Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

VÀNG PHAI MẤY LÁ - ĐOÀN CHUẨN

Tối qua, tình cờ tôi gặp bạn cũ trong khung cảnh văn nghệ trà dư tửu hậu. Mặc dầu không uống một giọt rượu bia nào để có được nguồn cảm hứng nhưng bạn bè vẫn ép tôi đàn hát cho vui.

Cũng đã lâu, tôi không còn cầm đàn guitar để hát những bài nhạc mình từng yêu thích từ thuở thanh xuân nên ngón đàn lóng ngóng và giọng ca không còn quyến rũ như xưa. Tuy vậy, để chiều lòng bạn, tôi cũng hát vài bài nhạc của Đoàn Chuẩn - ông hoàng nhạc trữ tình của dân tộc Việt. Một người bạn của bạn mà tôi mới gặp lần đầu lại rất thích nhạc của Đoàn Chuẩn nên khi tôi vừa hát xong hai nhạc phẩm Lá Thư và Gửi Gió Cho Mây Ngàn Bay thì liền hỏi tôi có biết bài Vàng Phai Mấy Lá (Vĩnh Biệt hay Bài Ca Bị Xé) của Đoàn Chuẩn không. Thực tình, tôi chưa từng nghe tên bài nhạc này nên mới bảo rằng tôi không hề biết. 

Thời tôi còn trẻ tuổi, Đoàn Chuẩn là một trong những nhạc sĩ mà tôi yêu mến nhất vì thế tôi thuộc khá nhiều nhạc của ông. Trong thời buổi ấy, nhạc phẩm của các nhạc sĩ thành danh thời tiền chiến và các nhạc sĩ thành danh của miền Nam trước năm 1975 rất khó tìm nên tôi không thể nào biết hết cho được - dù tôi đã bỏ nhiều công sức để sưu tập. Hôm nay nhờ vào sự bùng nổ thông tin trên internet, thế giới đã trở thành "phẳng" nên dù ở bất kì xó xỉnh nào thì việc tìm kiếm thông tin cũng dễ dàng và nhanh chóng hơn xưa rất nhiều.

Khi chia tay bạn bè, vừa về đến nhà tôi liền mở máy tính, vào internet và được nghe bài Vàng Phai Mấy Lá qua giọng ca rất tuyệt vời của Ánh Tuyết ngay. Đây là một trong những nhạc phẩm cuối cùng mà Đoàn Chuẩn sáng tác để tặng cho người ca sĩ nổi danh đất Hà thành là Thanh Hằng vào thập niên 1950, nhưng mới được công bố khoảng mười năm trở lại đây. Mặc dù tôi đã không còn nghe nhạc tình từ rất lâu nhưng chất liệu cổ kính và những chuyện cũ tích xưa tuyệt đẹp trong Vàng Phai Mấy Lá vẫn để lại dấu ấn tươi đẹp trong tôi.

Tam Kỳ, Tiết Lập Đông, Quý Tỵ - 2013



Thứ Sáu, 1 tháng 11, 2013

KHI LẮNG NGHE LỜI VÀNG TỪ CÁC BẬC GIÁC NGỘ

Sau nhiều năm khắc khoải với nỗi khổ đau hiện sinh, luôn luôn sống với sách vở và chính mình hơn là với xã hội, chàng trực nhận ra một điều vô cùng quan trọng:

"Nếu kẻ nào đắm mình liên tục và cuồng nhiệt trong khu rừng kinh sách của các bậc Giác Ngộ trong một thời gian dài thì kẻ đó sẽ tận hưởng được dòng nước thiêng từ suối nguồn của cực lạc. Tuy đang sống trong cuộc đời nhưng hắn đã không còn thuộc về cuộc đời này nữa; những câu chuyện lợi danh, những tình cảm thế nhân và khoái lạc thân xác cũng sẽ không còn quyến rũ được hắn."

Những bậc Giác Ngộ đó là ai? Họ chính là Đức Phật, Lão Tử, Huệ Năng, Liên Hoa Sanh - Padmasambhava, Jetsun Milarepa, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Jiddu Krishnamurti, Nisargadatta Maharaj... Trong các vị này, Tuệ Trung Thượng Sĩ là bậc thầy của Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông - vị vua sáng lập ra dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài ra, Tuệ Trung Thượng Sĩ còn là một Thiền Sư Cư Sĩ vĩ đại nhất của dân tộc Việt.