Thứ Bảy, 30 tháng 3, 2013

NHỚ TẾT XƯA - Nguyễn Thị Thanh Lam


Bây giờ là chiều mùng ba tết Đinh Hợi, ngoài kia nắng xuân đang tươi màu rực rỡ. Tôi ngồi đây trong ngôi nhà cũ và tưởng nhớ lại những ngày thơ ấu yên vui.
Mẹ tôi đã đi xa gần hai mươi năm rồi! Anh em tôi vẫn còn đây, mái nhà xưa vẫn còn đó nhưng cảnh vật quanh đây hầu như đã hoàn toàn thay đổi. Lòng bồi hồi khi những kỉ niệm xưa lần lượt trở về như một cuốn phim đang được chiếu chậm - nhất là những ngày tết êm đềm và thơ mộng của tuổi ấu thơ. Thời gian đã cuốn trôi đi tất cả, nhưng dư âm của tết xưa vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn của một thiếu nữ mới độ nào đang xuân mà nay đã bước vào lứa tuổi chớm già.
Thuở xưa, trước sân nhà tôi là một con đường đất nhỏ, hai bên là luỹ tre xanh yên ả. Mỗi khi tết đến, trong cái tĩnh lặng của đất trời giao hoà, lũ trẻ thơ xúng xính trong những bộ quần áo mới, tiền xu rủng rỉnh trong túi, đùa vui xôn xao trước ngõ. Cửa nhà ai cũng rộng mở chờ đón xuân sang, người lớn trong xóm đi thành đoàn đến từng nhà chúc tụng rôm rả, cười nói oang oang. Hôm nay, trước căn nhà xưa là con đường nhựa rộng rãi nhưng xe cộ chen chúc, ồn ào, hối hả… Hai bên đường phố nhà nhà khép kín, cửa ngõ lặng im, nhìn quanh không thấy bóng dáng trẻ thơ nô đùa trong nắng mới… Những người láng giềng của thôn xóm cũ giờ đã đi đâu mất rồi. Cây mai lớn bằng tuổi tôi trước sân mà chị em tôi thường tuốt lá từ đầu tháng chạp để kịp trổ những cánh hoa vàng rực rỡ trong ba ngày tết, nay còn đâu nữa. Cách đây gần mười năm, con đường lớn băng qua sân vườn nhà tôi khiến cội mai già phải “hoá kiếp”. Sân nhà, vườn cây, cội mai già đã ra đi và mang theo cả một vùng trời thơ ấu của tôi về một chân trời xa xăm, miên viễn.
Tôi mơ màng sống lại những thời khắc trong những chiều cuối năm, buổi ấy hình như thời gian chậm rãi trôi. Sau ngày đưa ông táo về trời - hăm ba tháng chạp, mọi nhà bắt đầu mua sắm và thư thả làm những món ăn cho ba ngày tết. Thôi thì đủ thứ bánh mứt được làm ra trong thời gian ấy, những loại bánh mứt để lại được lâu ngày như bánh tổ, bánh nổ, bánh in, mứt gừng, mứt dừa, mứt bí, mứt đậu, mứt me được làm trước, tiếp đến là bánh tét, bánh chưng được gói trước tết khoảng hai, ba ngày. Thường thường, khi mẹ và anh hai tôi gói xong những đòn bánh tét tròn trịa, những cặp bánh chưng vuông vắn với màu lá chuối xanh tuyệt đẹp thì bao giờ cũng còn thừa lại một ít lá chuối, dây lạt, nếp và đậu xanh đã được đãi vỏ. Chị em tôi được cho phép làm vài chiếc bánh ú nho nhỏ để ăn khuya, nhưng vì gói vụng nên chiếc bánh chẳng ra hình thù gì cả. Từ lúc những chiếc bánh ú được xếp lên phía trên cùng của nồi bánh tét lúc ban chiều, chúng tôi đã mỏi mắt trông chờ cho đến tận khuya. Khi những chiếc bánh xấu xí được vớt ra, chúng tôi hồi hộp bóc từng chiếc lá nóng hổi trong mùi thơm của nếp mới và tận hưởng hương vị đầu tiên của những ngày sắp tết.
Tôi như nghe văng vẳng đâu đây tiếng í ới của hàng xóm gọi nhau chia thịt hay mượn nhau vài thứ dụng cụ để làm bánh mứt. Hình ảnh bọn trẻ con chúng tôi lăng xăng, líu xíu khi được sai làm những công việc lặt vặt nay vẫn còn sống động. Công việc của lũ trẻ lúc đó thường là ngồi quạt nồi than để thau mứt đang rim luôn được sôi nhẹ đều, hoặc chạy lấy thêm củi đun vào bếp lửa lớn - được làm tạm bằng cách kê mấy cục táp lô ngay trong vườn - để nồi bánh tét và bánh chưng ở phía trên được sôi sùng sục suốt ngày đêm. Những vạt hành mơn mởn, những luống cải xanh mướt trong vườn, chập chờn bướm lượn hoa vàng sẽ được nhổ lên đều đều trong ba ngày tết đã vĩnh viễn chia tay với con người đô thị. Ngày hôm nay rau, cải được mua từ chợ, mang về bỏ vào tủ lạnh, rồi đem ra dùng chừng chừng cho món bánh tráng cuốn thịt heo. Ôi! Sinh khí của đất trời bị tù hãm trong ngăn lạnh và không còn tự nhiên như những ngày quá vãng.
Thuở được bảy, tám tuổi, có vài năm tôi theo người chị họ về làng Thái Đông - Bình Nam, Thăng Bình ăn tết, đây là một trong những vùng quê nghèo đất Quảng. Tôi còn nhớ như vừa mới hôm nao, chiều ba mươi tết hai chị em đi xe đò từ Tam Kỳ ra chợ Quán Gò. Đến nơi hai chị em lội bộ xuống phía bên dưới đường quốc lộ I. Men theo con đường đất nhỏ hẹp, qua nhiều chiếc cầu tre gập ghềnh, hai bên là đồng ruộng mênh mông, đôi bàn chân nhỏ bé của tôi đi mãi mà nhà chị vẫn còn xa lơ xa lắc.
Hôm mùng hai tết vừa rồi, tôi chạy xe máy về thăm chị, con đường bây giờ vẫn là con đường đất nhưng được mở rộng hơn. Những chiếc cầu tre đã được thay bằng bê tông, nhưng cảnh vật hai bên vẫn còn như cũ. Hồi ấy, tôi và chị phải mất vài giờ đồng hồ mới về đến đó, nhưng hôm nay chỉ cần ba mươi phút là tôi được về chốn cũ.
Mỗi khi về Thái Đông ăn tết, thường là sáng mùng hai, tôi và mấy đứa bạn cùng lứa vừa mới kết thân, theo chân chị lên lại chợ Quán Gò để coi người ta chơi Bài Chòi. Lúc đó tôi rất mê những câu hô Bài Chòi có vần, có điệu và rất linh hoạt của người dẫn dắt; bây giờ nhớ lại tôi vẫn còn nuối tiếc những giờ phút lâng lâng, bay bổng ấy. Hôm nay, gần bốn mươi năm trôi qua, trò chơi Bài Chòi của dân gian xứ Quảng đã trở thành một kỉ niệm quá xa xăm. Những cô bạn nhỏ của tôi thuở ấy, giờ đây cũng trở thành những người phụ nữ quê mùa, chất phác, con cái đùm đề - thậm chí nhiều người còn có cả cháu nội, ngoại - mà khi gặp lại tôi không thể nào nhận ra được.
Nhớ ba mất từ hồi tôi mới năm tuổi, nhớ mẹ tôi xưa tần tảo suốt năm, thức khuya dậy sớm, buôn bán cực khổ để sáu anh chị em tôi được cắp sách đến trường. Tuy mồ côi cha và lớn lên trong hoàn cảnh đất nước triền miên khói lửa, nhưng mỗi độ xuân về chúng tôi vẫn không thiếu thốn một thứ gì. Với đôi bàn tay mẹ, chúng tôi có tất cả, từ áo quần đẹp đẽ, giày dép tinh tươm cho đến bánh mứt đầy đủ, phủ phê. Giờ đây chúng tôi đã trưởng thành và có mái ấm gia đình riêng thì mẹ tôi đã không còn nữa để được yên hưởng một tuổi già bên con cháu nội, ngoại và tận hưởng những mùa xuân thanh bình của quê hương đất nước.
Khi mẹ tôi qua đời thì con trai tôi mới tròn ba tháng tuổi, nay cháu đã lớn khôn và đang học ở một nơi cách xa vợ chồng tôi cả hàng vạn cây số. Đã hai tết rồi con tôi không được về sum họp cùng gia đình. Cháu vẫn còn nhớ những ngày tết đến, nhưng hình như không da diết lắm với hương vị tết của quê hương. Sinh ra và lớn lên giữa phố thị huyên náo, con tôi chưa từng nhìn thấy khung cảnh chuẩn bị đón xuân sang của miền quê đất Việt. Ngày nay, khi mọi thứ bánh mứt dành cho ba ngày tết đã làm sẵn và được bày bán ở khắp mọi nơi, chỉ cần một buổi là sắm sanh được tất cả, cho nên cái tết đối với cháu bây giờ không mang nhiều ý nghĩa như cái tết đối với tôi ngày trước. Nhà của vợ chồng tôi hiện nằm trên con đường thương mại chính của thành phố, xe cộ ì ầm suốt ngày, người người tất bật qua lại, trong những ngày giáp tết và giờ phút cuối năm lại còn sôi động hơn nữa. Cái thảnh thơi ngày xưa đã mất, tâm hồn con người vì thế cũng không thể cảm nghiệm hết được những giây phút thiêng liêng trong đêm trừ tịch.
Thế giới hôm nay quả là nhỏ bé, chỉ cần bật máy vi tính và vài cú click chuột là cha mẹ, con cái, bạn bè… cách nhau hàng vạn dặm có thể thấy mặt và chuyện trò cùng nhau. Cũng nhờ thông tin mau lẹ như thế mà những người con xa xứ đỡ nhớ quê nhà hơn trong những ngày đầu năm mới. Đời sống trong thế giới hiện đại đã đem lại cho tôi rất nhiều thuận tiện, nhưng không hiểu sao cứ mỗi dịp xuân về tôi lại lưu luyến và nhớ nhung quá đỗi về một chân trời cũ, nơi có những con người nhà quê chân chất, nghèo hèn… ngày lại ngày gìn giữ những nét tinh hoa - trong đó có ngày tết cổ truyền của dân tộc - nhưng rồi những nét tinh hoa ấy cũng dần dần nhạt phai trong tâm thức của con người đương đại.  
Viết đến đây tôi chợt nhớ đoạn cuối trong bài thơ “Ông Đồ” của Vũ Đình Liên mà tôi được học khi mới vào lớp sáu:
                                     Năm nay đào lại nở
                                     Không thấy ông đồ xưa
                                     Những người muôn năm cũ
                                     Hồn ở đâu bây giờ?

Thuở bấy giờ, trong trí non nớt của con trẻ, tôi chỉ thấy buồn mênh mang chứ chưa cảm nhận hết cái sâu sắc của ý thơ. Bây giờ, hơn ba mươi năm đã trôi qua, cô học trò nhỏ năm xưa mới thấm thía hết nỗi buồn của người thi sĩ tài hoa về những cái tết cứ mất dần, mất dần những nét tươi nguyên từng một thời vang bóng.

Nguyễn Thị Thanh Lam                       
Xuân Đinh Hợi - 2007                                 
                                    

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét