Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

VỊNH TAM TÀI: Một triết lí Nhân bản Tâm linh siêu tuyệt



                                                                                            
Mỗi khi có dịp nói về nhà cách mạng Trần Cao Vân, người ta thường nhắc đến học thuyết Trung Thiên Dịch. Theo nhận định của một vài tác giả viết về Trần Cao Vân như Trần Công Định, Nguyễn Q Thắng, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tô Đình Cơ thì Trung Thiên Dịch là một tác phẩm đặc sắc của ông về việc nghiên cứu và sáng tạo lại Kinh Dịch theo tinh thần hoàn toàn Việt Nam. Chính vì lẽ đó, Trung Thiên Dịch không nô lệ vào học thuật của các triết gia Trung Quốc - nhất là Chu Hi – một triết gia đời Tống đã tập đại thành những nghiên cứu về Dịch học của những thế hệ trước. Thậm chí, Trung Thiên Dịch còn muốn vượt ra khỏi quỹ đạo người sáng tạo ra Kinh Dịch là Phục Hi (Tiên Thiên Dịch) và người có công bổ túc và xiển dương nó là Văn Vương (Hậu Thiên Dịch).

Từ trước đến nay, chưa từng có một ai làm việc trực tiếp với Trung Thiên Dịch, thậm chí còn chưa nhìn thấy “mặt mũi” của nó ra sao. Những nhận định nói trên chỉ dựa vào truyền thuyết là chính nên không thể có giá trị về mặt học thuật. Vì thế, không thể dựa vào cái tên Trung Thiên Dịch để đánh giá tư tưởng của Trần Cao Vân.
Thật may mắn, sau bao biến cố của lịch sử nước nhà, trong những sáng tác còn sót lại của Trần Cao Vân, chúng ta tìm thấy một bài thơ hết sức lạ lùng bằng chữ Nho(1). Bài thơ này đã được dịch sang quốc ngữ với  tựa đề là Vịnh Tam Tài(2) :
                                    Trời Đất sinh Ta có ý không?
                              Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
                              Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
                              Trời Đất in Ta một chữ đồng
                              Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
                              Ta thay Trời mở Đất mênh mông
                              Trời che Đất chở Ta thong thả
                              Trời Đất Ta đây đủ hoá công.
Nương theo Vịnh Tam Tài, chúng ta có thể tìm hiểu về thế giới quan và nhân sinh quan của Trần Cao Vân. Theo thiển ý, Vịnh Tam Tài là một viên ngọc quý giá, sáng ngời và trong veo trong kho tàng tư tưởng của dân tộc. Vịnh Tam Tài mang đến cho chúng ta tinh thần và hơi thở của một thời đại đã qua. Ngoài ra, bài thơ còn cho chúng ta cảm nhận được tư tưởng  Nhân bản Tâm linh thuần khiết nhất - một nét vô cùng đặc sắc của nền triết li Viễn Đông.
Khi so sánh nền triết lí Nhân bản Tâm Linh với các hệ thống triết học và tôn giáo khác, chúng ta nhận thấy không ở đâu con người được đề cao ngang hàng với trời đất như ở Viễn Đông. Theo quan niệm của Tây Phương trước đây, con người là con của đấng thượng đế và chỉ là một vật thụ tạo,  Vì vậy, thời ấy nếu có người nào phát ngôn như ông thì chắc chắn sẽ bị ghép tội phản nghịch và tính mạng khó được an toàn. Tại Ấn Độ, nơi xuất sinh nhiều hệ thống triết học đồ sộ thì yếu tố con người vẫn bị xem nhẹ. Những đạo sư của Ấn Độ chuyên tâm dồn mọi nỗ lực vào đời sống “giải thoát” cá nhân nên đã lãng quên con người và xã hội.
Vào những thập niên cuối của thế kỉ XIX và đầu thế kỉ XX, những tư tưởng gia Tây Phương đã bắt đầu khẳng định lại vị trí của con người trong vũ trụ nhân sinh. Những nhà tư tưởng ấy muốn vượt thoát khỏi dòng tư tưởng thâm căn cố đế trong truyền thống của mình, một hệ thống triết chuyên bàn về những vấn đề không ăn nhập gì đến nhân sinh, quên hẳn con người đang hiện hữu “ở đây và bây giờ”; vì vậy, đã có một mùa triết học hiện sinh nở rộ trên vòm trời tư tưởng Tây Phương. Khi tìm về cội nguồn của tư tưỏng Tây phương trước thời Socrate, ba khuôn mặt nổi danh nhất của Triết học Hiện sinh cận đại của Đức là Nietzsche, Jaspers và Heidegger vô tình tiếp cận và hội thông với truyền thống Nhân bản Tâm linh của Đông phương. Họ nhận thấy con người Tây Phương đương thời đã bị vong thân và vong bản bởi những thế lực siêu hình, tôn giáo, chính trị và xã hội. Vì lẽ ấy, những triết gia này đã gióng lên tiếng chuông báo động để thức tỉnh và cứu nguy con người Tây Phương ra khỏi sự sụp đổ, phá sản của tư tưởng Tây Phương từ triết gia Socrate trở về sau. Họ đã thành công hay thất bại? Đây không phải là mục đích của bài viết này, người viết chỉ muốn nói rằng, trong lúc những tư tưởng gia nói trên đã cố gắng đưa ra một thông điệp cho giới trí thức của họ suy tưởng, thì tại một xứ sở lạc hậu về mặt vật chất và đang còn chìm trong vòng nô lệ của thực dân đã nảy sinh một nhà cách mạng, nhà tư tưởng từng đề cao con người một cách thấu đáo trong bài thơ Vịnh Tam Tài.
Tại sao người viết dám đại ngôn về tư tưởng Trần Cao Vân trong khi ông không để lại một hệ thống triết học tầm cỡ nào cả? Truyền thống Nhân bản Tâm linh của Đông Phương đã sản sinh nhiều nhà tư tưởng khác hẳn với truyền thống của Tây Phương. Những nhà tư tưởng Đông Phương (nói cho đúng họ là những nhà đạo học Đông Phương) rất ít lí luận và diễn giải. Trước tác của họ thông thường chỉ là vài bài thơ, vài đoản văn, hoặc một vài câu kệ; người đọc, người nghe theo đó mà chiêm nghiệm và suy ngẫm. Chính đời sống đạt đạo và viên mãn của họ đã minh chứng cho một nền triết học thâm sâu và sống động. Các vị ấy không phải là những triết gia chỉ biết luận lí suông, họ chính là những bậc thánh triết, hiền triết hay là triết nhân trong cõi nhân sinh. Những nhà tư tưởng ấy luôn đem hết tâm lực để phục vụ cho đời sống tâm tư cũng như cuộc đời hành động của chính mình.
Lão Tử từng nói: , ; , - Đạo khả đạo, phi thường đạo; danh khả danh phi thường danh” (Đạo có thể diễn giải được không phải là đạo thường hằng; tên có thể định nghĩa  được không phải là tên thường hằng) Đạo Đức Kinh.

Khổng Tử thì: “   ...  ,   , , - Tử viết: Dư dục vô ngôn... Thiên hà ngôn tai? Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai?” (Khổng tử nói: Ta không muốn nói gì cả... Trời có nói gì đâu? Bốn mùa qua lại, vạn vật sinh trưởng, Trời có nói gì đâu?) Luận Ngữ.
Phật giáo Thiền Tông thường lưu truyền bài kệ:
“Bất lập văn tự. Giáo ngoại biệt truyền. Trực chỉ nhân tâm. Kiến tánh thành Phật”.
(Chẳng lập văn tự. Truyền riêng ngoài sự giảng dạy. Chỉ thẳng tâm người. Thấy tánh thành Phật).
Những bậc thầy ở Đông phương chỉ gợi mở và chỉ dẫn cho đệ tử thấy con đường đạo lí, các môn đệ phải tìm tòi, suy tưởng và tự thực hiện. Đó chính là nền tảng trong sự trao truyền minh triết tại Đông phương.
Di sản Vịnh Tam Tài của Trần Cao Vân đề cập ở trên đã cho chúng ta cảm nhận được những gì giữa đời sống điên đảo vô thường của một kiếp nhân sinh? Khi chúng ta nghiền ngẫm, từng câu, từng câu một thì sự thật sẽ bùng vỡ và làm hiển lộ những tia sáng đặc biệt, diệu kì.
Trời Đất sinh Ta có ý không?
Trời Đất cũng như Ta chẳng ai sinh ra ai cả. Con người vốn dĩ an nhiên tự tại, không nô lệ cho bất cứ thế lực thần quyền, thế quyền cũng như vật quyền nào cả. Sự có mặt của ta là đầy dủ, là cùng đích tự thân, là tự tồn tại rồi. Có Trời, có Đất thì cũng có Ta, thế thôi! Không một ai có quyền nhào nặn ta theo một ý riêng tư nào cả, nhưng tiếc thay, con người đã bỏ đi sự tự do và tự trói mình vào “xiềng xích”.
Chưa sinh Trời Đất có Ta trong
Dù chưa sinh ra nhưng ta cũng đã tham dự cùng Trời Đất. Điều này mang một ý nghĩa tâm linh đích thực, chúng ta chỉ có thể cảm nghiệm điều này bằng sự lâng lâng siêu thoát của tâm hồn chứ không thể giải thích bằng luận lí của trí não. Cái Ta ở đây không phải là cái ta nhỏ bé của đời sống xác thân, nhưng là Đại ngã Tâm linh bất biến trường tồn.
Trong thời gian ẩn dật tu hành tại chùa Cổ Lâm, huyện Đại Lộc, Quảng Nam, chắc chắn Trần Vao Vân đã nghiền ngẫm kinh, luận của Phật giáo và hành trì thực sự. Vì thế, tuy là một nhà Nho nhưng đạo Phật cũng ảnh hưởng sâu đậm vào nhân sinh quan của ông. Trần Cao Vân cũng như phần đông Nho sĩ thời bấy giờ thường sống theo tinh thần Tam giáo: Nho - Phật - Lão. Gặp lúc thời cuộc bế tắc, trong lúc chờ đợi thời cơ để thực hiện việc an bang tế thế, họ thường tìm về Phật giáo và Lão Trang để giải thoát và di dưỡng tính tình.
Ta cùng Trời Đất ba ngôi sánh
Hình ảnh con người ở đây vô cùng đẹp đẽ, uy nghi, dám sánh ngang cùng Trời Đất. Triết lí nhân bản thể hiện quá rõ ràng, con người mạnh mẽ cùng trời đất chứ đâu có yếu mềm để rồi phải nép mình quỳ luỵ dưới thế lực của Trời (tôn giáo thần quyền) và Đất (thế lực của vật chất).
Tuy vậy, con người chúng ta phần đông quả là thiếu sự tự tin, người theo tôn giáo thần quyền thì cúi mọp dưới chân đấng vô hình nào đó, kẻ không theo tôn giáo thì tôn thờ thế lực của tiền bạc, danh vọng. Chúng ta không còn tin vào chính mình nữa mà chỉ tìm lấy những giá trị hư ảo bên ngoài để tô vẽ và nâng cao vị trí mình trong xã hội. Tự thân con Người đã có một giá trị đích thực rồi, không cần phải quy chiếu vào bất cứ thứ gì để tạo thêm giá trị ngoài cái Ta nữa. Cái Ta này không phải là cái tôi nhỏ bé, phàm tục mà phần đông con người thưòng lệ thuộc vào nó. Trái lại, cái Ta này hiên ngang, lẫm liệt, nó đã vượt lên trên tất cả những nhỏ nhoi, phù phiếm của thế cuộc mà tan hoà vào cõi đạo, huyền vi, lồng lộng, thênh thang.
Trời Đất in Ta một chữ đồng
Trong đạo Nho, ngoài phần thế học (Hình nhi hạ), còn có phần tâm học uyên nguyên (Hình nhi thượng) nữa. Tâm học của Nho gia có nét tương đồng dị biệt với nhà Phật và Lão Trang. Mạnh Tử, người mở đầu cho trường phái Tâm học đã nói: “ .  , - Vạn vật giai bị ư ngã. Phản thân nhi thành, lạc mạc đại yên” (Vạn vật đầy đủ nơi ta. Trở vào mà thực hiện để tựu thành thì không gì vui hơn) Mạnh Tử.
Lục Tượng Sơn, người đại diện cho Tâm học đời nhà Tống của Trung Quốc cho rằng:
便 , 便 - Vũ trụ tiện thị ngô tâm, ngô tâm tiện thị vũ trụ” (Trời đất vạn vật  tức là tâm ta, tâm ta tức là trời đất vạn vật) Tượng Sơn toàn tập.
Vương Dương Minh, một nhân vật trác việt nhất, kiệt xuất nhất của Tâm học đời nhà Minh cũng từng phát biểu: “ , - Phù nhân giả thiên địa chi tâm, thiên địa vạn vật bản ngô nhất thể dã” (Người là tâm trời đất, trời đất vạn vật vốn cùng một tính chất là vậy ) Truyền Tập Lục.
Dịch giả bài Vịnh Tam Tài rất đồng cảm với tiên sinh Trần Cao Vân nên đã diễn dịch câu thơ này thành một câu nói rất mộc mạc và bình dân “Trời Đất in Ta một chữ đồng”. Khẩu ngữ của người dân xứ Quảng thể hiện đậm nét ở nơi đây, “in” tức là giống y vậy. Ta và Trời Đất có gì khác nhau về tính chất siêu linh đâu, vì thế có gì phải sợ hãi. Trời Đất còn chưa sợ huống gì những thế lực thần quyền, thế quyền hay vật chất. Dịch giả của Vịnh Tam Tài đã kiến giải phần thâm sâu của đạo Nho trong một ngôn ngữ bình dân và dễ hiểu nhất.
Đất nứt Ta ra Trời chuyển động
Ta và Trời Đất cùng xuất khởi một lần, vậy thì đâu ai kém ai. Giữa trời đất bao la, hình ảnh con người oai phong quá! Con người được đề cập ở đây là bậc triết nhân quân tử, mang trong mình “khí hạo nhiên” tràn khắp vũ trụ chứ không phải là thứ tiểu nhân thấp hèn, yếu kém.
Theo truyền thuyết của Đông phương, khi thánh nhân ra đời thì thiên nhiên có những hiện tượng kì dị, lạ lùng. Hiện tượng thường gặp nhất: mặt đất thì rung chuyển mạnh, bầu trời thì sấm chớp vang rền. Ở đây, có lẽ tác giả đã ví mình như một bậc thánh trí hiện ra để cứu đời trong bước ngoặt đầy khó khăn của lịch sử nước nhà.
Ta thay Trời mở Đất mênh mông
Hoài bão và chí hướng của tiên sinh được thể hiện rõ nét trong câu thơ này. Thật ghê gớm, thánh nhân có thể thay trời để mở đất, để “thế thiên hành đạo - thay trời mà hoằng dương đạo lí”. Bản chất con người xứ Quảng luôn ngang tàng, gân guốc, thẳng thắn. Người quân tử xứ này được hàm dưỡng trong lò Khổng Mạnh càng lâu bao nhiêu thì tính cách ấy lại càng mạnh mẽ bấy nhiêu. Họ đã thực hiện đúng châm ngôn: “ , , , - Phú quý bất năng dâm, bần tiện bất năng di, uy vũ bất năng khuất, thử chi vị đại trượng phu” (Giàu có không phóng đãng, nghèo hèn không thay đổi ý chí, không khuất phục trước sức mạnh, đó mới chính là bậc đại trượng phu) Mạnh Tử.
Tính cách nhà cách mạng, nhà tư tưởng Phan Châu Trinh cũng vậy, cụ không bao giờ  biết cúi đầu khuất phục trước bạo lực, cường quyền. Trong lòng các vị ấy đều đầy ắp chữ nghĩa của thánh nhiền nhưng hành động thì vô cùng thực tế, các cụ sẵn sàng giũ bỏ danh vọng để đi làm cách mạng. Với lí tưởng vì dân, vì nước, họ coi chuyện vào tù ra tội hay cái chết nhẹ như lông hồng. Những vị ấy ít trước ngôn lập thuyết, nhưng chúng ta chỉ cần xem quả là biết cây. Cây triết lí nhân sinh của họ đã qua được thử thách và vững chãi giữa phong ba bão tố của cuộc đời.
Trời che Đất chở ta thong thả
Đã có trời che đất chở thì vô cùng thong dong tự tại và thảnh thơi, có lo nghĩ gì nữa đâu. Trời đã che và đất đã chở thì sợ gì mà không thực hiện được đạo “nội thánh ngoại vương”. Bởi ý thức được địa vị cao cả của mình trong vũ trụ, họ an nhiên vui sống và ung dung gánh vác việc đời nhưng lòng không xa rời đạo lí: “ - Quân tử thản đãng đãng” (Người quân tử thường vui vẻ) Luận Ngữ.
Trời Đất Ta đây đủ hoá công
Sức sáng tạo của con người thật vĩ đại, không thua gì trời đất cả. Không có ta thì Trời Đất chưa đủ là hoá công. Phải có ba bực tài (Thiên Địa Nhơn) thì vũ trụ này mới hiện hữu. Người xưa đã từng nói về con người: “ , , , - Nhân giả kì thiên địa chi đức, âm dương chi giao, quỷ thần chi hội, ngũ hành chi tú khí” (Con người là cái đức của trời đất, chỗ giao nhau của âm dương, nơi gặp gỡ của quỷ thần, là khí đẹp của ngũ hành) Lễ Kí.
Nếu đem ra so sánh với con người trong Vịnh Tam Tài thì cách định nghĩa trên đây của người xưa xem ra vẫn còn thua xa con người mà Trần Cao Vân đã đề cập đến. Ông đã diễn tả một quan niệm rất đẹp đẽ và cao cả về con người trong vũ trụ mênh mông. Không một nơi nào trên trái đất địa vị con người được đề cao như vậy!
Vịnh Tam Tài có thể cho chúng ta thấy được rằng, Trung Thiên Dịch là một học thuyết có thật nhưng đang còn trong thời kì thai nghén. Bản thân Trần Cao Vân cũng nói rõ trong câu đối phúng điếu nhà cách mạng Châu Thượng Văn vào năm 1908:
“Ta có tiếc sống đâu, ngặt vì Trung Thiên Dịch mới mở đầu, Dũ Lý bảy năm chưa kịp diễn.
Người hẳn theo nghĩa đây nhất kinh muôn đời còn giữ chặt. Thú Dương nghìn thuở hãy còn nghe. (Huỳnh Thúc Kháng dịch).
Vịnh Tam Tài tuy chỉ vỏn vẹn 56 chữ, nhưng nó cưu mang cả một nền triết lí nhân sinh sâu thẳm. Không biết nó có thể là cốt tuỷ của Trung Thiên Dịch chăng?
Đến đây, người viết liên tưởng đến Bát Nhã Tâm Kinh của đạo Phật. Tuy bài kinh chỉ có 260 chữ nhưng là phần tinh yếu nhất, cốt lõi nhất của bộ Đại Bát Nhã gồm 600 quyển. Theo một tác phẩm chú giải Bát Nhã Tâm Kinh có tựa đề là Nghĩ Từ Trái Tim(3) thì các nhà nghiên cứu cho rằng, Bát Nhã Tâm Kinh đang làm “rúng động” cả Đông phương lẫn Tây phương. Người viết không bao giờ dám đem Vịnh Tam Tài so sánh với Bát Nhã Tâm Kinh mà chỉ gợi ra một ít suy tưởng. Biết đâu, khi chúng ta đem Vịnh Tam Tài giới thiệu với thức giả Tây phương, họ cũng sẽ có tâm trạng gần giống khi tiếp cận với Bát Nhã Tâm Kinh vậy.
Nhà cách mạng, nhà tư tưởng Trần Cao Vân đã sống trọn vẹn triết lí sống của mình trong bài thơ Vịnh Tam Tài cho đến hơi thở cuối cùng (4). Trước kẻ bạo quyền, cái chết đã không làm ông sợ hãi chút nào; trái lại, ông đã an nhiên tự tại đi vào cõi vĩnh hằng. Trước một trí tuệ và nhân cách cao cả như vậy, chúng ta chỉ biết cúi đầu khâm phục.
                                                                                                   Hồ Phú Hùng



(1) Quảng Nam Trong Hành Trình Mở Cõi Và Giữ Nước - Nguyễn Q. Thắng - NXB Tp. Hồ Chí Minh, 2005.
                                                Luận Tam Tài
                                     Thiên địa sinh ngô hữu ý vô
                                     Vị sinh thiên địa nội hàm ngô.
                                     Ngô thiên địa hiệp tam tài lập,
                                     Thiên địa ngô đồng nhất tự đồ.
                                     Ngôi xuất địa thời thiên chuyển động,
                                     Thiên giao ngô tịch địa bao lô
                                     Địa thiên tải phúc ngô sinh lạc,
                                     Thiên địa hóa công ngô hữu hồ!

(2) Bản dịch Vịnh Tam Tài do Hành Sơn - Lương Vĩnh Thuật thực hiện.
(3) Nghĩ Từ Trái Tim - Bs Đỗ Hồng Ngọc - NXB Tp. Hồ Chí Minh 2004.
(4) Thân thế và sự nghiệp Trần Cao Vân - Tô Đình Cơ, Sở Văn hoá Thông tin Bình Định, 1995. (Theo Tô Đình Cơ - cháu ngoại cụ Trần Cao Vân - bài Vịnh Tam Tài được ông sáng tác tại nhà ngục Huế để bày tỏ chí khí và quan niệm của mình trong lúc chờ ngày ra pháp trường).
                                                     

CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC “THUỞ BAN ĐẦU” (*)


Vì biết ơn GS. Dương Thiệu Tống trong việc giáo dục con cái, tôi đã viết bài về cuốn sách Hồi Ký Sư Phạm - THUỞ BAN ĐẦU của ông. Bài viết được đăng trên Tạp chí Tia Sáng vào tháng 06/2003. Khi tái bản cuốn hồi ký vào cuối năm 2003, GS. Dương Thiệu Tống đã cho đăng đoạn cuối bài viết của tôi vào bìa sau cuốn sách nhưng tôi không hề được biết. Mấy năm sau, đứa em con ông chú tôi ra Huế học, vào hiệu sách, tình cờ thấy được và mua về tặng tôi.

Giáo sư đã qua đời vào năm 2008, vĩnh viễn tôi sẽ không gặp được ông để bày tỏ lòng biết ơn. Tuy vậy, khi biết ông đã đọc bài viết của mình thì xem như tôi đã gặp được ông rồi. Đây cũng là cái duyên của tôi và GS. Dương Thiệu Tống.

Giáo sư Dương Thiệu Tống và những người bạn cùng học bậc Trung học với ông ở trường Providence (Thiên Hựu) - Huế như giáo sư Phan Ngọc, giáo sư Đinh Xuân Lâm(**)… đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống Nho học. Họ là một thế hệ được hấp thu một phần tinh hoa của văn hoá Đông phương từ gia đình và văn hoá Tây phương của nhà trường thời Pháp thuộc.

Nhờ được dưỡng dục bởi những người thầy đầy tâm huyết và lỗi lạc, cộng thêm được sống trong một môi trường tinh thần chưa bị vong bản nên đa số những người thuộc thế hệ ông đã trở thành những con người có hoài bão lớn, có lí tưởng cao. Có lẽ là do thời cuộc, thế hệ  ông đã chọn lấy con đường lập thân là đóng góp cho đất nước. Hầu hết những người thầy của ông đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời dạy và học của ông, và cũng của nhiều người trong lớp tuổi ông thời ấy. Với những yêu cầu của thời cuộc, về sau này thế hệ ông đã góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục và văn hoá của nước nhà.

Giáo sư Dương Thiệu Tống và những người bạn cùng thời đã chọn nghề giáo ở một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giáo dục của đất nước. Ông là một trong những người thầy đầu tiên thực hiện chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn(***). Đây là một chương trình trung học hoàn toàn của Việt Nam, dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ thay cho những chương trình Pháp trước đó. Những nhà giáo trẻ tuổi được đào tạo ở nước ngoài nhưng vẫn nặng tình với dân tộc đã biên soạn chương trình này. Họ đã hăng hái đem những kiến thức thu thập ở trong và ngoài nước để xây dựng một nền giáo dục dân tộc trong một thời gian đạt kỉ lục, chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục của bất cứ quốc gia nào đã bị thực dân đô hộ lâu dài.

Vì hoàn cảnh lúc đó không cho phép học lên cao nữa nên sau khi đỗ Tú tài II được vài tháng ông chính thức bước chân vào nghề nhà giáo. Thế hệ nhà giáo như ông đã trưởng thành trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Họ chưa được chuẩn bị đầy đủ về phương pháp giáo dục, về tâm lí sư phạm nên gặp rất nhiều trở ngại trong buổi ban đầu. Lớp nhà giáo như ông chỉ có sự nhiệt tình trong giảng dạy, cái “tâm” muốn truyền bá kiến thức và chút ít kinh nghiệm rút ra từ các nhà giáo đã dạy mình trước đó. Vậy mà ông đã vượt qua được thử thách và đứng vững trên tư thế một nhà giáo thực thụ. Ông tâm sự rằng, sự tận tâm đối với nghề nghiệp là bài học sư phạm duy nhất ông đã tiếp nhận được từ những người thầy đáng kính. Hành trang này đã giúp ông rất nhiều trên bước đường dạy học.

“Thuở ban đầu” gợi cho chúng ta một bức tranh tuy cũ nhưng rất sinh động về dạy và học trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, các trường học thời đó phải dời từ thành phố về nông thôn và luôn luôn di chuyển ở vùng rừng núi (vì máy bay Pháp thường bắn phá). Thời ấy, nhà giáo đã sống trong những tháng ngày gian nan khốn khó nhưng đã vận dụng hết khả năng để sáng tạo và cố gắng vượt bực để giải quyết một vấn đề nan giải là: Phải tiếp tục giảng dạy trong tình trạng thầy không có trường, trò không có sách, và cả thầy lẫn trò đều không có nhà để ở. Tuy vậy, tình nghĩa thầy trò sâu đậm hơn bao giờ hết, thầy giáo được sống trong sự đùm bọc yêu thương của quần chúng lao động nghèo khổ. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được thể hiện rất rõ nét và rất cảm động. Họ là những con người tuy nghèo khó, ít học, nhưng vẫn thấy tầm quan trọng của sự học và luôn luôn mong mỏi con em mình được học hành chu đáo. Quan niệm của phụ huynh của ngày ấy có nhiều ưu điểm hơn ngày nay, cha mẹ cho con em đến trường không những chỉ có mục đích tiếp thu kiến thức mà còn được những nhà giáo đáng kính dạy làm người. Thế hệ nhà giáo như ông lúc đó phải cố gắng hết sức - tuy tuổi mới hai mươi - nhưng đã phải nhận trách nhiệm đóng vai khả kính, cũng nhờ vậy nên phần nào đã đáp ứng được sự mong mỏi của phụ huynh thời ấy. Quan niệm giáo dục của ngày trước làm cho chúng ta hôm nay  phải suy ngẫm.

Học trò ông đa số là con nhà nông, ít có điều kiện học tập, nhưng nhờ vào sự tận tâm, sự khuyến khích và khen ngợi của ông nên đã tự tin, quyết chí học hành nên sau này đã có nhiều người thành đạt. Ông kể rằng, một người học trờ cũ có tên là Hải, năm 1985 tìm đến thăm ông tại nhà, thầy trò hội ngộ sau gần 40 năm khói lửa. Anh ta vẫn còn giữ lại tấm học bạ cũ đã sờn rách, trong đó có lời phê của ông 36 năm trước. Người học trò cũ đã đưa ông xem và nói rằng: “Con được thành đạt như ngày hôm nay chính là nhờ lời phê của thầy”. Trong tấm học bạ ấy, những thầy giáo khác thì phê là: “Học lực tầm thường”,”Lười học”,”Cần cố gắng hơn”… Riêng ông đã phê: “Học sinh xuất sắc, rất nhiều hứa hẹn. Nếu chịu khó học tập sẽ có một tương lai xán lạn”. Đúng như lời ông nhận xét, người học trò ấy năm 1985 là Phó Tiến sĩ và đang làm cán bộ giảng dạy ở đại học. Điều này nhắc nhở cho chúng ta thấy, chỉ cần có một lời khen đúng mức thì có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người.

“Thuở ban đầu” còn cho chúng ta biết thêm một trường hợp đặc biệt nữa. Một học sinh có năng khiếu về ngoại ngữ, chỉ kém ông chừng ba, bốn tuổi, con của một lão nông hiếu học, trọng thầy. Nhờ ông dìu dắt và chỉ bảo tận tình mà sau này trở thành một trí thức có tầm cỡ. Người này chính là Phi Bằng, một trong những người có công đóng góp vào việc xây dựng chương trình Việt ngữ cho Đài BBC ở Luân Đôn trong những năm cuối thập niên 1950. Sau đó, Phi Bằng trở thành Biên tập viên cho một tờ báo nổi tiếng quốc tế là Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) có trụ sở đóng tại Luân Đôn. Hiện nay, anh đã về hưu ở Mỹ và chuyên viết sách báo bằng tiếng Anh. Năm 1999, Nhà xuất bản Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh đã cho in một cuốn sách giá trị của Phi Bằng nhan đề: “20 năm tham quan nước Mỹ”. Trong những dịp về thăm quê hương, anh cũng thường đến thăm người thầy cũ của mình.

Tình nghĩa sâu nặng của thầy trò ông nhắc nhở cho thế hệ nhà giáo hôm nay, đừng quên một trong những điều trọng yếu của giáo dục là giáo dục nhân cách cho học sinh bằng hành động gương mẫu của chính mình.

Có một chương trong “Thuở ban đầu” dành hẳn cho một con người lạ lùng và độc đáo có tên là Hĩm Su. Anh ta là học trò ngoài đời của giáo sư Dương Thiệu Tống. Vốn học vấn của Hĩm Su chỉ mới đến lớp Nhì (tương đương với lớp Bốn bây giờ), anh có nghề làm giò chả và kiêm luôn nghề y tá tư. Tuy đã quá tuổi học đường và đã có vợ con nhưng anh là người khát khao hiểu biết, đặc biệt là muốn biết đến nơi đến chốn nhiều lĩnh vực và không bao giờ thoả mãn với những câu trả lời không được rõ ràng của nhiều nhà giáo thời ấy. Lí thuyết về Cơ học lượng tử ở thập niên bốn mươi đối với nước ta còn rất mới mẻ, thậm chí không mấy thầy giáo trung học hiểu thấu đáo, thế mà anh bán giò chả này lại cố công học hỏi và thường bàn đến. Tất nhiên, với trình độ của anh, anh chỉ hiểu đại cương về nó mà thôi. Xét như vậy, cũng làm cho chúng ta thán phục trước sự học hỏi vô vị lợi của anh rồi. Hĩm Su đã được ông không tiếc công sức chỉ dẫn tận tình về một số lĩnh vực mà ông am hiểu - nhất là việc giảng dạy tiếng Pháp. Chỉ trong một thời gian không lâu, anh đã đọc được sách báo viết bằng tiếng Pháp. Ông cho biết, nếu Hĩm Su có điều kiện học tập một cách có căn bản, có hệ thống và được học đến nơi đến chốn thì anh bán giò chả này sẽ trở thành một nhà bác học, một khoa học gia không mấy gì khó khăn.

Bằng chứng là có một học sinh cũ của ông trở thành giáo sư Đại học ở một nước lớn. Và lí thú thay khi du học ở Mỹ, ông gặp lại người học trò cũ. Lúc ấy, ông là sinh viên còn người học trò cũ là giáo sư đại học của một nước kế cận. Ông giáo sư đại học này hồi còn là học sinh của ông ở bậc Trung học không phải là một học sinh xuất sắc nhất xét theo tiêu chuẩn của trường trung học lúc bấy giờ, nhưng lại giống với anh Hĩm Su về phương pháp và thái độ học tập. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến thái độ học tập của phần lớn học sinh hiện nay, bây giờ học sinh ham học mà không ham hỏi, ít khát khao hiểu biết, thiếu lí tưởng. Học sinh đã học một cách thụ động những gì cần thiết cho môn học - nhất là các kì thi, nhưng không quan tâm đến kiến thức dành cho con người sinh hoạt ngoài xã hội hay trong cuộc sống. Học sinh chỉ chấp nhận được những gì đã dạy và hầu như không nêu ra những điều thắc mắc, hoặc học hỏi để hiểu vấn đề cho sâu sắc hơn nữa. 

“Thuở ban đầu” còn có những trang viết về những lời dạy bảo của cha một cách sinh động mỗi khi ông gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Cha ông là một người uyên thâm Nho học nhưng rất phóng khoáng, cụ thường dẫn giải kinh điển Nho giáo một cách sáng tạo chứ không gò bó như các nhà Nho thuở xưa. Thật ra, lúc ấy giáo sư cũng không tin tưởng mấy về những huấn điều của Nho giáo, có lúc còn muốn tranh luận với cha mình. Mãi về sau, khi ngồi tại những trường đại học lớn của Hoa Kỳ ông đã được những giáo sư khả kính nước ngoài cho mình thấy giá trị của tư tưởng truyền thống giáo dục của Đông phương. Cho tới lúc đó ông mới thấy được giá trị trong những lời giáo huấn của cổ nhân. Những câu nói to tát, dài dòng của các nhà giáo dục Tây phương đã được Khổng Tử cô đọng lại thành những câu châm ngôn để dạy cho môn đệ mình cách đây hơn 2500 năm. Ông rất hối tiếc! Một kho tàng văn hoá dân tộc sống động, gần gũi ông nhất, đã hé mở cho ông thấy lúc còn thanh xuân, nhưng vì ảnh hưởng Tây học, ông đã vô tình khép lại. Điều này làm cho chúng ta nhớ đến giáo sư Phan Ngọc, người bạn thời trung học của ông, đã từng tâm sự trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật: Ông đã từng ân hận vì chỉ tiếp nhận ở cha mình - cũng là một người uyên thâm Nho học - chỉ được chút ít chữ nghĩa. Giá như ông tiếp thu được vốn hiểu biết của cha mình, ông sẽ là người may mắn nhất.

Thế hệ những bậc thầy của giáo sư Dương Thiệu Tống như: Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Hà Thúc Chính, Nguyễn Thúc Thào…, thế hệ đàn anh của ông như: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện…, cho đến thế hệ của ông đều có may mắn tiếp thu đầy đủ căn bản của hai nền văn hoá Đông – Tây. Thế kỉ XX đã làm xuất hiện rất ít những con người hiếm hoi ấy. Ở họ thể hiện rõ rệt dấu ấn tinh thần của kẻ sĩ Nho giáo trong phong thái của con người đương đại. Theo tôi, càng về sau này mẫu người như vậy ở nước ta sẽ ít dần rồi hết hẳn vì giáo dục đã đứt liên lạc với truyền thống.

Nền giáo dục truyền thống của dân tộc đã xuất sinh những nhà giáo có nhân cách tuyệt vời. Trong lịch sử giáo dục của đất nước, kể từ người thầy Chu Văn An cho đến thế hệ của ông là còn liên lạc được với suối nguồn của truyền thống. Thật không nói quá lời rằng, thế hệ của thầy ông và thế hệ của ông là hai thế hệ nhà giáo dục mẫu mực nhất trong nền giáo dục Việt Nam thời hiện đại. Tôi muốn ví họ như một loài chim quý sắp bị tuyệt chủng. Trước tình cảnh ấy, chúng ta phải làm gì?

 Hồ Phú Hùng

(*) Thuở Ban Đầu – Hồi Ký Sư Phạm (NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999)
(**) - Giáo sư Phan Ngọc là người nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á với hằng trăm công trình về ngôn ngữ, văn hoá, văn học được viết bằng tiếng Việt, Pháp, Anh. Tác giả của Bản sắc văn hoá Việt Nam.
       - Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
(***)  Chương trình được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Gs Hoàng Xuân Hãn - lúc ấy ông làm Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim. Hội đồng soạn thảo gồm một số Giáo sư và học giả tên tuổi đang dạy học và làm việc tại Huế như : Phạm Đình Ái (Lí, Hoá); Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Dương Đôn (Toán); Tạ Quang Bửu (Vật Lí); Nguyễn Huy Bảo, Linh mục Nguyễn Văn Hiền (Triết); Hoài Thanh, Đào Duy Anh (Việt Văn)...