Thứ Tư, 27 tháng 1, 2016

LAN MAN TỪ TẬP TÙY BÚT CỦA VÕ PHIẾN

Cách đây vài tháng, Võ Phiến, cây đại thụ của nền văn học Việt Nam đã ra đi vĩnh viễn tại xứ người. Để tưởng nhớ nhà văn Võ Phiến, tôi - một kẻ không chuyên về văn học - muốn lan man đôi chút về ông.
Võ Phiến tên thật là Đoàn Thế Nhơn, sinh năm 1925 tại Phù Mỹ, Bình Định; mất năm 2015 tại California - Hoa Kỳ. Ông là nhà văn nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trong giai đoạn 1954-1975. Bỏ qua xu hướng chính trị của ông, chỉ bàn riêng về văn học thì Võ Phiến là một cây bút ngoại hạng. Ngòi bút của ông bao quát nhiều lĩnh vực: truyện ngắn, tiểu thuyết, tùy bút, phê bình và tiểu luận. Ở đây tôi chỉ muốn nhắc đến một tập tùy bút rất tinh tế và sắc sảo của ông, phần giới thiệu nội dung của nó thì nhờ người khác nói thay ở bên dưới.
Năm 2012, nhà sách Nhã Nam kết hợp với NXB Thời Đại đã cho ra mắt tập tùy bút Quê Hương Tôi của ông, nhưng vì lí do “tế nhị” nên bút danh Võ Phiến được thay thế bằng một bút danh khác ít được biết đến là Tràng Thiên. Đó là một nỗ lực lớn của những người làm sách có tâm huyết, họ đã thành công trong việc xuất bản những tác phẩm bị những nhà viết văn học sử cố tình lãng quên. Quê Hương Tôi bao gồm tập tùy bút Đất Nước Quê Hương (Lửa Thiêng, Sài Gòn - 1973) và một số tùy bút rải rác khác. Đây là một niềm vui của bạn đọc và là sự an ủi đối với một ông già đã gần đất xa trời.
Điều đặc biệt với tôi là trong tập tùy bút này, có một bài viết mang tựa đề Mưa và thơ, đây là bài viết về thị xã Tam Kỳ nhỏ bé ngày ấy. Tuy bài tùy bút nói trên không xuất sắc bằng những bài khác, nhưng với tôi nó thật đáng yêu, bởi nó nói về nơi chôn nhau cắt rún của mình. Tháng mười năm 1970, nhân dịp đi công việc tại tỉnh Quảng Tín cũ (bây giờ là Quảng Nam), ban đêm ông đã ở lại một phòng trọ tại Tam Kỳ. Ông kể lại chuyện nửa đêm nằm ngủ bị mưa to gió lớn, và rồi nước lụt tràn lên mấp mé giường nằm, để sáng ra ông phải di tản đến một ngôi nhà của người quen. Đọc chuyện nước lụt tràn vô nhà trọ, tôi liên tưởng ngay đến phòng ngủ Kim Liên - gần Ngã Ba Nam Ngãi, thời ấy Tam Kỳ chỉ có duy nhất cái nhà trọ tư nhân này. Ngã Ba Nam Ngãi là một địa danh vô cùng thân quen với cư dân Tam Kỳ, nhưng hôm nay dần dần trở nên xa lạ. Phòng ngủ Kim Liên là một trong những khu vực trũng của cái thị xã nhà quê này, trước đây nhà tôi cũng nằm trên trục đường trũng, nên vào mùa đông, nếu mưa lớn kéo dài vài ngày thì nửa đêm nước tràn vào nhà và dâng lên là lẽ thường tình. Nhờ nước lụt, ông được ăn món ram được làm bằng tôm nò tươi rói. Cách đây chừng mười lăm năm mà thôi, mỗi khi có lụt thì quê tôi tôm cá ê hề, rẻ không thể tưởng; nhưng hôm nay đã khác hẳn. Thời “huy hoàng” ấy đã qua, mỗi khi đọc bài tùy bút này của ông tôi lại thêm nuối tiếc.
Nếu tập tùy bút Vang Bóng Một Thời đã đem đến danh tiếng cho nhà văn Nguyễn Tuân vào những năm trước năm 1945, thì tập tùy bút Đất Nước Quê Hương làm tăng thêm danh tiếng cho Võ Phiến vào những năm trước năm 1975. Người ta thường so sánh Nguyễn Tuân và Võ Phiến, nhưng bất cứ sự so sánh nào cũng có thể trở thành khập khiễng. Với tôi, Võ Phiến còn sâu sắc hơn Nguyễn Tuân. Đọc tùy bút của Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Vũ Bằng, Võ Phiến... là đọc lại chính mình, đọc để thấy được tâm hồn và tâm thức Việt. Đọc để biết nâng niu gìn giữ tiếng mẹ đẻ của mình, để yêu thương quê hương, đất nước và đồng bào một cách tự nhiên. Bằng những rung động lạ thường của những tâm hồn tế nhị, bằng cái nhìn tinh tế của những nghệ sĩ thượng đẳng, những nhà văn ấy đã cho ta cảm nhận được hơi thở đời sống của một thời quá vãng trên từng trang viết. Những con chữ được gọt giũa cẩn thận ấy đã gợi lên trong ta một sự hoài cổ nhẹ nhàng, giúp ta cảm nhận được cái đẹp trong những sự việc đơn sơ, nhỏ bé. Trong phút chốc, cõi lòng ta bỗng rộng mở và quên đi những lo âu, muộn phiền trong đời sống thường nhật.
Lớp người trưởng thành sau năm 1975 chắc cũng hiếm người biết đến ông. Riêng lớp trẻ hiện nay, nếu ai đó nhắc đến cái tên Võ Phiến chắc họ chẳng hình dung ra được điều gì. Phần lớn người Việt hiện nay chỉ biết kiếm tiền và hưởng thụ những thú vui thân xác mà quên đi chuyện nuôi dưỡng tâm hồn. Họ chẳng cần phải đọc, phải suy tưởng làm gì cho mệt óc; mối quan tâm của họ là vị trí công việc, là thưởng thức bia rượu và món ăn ngon, là xe cộ và thời trang. Chỉ vừa mới đây thôi, trong một bài báo có tiêu đề "Nhậu" nhiều, đọc ít và sự lên ngôi của văn hóa rẻ tiền cho biết: "Ngành văn hóa thu được 2000 tỷ đồng từ các hoạt động xuất bản với 24.000 cuốn sách, 375 loại ấn phẩm. Một lĩnh vực khác xem chừng ít liên quan đến sách vở là 3 tỷ lít bia được tiêu thụ nếu quy ra tiền sẽ là 66.000 tỷ đồng, gấp 33 lần tiền mua sách". Qua thông tin trên, chúng ta nghĩ đến điều gì? Đến đây, tôi lại lan man mất rồi.
Khi viết ra những dòng chữ này, tôi không có ý coi thường bất cứ một ai, tôi chỉ thấy buồn và rất buồn. Bị hít thở trong bầu không khí ô nhiễm, bị dưỡng dục trong một môi trường thiếu dưỡng khí thì tinh thần sẽ là đà mặt đất, làm sao có thể vươn lên trời cao là lẽ đương nhiên. Nhiều khi vì không muốn mất thời giờ nên tôi chẳng muốn viết lăng nhăng nữa, nhưng rồi cũng cứ viết. Đọc những bài như thế này, giới trẻ có thể bực mình vì những chuyện lẩm cẩm. Biết vậy mà vẫn làm vậy là u mê lắm rồi. Thôi thì tự nhận mình là u mê vậy!

Chương trình Sách Hay Mỗi Ngày giới thiệu về tùy bút Quê Hương Tôi

Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

VỀ MỘT NGƯỜI HIỀN NAM BỘ

Đã nhiều lần tôi tự hứa với mình là không nên viết nhăng viết cuội ở đây nữa, nhưng rồi vẫn bị cái “nghiệp chướng” này lôi kéo. Tôi không nghiện viết lắm nhưng không hiểu sao có cái gì thôi thúc mình phải mở máy tính, thế rồi bàn phím trở thành trung gian cho những xúc cảm và suy tưởng của mình. Thôi thì đành chiều theo tiếng lòng chứ biết làm sao bây giờ? Tuy vậy, tôi phải tự nhắc nhở rằng: Mi nên kiệm lời.
Năm 2011, nhờ đọc được bài viết Thăm nhà văn Trang Thế Hy trong tập bút kí Nhớ Đến Một Người của BS. Đỗ Hồng Ngọc, tôi mới biết đến nhà văn Trang Thế Hy - một cái tên lạ hoắc lạ huơ. Khi tìm được tác phẩm của ông, tôi mới có dịp thưởng thức một bài viết tuyệt hay của nhà văn Nguyên Ngọc đã dành cho ông, bài viết có nhan đề Người hiền của văn chương Nam Bộ. Nếu không nhờ BS. Đỗ Hồng Ngọc, tôi không thể biết Trang Thế Hy là ai, cũng như chẳng biết ông là tác giả của bài thơ Cuộc Đời - bài thơ từng được Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm Quán Bên Đường. Thời trai trẻ, lúc tập bài nhạc này, tôi cứ ngỡ đây là một bài nhạc được phổ từ thơ của một nhà thơ thời tiền chiến. Ngờ đâu, bài thơ chỉ "mới" xuất hiện trên tuần báo Vui Sống vào năm 1959 tại Sài Gòndo Bình Nguyên Lộc làm chủ bút .
Khi đọc Trang Thế Hy, tôi cũng yêu mến ông như đã từng yêu mến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Vũ Bằng, Võ Hồng, Võ Phiến, Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Vì sự quan tâm của tôi dành cho lĩnh vực khác nên tôi ít để ý đến những sự kiện văn học đương đại trong nước cũng như của thế giới. Nhưng không phải vì thế mà tôi ruồng rẫy những tác phẩm văn chương mang tính triết lí, những đoản văn và những tùy bút làm rung động lòng người. Tôi là người ưa tìm kiếm những nguồn ánh sáng của quá khứ, thích lục lọi những “lọ cổ - chén xưa” trong đống đồ cũ, thỉnh thoảng lại đem ra nâng niu và mời thiên hạ nhìn ngắm.
Nhìn thấy sự băng hoại của xã hội, sự lụi tàn của đạo làm người trên quê hương và nhất là cảnh bạo lực trong học đường, tôi thường lẩn thẩn: "Phải chi những năm bắt đầu cắp sách, con trẻ thời nay được nuôi dưỡng tâm trí bằng những dòng văn chương chuyên chở sự tinh tế, nhân hậu, chân thật, thương yêu và bao dung thì về sau tâm trí chúng sẽ được đề kháng mạnh mẽ với những thứ dung tục, bạo lực, giả dối, hận thù và ích kỉ.". Ngẫm lại, tôi thấy đã mình mang ơn nền giáo dục của miền Nam Việt Nam ngày trước rất nhiều. Như dòng sữa mẹ ngọt ngào tuôn chảy, nguồn thơ văn nhẹ nhàng và hiền hòa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thuở ấu thời. Ở đây, tôi chỉ ca ngợi nền giáo dục của miền Nam chứ không hề có ý đồ ca ngợi thể chế chính trị trước đây - thời ấy chính trị và giáo dục không ăn nhịp với nhau. Ô hay! Từ câu chuyện về nhà văn Trang Thế Hy, tôi lại sa đà vào chuyện khác mất rồi. 

Chiều nay, tôi lần giở tập bút kí của Đỗ Hồng Ngọc nói trên để đọc lại bài viết về Trang Thế Hy. Đọc xong, tôi có cảm hứng muốn giới thiệu bài viết của vị bác sĩ này đến mọi người. Và rất may, tôi đã tìm thấy bài viết Thăm nhà văn Trang Thế Hy trên trang nhà của BS. Đỗ Hồng Ngọc.