạng vào năm 1999, Phạm Công Thiện - một hành giả của Mật Tông Tây Tạng - đã xưng tụng và ca ngợi thánh tăng Milarepa là con người diệu thường:

“Sư Phụ MILAREPA là tất cả những gì trác việt diệu thường hơn cả những đỉnh núi cao nhất của Hy Mã Lạp Sơn ở Tây Tạng và của cả những thế giới cao siêu khác ngoài mặt đất.

Tất cả những bậc diệu thường đều bắt đầu sống như người tầm thường, rồi phải chịu gian khổ cùng độ trải qua bao nhiêu lộ trình từ bình thường cho đến dị thường, thường khi trải qua vô số kiếp mới đến được Diệu Thường.

Một người tầm thường có lẽ không bao giờ được nghe đến tên Milarepa, nếu may ra có biết đến Milarepa, người ấy có lẽ đôi chút thiện cảm, hoặc ác cảm, hoặc dửng dưng, tùy theo hoàn cảnh tôn giáo, xã hội, văn hóa, văn minh, tâm lý, giáo dục, hoặc bối cảnh ý thức hệ và sinh hoạt tinh thần hay vật chất. Mình vốn tầm thường mà lại có được đôi chút thiện cảm với cái tên Milarepa, điều này đã chứng tỏ rằng có một sự thay đổi nhỏ trong dòng tâm thức. Mỗi một sự thay đổi nho nhỏ cũng bắt đầu biến đổi người tầm thường trở thành bình thường. Một sự thay đổi lớn hơn sẽ thay đổi cái gì bình thường thành ra bất thường.

Đối với Phật Pháp, không phải tình cờ tự nhiên mình biết đến Milarepa; cũng không phải tự nhiên tình cờ mình cảm thấy có thiện cảm với tên của ai đó; lại càng không phải bất ngờ ngẫu nhiên mình lại cảm thấy ngưỡng mộ sùng bái mỗi khi nghe đến cái tên Milarepa: do công đức vô lượng từ bao nhiêu kiếp xưa mà từ cuộc sống tầm thường và bình thường khổ lụy này, chúng ta mới được nghe đến Milarepa giữa lòng tẻ nhạt của đời sống thường tình. Bỗng nhiên chúng ta bắt đầu xoay chiều tâm thức mình đến một cái gì cao siêu vượt lên trên những bình nguyên, những đồng bằng hiu quạnh thường gặp mỗi ngày mỗi đêm. Có một cái gì khác hiện lên trong dòng tâm thức bất thường từ xưa đến nay. Mỗi lần bất thường mình nhớ đến tên của một vị Bồ Tát hoặc hồng danh của một vị Đại Bồ Tát hoặc của Đức Phật. Mỗi lần bình thường mình lại có lòng thành tín một cách bất thường đối với diệu danh của Sư Phụ Milarepa, điều này chứng tỏ rằng có cái gì khác thường xảy ra trong đời sống hiện tại của mình, chứng tỏ rằng mình có liên hệ mật thiết với Milarepa trong nhiều kiếp xưa.”