Thứ Năm, 7 tháng 3, 2013

TẢN MẠN VỀ MỘT BÀI THƠ


Cách đây mấy hôm, vợ tôi kéo ông chồng vô dụng từ trời cao xuống đất cái với câu hỏi:

- Gần đến ngày 8/3 rồi, đến ngày đó anh định mua gì để tặng Lam?

Thực tình, hồi cưới nhau đến giờ tôi chưa bao giờ mua quà tặng vợ trong ngày 8/3, dù chỉ là một cành hoa. Về khoản kiếm tiền và nịnh vợ thì tôi tự xếp mình vào hạng bét. Tôi ngớ người và nói giả lả:

- Anh làm gì có tiền để mua quà tặng cho Lam.

Vợ tôi nói tiếp:

- Quà ở đây chủ yếu là tinh thần chứ đâu phải vật chất mà cần nhiều tiền.

Đến đây, tôi bí thế bèn kiếm cách thoái thác:

- Đời anh đâu có thích những thứ màu mè và làm bộ làm tịch nên không thể mua tặng cái gì đâu. Anh đã tặng Lam cả cuộc đời này rồi còn gì. Chưa đủ hay sao?

Vợ tôi cũng không vừa:

- Thì ai mà không tặng cho vợ họ cả cuộc đời. Chẳng lẽ đem cuộc đời này tặng cho bà khác à?

Đến đây thì tôi đành chịu thua và đành kiếm cách gỡ gạc:

- Ngày 8/3, anh sẽ tặng Lam bài thơ mà anh đã làm cách đây mấy chục năm - hồi mới quen nhau - vài hôm nữa sẽ tặng trên facebook. Sướng chưa?

Nghe câu này, cô nàng sướng rơn nhưng hơi nghi ngờ:

- Sao hồi đó không tặng, nay mới đem tặng?

Tôi bảo:

- Lúc đó anh để dành lại, nay mới có để tặng chứ!

Đây là một trong những bài thơ tình tôi đã làm cho cô nàng lúc ấy. Có nhiều bài tôi nghĩ là khá hay nhưng vì lâu quá nên đã không nhớ trọn vẹn, chỉ một bài duy nhất cho đến nay vẫn còn nhớ làu làu. Có lẽ đây là bài thơ được làm ra trong giai đoạn tuy khốn khó nhưng cũng đầy vô tư và êm ả trong cuộc đời mình. Một quãng đời mà tôi không biết tương lai  rồi sẽ về đâu.

Tôi vừa đọc hai câu đầu của bài thơ:

Nắng thắp lên cao rồi em ạ!
Ta lắng nghe gió hạ đón chờ nhau.

Nghe xong, vợ tôi liền đọc tiếp thêm mấy câu nữa và cười bảo:

- Tưởng bài nào chứ bài này anh đã tặng rồi, đến bây giờ Lam vẫn còn giữ và thuộc lòng. Hay là anh làm thơ tặng nhiều người quá nên bây giờ quên mất là bài nào, bài nào đã tặng cho những ai và những ai.

Không ngờ bài thơ này tôi cũng đã tặng rồi và cô nàng vẫn âm thầm giữ lại kỉ vật đó cho đến tận hôm nay. Thật là cảm động!

Cách đây hơn ba mươi năm, vì không chịu đựng được một đời sống thiếu độc lập và mất tự do của một quân y sĩ, tôi tự ý từ bỏ đơn vị và lưu lạc vào Sài Gòn mấy tháng. Sau đó, tôi trở về nương náu tại nông trại của gia đình gần hồ Phú Ninh - cách thị xã Tam Kỳ khoảng bảy cây số về phía Tây Nam. Đầu tiên, tôi chung sống cùng với ông anh ruột, bà chị dâu, đứa cháu trai và người cô ruột đã tá túc nơi đây vài năm trước. Lần hồi, những người ấy thấy chỗ này buồn và đi lại bất tiện quá nên đã bỏ đi. Gia đình nhỏ của anh tôi mua nhà nơi khác ở để anh chị đi dạy cho gần, còn cô tôi thì về lại với người con trai tại quê cũ. Cuối cùng, chỉ còn một mình tôi ở lại trông coi cái nông trại mênh mông hiu hắt này.

Ba tôi là người rất nghiêm khắc nhưng thấy tôi ở tình cảnh này cũng nói giỡn: “Bách Lý Hề năm bộ da dê… Lúc này mi ở ẩn nhưng biết đâu sau này sẽ làm nên nghiệp lớn!”. Bách Lý Hề là một nhân vật trong bộ Đông Châu Liệt Quốc thời Tiên Tần. Thuở thanh bần từng nuôi dê, sau mưu nghiệp lớn cho nhà Tần và được vua Tần trọng dụng và phong đến chức Tướng quốc. Ba tôi nói vậy cho vui để dụ tôi nuôi dê cho ông, bởi ba tôi ghiền nuôi dê lắm. Ông kể lại rằng hồi kháng chiến chống Pháp, ông nuôi có mấy con dê mà cả nhà uống sữa dê không hết, nhiều lúc tự làm sữa dê đặc mà để dành.

Mùa thu năm 1975, ba tôi và một số người từng chung nhau mua đất và lập ra nông trại này để nuôi dê, nhưng thất bại do nuôi quá nhiều. Về sau, ông thối tiền lại cho các cổ đông khác để nông trại thuộc về gia đình tôi. Thời đó sữa đặc rất quý hiếm, nếu có sữa dê tươi để bán thì thêm một nguồn thu nhập lớn nên lúc nào ông cũng ôm mộng nuôi dê lấy sữa. Ba tôi là người có máu kinh doanh, là người có đầu óc thực tế nên thường đem điều này ra để thuyết phục tôi. Cuối năm 1983 - trong thời kì đất nước còn khó khăn - trước khi mất, ông có đọc cho tôi ghi chép rành mạch về cách nuôi dê và làm sữa dê đặc. Ông cho rằng khi cùng đường mạt lộ thì tôi nên nuôi dê để độ nhật, nhưng tôi chẳng màng đến.

Thời kháng chiến chống Pháp, thi sĩ Bùi Giáng từng nuôi dê và lùa dê đi ăn khắp núi rừng Trung Phước, Quảng Nam. Trong quãng đời đó, ông đã làm rất nhiều thơ để tặng chuồn chuồn và châu chấu. Về sau, những bài thơ này được in trong tập thơ đầu tay và khá nổi tiếng có tên là Mưa Nguồn. Với tôi, thời đại chăn dê của thi sĩ Bùi Giáng đã qua lâu rồi, còn lúc bấy giờ, tôi không thể chạy long nhong theo đàn dê. Loài dê không bao giờ đứng yên để ăn, nó cứ di chuyển liên tục hết cánh rừng này đến cánh rừng khác, hết đồi núi nọ đến đồi núi kia, nên đi chăn dê mệt gấp mười lần chăn bò. Nhìn miệng nó ăn lá rừng láu táu, lưởi tưởi thấy đã ghét rồi, nên đời nào tôi chịu “sống chung” với cái lũ yêu tinh ấy. Hơn nữa, nuôi dê thì dễ bị chọc quê lắm! Thiếu nữ xinh như mộng nào dám yêu một anh chàng chăn dê, áo quần xốc xếch, đầu tóc khét nắng, da dẻ đen thui…

Những tháng năm này, tôi đã tập tành làm nông: trồng sắn, trồng khoai, trồng đậu, trồng chuối, trồng bí, trồng bầu… để tự nuôi thân. Tôi - một tên nông dân tài tử - làm nông thì ít mà đọc sách và ca hát thì nhiều nên của cải làm ra chẳng là bao. Ba mạ tôi cung cấp gạo và thức ăn, còn rau quả thì tôi tự trồng lấy để dùng. Đổi lại, tôi tự phải xắt sắn đã thu hoạch đem phơi trên mái tôn cho khô và sau đó là chở về dưới nhà chính để mạ tôi đem bán cho người ta nuôi heo. Mới hai mươi mốt tuổi đầu, nhỏ hơn con trai tôi bây giờ năm tuổi, nhưng tôi đã trở thành tên ẩn sĩ bất đắc dĩ. Có lẽ cái nghiệp ẩn sĩ trong tôi manh nha tự thuở ấy?

Nông trại nằm riêng biệt, cách xa xóm làng bởi cánh đồng mông quạnh nên đã cô tịch lại càng cô tịch hơn. Tôi không bao giờ quên được cảnh thanh bình của núi rừng trong những đêm trăng sáng. Ánh trăng bàng bạc, dịu dàng lan tỏa khắp đồi núi chập chùng và tuôn xuống từ trời cao như một dòng suối. Nhìn lên những lùm cây xao động, những giọt trăng lóng lánh, rơi xuống nhẹ nhàng trong thinh không. Có nhiều đêm tôi say trăng, ôm đàn ngồi hát ngây ngất ngoài vườn khuya như thể là có thứ men rượu nồng đang dậy trong hồn. Trăng bên ngoài, trăng tràn ngập trong lòng, trăng giăng giăng khắp chốn…, cảnh thực mà cứ như là đang mộng. Khu vườn xưa, ánh trăng đêm hạ và những giờ phút xuất thần ấy nay còn đâu nữa? Tất cả đã vĩnh viễn ra đi về một phương trời huyễn mộng.

Những tháng mùa đông ở đây thật là thê thiết. Ban ngày trời u ám, mưa gió lê thê, bên ngoài đường trơn trượt, tôi ngồi trói chân trong nhà như đang bị giam lỏng. Về đêm, dưới cây đèn dầu tù mù, tôi cặm cụi chép nhạc, làm thơ; ngoài kia tiếng côn trùng nỉ non đến não lòng. Thỉnh thoảng, có con vật lạ gì lạ lùng cất lên tiếng kêu “chộp choạc, chộp choạc…” giữa đêm trường thanh vắng. Người bạn đường duy nhất của tôi lúc ấy là cây đàn guitar và mấy tập nhạc cũ mèm của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Ngô Thụy Miên… mang từ Sài Gòn về. Cũng nhờ rảnh rỗi và có được nhiều nguồn cảm hứng nên sau một thời gian miệt mài luyện tập thì tiếng đàn của tôi trở nên hấp dẫn hơn. Do còn trẻ và trí nhớ khá tốt nên tôi đã thuộc lòng hằng trăm ca khúc, bởi vậy, mỗi khi cất tiếng hát, không một ca từ nào bị sai sót. Nếu lúc ấy tôi biết tận dụng cái trí nhớ trời cho của mình để tự học tiếng Anh thì ngày nay tôi có thể đọc thẳng vào chính văn những tác phẩm mà tôi yêu thích nhưng chưa được dịch ra Việt ngữ. Nhưng hình như mọi sự đã an bài, nên đời tôi cái gì cũng lở dở, lươn ươn.

Thấy tôi cô đơn, thỉnh thoảng vài người bạn thời học sinh từ thị xã đạp xe lên thăm chơi và đôi lần rủ tôi xuống phố. Những người bạn ấy tuy học cũng khá giỏi nhưng vì những lí do riêng biệt nên đành phải ở nhà chứ không được vào học trong các trường đại học, cao đẳng hay trung cấp nào. Tôi thuộc người ít đi, còn bạn tôi thì hay lang thang lắm. Trong cái tuổi thanh niên túi rỗng nhưng hồn đầy ấy, đám bạn tôi chuyên đạp xe cà tàng để rong chơi khắp chốn. Trong một lần rong chơi cùng một người bạn, tình cờ người bạn ấy rủ tôi đến thăm nhà một chị giáo viên mới quen, người chị ấy lớn hơn chúng tôi vài tuổi. Số là, người bạn tôi gặp chị ấy trên một chiếc xe lam từ Tam Dân về Tam Kỳ. Sau này nghe kể lại tôi được biết, khi chị dạy ở Tam Lãnh, trên chuyến xe về thăm nhà, người bạn của tôi ngồi bên cạnh chị. Thấy cậu ta có khuôn mặt hiền lành và trong sáng như trẻ thơ, trên túi áo còn đính bảng tên trường thời trung học, ngỡ bạn tôi là học sinh, chị liền bắt chuyện. Thế là từ đó chị em thân thiết với nhau.

Ghé nhà chị chơi vài lần, tôi mới biết chị có cô em gái khá dễ thương đang đi học ở xa. Lúc tôi đến chơi là đầu mùa hè thì cô sinh viên em gái của chị - nay là vợ tôi - còn đang học tại Huế nên không có ở nhà. Thỉnh thoảng có những buổi chiều, tôi mang cây đàn guitar đến nhà chị đàn hát cho chị nghe. Tuy chị ấy không hát được nhưng rất thích nghe nhạc nên rất mến tôi. Vì để khỏi phải mang đi mang về, tôi đã để luôn cây đàn ở nhà chị.

Vài tháng sau, cô em gái của chị về nghỉ hè và thế tôi mới có dịp gặp gỡ. Trong buổi đầu gặp mặt, tôi thấy cô gái quen quen và chợt nhớ là trong thời học sinh, cô gái học sau tôi một lớp. Và té ra, cô gái này cũng chính là cô bé thường bị tụi bạn tinh nghịch của tôi chọc ghẹo, và không ít lần bị tụi bạn tôi đến nhà phá rối không cho học bài. Ba tôi là người rất nghiêm khắc và khó tính; sau thời gian ở trường, tôi phải lên nông trại để trông coi. Vì sợ ba la rầy, tôi ít dám đi chơi lung tung như đám bạn, do vậy thời học sinh tôi không biết nhiều về cô bé, thỉnh thoảng chỉ nghe đám bạn thì thầm bàn tán. Lúc còn là học sinh thì người bạn đã dẫn tôi đến chơi với chị cô gái lại không ở trong nhóm bạn nói trên.

Tôi lại nhớ ra, cách lần gặp mặt này hơn một năm, giai đoạn cô gái đang ôn thi đại học, tụi bạn chuyên phá rối của tôi đi học ở Đà Nẵng về thăm nhà và tình cờ dẫn tôi đến nhà một người bạn học của cô gái. Đây là lần đầu tiên tụi bạn chịu dẫn tôi đi chơi theo cái kiểu phá rối này. Trước kia, tụi bạn này thường bảo nhau đi chơi đâu thì đừng có dẫn tôi đi theo, nếu dẫn tôi theo thì tụi nó có nguy cơ bị hỏng chuyện. Hôm đó là một đêm trăng mờ, vừa vào đến cổng, tôi thấy một nhóm người khoảng năm, sáu nam thanh, nữ tú đang ngồi trò chuyện rôm rả trước hiên nhà, hình như lúc đó cô bé cũng có mặt. Thế là tụi tôi liền nhập bọn. Do đông người và chưa quen biết lắm nên lúc ấy tôi hơi lơ đãng. Vốn đã ít nói, tôi không góp chuyện và cũng không để ý nhiều đến ai cả. Sau này khi tôi nhắc lại cái đêm ấy, vợ tôi bảo là có nhớ ra nhưng hồi ấy chẳng biết là tôi là ai mà lại có mặt trong đội hình kia. Về sau tôi mới biết rằng, bấy giờ, một người bạn trong nhóm bạn của tôi và một người nữa trong nhóm bạn học kia của cô bé cũng đang đeo đuổi cô bé. Tôi chỉ là anh chàng được tụi bạn cho đá dự bị trong “đội tuyển” đêm xưa, ai dè sau này đã may mắn tung lưới.

Trong mấy tháng hè năm đó, tôi thường đi một mình đến nhà cô sinh viên ấy mà không cần người bạn kia dẫn đi. Khung cảnh sân vườn nhà cô gái thật yên ả, thanh bình và thơ mộng - nhất là những đêm trăng sáng. Ngày nay cảnh cũ đã không còn nhưng làm sao tôi quên được những kỉ niệm êm đềm của những năm tháng xa xưa ấy. Có nhiều đêm, tôi ngồi đàn hát cho đến tận khuya. Trong cảnh tịch mịch của con phố nhỏ, trong sự mênh mông vô tận của đất trời, tôi thanh thản đạp xe trở về cái nông trại cô liêu nơi thôn vắng.

Tính tình cô gái hiền lành, dễ thương, dí dỏm và sự cảm nhận về âm nhạc, về văn chương cũng khá tinh tế nên đã làm trái tim tôi rung động. Vì thế, tuy mới quen nhau một thời gian ngắn nhưng tôi đã có ý định tỏ tình. Với một tương lai mờ mịt và vô định nhưng không hiểu sao lúc ấy tôi liều lĩnh đến như vậy. Phận mình lông bông, lang bang và đang đứng bên lề cuộc đời mà dám ngỏ lời với một người sẽ có một tương lai và nghề nghiệp chắc chắn. Tôi đúng là một thằng liều, nhưng do “ở liều gặp lành” nên tôi đã chiếm được trái tim của cô gái. Có lẽ lúc ấy nhờ tôi khá bảnh trai, thơ văn cũng trôi chảy, và cứ dùng cái cưa đàn hát để cưa hoài nên cuối cùng cái cây ấy bị đổ chăng? Đúng là nhân duyên tiền định. Bởi tôi và cô gái đã từng gặp nhau trước đó nhưng chẳng ai để ý đến ai.

Từ ngày có vợ, tôi đã chôn chặt quãng đời lãng tử xưa cũ xuống dưới ba tấc đất để làm tròn trách nhiệm của một người chồng, của một người cha. Tôi đã quên đi tất cả những bài thơ tình mà mình đã làm từ trước, quên đàn địch, quên bao ca khúc. Dòng máu lãng tử ấy đôi khi cũng trở mình và dào dạt tuôn chảy lại, nhưng tôi đã cố tình làm ngơ; con người nghệ sĩ trong tôi dần dần bị lu mờ vì bao mối lo toan thường nhật. Trong vòng hơn hai mươi năm, với những nỗ lực có thể tạm gọi là phi thường, tôi đã tạo nên một mái ấm yên vui và hoàn thành việc nuôi dạy con cái đúng như ước nguyện. Trong thời gian lặn lội mưu sinh, do một nhân duyên kì lạ, tôi đã được cuộc đời bù đắp lại những gì đã mất bằng một niềm an lạc siêu tuyệt của triết lí và đạo học.

Đến đây, tôi kết thúc câu chuyện lan man nhưng có hậu này. Xin chép bài thơ tình duy nhất còn nằm trong kí ức ra đây, sợ rằng nếu không thì một thời gian nữa có thể tôi sẽ quên mất. Bài thơ lúc tôi đề tặng có đặt tên hay không, đến bây giờ tôi vẫn không nhớ, nếu mà hỏi lại vợ tôi việc này thì thật là ngớ ngẩn.  

Nắng thắp lên cao rồi em ạ!
Ta lắng nghe gió hạ đón chờ nhau.
Hàng cây xa xõa tóc đứng ơ thờ,
Lá trên cành quên đưa tay vẫy gọi.
Năm tháng qua dòng sông đời trôi chảy,
Bỏ riêng ta dù muôn tiếng than van.
Em thấy chăng từng vùng trời đau đớn?
Núi rừng đây an ủi cũng chán chê.
Ta yêu em nhưng có những ngại ngùng,
Tại vì sao, vì sao em hãy hiểu.
Cho từng đêm thao thức ngóng chờ,
Sáng mai ra đời cho thêm được mấy?
Hay một mình vẫn đứng, đứng như cây,
Và xác xơ trông ngóng gió đông về,
Để nhuộm hồn xanh rêu màu tuổi nhớ.

(Thôn Trung Đàn - Mùa Hạ, 1981)

Tam Kỳ, Tiết Kinh Trập, Quý Tỵ - 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét