Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

NHỚ TRƯỜNG XƯA - Nguyễn Thị Thanh Lam


Trời chớm đông, những cơn mưa chiều gợi trong tôi nỗi nhớ nhung về một khung trời cũ, khung trời của tuổi hoa niên, của thời cắp sách đến trường. Ba mươi năm đã trôi qua, hôm nay lần cuối cùng tôi về thăm trường cũ. Không gian ngày ấy vẫn còn đây nhưng mái trường xưa giờ còn đâu nữa. 
Cảnh vật quanh đây dường như đã hoàn toàn thay đổi. Tôi bàng hoàng, run rẩy trong ngọn gió lạnh đầu mùa khi nhìn thấy bảng hiệu mang tên trường đã bị dỡ bỏ, hai cây trụ đứng chơ vơ trong mưa phùn, gió bấc. Nhìn quanh chỉ còn tường rào, sân trường vắng tanh như một bãi đất hoang, gạch ngói, đất đá chất đầy thành từng đống, hàng phượng vĩ như ốm đau, xơ xác vì xa người thân thích. Dãy lầu đối diện với cổng trường là nơi duy nhất còn lại, nhưng hình hài cũng không còn nguyên vẹn vì bàn tay của những người thợ xây đang đập phá cho hết để làm lộ ra một công trình to đẹp vừa mọc lên ở phía xa xa. Bảng đen, phấn trắng, bàn ghế, lớp học… đã trở thành hư vô. Quá khứ bị đánh mất, trí nhớ hoang vu, mong manh không điểm tựa. Tôi cô đơn như chú chim non không còn tổ ấm, cảm thấy mình bơ vơ, lạc loài, xa lạ giữa phố thị như chàng Từ Thức trở lại cõi trần gian.
Từ thuở đất nước còn khói lửa chiến tranh, tôi đã có gần hai năm gắn bó với mái trường này. Mùa thu năm ấy - một ngàn chín trăm bảy mươi ba, tuy mới mười một tuổi nhưng tôi đã được mặc áo dài và cắp sách đến đây vì được thi đậu vào lớp đệ thất. Ôi, tự hào biết bao khi được mang trên mình chiếc áo dài trắng mới tinh có đính bảng tên “Trường Nữ Trung Học Quảng Tín”. Bỗng nhiên, tôi thấy mình là cô bé nhỏ xíu của năm xưa, ngồi trên chiếc xe đạp bánh nhỏ đang liêu xiêu trong gió chiều cuối đông sau giờ tan học. Tôi mơ màng nhận ra mình cùng nô đùa với bạn bè dưới ánh nắng xuân và nghe vọng đâu đây tiếng gọi nhau í ới dưới sân trường trong giờ ra chơi. Tiếng pháo kích, tiếng kêu xé trời của máy bay phản lực, tiếng giảng bài của cô giáo trong những giờ học Cổ văn, Lịch sử… quyện vào nhau vẫn còn đọng lại trên gạch ngói đâu đây. Tôi cùng bạn bè chạy tán loạn, đan xen vào nhau, cùng cô giáo núp dưới bàn học để tránh… bom rơi, đạn lạc. Những ai đã từng trải qua cảnh đi học của thời chiến tranh mới thấy được hết giá trị của việc được học tập trong cảnh thanh bình. Bởi vậy, con cháu tôi, học trò tôi, con dân nước Việt được cắp sách đến trường ngày hôm nay thật là diễm phúc.
Khi chiến tranh chấm dứt, trường được đổi tên thành “Trường Cấp II Tam Kỳ”. Năm học đó, tôi tiếp tục học cho xong chương trình lớp bảy rồi mới chia tay với mái trường thân yêu này. Vào niên khóa sau, nơi đây được dành riêng cho những anh chị học sinh cấp ba vào học, một lần nữa trường được đổi tên là “Trường Phổ Thông Cấp III Trần Cao Vân”, rồi “Trường Trung học Phổ thông Trần Cao Vân” cho đến lúc bàn giao qua một đơn vị khác vào năm ngoái. Lúc mười lăm tuổi, khi đã trở thành một thiếu nữ mới lớn, tôi được trở lại trường xưa qua một kì thi vào lớp mười. Cảnh vật lúc ấy vẫn như cũ, nhưng sau cơn biến động lịch sử thì lớp học, bạn bè và thầy cô cũng đã đổi thay. Bạn bè tôi có đứa bỏ học giữa chừng để về quê sau ngày đất nước thống nhất, có đứa vẫn tiếp tục học nhưng không được may mắn trở lại trường xưa vì bị rơi rụng trong kì thi vượt cấp. Bấy giờ, chỉ một số thầy cô còn ở lại, phần đông mỗi người mỗi nơi do thuyên chuyển đi nơi khác hoặc về dạy học nơi cắt rốn chôn nhau. Sau một thời gian ngắn, tôi hòa nhập vào môi trường mới, có được bạn bè và thầy cô trong niềm vui mới. Những năm tháng tươi đẹp nhất của cuộc đời tôi được ghi dấu nơi đây. Cũng chính tại nơi đây, tôi đã nuôi ước mơ trở thành cô giáo, để ngày ngày đến lớp vui buồn cùng lũ học trò thơ ngây, tinh nghịch… Quãng đời vô tư chỉ biết học hành và vui chơi giờ đây đã trở thành xa xôi miên viễn.
Ba năm học phổ thông trôi qua thật nhanh, những tiết học cuối cùng rồi cũng kết thúc! Tôi và bạn bè chuẩn bị hành trang để bước đi trên con đường thênh thang phía trước. Sắp đến ngày chia tay, những cuốn lưu bút được chuyền cho nhau; những kỉ niệm buồn vui, những hoài vọng của tuổi học trò, những lời chúc tụng chân thành... được nắn nót ghi vào trang giấy trắng. Ba mươi năm trôi qua, bạn bè tôi mỗi người một ngả, cuốn lưu bút đã bị ố vàng, bìa gáy cũ kĩ, sờn rách do tôi đọc đi, đọc lại quá nhiều lần. Mỗi lần nhẹ nhàng giở từng trang giấy cũ - tuy dấu mực đã bị phai màu nhưng nét chữ thân thương của bạn bè vẫn còn hiện hữu - tôi lại bồi hồi như đang sống trong giờ phút cuối cùng của ngày tháng yên vui, như được thở lại cái không khí nguyên sơ của một thời vàng son đó. Từng khuôn mặt thân quen, từng tính cách riêng biệt hiện ra thật rõ nét, chừng như là chúng tôi vừa mới chia tay nhau ngày hôm qua. Trong những giây phút vô cùng tĩnh lặng ấy, quá khứ - hiện tại - vị lai không bị phân chia đứt đoạn, thời gian đã ngừng trôi, hội thông cùng đất trời bao la và trở thành thiên thu bất tận. Mỗi khi giã từ cơn mộng mơ ấy để trở về với đời sống thường nhật, tôi lại nhớ trường xưa, thầy cô, bạn cũ...
Thầy cô ngày trước nay về đâu? Bạn học ngày cũ đã lưu lạc phương nào? Hàng phượng già còn đó, nơi ghi dấu những kí ức khó phai, rồi đây có còn được nguyên vẹn, hay là sẽ “hóa kiếp”? Tất cả đã trở thành quá vãng nhưng kỉ niệm của một thời thơ ngây, vụng dại vẫn sống động trong tâm tưởng của một người đã trải qua thời tuổi trẻ. Thực tại nay còn đâu? Dòng sông đời đã nhẹ nhàng trôi về biển cả và mang theo bao hoài vọng của tuổi thanh xuân. Tất cả đã biến mất... chỉ còn vang vọng đâu đây tiếng trống trường rộn rã. Mỗi khi trở về thăm chốn cũ, nơi mà vết tích quá khứ đã trở thành sương khói, nơi mà truyền thống có thể bị lãng quên thì tìm đâu ra nơi chốn để tâm hồn ta nương tựa trong cuộc sống đang quay cuồng, vội vã.

 Nguyễn Thị Thanh Lam
 Tiết Lập Đông, Canh Dần - 2010

                                                             

NHỚ TẾT XƯA - Nguyễn Thị Thanh Lam


Bây giờ là chiều mùng ba tết Đinh Hợi, ngoài kia nắng xuân đang tươi màu rực rỡ. Tôi ngồi đây trong ngôi nhà cũ và tưởng nhớ lại những ngày thơ ấu yên vui.
Mẹ tôi đã đi xa gần hai mươi năm rồi! Anh em tôi vẫn còn đây, mái nhà xưa vẫn còn đó nhưng cảnh vật quanh đây hầu như đã hoàn toàn thay đổi. Lòng bồi hồi khi những kỉ niệm xưa lần lượt trở về như một cuốn phim đang được chiếu chậm - nhất là những ngày tết êm đềm và thơ mộng của tuổi ấu thơ. Thời gian đã cuốn trôi đi tất cả, nhưng dư âm của tết xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn của một thiếu nữ mới độ nào đang xuân mà nay đã bước vào lứa tuổi chớm già.
Thuở xưa, trước sân nhà tôi là một con đường đất nhỏ, hai bên là luỹ tre xanh yên ả. Mỗi khi tết đến, trong cái tĩnh lặng của đất trời giao hoà, lũ trẻ thơ xúng xính trong những bộ quần áo mới, tiền xu rủng rỉnh trong túi, đùa vui xôn xao trước ngõ. Cửa nhà ai cũng rộng mở chờ đón xuân sang, người lớn trong xóm đi thành đoàn đến từng nhà chúc tụng rôm rả, cười nói oang oang. Hôm nay, trước căn nhà xưa là con đường nhựa rộng rãi nhưng xe cộ chen chúc, ồn ào, hối hả… Hai bên đường phố nhà nhà khép kín, cửa ngõ lặng im, nhìn quanh không thấy bóng dáng trẻ thơ nô đùa trong nắng mới… Những người láng giềng của thôn xóm cũ giờ đã đi đâu mất rồi. Cây mai lớn bằng tuổi tôi trước sân mà chị em tôi thường tuốt lá từ đầu tháng chạp để kịp trổ những cánh hoa vàng rực rỡ trong ba ngày tết, nay còn đâu nữa. Cách đây gần mười năm, con đường lớn băng qua sân vườn nhà tôi khiến cội mai già phải “hoá kiếp”. Sân nhà, vườn cây, cội mai già đã ra đi và mang theo cả một vùng trời thơ ấu của tôi về một chân trời xa xăm, miên viễn.
Tôi mơ màng sống lại những thời khắc trong những chiều cuối năm, buổi ấy hình như thời gian chậm rãi trôi. Sau ngày đưa ông táo về trời - hăm ba tháng chạp, mọi nhà bắt đầu mua sắm và thư thả làm những món ăn cho ba ngày tết. Thôi thì đủ thứ bánh mứt được làm ra trong thời gian ấy, những loại bánh mứt để lại được lâu ngày như bánh tổ, bánh nổ, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt đậu, mứt me được làm trước, tiếp đến là bánh tét, bánh chưng được gói trước tết khoảng hai, ba ngày. Thường thường, khi mẹ và anh hai tôi gói xong những đòn bánh tét tròn trịa, những cặp bánh chưng vuông vắn với màu lá chuối xanh tuyệt đẹp thì bao giờ cũng còn thừa lại một ít lá chuối, dây lạt, nếp và đậu xanh đã được đãi vỏ. Chị em tôi được cho phép làm vài chiếc bánh ú nho nhỏ để ăn khuya, nhưng vì gói vụng nên chiếc bánh chẳng ra hình thù gì cả. Từ lúc những chiếc bánh ú được xếp lên phía trên cùng của nồi bánh tét lúc ban chiều, chúng tôi đã mỏi mắt trông chờ cho đến tận khuya. Khi những chiếc bánh xấu xí được vớt ra, chúng tôi hồi hộp bóc từng chiếc lá nóng hổi trong mùi thơm của nếp mới và tận hưởng hương vị đầu tiên của những ngày sắp tết.
Tôi như nghe văng vẳng đâu đây tiếng í ới của hàng xóm gọi nhau chia thịt hay mượn nhau vài thứ dụng cụ để làm bánh mứt. Hình ảnh bọn trẻ con chúng tôi lăng xăng, líu xíu khi được sai làm những công việc lặt vặt nay vẫn còn sống động. Công việc của lũ trẻ lúc đó thường là ngồi quạt nồi than để thau mứt đang rim luôn được sôi nhẹ đều, hoặc chạy lấy thêm củi đun vào bếp lửa lớn - được làm tạm bằng cách kê mấy cục táp lô ngay trong vườn - để nồi bánh tét và bánh chưng ở phía trên được sôi sùng sục suốt ngày đêm. Những vạt hành mơn mởn, những luống cải xanh mướt trong vườn, chập chờn bướm lượn hoa vàng sẽ được nhổ lên đều đều trong ba ngày tết đã vĩnh viễn chia tay với con người đô thị. Ngày hôm nay rau, cải được mua từ chợ, mang về bỏ vào tủ lạnh, rồi đem ra dùng chừng chừng cho món bánh tráng cuốn thịt heo. Ôi! Sinh khí của đất trời bị tù hãm trong ngăn lạnh và không còn tự nhiên như những ngày quá vãng.
Thuở được bảy, tám tuổi, có vài năm tôi theo người chị họ về làng Thái Đông - Bình Nam, Thăng Bình ăn tết, đây là một trong những vùng quê nghèo đất Quảng. Tôi còn nhớ như vừa mới hôm nao, chiều ba mươi tết hai chị em đi xe đò từ Tam Kỳ ra chợ Quán Gò. Đến nơi hai chị em lội bộ xuống phía bên dưới đường quốc lộ I. Men theo con đường đất nhỏ hẹp, qua nhiều chiếc cầu tre gập ghềnh, hai bên là đồng ruộng mênh mông, đôi bàn chân nhỏ bé của tôi đi mãi mà nhà chị vẫn còn xa lơ xa lắc.
Hôm mùng hai tết vừa rồi, tôi chạy xe máy về thăm chị, con đường bây giờ vẫn là con đường đất nhưng được mở rộng hơn. Những chiếc cầu tre đã được thay bằng bê tông, nhưng cảnh vật hai bên vẫn còn như cũ. Hồi ấy, tôi và chị phải mất vài giờ đồng hồ mới về đến đó, nhưng hôm nay chỉ cần ba mươi phút là tôi được về chốn cũ.
Mỗi khi về Thái Đông ăn tết, thường là sáng mùng hai, tôi và mấy đứa bạn cùng lứa vừa mới kết thân, theo chân chị lên lại chợ Quán Gò để coi người ta chơi Bài Chòi. Lúc đó tôi rất mê những câu hô Bài Chòi có vần, có điệu và rất linh hoạt của người dẫn dắt; bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn nuối tiếc những giờ phút lâng lâng, bay bổng ấy. Hôm nay, gần bốn mươi năm trôi qua, trò chơi Bài Chòi của dân gian xứ Quảng đã trở thành một kỉ niệm quá xa xăm. Những cô bạn nhỏ của tôi thuở ấy, giờ đây cũng trở thành những người phụ nữ quê mùa, chất phác, con cái đùm đề - thậm chí nhiều người còn có cả cháu nội, ngoại - mà khi gặp lại tôi không thể nào nhận ra được.
Nhớ ba mất từ hồi tôi mới năm tuổi, nhớ mẹ tôi xưa tần tảo suốt năm, thức khuya dậy sớm, buôn bán cực khổ để sáu anh chị em tôi được cắp sách đến trường. Tuy mồ côi cha và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước triền miên khói lửa, nhưng mỗi độ xuân về chúng tôi vẫn không thiếu thốn một thứ gì. Với đôi bàn tay mẹ, chúng tôi có tất cả, từ áo quần đẹp đẽ, giày dép tinh tươm cho đến bánh mứt đầy đủ, phủ phê. Giờ đây chúng tôi đã trưởng thành và có mái ấm gia đình riêng thì mẹ tôi đã không còn nữa để được yên hưởng một tuổi già bên con cháu nội, ngoại và tận hưởng những mùa xuân thanh bình của quê hương đất nước.
Khi mẹ tôi qua đời thì con trai tôi mới tròn ba tháng tuổi, nay cháu đã lớn khôn và đang học ở một nơi cách xa vợ chồng tôi cả hàng vạn cây số. Đã hai tết rồi con tôi không được về sum họp cùng gia đình. Cháu vẫn còn nhớ những ngày tết đến, nhưng hình như không da diết lắm với hương vị tết của quê hương. Sinh ra và lớn lên giữa phố thị huyên náo, con tôi chưa từng nhìn thấy khung cảnh chuẩn bị đón xuân sang của miền quê đất Việt. Ngày nay, khi mọi thứ bánh mứt dành cho ba ngày tết đã làm sẵn và được bày bán ở khắp mọi nơi, chỉ cần một buổi là sắm sanh được tất cả, cho nên cái tết đối với cháu bây giờ không mang nhiều ý nghĩa như cái tết đối với tôi ngày trước. Nhà của vợ chồng tôi hiện nằm trên con đường thương mại chính của thành phố, xe cộ ì ầm suốt ngày, người người tất bật qua lại, trong những ngày giáp tết và giờ phút cuối năm lại còn sôi động hơn nữa. Cái thảnh thơi ngày xưa đã mất, tâm hồn con người vì thế cũng không thể cảm nghiệm hết được những giây phút thiêng liêng trong đêm trừ tịch.
Thế giới hôm nay quả là nhỏ bé, chỉ cần bật máy vi tính và vài cú click chuột là cha mẹ, con cái, bạn bè… cách nhau hàng vạn dặm có thể thấy mặt và chuyện trò cùng nhau. Cũng nhờ thông tin mau lẹ như thế mà những người con xa xứ đỡ nhớ quê nhà hơn trong những ngày đầu năm mới. Đời sống trong thế giới hiện đại đã đem lại cho tôi rất nhiều thuận tiện, nhưng không hiểu sao cứ mỗi dịp xuân về tôi lại lưu luyến và nhớ nhung quá đỗi về một chân trời cũ, nơi có những con người nhà quê chân chất, nghèo hèn… ngày lại ngày gìn giữ những nét tinh hoa - trong đó có ngày tết cổ truyền của dân tộc - nhưng rồi những nét tinh hoa ấy cũng dần dần nhạt phai trong tâm thức của con người đương đại.  
Viết đến đây tôi chợt nhớ đoạn cuối trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên mà tôi được học khi mới vào lớp sáu:
                                     Năm nay đào lại nở
                                     Không thấy ông đồ xưa
                                     Những người muôn năm cũ
                                     Hồn ở đâu bây giờ?

Thuở bấy giờ, trong trí non nớt của con trẻ, tôi chỉ thấy buồn mênh mang chứ chưa cảm nhận hết cái sâu sắc của ý thơ. Bây giờ, hơn ba mươi năm đã trôi qua, cô học trò nhỏ năm xưa mới thấm thía hết nỗi buồn của người thi sĩ tài hoa về những cái tết cứ mất dần, mất dần những nét tươi nguyên từng một thời vang bóng.

Nguyễn Thị Thanh Lam                       
Xuân Đinh Hợi - 2007                                 
                                    

Thứ Sáu, 29 tháng 3, 2013

LƯƠNG THỰC TINH THẦN




Tương tự như việc linh hồn ước định liên tục chuyển từ tuổi ấu thơ sang tuổi thanh niên rồi sang tuổi già, lúc chết, nó chuyển sang cơ thể khác. Người sáng suốt chẳng hề bối rối trước sự thay đổi đó. (Bhagavad Gìtà - Chí Tôn Ca, II:13)

Con người mặc quần áo mới sau khi vứt bỏ quần áo cũ như thế nào thì linh hồn cũng nhập vào cơ thể vật chất mới sau khi trút bỏ thân xác già nua và vô dụng như thế ấy. (Bhagavad Gìtà - Chí Tôn Ca, II:22)

Sinh kí tử quy - Sống gửi thác về! Khi tử thần lên tiếng thì những hạnh phúc giả tạm ở chốn trần gian phỏng có ích gì? Chẳng lẽ ta đến chốn này chỉ để rong chơi hoặc tận tâm, tận lực để mưu cầu hạnh phúc thế gian mà quên đi HIỆN HỮU?

Sống không hẳn là điều tốt, mà chết cũng chưa phải là điều xấu. Tuy vậy, trước khi từ giã cõi vô thường, ta cần mang theo thứ thiên lương quý báu để làm hành trang. Phải chăng lương thực của trời cao là sự AN NHIÊN TỰ TẠI của tâm thức và sự HOAN LẠC VIÊN MÃN của linh hồn?

Hồ Phú Hùng

Thứ Ba, 26 tháng 3, 2013

BÀI VIẾT CỦA HỒ PHÚ QUỐC DÀNH CHO UWC VIỆT NAM - 2010

Trước khi đến trường Thế giới Liên kết Lester B. Pearson, Canada, tôi học lớp chuyên Toán tại Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Lúc ấy, bên cạnh niềm say mê Toán học, tôi còn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như biểu diễn âm nhạc, biên tập báo chí và cắm trại. Ngoài ra, tôi cũng có làm công việc tình nguyện trong tổ chức từ thiện tại địa phương.

Điều đầu tiên làm tôi ấn tượng về Pearson là sự thân thiện của mọi người và vẻ đẹp thơ mộng của khung cảnh mà ngôi trường đã tọa lạc. Ở đấy, tôi đã trải qua một quãng thời gian vô cùng thú vị mà tôi không thể nào quên được - nhưng tất nhiên không thể không kể đến quá trình học tập đầy vất vả. Vì khả năng tiếng Anh còn hạn chế, trong vài tháng đầu tôi gặp không ít khó khăn trong việc giao tiếp. Được sự giúp đỡ tận tình của mọi người, tôi đã nỗ lực hết mình và vượt qua được rào cản ngôn ngữ để hiểu thêm hơn về mọi người xung quanh cũng như những nền văn hóa của họ. Cuối cùng, tôi cũng khắc phục được khó khăn đó, nhưng quan trọng hơn cả là trong suốt quá trình ấy, tình bạn thân thiết đã hình thành giữa tôi và các bạn học - những người mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn còn giữ liên lạc. Một điều nữa mà tôi thực sự yêu thích ở Pearson là hàng loạt các hoạt động ngoại khóa được nhà trường mở ra. Trong suốt thời gian tại đó, tôi đã tham gia khá nhiều hoạt động ngoại khóa nhưng có lẽ Singers, Astronomy và Special Needs Music là những hoạt động mà tôi yêu thích nhất.

Hiện nay, tôi đang là sinh viên năm thứ ba tại Đại học Princeton, chuyên ngành Toán học. Trường Pearson đã cho tôi nhiều cái nhìn khác nhau về thế giới cũng như về cách mà chúng ta có thể nhìn nhận thế giới. Trong hai năm đầu tại Princeton, tôi đã thử sức với nhiều môn học khác nhau nhưng rồi cuối cùng tôi quyết định chọn chuyên ngành Toán học - ngành mà tôi có lẽ cũng sẽ chọn nếu không được đến học tại UWC, nhưng dù sao Pearson cũng đã cho tôi cơ hội để suy nghĩ và học hỏi về nhiều điều mà có thể không bao giờ tôi biết đến. Thật sự, Pearson đã định hình cho tôi theo nhiều chiều hướng tích cực mà cho đến tận bây giờ tôi vẫn khó có thể nói một cách rõ ràng đó là những điều gì. Tôi hy vọng các bạn, những thí sinh được đề cử trong năm nay sẽ sẵn sàng cho một hành trình độc đáo kéo dài hai năm để rồi các bạn sẽ nhận thấy đây là một trải nghiệm lạ thường và không thể nào quên.

Chúc các bạn thí sinh năm nay gặp nhiều may mắn!

Hồ Phú Quốc – Tháng 1-2010

Before going to Lester B. Pearson College of the Pacific, Canada, I studied in the Math class of Nguyen Binh Khiem Specialized High school in Tam Ky, Quang Nam. I was passionate about studying Mathematics, but besides that, I was involved in activities related to performing music, editing journal and camping. Moreover, I also volunteered at the local charity organization.

My first impressions of Pearson were people’s friendliness and the campus’s beautiful location. The time I had there was definitely enjoyable and memorable, but of course, not without hard working. During the first several months, it was difficult for me to communicate due to my English. Everyone was very supportive, and I tried my best to overcome the language barrier, as well as to understand more about people around me and their cultures. I finally surmounted the difficulty, but more importantly, during the process, I formed close friendships with several students, with whom I still keep in touch until now. One other thing I really liked at Pearson was the wide range of activities it offers. During my time there, I attended quite a number of activities, but Singers, Astronomy and Special Need Music were among my favorites.

At the moment, I am a junior at Princeton University, majoring in Mathematics. Pearson College has given me different perspectives about the world or about how one could think about the world. During my first two years at Princeton, I have been trying out different things and even though I ended up studying Mathematics, which is what I would have done had I not gone to a UWC, Pearson has given me the chance to think and to learn about many things that I wouldn’t have had otherwise. In fact, Pearson has shaped me in many (positive) ways that it is now even hard for me to pin down what has changed. I hope that you, the accepted applicants this year, will be ready for this unique two year journey and that you will find it an incredible and unforgettable experience.

To this year applicants, I wish you all good luck.

Quoc Ho - January 2010

THÔNG TIN VỀ HỒ PHÚ QUỐC CỦA ĐẠI SỨ QUÁN CANADA

Bản tin số 7
Tháng 5 - Tháng 6, 2005

Bốn Trường Thế giới Liên kết đón chào các học sinh mới từ Việt Nam!

Quá trình tuyển chọn cho chương trình học bổng các Trường Thế giới Liên kết (UWC) năm 2005 đã kết thúc. Bốn học sinh (hai từ Hà Nội, một từ Quảng Nam và một từ Cần Thơ) đã được tuyển chọn để theo học chương trình Tú tài Quốc tế tại bốn Trường Thế giới Liên kết tại Canada, Hồng Kông, Ấn Độ và Italia với học bổng toàn phần. Em Hồ Phú Quốc đến từ tỉnh Quảng Nam đã được chọn để theo học tại Trường Lester B. Pearson của Thái Bình Dương tại Victoria, British Columbia, Canada. Quốc, một chàng trai 17 tuổi, là một học sinh ưu tú đã từng thu hút được sự quan tâm của báo chí khi là người trẻ nhất tham gia cuộc thi “Trí tuệ Việt Nam” năm 2001 với phần mềm mang tên “Từ điển danh nhân văn học Việt Nam”. Quốc cũng đã nhận được nhiều giải thưởng cấp tỉnh và cấp quốc gia trong các cuộc thi về toán học, tin học, đàn oóc-gan và thậm chí cả thi hát. Quốc đã gây ấn tượng mạnh với Ban tuyển chọn bằng trí thông minh, sự chân thành, sự ngay thật, lý tưởng và mái tóc giống Anh-x-tanh của mình. Chúc mừng Quốc và tất cả các em khác và chúc các em có nhiều thành công hơn nữa trong những năm tới.

Vũ Thị Hải Anh 
Issue 7
May - June 2005

Four United World Colleges welcome new scholars from Vietnam!

The UWC scholarship program 2005 has finished its selection process. Four students (two from Hanoi, one from Quang Nam and one Can Tho) have been selected to study the International Baccalaureate program at four UWCs in Canada, Hong Kong, India and Italy with full scholarship. Mr. Ho Phu Quoc from Quang Nam was chosen to study at the Lester B. Pearson College of the Pacific in Victoria, British Columbia, Canada. Quoc 17 years old, is a brilliant student who caugh a lot of attention from the national media as youngest competitor at the annual “Vietnam Intelligence” contest in 2001 for creating a CD-ROM on Vietnamese celebrities. He has also received many prizes at different contests provincially and nationally in mathematics, infomatics, playing organ and even singing. Quoc impressed the selection committee with his intelligence, sincerity, honesty, idealism anh his Einstein hair. Congratulations to Quoc and all the winners and we wish you all the best successes in the coming years.

Vu Thi Hai Anh
 

Chủ Nhật, 24 tháng 3, 2013

ẢNH TỐT NGHIỆP ĐẠI HỌC PRINCETON



Hồ Phú Quốc nhận bằng tốt nghiệp hạng Danh Dự Ưu Hạng (High Honors) tại ĐH Princeton, Hoa Kỳ - 31/05/2011. 

Nhờ vào thành tích học tập và nghiên cứu xuất sắc của mình, năm 2011 Quốc đã được kết nạp vào Hội Phi Beta Kappa. Phi Beta Kappa là một hội học thuật danh tiếng của Hoa Kỳ, được thành lập vào năm 1776.

Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

CON TÔI VÀ ĐẠI HỌC PRINCETON








Trong đời sống của tôi có những chuyện đã xảy ra một cách kì diệu như thể là có phép màu. Vào tháng 12/2001, tình cờ đọc một bài viết trong tạp chí Tia Sáng tôi mới biết về đại học Princeton. Trước đó, tôi chỉ biết khá rõ về đại học danh tiếng Harvard mà không biết nhiều đến các đại học danh tiếng khác của Hoa Kỳ. Lúc đọc bài báo này, con trai tôi đang học lớp 8 và tôi không bao giờ dám mơ tưởng một ngày nào đó cháu sẽ được đến Đại học Princeton để học tập. Thế nhưng chỉ năm năm sau thì phép lạ xảy ra! 

Năm 2005, con tôi được học bổng toàn phần để học Tú Tài Quốc Tế (IB) tại Lester B. Pearson College - Canada. Vào cuối tháng 10/2006, lúc đang học năm thứ hai IB, con tôi nộp đơn xin học vào ĐH Princeton theo diện ED - Early Decision. ED là diện quyết định sớm và nộp đơn xin học sớm hơn thường lệ. Những học sinh nộp đơn theo diện này thường có một kết quả học tập xuất sắc và thỏa mãn yêu cầu của các đại học Mỹ là phải hoàn thành đúng thời hạn các chứng chỉ khảo sát năng lực học tập do một tổ chức khảo thí độc lập của Mỹ cung cấp. Các đại học hàng đầu của Mỹ thường thông báo kết quả theo diện ED cho thí sinh vào giữa tháng 12 hằng năm. Nếu nộp đơn theo diện bình thường thì các đại học sẽ thông báo kết quả trong khoảng từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 3 hằng năm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, sợ cháu bị áp lực nên tôi luôn động viên cháu hãy lạc quan và không có việc gì phải lo lắng. Tôi đã bảo với cháu rằng, nếu con không được Đại học Princeton nhận vào thì cũng không có gì phải thất vọng, bởi vì vẫn còn một số đại học danh tiếng khác sẽ nhận khi con nộp đơn theo diện bình thường.

Vì dõi theo kết quả, bắt đầu bước sang ngày 16/12/2006, tôi không ngủ được và cứ nằm xuống một chặp là bật dậy kiểm tra email, và tôi cứ kiểm tra liên tục như vậy cho tới sáng, nhưng chẳng thấy tin tức gì cả. Tôi nghĩ rằng, có lẽ con tôi đã bị Đại học Princeton từ chối nên buồn quá, và vì thế không muốn liên lạc về nhà. Tuy vậy, tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Khoảng 9 giờ sáng Việt Nam (khoảng 6 giờ chiều ngày 15/12/2006 ở Canada - vùng con tôi đang ở), Yahoo Messenger của tôi hiện lên một tin nhắn duy nhất: "Con đã được Princeton nhận vào rồi!". Tôi  vô cùng bàng hoàng nên cũng chỉ nhắn lại một câu: “Chúc mừng con! Chúc mừng gia đình mình!”. 

Sau này tôi được biết, ngày hôm đó nhà trường bị cúp điện nên con tôi không kiểm tra được email để xem kết quả. Đến trưa, cháu được một ông thầy chở ra bên ngoài trường để thi TOEFL, thi xong hai thầy trò ghé một quán nước để con tôi kiểm tra email. Khi mở email ra và biết được kết quả, cháu liền nhắn tin trên Yahoo Messenger cho tôi biết, rồi trở về trường ngay. Lúc ấy, vợ tôi đang đi dạy nên chưa biết được niềm vui khôn tả này. Tôi không thể dùng ngôn từ nào để diễn đạt cảm xúc của mình lúc ấy, có lẽ đây là một trong những phút giây vui sướng hiếm có nhất đời tôi. 

Khoảng vài ngày sau, tôi nhận một phong bì lớn của Đại học Princeton được gửi theo dạng chuyển phát nhanh đến địa chỉ nhà tôi. Trong phong bì gồm có: thư mời nhập học, thư thông báo học bổng toàn phần Davis Scholarship và một số giấy tờ khác. Trị giá học bổng trên 51.000 USD mỗi năm (bao gồm học phí, ăn ở, sách vở, chi tiêu và tiền mua vé máy bay về thăm nhà trong kì nghỉ hè). Thế là ước nguyện của gia đình tôi manh nha từ ngày con tôi vừa sang Canada đã được thành tựu một cách rực rỡ. Đầu tháng 09/2007, cháu lên đường sang Mỹ để nhập học.

Vào tháng 08/2012 vừa qua, tạp chí US News công bố "Bảng Xếp hạng Những Viện Đại học Tốt nhất Hoa Kỳ” (America's Best Colleges - National Universities Rankings) hằng năm. Đại học Princeton được bình chọn đứng vị trí thứ nhất, đứng vị trí thứ nhì là Đại học Harvard. Đây là mười ba năm liên tiếp, Đại học Princeton được xếp vị thứ nhất trong các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Bảng xếp hạng đại học của US News là bảng xếp hạng có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Tôi chưa bao giờ dám nói là con tôi rất thông minh hoặc vượt bực hơn người nên mới đạt được kết quả tốt đẹp như vậy. Tôi nghĩ rằng, con dân nước Việt tuy không xuất chúng như dân của một số nước nhưng cũng là một giống nòi có đầu óc thông minh. Mỗi lớp học sinh trên cả nước cũng khoảng vài mươi cháu có khả năng như con tôi lúc ấy, nhưng do hoàn cảnh kinh tế, sự định hướng của cha mẹ, môi trường giáo dục của gia đình và nhà trường không được thuận lợi, và nhất là do ước mơ, khát vọng, ý chí của bản thân chưa mãnh liệt nên hằng năm chỉ có vài cháu được vào học tập ở các đại học danh tiếng nhất thế giới bằng học bổng toàn phần. 

Con tôi gặp nhiều may mắn - có thể một phần là do nghiệp lực từ tiền kiếp. Nhờ được trời phú cho một tố chất tốt, nhờ được lớn lên trong một môi trường hội đủ những yếu tố thuận lợi, cộng với sự nỗ lực bền bỉ của bản thân nên cháu đã có những bước khởi đầu tốt đẹp hơn bạn bè cùng trang lứa. Cũng vì lí do trên, tôi chưa bao giờ xem sự thành công trong học tập của con mình là một điều đáng để ngợi ca. Khi vào đời, nếu con tôi là người có một tấm lòng nhân hậu, một trái tim trong sạch và rộng mở, biết đem sự học của mình để giúp ích cho cộng đồng chứ không phải chỉ biết lo riêng cho lợi ích cá nhân hoặc gia đình của mình, thì lúc ấy tôi mới cảm thấy tự hào thật sự.

Hồ Phú Hùng  


TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP PRINCETON














Năm 1746, các tín đồ của Giáo hội trưởng lão Phúc Âm đã thành lập Trường Đại học tổng hợp Princeton, lúc đầu với tên gọi là Trường đại học New Jersey. Đây là trường đại học thứ tư được thiết lập tại các thuộc địa Bắc Mỹ, sau Harvard, William & Mary và trường Yale. Mục đích ban đầu của trường là đào tạo các mục sư. Trường được mở tại thành phố Elizabeth, New Jersey và hiệu trưởng đầu tiên là Đức cha Jonathan Dickinson. Năm 1756, trường chuyển về thị trấn Princeton. Trong cuộc cách mạng Mỹ, trường bị tàn phá nặng nề rồi được xây dựng lại. Trong suốt thế kỷ 19, trường liên tục được mở rộng và phát triển và năm 1896, Trường đại học New Jersey đổi tên thành Trường đại học tổng hợp Princeton.

Khuôn viên của trường tọa lạc trên khu đất rộng tới 500 hecta ở Princeton, New Jersey, một thị trấn có khoảng 30.000 dân cách thành phố New York một giờ ô tô về phía nam. 

Trong thời kỳ cuộc Cách mạng Mỹ, hiệu trưởng lúc đó là John Witherspoon, một nhà thần học gốc Scotland là người đã ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, và 6 năm sau là đại biểu Quốc hội Mỹ. 

Princeton là một trong những trường nổi tiếng nhất của nước Mỹ, với chất lượng giáo dục tuyệt vời ở cả bậc đại học và trên đại học, gồm 35 khoa với chừng 1.300 khóa học ở mọi lĩnh vực: từ kiến trúc, kỹ sư công nghệ đến khoa học xã hội và quan hệ quốc tế.

Princeton có khoảng 700 giáo viên chính thức với tỉ lệ sinh viên trên giáo sư là 7:1. Ngoài ra, có khoảng 300 giáo viên trợ giảng hoặc không chính thức. Hiện nay có khoảng 4600 sinh viên đại học và khoảng 1750 sinh viên sau đại học từ khắp mọi miền của nước Mỹ và từ trên 60 quốc gia khác đang theo học tại Princeton. Số lượng sinh viên mới nhập học hàng năm là 1.160. Tỷ lệ sinh viên nam so với sinh viên nữ trong những năm hiện nay đã đạt mức cân bằng 51%:49%. Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 9% tổng số sinh viên đại học. Trong những năm gần đây, việc được chấp nhận học tại Princeton là rất khó khăn cứ 10 sinh viên nộp đơn thì có 1 người được chấp nhận. Khoảng 92% sinh viên của trường nằm trong số 10% giỏi nhất trong trường phổ thông. 

Cho đến năm 2000, trong lịch sử nhà trường đã có tổng cộng 31 giải thưởng Nobel với 3 giải về hóa, 4 giải kinh tế, 3 giải văn học, 1 giải hòa bình, 2 giải y học nhưng thành công nhất là ngành vật lý với 18 giải. Hiện nay 5 giáo sư đoạt giải Nobel về vật lý và các ngành văn học, y khoa, mỗi ngành có 1 người đoạt giải Nobel vẫn đang giảng dạy tại Princeton. Nhiều chính trị gia kiệt xuất cũng đã từng học tại Princeton như Madison, tổng thống thứ tư “Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ”, Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28, giải Nobel hòa bình năm 1919; Aaron Burr (con trai ông hiệu trưởng thứ hai), là phó tổng thống dưới thời Jefferson (1801-1805). Tổng thống thứ 35, John Kenedy cũng từng học tại Princeton năm 1935 nhưng bị ốm nên nghỉ học giữa chừng rồi sau đó chuyển sang học tại trường Harvard, và còn rất nhiều nghị sĩ quốc hội đã từng học tại Princeton.

MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA PRINCETON 

 Hệ thống giáo dục nhóm: bắt đầu năm 1905 theo đề nghị của Woodrow Wilson, hiệu trưởng Princeton lúc đó, sinh viên được tổ chức thành những nhóm nhỏ và giáo viên hướng dẫn khuyến khích tranh luận, thảo luận nhóm về các bài học và bài giảng của tuần đó.

Nghiên cứu độc lập: bao gồm những bài luận văn hoặc công trình nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của thành viên trong khoa bắt buộc đối với tất cả các sinh viên và đây được coi là tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của trường. 

Bằng danh dự: kể từ năm 1893, mọi sinh viên đều có thể tham dự cuộc thi viết nhằm chọn ra 5-7 sinh viên xuất sắc và được trao bằng danh dự hàng năm. 

Princeton có 19 thư viện, lớn nhất là Firestone với 3,5 triệu đầu sách các loại. Firestone có 2.200 chỗ ngồi với 500 phòng làm việc cá nhân.

 Trong khuôn viên của trường có 5 rạp chiếu phim, 3 nhóm diễn kịch và 7 ban nhạc. Có trên 200 tổ chức, nhóm của sinh viên về đủ các lĩnh vực: văn hóa, ca nhạc, chính trị, tôn giáo, khoa học… Trường có một tờ báo riêng ra hằng ngày và một đài phát thanh riêng của trường. Hiệp hội Whig-Cliosophics Mỹ là tổ chức được thành lập sớm nhất ở Mỹ trong lĩnh vực chính trị, tranh luận xã hội và văn học do James Madison, khóa 1771 (sau này là tổng thống thứ tư của Mỹ và Aaron Burr, khóa 1772 (sau này là phó tổng thống cho Jefferson). Trường cũng rất mạnh về hoạt động thể dục thể thao với 387 môn và 35 câu lạc bộ thể thao của nam và nữ.

Trường cũng có hỗ trợ tài chính cho sinh viên, và khoảng 75% sinh viên được nhận hỗ trợ tài chính. Ngân sách của Princeton được đánh giá thuộc những ngân sách trường đại học tốt nhất ở Mỹ. Trong năm học 2001-2002, học phí trung bình của trường là 26.160 USD và chi phí cho ăn ở là khoảng 2.787 USD và tổng chi phí là chừng 36.350(*)cho một năm học. Tổng số tiền tài trợ cho sinh viên bậc đại học là 42.000.000 USD (khoảng 630 tỉ đồng Việt Nam). 

NGUYỄN CẢNH BÌNH (Tạp chí Tia Sáng - Số ra tháng 12/2001) 

(*) Ghi chú của Hồ Phú Hùng: Thông tin từ website của ĐH Princeton cho thấy tổng chi phí sẽ thay đổi theo từng năm học. 

https://admission.princeton.edu/cost-aid/fees-payment-options 

Thứ Sáu, 15 tháng 3, 2013

ĐÔI DÒNG VỀ TIẾNG VIỆT

Có thể nói rằng, Phạm Công Thiện là một trong vài người biết nhiều ngoại ngữ nhất ở Việt Nam từ trước đến nay. Thuở nhỏ, ông đã được người đời xưng tụng là thần đồng ngôn ngữ. Lúc sinh thời, ngoài việc rất giỏi tiếng Anh và tiếng Pháp, ông còn biết nhiều ngoại ngữ và cổ ngữ khác. Ông từng tâm sự: "Hồi 13-14 tuổi, tôi đã tự học tiếng Nga, tiếng Ý, tiếng Đức, tiếng Hà Lan, tiếng Ba Lan... Đến năm 18-19 tuổi, tôi lại học thêm tiếng Phạn, tiếng Pali, tiếng Hy Lạp, tiếng Tây Tạng, ...".

Năm 1957, Phạm Công Thiện đã cho xuất bản cuốn tự điển Anh Ngữ Tinh Âm. Tự điển Anh Ngữ Tinh Âmđược học giả Nguyễn Hiến Lê viết lời giới thiệu và vị học giả này đã lấy làm kinh ngạc vì tác giả của cuốn tự điển chỉ mới 16 tuổi đầu.
Tuy biết nhiều ngoại ngữ một cách sâu sắc và lỗi lạc nhưng ông chưa bao giờ dám coi thường tiếng Việt. Trái lại, ông là người rất là trân trọng tiếng mẹ đẻ của mình. Đoạn tự sự của ông dưới đây đã nói lên điều này:


"Tôi vẫn nghĩ rằng chữ Việt là chữ khó học nhất, vì chữ Việt không có văn phạm và ngữ pháp, không có ngày nào tôi không dở Tự Điển Việt Nam của Hội Khai Trí Tiến Đức và quyển Việt Nam Tân Tự Điển của Thanh Nghị để học từng chữ A, từng chữ B, tôi chịu khó học lại từng dấu hỏi, từng dấu ngã để nhìn lại những nét mặt thân quen của bà con làng xóm mà từ bao nhiêu năm lang bạt kỳ hồ tôi đã bỏ quên một cách ngu dại. Đối với tôi, tiếng Việt còn giữ lại một niềm bí ấn nào đó mà cả đời tôi cũng không thể nào khoét sâu vào được. Có lẽ khi sắp chết thì niềm bí ẩn kia sẽ hiện nguyên hình..." (Tôi Là Ai - Nietzsche, Phạm Công Thiện dịch. NXB Phạm Hoàng, 1970. Trang 10-11)

Thứ Tư, 13 tháng 3, 2013

LỜI CẦU NGUYỆN CỦA ĐẠO SƯ PARAMAHANSA YOGANANDA

LỜI GIỚI THIỆU

Paramahansa Yogananda (1893-1952) là một trong những bậc đạo sư vĩ đại của Ấn Độ ở thế kỉ XX. Ông là tác giả của cuốn tự truyện nổi tiếng “Autobiography of a Yogi” (Tự truyện của một Yogi). Tập tự truyện này đã được Nguyễn Hữu Kiệt dịch ra Việt ngữ thành hai cuốn: Các Bậc Chân Sư Yogi Ấn Độ và Xứ Phật Huyền Bí.

Thượng Đế trong triết học Vedanta của Ấn Độ nói chung và của Paramahansa Yogananda nói riêng là Thượng Đế siêu ngôi vị. Thượng Đế ở đây được hiểu ngheo nghĩa ẩn dụ, Ngài không ở ngôi cao, không đầy quyền uy, luôn yêu thương và không trừng phạt con người như Thượng Đế của các tôn giáo khác. Nói khác đi, Ngài là Chân Ngã, Chân Tính, Hiện Hữu… và luôn ngự trị trong thẳm sâu của lòng người.

Hồ Phú Hùng

“Lạy thượng đế, xin hãy làm việc thông qua đôi tay của con; chúng được tác thành để phục vụ Ngài và hái những đóa hoa tươi dâng lên Ngài. Đôi mắt của con được dựng nên để ngắm sự hiện diện của Ngài, nơi những vì sao lung linh. Đôi chân con được dựng nên để đưa con đến những thánh điện của Ngài ở khắp nơi. Miệng con được tác thành để uống lấy mật ngọt và là lời Ngài giáo huấn nhằm tìm kiến các linh hồn. Giọng nói của con được khơi dậy để ngợi ca về Ngài. Khi con nếm những thức ăn ngọt lành, chúng nhắc nhở con nhớ đến Ngài là Đấng Trọn Hảo; khi con ngửi hương hoa thơm ngát là con được hít thở hương thơm thánh thiện có sự hiện diện của Ngài. Con dâng lên Ngài tất cả tư tưởng, cảm xúc và tình yêu của con. Mọi giác quan của con hòa hợp ngọt ngào với điệp khúc thiêng liêng trong bản giao hưởng bất tận của vũ trụ.
Xin dẫn đưa con từ tối tăm bước vào ánh sáng; xin dẫn đưa con từ ganh ghét bước vào yêu thương; xin dẫn đưa con từ những hữu hạn bước vào sức mạnh khôn cùng của Ngài; xin dẫn đưa con từ ngu dốt bước vào sự khôn ngoan; xin dẫn đưa con từ đau khổ chết chóc bước vào cuộc sống vĩnh cửu và vui sướng trong Ngài. Trên hết, xin dẫn đưa con từ ảo tưởng về sự gắn bó thân xác bước vào nhận thức về tình yêu bất tận của Ngài ẩn giấu sau mọi hình thái của tình yêu con người.

Lạy thượng đế là Cha, là Mẹ, là Bạn và là Người Yêu Dấu của con, xin hãy hiển hiện cùng con. Xin đừng để con tiếp tục đắm chìm trong vô minh. Xin xua mọi ảo tưởng khỏi linh hồn con; xin hãy là Đấng ngự trị trên mọi tham vọng của con; xin hãy là Nữ Vương ngự trong lâu đài tình ái của con; xin hãy bước vào ngự linh hồn con; xin hãy giữ con tỉnh thức trong trí tuệ của Ngài để con có thể cầu nguyện cho đến khi Ngài mở mọi cánh cửa dẫn đến ngôi nhà minh triết của Ngài, và đón nhận con, đứa con hoang đàng và khoác lên con chiếc áo của niềm hạnh phúc vĩnh cửu.”


Man's Eternal Quest - Cuộc Truy Tìm Bất Tận Của Con Người  (Trang 275 - 276, NXB Thời Đại, 2011)