Thứ Bảy, 23 tháng 3, 2013

CON TÔI VÀ ĐẠI HỌC PRINCETON








Trong đời sống của tôi có những chuyện đã xảy ra một cách kì diệu như thể là có phép màu. Vào tháng 12/2001, tình cờ đọc một bài viết trong tạp chí Tia Sáng tôi mới biết về đại học Princeton. Trước đó, tôi chỉ biết khá rõ về đại học danh tiếng Harvard mà không biết nhiều đến các đại học danh tiếng khác của Hoa Kỳ. Lúc đọc bài báo này, con trai tôi đang học lớp 8 và tôi không bao giờ dám mơ tưởng một ngày nào đó cháu sẽ được đến Đại học Princeton để học tập. Thế nhưng chỉ năm năm sau thì phép lạ xảy ra! 

Năm 2005, con tôi được học bổng toàn phần để học Tú Tài Quốc Tế (IB) tại Lester B. Pearson College - Canada. Vào cuối tháng 10/2006, lúc đang học năm thứ hai IB, con tôi nộp đơn xin học vào ĐH Princeton theo diện ED - Early Decision. ED là diện quyết định sớm và nộp đơn xin học sớm hơn thường lệ. Những học sinh nộp đơn theo diện này thường có một kết quả học tập xuất sắc và thỏa mãn yêu cầu của các đại học Mỹ là phải hoàn thành đúng thời hạn các chứng chỉ khảo sát năng lực học tập do một tổ chức khảo thí độc lập của Mỹ cung cấp. Các đại học hàng đầu của Mỹ thường thông báo kết quả theo diện ED cho thí sinh vào giữa tháng 12 hằng năm. Nếu nộp đơn theo diện bình thường thì các đại học sẽ thông báo kết quả trong khoảng từ đầu tháng 3 đến cuối tháng 3 hằng năm. Trong thời gian chờ đợi kết quả, sợ cháu bị áp lực nên tôi luôn động viên cháu hãy lạc quan và không có việc gì phải lo lắng. Tôi đã bảo với cháu rằng, nếu con không được Đại học Princeton nhận vào thì cũng không có gì phải thất vọng, bởi vì vẫn còn một số đại học danh tiếng khác sẽ nhận khi con nộp đơn theo diện bình thường.

Vì dõi theo kết quả, bắt đầu bước sang ngày 16/12/2006, tôi không ngủ được và cứ nằm xuống một chặp là bật dậy kiểm tra email, và tôi cứ kiểm tra liên tục như vậy cho tới sáng, nhưng chẳng thấy tin tức gì cả. Tôi nghĩ rằng, có lẽ con tôi đã bị Đại học Princeton từ chối nên buồn quá, và vì thế không muốn liên lạc về nhà. Tuy vậy, tôi vẫn kiên nhẫn ngồi chờ. Khoảng 9 giờ sáng Việt Nam (khoảng 6 giờ chiều ngày 15/12/2006 ở Canada - vùng con tôi đang ở), Yahoo Messenger của tôi hiện lên một tin nhắn duy nhất: "Con đã được Princeton nhận vào rồi!". Tôi  vô cùng bàng hoàng nên cũng chỉ nhắn lại một câu: “Chúc mừng con! Chúc mừng gia đình mình!”. 

Sau này tôi được biết, ngày hôm đó nhà trường bị cúp điện nên con tôi không kiểm tra được email để xem kết quả. Đến trưa, cháu được một ông thầy chở ra bên ngoài trường để thi TOEFL, thi xong hai thầy trò ghé một quán nước để con tôi kiểm tra email. Khi mở email ra và biết được kết quả, cháu liền nhắn tin trên Yahoo Messenger cho tôi biết, rồi trở về trường ngay. Lúc ấy, vợ tôi đang đi dạy nên chưa biết được niềm vui khôn tả này. Tôi không thể dùng ngôn từ nào để diễn đạt cảm xúc của mình lúc ấy, có lẽ đây là một trong những phút giây vui sướng hiếm có nhất đời tôi. 

Khoảng vài ngày sau, tôi nhận một phong bì lớn của Đại học Princeton được gửi theo dạng chuyển phát nhanh đến địa chỉ nhà tôi. Trong phong bì gồm có: thư mời nhập học, thư thông báo học bổng toàn phần Davis Scholarship và một số giấy tờ khác. Trị giá học bổng trên 51.000 USD mỗi năm (bao gồm học phí, ăn ở, sách vở, chi tiêu và tiền mua vé máy bay về thăm nhà trong kì nghỉ hè). Thế là ước nguyện của gia đình tôi manh nha từ ngày con tôi vừa sang Canada đã được thành tựu một cách rực rỡ. Đầu tháng 09/2007, cháu lên đường sang Mỹ để nhập học.

Vào tháng 08/2012 vừa qua, tạp chí US News công bố "Bảng Xếp hạng Những Viện Đại học Tốt nhất Hoa Kỳ” (America's Best Colleges - National Universities Rankings) hằng năm. Đại học Princeton được bình chọn đứng vị trí thứ nhất, đứng vị trí thứ nhì là Đại học Harvard. Đây là mười ba năm liên tiếp, Đại học Princeton được xếp vị thứ nhất trong các trường đại học tốt nhất Hoa Kỳ. Bảng xếp hạng đại học của US News là bảng xếp hạng có uy tín nhất tại Hoa Kỳ.

Tôi chưa bao giờ dám nói là con tôi rất thông minh hoặc vượt bực hơn người nên mới đạt được kết quả tốt đẹp như vậy. Tôi nghĩ rằng, con dân nước Việt tuy không xuất chúng như dân của một số nước nhưng cũng là một giống nòi có đầu óc thông minh. Mỗi lớp học sinh trên cả nước cũng khoảng vài mươi cháu có khả năng như con tôi lúc ấy, nhưng do hoàn cảnh kinh tế, sự định hướng của cha mẹ, môi trường giáo dục của gia đình và nhà trường không được thuận lợi, và nhất là do ước mơ, khát vọng, ý chí của bản thân chưa mãnh liệt nên hằng năm chỉ có vài cháu được vào học tập ở các đại học danh tiếng nhất thế giới bằng học bổng toàn phần. 

Con tôi gặp nhiều may mắn - có thể một phần là do nghiệp lực từ tiền kiếp. Nhờ được trời phú cho một tố chất tốt, nhờ được lớn lên trong một môi trường hội đủ những yếu tố thuận lợi, cộng với sự nỗ lực bền bỉ của bản thân nên cháu đã có những bước khởi đầu tốt đẹp hơn bạn bè cùng trang lứa. Cũng vì lí do trên, tôi chưa bao giờ xem sự thành công trong học tập của con mình là một điều đáng để ngợi ca. Khi vào đời, nếu con tôi là người có một tấm lòng nhân hậu, một trái tim trong sạch và rộng mở, biết đem sự học của mình để giúp ích cho cộng đồng chứ không phải chỉ biết lo riêng cho lợi ích cá nhân hoặc gia đình của mình, thì lúc ấy tôi mới cảm thấy tự hào thật sự.

Hồ Phú Hùng  


TRƯỜNG ĐẠI HỌC TỔNG HỢP PRINCETON














Năm 1746, các tín đồ của Giáo hội trưởng lão Phúc Âm đã thành lập Trường Đại học tổng hợp Princeton, lúc đầu với tên gọi là Trường đại học New Jersey. Đây là trường đại học thứ tư được thiết lập tại các thuộc địa Bắc Mỹ, sau Harvard, William & Mary và trường Yale. Mục đích ban đầu của trường là đào tạo các mục sư. Trường được mở tại thành phố Elizabeth, New Jersey và hiệu trưởng đầu tiên là Đức cha Jonathan Dickinson. Năm 1756, trường chuyển về thị trấn Princeton. Trong cuộc cách mạng Mỹ, trường bị tàn phá nặng nề rồi được xây dựng lại. Trong suốt thế kỷ 19, trường liên tục được mở rộng và phát triển và năm 1896, Trường đại học New Jersey đổi tên thành Trường đại học tổng hợp Princeton.

Khuôn viên của trường tọa lạc trên khu đất rộng tới 500 hecta ở Princeton, New Jersey, một thị trấn có khoảng 30.000 dân cách thành phố New York một giờ ô tô về phía nam. 

Trong thời kỳ cuộc Cách mạng Mỹ, hiệu trưởng lúc đó là John Witherspoon, một nhà thần học gốc Scotland là người đã ký vào bản Tuyên ngôn Độc lập của Mỹ năm 1776, và 6 năm sau là đại biểu Quốc hội Mỹ. 

Princeton là một trong những trường nổi tiếng nhất của nước Mỹ, với chất lượng giáo dục tuyệt vời ở cả bậc đại học và trên đại học, gồm 35 khoa với chừng 1.300 khóa học ở mọi lĩnh vực: từ kiến trúc, kỹ sư công nghệ đến khoa học xã hội và quan hệ quốc tế.

Princeton có khoảng 700 giáo viên chính thức với tỉ lệ sinh viên trên giáo sư là 7:1. Ngoài ra, có khoảng 300 giáo viên trợ giảng hoặc không chính thức. Hiện nay có khoảng 4600 sinh viên đại học và khoảng 1750 sinh viên sau đại học từ khắp mọi miền của nước Mỹ và từ trên 60 quốc gia khác đang theo học tại Princeton. Số lượng sinh viên mới nhập học hàng năm là 1.160. Tỷ lệ sinh viên nam so với sinh viên nữ trong những năm hiện nay đã đạt mức cân bằng 51%:49%. Sinh viên quốc tế chiếm khoảng 9% tổng số sinh viên đại học. Trong những năm gần đây, việc được chấp nhận học tại Princeton là rất khó khăn cứ 10 sinh viên nộp đơn thì có 1 người được chấp nhận. Khoảng 92% sinh viên của trường nằm trong số 10% giỏi nhất trong trường phổ thông. 

Cho đến năm 2000, trong lịch sử nhà trường đã có tổng cộng 31 giải thưởng Nobel với 3 giải về hóa, 4 giải kinh tế, 3 giải văn học, 1 giải hòa bình, 2 giải y học nhưng thành công nhất là ngành vật lý với 18 giải. Hiện nay 5 giáo sư đoạt giải Nobel về vật lý và các ngành văn học, y khoa, mỗi ngành có 1 người đoạt giải Nobel vẫn đang giảng dạy tại Princeton. Nhiều chính trị gia kiệt xuất cũng đã từng học tại Princeton như Madison, tổng thống thứ tư “Cha đẻ bản Hiến pháp Mỹ”, Woodrow Wilson, tổng thống thứ 28, giải Nobel hòa bình năm 1919; Aaron Burr (con trai ông hiệu trưởng thứ hai), là phó tổng thống dưới thời Jefferson (1801-1805). Tổng thống thứ 35, John Kenedy cũng từng học tại Princeton năm 1935 nhưng bị ốm nên nghỉ học giữa chừng rồi sau đó chuyển sang học tại trường Harvard, và còn rất nhiều nghị sĩ quốc hội đã từng học tại Princeton.

MỘT SỐ ĐẶC TRƯNG CỦA PRINCETON 

 Hệ thống giáo dục nhóm: bắt đầu năm 1905 theo đề nghị của Woodrow Wilson, hiệu trưởng Princeton lúc đó, sinh viên được tổ chức thành những nhóm nhỏ và giáo viên hướng dẫn khuyến khích tranh luận, thảo luận nhóm về các bài học và bài giảng của tuần đó.

Nghiên cứu độc lập: bao gồm những bài luận văn hoặc công trình nghiên cứu độc lập dưới sự hướng dẫn của thành viên trong khoa bắt buộc đối với tất cả các sinh viên và đây được coi là tiêu chuẩn chất lượng giáo dục của trường. 

Bằng danh dự: kể từ năm 1893, mọi sinh viên đều có thể tham dự cuộc thi viết nhằm chọn ra 5-7 sinh viên xuất sắc và được trao bằng danh dự hàng năm. 

Princeton có 19 thư viện, lớn nhất là Firestone với 3,5 triệu đầu sách các loại. Firestone có 2.200 chỗ ngồi với 500 phòng làm việc cá nhân.

 Trong khuôn viên của trường có 5 rạp chiếu phim, 3 nhóm diễn kịch và 7 ban nhạc. Có trên 200 tổ chức, nhóm của sinh viên về đủ các lĩnh vực: văn hóa, ca nhạc, chính trị, tôn giáo, khoa học… Trường có một tờ báo riêng ra hằng ngày và một đài phát thanh riêng của trường. Hiệp hội Whig-Cliosophics Mỹ là tổ chức được thành lập sớm nhất ở Mỹ trong lĩnh vực chính trị, tranh luận xã hội và văn học do James Madison, khóa 1771 (sau này là tổng thống thứ tư của Mỹ và Aaron Burr, khóa 1772 (sau này là phó tổng thống cho Jefferson). Trường cũng rất mạnh về hoạt động thể dục thể thao với 387 môn và 35 câu lạc bộ thể thao của nam và nữ.

Trường cũng có hỗ trợ tài chính cho sinh viên, và khoảng 75% sinh viên được nhận hỗ trợ tài chính. Ngân sách của Princeton được đánh giá thuộc những ngân sách trường đại học tốt nhất ở Mỹ. Trong năm học 2001-2002, học phí trung bình của trường là 26.160 USD và chi phí cho ăn ở là khoảng 2.787 USD và tổng chi phí là chừng 36.350(*)cho một năm học. Tổng số tiền tài trợ cho sinh viên bậc đại học là 42.000.000 USD (khoảng 630 tỉ đồng Việt Nam). 

NGUYỄN CẢNH BÌNH (Tạp chí Tia Sáng - Số ra tháng 12/2001) 

(*) Ghi chú của Hồ Phú Hùng: Thông tin từ website của ĐH Princeton cho thấy tổng chi phí sẽ thay đổi theo từng năm học. 

https://admission.princeton.edu/cost-aid/fees-payment-options 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét