Thứ Tư, 29 tháng 11, 2023

LỐI VỀ ẤU THƠ - Nguyễn Thị Thanh Lam

                                        

      Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường 

      rụng nhiều và trên không có những đám mây 

      bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm 

      hoang mang của buổi tựu trường.

                      (Tôi Đi Học -Thanh Tịnh)

Sáng nay gió heo may làm lay động cây lá, tôi chợt nhận ra mùa thu lại về, mùa thu về mang theo bao hương sắc thuở còn thắt bím và cắp sách dưới mái trường tiểu học. Gần nửa thế kỉ trôi qua, cô bé ngày xưa, hôm nay đã vào độ tuổi mùa thu cuộc đời, nhưng những kỉ niệm ấu thời chưa bao giờ phai mờ trong tâm trí. Ngày đầu tiên tôi đi học không thơ mộng như Thanh Tịnh:“Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học.”. Ngày đầu tiên đi học, lòng tôi tràn đầy lo sợ và khuôn mặt thì đầm đìa nước mắt, vậy mà tôi đã yêu thương lớp học và ngôi trường đầu tiên của mình, ngôi trường Tiểu Học Cộng Đồng Tam Kỳ tự lúc nào không hay.

Trong trí nhớ mong manh của mình, thuở ấy tôi luôn mong ngóng đến giờ đi học để được vui sống trong vòng tay của bạn bè và cô giáo. Dù trời nắng chang chang hay mưa tầm tã, tôi cũng thường thả bộ đến trường trên con đường đất nhỏ, hai bên là lũy tre xanh; một tay cầm bình đông đựng nước uống, một tay xách chiếc cặp. Trong chiếc cặp nhỏ là vài cuốn vở, một bình mực tím, một cây viết chì, một cục tẩy và một cây viết lá tre. Thời ấy, học trò tiểu học không được viết bằng cây viết nguyên tử - bây giờ gọi là bút bi -  mà phải viết bằng cây viết lá tre để luyện nét chữ cho đẹp và cứng cáp. Cây viết lá tre có cái ngòi viết bằng thiếc, ngòi viết này có hình dạng như chiếc lá tre nhưng nhỏ hơn, nó được gắn vào đầu một cái cán viết bằng gỗ. Mỗi khi viết, học trò chấm cây viết vào bình mực bằng thủy tinh, mực đọng trên ngòi viết rất ít, vì thế khi viết bài hay làm bài thì phải chấm mực liên tục. Trong sự lặng yên của lớp học, tiếng va chạm lanh canh giữa ngòi viết và đáy bình mực thủy tinh nghe như những tiếng reo vui. Viết bằng cây viết lá tre quả là một sự bất tiện, bàn tay và quần áo thường bị lấm lem mực xanh, mực tím; chưa kể nhiều khi mực trong ngòi viết ra hơi nhiều hoặc do sơ ý làm mực đổ vào vở thì phải dùng viên phấn trắng hoặc giấy thấm để hút cho khô rồi mới viết tiếp. Những “dòng sữa ngọt” tuôn trào từ cây viết lá tre là dưỡng chất cho tâm hồn tôi và có lẽ của bao thế hệ ngày ấy. Bình mực tím và cây viết lá tre đơn sơ mộc mạc đã để lại trong tôi nhiều kỉ niệm êm đềm không thể nào quên.

Nhớ sân trường đầy cát với cột cờ nằm chơ vơ giữa sân. Nhớ cái cầu tuột và những hàng lon được đóng thẳng tắp, ngang bằng với mặt đất để học sinh nương theo đó mà xếp thành những hàng đều răm rắp trong giờ thể dục lúc ra chơi. Nhớ mãi những đêm Tết Trung Thu diệu kì huyền ảo mà lũ học trò chúng tôi luôn háo hức và mong chờ trước đó cả tháng trời. Trong dịp này, bạn nào cũng được cha mẹ hay anh chị làm cho một cái lồng đèn bằng giấy gương hoặc giấy dầu, khi lồng đèn làm xong thì đem phơi dưới nắng, càng phơi thì lồng đèn càng được căng bóng. Đến giờ nhà trường tổ chức thi lồng đèn đẹp, thôi thì đủ các loại lồng đèn đua nhau khoe sắc: từ những chiếc lồng đèn đơn giản như lồng đèn bánh ú, ông sao, trái bầu, trái bí, con gà, con bướm cho đến những chiếc lồng đèn cầu kỳ như lồng đèn cá chép, thiên nga, tàu thủy, tàu bay… Vài bạn được cha anh mình khéo tay làm cho những chiếc lồng đèn đẹp đẽ và rực rỡ thì lấy làm hãnh diện trước sự thèm thuồng của đám bạn học. Vào đêm trung thu, sau khi được thưởng thức những chiếc bánh kẹo ngon lành, cả một rừng lồng đèn được thắp nến lung linh, ánh sáng tỏa ngập cả sân trường. Đầu tiên, lũ học trò chúng tôi đi theo hàng một trong sân trường, rồi sau đó được cô giáo dẫn qua những con phố nhỏ, chúng tôi vừa đi vừa hát vang: “Tết trung thu em rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường. Lòng vui sướng với đèn trong tay, em múa ca trong ánh trăng rằm…” (Rước Đèn Tháng Tám) và “Bóng trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già ôm một mối mơ. Lặng yên ta nói Cuội nghe: Ở cung trăng mãi làm chi…” (Thằng Cuội). Những khúc nhạc đầy hân hoan kia đã âm thầm gieo vào lòng tôi những hạt mầm thiện mĩ. Đến tận bây giờ, tôi vẫn còn như nghe vang vọng đâu đây tiếng hát hân hoan của lũ học trò đang hòa quyện cùng dòng sông lấp lánh ánh sáng của những chiếc lồng đèn rực rỡ sắc màu trong đêm rằm tháng tám.

Con trẻ ngày đó không học nhiều như hôm nay, ngoài giờ học trên lớp và làm một ít bài tập ở nhà, thời gian còn lại là được vui chơi thỏa thích. Ban ngày tôi và những người bạn láng giềng thường bày ra đủ loại trò chơi như: bán mì Quảng, làm cô giáo, rải ô làng, nhảy dây, đánh thẻ…; những đêm trăng sáng vằng vặc, chúng tôi còn chơi trò u mọi, trốn tìm… trong những mảnh sân rộng rãi, cây cối um tùm mà giờ đây đã biến mất. Mặc dù ngày xưa nhà tôi nằm trong lòng thị xã nhưng cũng giống như ở trong thôn xóm, trước nhà là khoảnh vườn rộng rồi mới đến con đường đất nhỏ. Thuở mới tám, chín tuổi xóm tôi chưa có điện nên cứ khoảng năm giờ chiều là chị em tôi phải lo lau chùi bóng đèn và rót dầu hỏa thật đầy vào các cây đèn hột vịt để thắp sáng vào ban đêm. Khung cảnh về đêm thật yên tĩnh và thanh bình đến lạ; dưới ánh đèn tù mù, anh chị lớn của tôi cặm cụi ngồi học bài, còn tôi sau khi học xong bài vở thì lại chăm chú đọc các câu chuyện trong cuốn Tâm Hồn Cao Thượng hoặc những cuốn sách thiếu nhi khác. Tâm Hồn Cao Thượng đã nuôi dưỡng trái tim bé nhỏ của tôi trong những ngày thơ dại. Ngày ấy, tôi đã đọc đi đọc lại những câu chuyện đẹp trong đó, đến nỗi có vài chuyện tôi thuộc làu làu mà đến tận bây giờ tôi vẫn còn đọc và suông sẻ một vài đoạn. Phần cuối trong bài Học Đường đã làm tôi nhớ mãi, nó như một lời nhắc nhở, động viên và đã cho tôi thêm sức mạnh trong những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường: “Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát”. Tâm Hồn Cao Thượng đã để lại ấn tượng cao đẹp trong tôi về tình yêu cha mẹ, tình yêu quê hương, tình yêu học đường, tình thầy trò, tình bạn bè, sự tử tế, lòng nhân ái… và nó đã theo tôi suốt cả thời niên thiếu.

Lối về ấu thơ là nẻo đường đưa ta về miền bình yên và tĩnh lặng. Những mùa thu cũ mãi mãi ra đi không bao giờ trở lại; mảnh vườn thân yêu, mái ngói rêu phong, con đường đất nhỏ, lũy tre xanh, hàng dừa cao cao… giờ đây mất dấu. Hình bóng của ngôi trường đầu tiên trong đời cũng trở thành mộng tưởng. Tất cả đã chìm vào sương khói mênh mông. Trong những giấc mơ, tôi chưa từng thấy mình chạy xe giữa phố thị đông vui mà thường thấy mình rảo bước trên lối xưa quạnh vắng. Nhiều đêm chợt thức giấc, tôi bỗng thương nhớ một vùng trời êm ả, để rồi mãi tiếc nuối khung cảnh tươi đẹp của những tháng ngày thơ mộng.  

Nguyễn Thị Thanh Lam

Tam Kỳ, Tháng 08/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét