Thứ Ba, 2 tháng 4, 2013

TỪ TRƯỜNG CHUYÊN NGUYỄN BỈNH KHIÊM QUẢNG NAM ĐẾN LESTER B. PEARSON COLLEGE – CANADA



Có những giây phút cuộc đời mình bỗng lóe lên một niềm hi vọng lớn lao và một nỗi khát khao tựu thành những điều mình từng cưu mang trong tâm tưởng. Tôi đã trải qua những giây phút như thế!

Từ giữa năm 2001, mỗi sáng tôi thường mở máy vi tính và vào mạng internet để đọc báo. Như thường lệ, sáng ngày 17/02/2005, tôi vào trang web của báo điện tử Vietnamnet, việc đầu tiên tôi tìm kiếm thông tin ở mục mà mình có nhiều sự quan tâm là giáo dục. Hôm đó, tiêu đề Học bổng quốc tế 40.000 USD cho học sinh lớp 11 đã làm tôi vô cùng ngạc nhiên và thích thú. Nội dung bài viết hiện rõ như sau:

Năm nay là năm thứ tư Chương trình học bổng các trường Thế giới Liên kết hoạt động trở lại tại Việt Nam. Đây là chương trình học bổng toàn phần hai năm trị giá hơn 40.000 USD để lấy bằng Tú tài Quốc tế tại một số trường trong tổng số 10 trường Thế giới Liên kết trên khắp thế giới.

Trong ba năm qua, tổng cộng đã có năm nữ sinh và một nam sinh từ cả ba miền Bắc - Trung - Nam đã được gửi sang học tập tại Trường Lester Pearson ở Canada, Trường Adriatic ở Italia, Trường Mahindra ở Ấn Độ.

Năm nay, Trường Pearson ở Canada, Trường Li Po Chun ở Hồng Kông, Trường Adriatic ở Italia và Trường Mahindra ở Ấn Độ dành BỐN suất học bổng toàn phần cho các học sinh lớp 11 có kết quả học tập suất sắc và có niềm yêu thích đặc biệt và cam kết vào các công việc của cộng đồng.

Một y ban Quốc gia điều hành chương trình này đã được thành lập vào năm ngoái dưới sự điều phối của ông David Baird, Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc tại Hà Nội. Năm nay ủy ban sẽ phối hợp chặt chẽ với Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc tại Hà Nội. Ủy ban này sẽ chịu trách nhiệm truyển chọn thí sinh và gây quỹ để trang trải các chi phí có liên quan đến chương trình này hoặc để tạo ra nhiều học bổng hơn cho các sinh viên Việt Nam.

Hạn chót để nộp hồ sơ là ngày 18-3-2005. Ban tuyển chọn Học bổng các Trường Thế giới Liên kết, địa chỉ liên hệ: Trường Quốc tế Liên Hợp Quốc Hà Nội GPO Box 313, Hà Nội, Việt Nam.

Để biết thêm thông tin và nhận bản đăng ký tham gia chương trình học bổng, xin liên hệ qua email với ông David Baird theo địa chỉ email: dbaird@unishanoi.org  hoặc cô Vũ Thị Hải Anh, Đại sứ quán Canada tại Hà Nội, theo địa chỉ email: haianh.vuthi@international.gc.ca.

Tôi tiếp tục đọc đi đọc lại bài báo trên nhiều lần và nhận ra rằng đây là một chuyện ngẫu nhiên nhưng hình như có một sự trùng hợp lạ lùng. Trong giai đoạn này, ngày đêm tôi luôn nghĩ đến việc kiếm học bổng cho con du học. Như linh cảm được thời tiết nhân duyên đã đến và cánh cửa du học đã mở ra đối với con trai mình, tâm trí tôi vang vọng lời dạy bảo của Chúa Jesus:  “Hãy xin sẽ được, hãy tìm sẽ gặp, hãy gõ cửa sẽ mở.”.

Tháng 09/1999, bước vào năm học lớp 6, con tôi bắt đầu tham dự một một khóa học cơ bản về vi tính tại nhà trường. Qua năm học lớp 7, cháu xin tôi được tham dự một khoá học về ngôn ngữ lập trình Pascal trên máy vi tính. Thực tình, lúc đó vì lo rằng con tôi sẽ chểnh mảng các môn học khác - nhất là tiếng Anh, nên tôi không muốn cho cháu tốn thời gian vào lớp tin học nâng cao này. Thời ấy, phong trào học tiếng Anh để du học chưa rầm rộ như bây giờ, nhưng biết đây chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa du học, nên tôi đã có sự quan tâm đặc biệt. Tôi chưa bao giờ ép buộc con tôi phải học tập nhiều, nhưng đối với môn tiếng Anh là một ngoại lệ.

Vì quá say mê với môn học mới lạ và đầy hấp dẫn, con tôi đã năn nỉ tôi nhiều lần để được tiếp tục với tin học và hứa rằng sẽ không vì chuyện này mà lơ là việc học. Cuối cùng, tôi đành phải để cháu được toại nguyện, lúc ấy cháu vô cùng vui mừng và sung sướng. Được một thầy giáo dạy tin học của nhà trường - cũng là người bạn thời trung học của tôi - phát hiện năng khiếu, nhờ thầy đã khuyến khích và hướng dẫn tận tình nên con tôi ngày càng tiến bộ. Người bạn này luôn động viên tôi mua máy vi tính để con tôi có nhiều cơ hội thực hành tại nhà hơn. Vào thời điểm bấy giờ, máy vi tính để bàn còn rất đắt, nó là một vật quý giá đối với học sinh đang học ở bậc trung học cơ sở.

Sau khi đã suy nghĩ, vào tháng 10/2000, tôi đã mua cho con tôi một bộ máy vi tính với trị giá gần hai lượng vàng. Khi bắt đầu có máy tính, thay vì giải trí với những trò chơi khác trên máy, hằng ngày con tôi đã giải trí với môn lập trình Pascal. Nhờ ở vào một hoàn cảnh thuận lợi như vậy nên khả năng giải toán trên máy tính của con tôi đã tiến bộ rõ rệt. Với một niềm đam mê lạ lùng, trong một thời gian rất ngắn con tôi trở thành “tín đồ” của máy tính. Trong quãng thời gian đó, tôi và cháu thường xuyên đến các tiệm sách để tìm kiếm những cuốn sách quý hiếm và đắt tiền. Với một khả năng năng tự học hiếm có, con tôi đã tự tìm hiểu kiến thức về tin học trong những cuốn sách dày cộp, những cuốn sách này thường chỉ dành riêng cho sinh viên và thầy giáo dạy môn này ở bậc trung học. Những thuật ngữ lạ lẫm, những thuật toán hấp dẫn trong tin học được con tôi tiêu hóa và đem ra thực hành một cách hứng thú.

Ngoài ngôn ngữ Pascal, con tôi cũng làm quen với vài ngôn ngữ lập trình khác để tập tò viết phần mềm ứng dụng. Vào tháng 05/2001, tình cờ được biết báo Lao Động kết hợp với công ty FPT và Đài Truyền Hình VTV3 phát động cuộc thi “Trí Tuệ Việt Nam 2001”, vì muốn thử sức nên con tôi đã tham gia chương trình này. Trong gần ba tháng hè, con tôi đã viết thành công phần mềm “Từ Điển Danh Nhân Văn Học Việt Nam” và gửi dự thi. Trong độ tuổi mà sự hiểu biết trong lĩnh vực văn học còn hạn hẹp, con tôi chỉ hoàn thiện phần kĩ thuật, phần nội dung thì tôi phải tham gia để giúp cháu.

Vì còn nhỏ và là một người viết phần mềm nghiệp dư nên so với những phần mềm chuyên nghiệp khác thì phần mềm của con tôi không có điểm mạnh nào để địch nổi. Nhưng con tôi là một thí sinh nhỏ tuổi nhất trong cuộc thi nên con tôi đã thu hút sự quan tâm của báo chí. Thực ra, đây là chuyện bình thường, bởi báo chí luôn khai thác những đề tài gây sự chú ý với độc giả. Thông thường, những câu chuyện như thế này hay được báo chí đưa tin chính xác và vô tư nhưng nhiều khi cũng cường điệu vấn đề lên một chút. Bởi vậy, những ai làm cha làm mẹ phải hết sức cẩn trọng với những bài viết như thế. Những bài báo này là con dao hai lưỡi, nếu những bậc cha mẹ không biết cách sử dụng thì nó sẽ gây ra “nguy hại” cho con em mình về sau. Nhiều khi con em mình chỉ có chút năng khiếu về một mặt nào đó nhưng nhiều phụ huynh mang ảo tưởng rằng con em mình là bậc thần đồng xuất chúng. Cũng vì lí do này, có thể nhiều phụ huynh cứ chạy theo những danh tiếng hão huyền mà quên đi điều gì là cơ bản và quan trọng cho cuộc sống sau này của đứa bé. Vô tình, nhiều người đã làm hư con em của họ vì đã để cho đứa trẻ thỏa mãn với những gì nó đang có.

Kì nghỉ hè gần xong, theo sự định hướng của gia đình, con tôi cũng chấm dứt luôn việc chơi với phần mềm, mà chỉ dành thời gian cho việc học tập. Tuy thuộc loại thông minh nhưng vì còn nhỏ nên con tôi chưa siêng năng lắm trong việc học tập, bởi vậy nhiều lúc cháu chưa đạt được những kết quả như mong đợi. Quan điểm của vợ chồng tôi là không gây áp lực về điểm số và thành tích trong các kì thi học sinh giỏi nên không ép buộc con cái phải học hành quá sức. Nếu bắt học quá sức, đứa trẻ sẽ hao mòn tinh thần, sức lực và mất đi tuổi thơ ngây, đến khi lên học ở những lớp trên thì nhiều khi nó có thể chán nản và không còn hứng thú gì đến việc học tập.

Có vài em học sinh cùng lứa với con tôi, khi học tiểu học hoặc những năm đầu của bậc trung học cơ sở thì giỏi hơn con tôi, nhưng càng về sau thì càng đuối sức. Lúc con tôi bắt đầu đã say mê với toán học, cháu đã tâm sự với tôi rằng: “Nếu lúc trước mà ba bắt buộc con giải toán nhiều quá, giống như thằng bạn của con từng bị ba nó làm như vậy, thì ngày bây giờ con không thể có niềm đam mê với môn toán.”. Trong kì về nhà nghỉ hè năm 2011, để chuẩn bị sang Đại học Chicago làm nghiên cứu sinh tiến sĩ toán học, con tôi lại tâm sự với tôi rằng: “Nhờ say mê lập trình Pascal mà con đã phát triển được tư duy logic của toán học và say mê học toán từ dạo ấy.”. Đây là chút kinh nghiệm về việc dạy con mà tôi có thể chia sẻ cho các bậc phụ huynh đang có con em theo học ở bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở.

Tôi nghĩ rằng, kì thi “Trí tuệ Việt Nam 2001” cũng lợi ích là đã khích lệ được tinh thần của con tôi. Qua những bài viết của các tờ báo Tuổi Trẻ, Lao Động, Khoa học và Đời sống… dành cho cháu, tôi đã khai thác được khía cạnh tích cực của nó. Dựa vào đó, tôi bảo với con tôi rằng, nếu năm học lớp 8 này mà con không chịu nỗ lực thì tự mình sẽ cảm thấy xấu hổ vì đã làm phụ lòng mong đợi của nhiều người. May mắn thay, con tôi là một đứa trẻ biết tự trọng, bởi vậy khi bước vào năm học mới, cháu đã nỗ lực hết mình. Tuy năm học này, con tôi đang học lớp 8 nhưng cháu đã được thầy cô cho tham dự kì thi Học sinh Giỏi Tin học cấp Tỉnh dành cho học sinh lớp 9. Kết quả là cháu đạt được Giải Nhất.

Bước sang năm học lớp 9, con tôi bắt đầu có niềm đam mê với toán học, một môn học mà trước đây cháu chưa say mê cho lắm. Năm học này con tôi đã có một sự chuyển biến rõ rệt, cháu đã nỗ lực vượt bực và lúc nào cũng cảm thấy không đủ thời gian dành cho chuyện học. Lúc ấy, việc giải được những bài toán khó đối với cháu là niềm sung sướng và hạnh phúc. Nhờ vào ý thức học tập không ngừng, con tôi đã có được kết quả học tập xuất sắc và đạt được nhiều thành tích cao đã trong các kì thi Tin học, Toán học và Vật lí. Kết thúc năm học lớp 9, con tôi được nhà trường bình chọn là học sinh xuất sắc toàn trường và được nhận Giải thưởng Danh dự toàn trường.

Từ khi phát hiện năng khiếu về ngoại ngữ và tin học của con, tôi bắt đầu nuôi ước mơ sẽ kiếm cách đưa con đến những chân trời xa xôi, rộng mở hơn. Vì thế, tôi đã bỏ nhiều thời gian và công sức để tìm hiểu nhiều về giáo dục và thông tin du học qua sách báo. Tôi luôn luôn gieo cho con tôi ý nghĩ là cháu sẽ kiếm được học bổng để du học trong một tương lai không xa. Tôi thường đem chuyện này ra bàn bạc trong những bữa cơm, tuy vợ tôi cũng đặt rất nhiều niềm tin ở con mình nhưng đôi lúc lại bảo rằng điều ấy quá cao xa và thiếu thực tế. Tôi không tranh luận nhưng vẫn âm thầm lên kế hoạch và luôn luôn tìm kiếm. 

Qua nhiều nguồn thông tin, tôi được biết mỗi năm chính phủ Singapore dành khoảng 20 suất học bổng ASEAN cho học sinh đang học lớp 9 hoặc lớp 10 của Việt Nam. Đây là loại học bổng toàn phần, kéo dài bốn năm trung học. Sau bốn năm học tại một trường trung học hàng đầu của Singapore, học sinh sẽ lấy bằng Tú tài Anh (A-Level). Khi có được bằng cấp này, học sinh có thể nộp đơn xin học tiếp đại học ở Mỹ, Anh hoặc Singapore. Tuy học bổng này không ràng buộc người nhận như học bổng ASEAN dành cho bậc đại học, nhưng nó cũng nằm trong kế hoạch thu hút nhân tài về cho Singapore. Một thời gian sau, qua một bài viết của giáo sư Võ Tòng Xuân, tôi lại biết rõ hơn về kết quả học tập của các học sinh Việt Nam đã du học bằng học bổng ASEAN. Giáo sư cho biết nhiều em trong lứa học sinh đầu tiên qua Singapore, sau khi học xong chương trình A-Level, đã được các đại học danh tiếng nhất của Hoa Kỳ cấp học bổng để học tiếp và đã có những thành quả tốt đẹp.

Để tham gia kì thi học bổng ASEAN, trước tiên thí sinh phải có được bộ đơn của Bộ Giáo dục. Hằng năm, Sở Giáo dục ở các tỉnh nhận được hai bộ đơn từ Bộ Giáo dục và chọn ra hai học sinh để dự thi. Học sinh đã được nhận đơn hoàn thành bộ đơn để nộp về Bộ Giáo dục sau đó được gọi đi Hà Nội hoặc Sài Gòn để dự thi. Tôi đã tìm hiểu về học bổng ASEAN khi con tôi đang học lớp 7, nhưng khi hỏi những người có trách nhiệm thì tôi chỉ nhận được câu trả lời là không biết. Vì lí do trên, tôi không còn hi vọng gì trong việc tìm kiếm học bổng ở bậc trung học cho con tôi. Về sau tôi mới hiểu rằng, dù cho con tôi là một học sinh giỏi, đạt được nhiều thành tích cao trong các kì thi học sinh giỏi cấp Tỉnh và từng được nhận Giải thưởng Danh dự tại một trường trung học cơ sở đứng đầu tỉnh nhà, nhưng sẽ không bao giờ nhận được bộ đơn quý giá này.

Lúc con tôi tham gia cuộc thi Trí Tuệ Việt Nam 2001, để tiện liên lạc với ban tổ chức cuộc thi, máy tính nhà tôi được nối mạng internet. Có thể nói rằng, gia đình tôi là một trong những gia đình đầu tiên ở cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé này dùng internet. Thời đó, bưu điện chưa cung cấp dịch vụ đường truyền băng thông rộng và tốc độ truy cập internet nhanh ADSL như bây giờ nên tôi phải dùng loại internet quay số VNN1260. Loại internet này rất chậm và hay trục trặc nên mỗi lần vào được website thì tốn nhiều thời gian, do vậy tôi rất nóng ruột khi vào mạng để tìm kiếm thông tin. Mỗi lần thanh toán hóa đơn điện thoại tôi thấy thật tiếc tiền, bởi tôi phải trả khá nhiều tiền cho dịch vụ này - khoảng nửa chỉ vàng mỗi tháng. Cước phí được tính từng phút nên ngày ấy internet là thứ vô cùng xa xỉ. Tuy tiết kiệm mọi thứ, nhưng đối với những nhu cầu cần thiết như sách vở và internet thì tôi lại tỏ ra hào phóng. Bây giờ nghĩ lại, nếu lúc ấy tôi coi trọng đồng tiền, không chịu mua máy vi tính cho con và không nối mạng internet thì có thể tư duy toán học của cháu chưa phát triển kịp thời, và tôi cũng bỏ mất cơ hội tìm được học bổng cho con.

Trở lại với chuyện phát hiện thông tin về học bổng như đã nói ở đầu bài viết. Thời gian từ khi biết được thông tin học bổng Tú tài Quốc tế đến khi kết thúc thời hạn nộp đơn chỉ trong vòng một tháng, vì thế tôi phải nhanh chóng liên lạc với ban tuyển chọn học bổng để biết thêm thông tin và xin bộ đơn qua mạng. Sau khi nhận được bộ đơn, tôi và cháu đã gấp rút hoàn thành các yêu cầu của bộ đơn. Giai đoạn này con tôi đang học lớp 11 chuyên Toán tại trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam. Một số yêu cầu của ban tuyển chọn được ghi rõ trong bộ đơn đã được các thầy cô giáo trong nhà trường tận tình giúp đỡ. Ngày 03/03/2005 bộ hồ sơ được hoàn thành, tôi gửi ngay ra Hà Nội bằng dịch vụ chuyển phát nhanh. Đến ngày 11/03/2005, tôi nhận được phản hồi của bưu điện là hồ sơ đã được giao cho người nhận. Thế là gia đình tôi yên tâm và chờ đợi!

Khi điền đơn xin xét tuyển, con tôi đã chọn nguyện vọng học các trường theo thứ tự như  sau: 1. Canada, 2. Italia, 3. Hồng Kông, 4. Ấn Độ. Với những thành tích cao trong học tập, với khả năng nghe nói tiếng Anh khá trôi chảy và cộng thêm khá nhiều hoạt động ngoại khóa, tôi hi vọng con tôi có thể kiếm được học bổng này. Tuy vậy, tôi không dám mơ ước cháu sẽ được ban tuyển chọn tiến cử đến Trường Lester B. Pearson, Canada để học tập. Em nào nộp đơn cũng chọn trường này làm nguyện vọng số một, vì thế sẽ có sự cạnh tranh ác liệt. Con tôi là một học sinh trường chuyên ở một tỉnh lẻ, cháu chỉ tự học nghe nói tiếng Anh trên máy vi tính nên có thể bị hạn chế. Về mặt này, tôi lo rằng con tôi không thể bằng các học sinh tại các trường chuyên nổi tiếng tại Sài Gòn và Hà Nội, bởi vậy tôi chỉ dám mơ ước con tôi sẽ được đến Hồng Kông hoặc Ấn Độ mà thôi. Tuy các Trường Thế giới Liên kết (United World Colleges - UWC) đều có chất lượng đào tạo ngang nhau nhưng hầu hết học sinh đều muốn đến một nước tiên tiến để học tập.

Trong khi chờ đợi, con tôi đã lần lượt tham gia kì thi Học sinh Giỏi môn Toán cấp Quốc gia dành cho học sinh lớp 12 và kì thi Olympic 30/4 dành cho học sinh đang học lớp 11. Trong lúc đang chuẩn bị thi Olympic 30/4 tại thành phố Hồ Chí Minh, con tôi được nhà trường báo cho biết là cháu đã đạt được Giải Nhì Toán Quốc gia trong kì thi trước đó. Hai ngày sau, con tôi tiếp tục đạt Huy chương Vàng Toán học Trong kì thi Olympic 30/4 này. Trong những năm đó, những học sinh đạt từ Giải Ba cấp Quốc gia trở lên sẽ được tuyển thẳng vào đại học mà không cần qua kì thi tuyển sinh đại học. Khi biết tin con tôi được Giải Nhì Toán Quốc gia, vợ chồng tôi vô cùng vui sướng, bởi vì con tôi sẽ không bị áp lực của kì thi đại học mà sẽ dành toàn công sức cho việc học tiếng Anh để dự thi vào Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và Đại học Công nghệ Nangyang (NTU) của Singapore trong năm học lớp 12 sắp đến.

Với những những kết quả xuất sắc như trên, tôi đã nhanh chóng bổ sung thông tin quý giá của cháu với ban tuyển chọn. Niềm hi vọng từng được lóe sáng, bấy giờ lại ngùn ngụt cháy trong tôi. Đúng theo dự đoán của gia đình, chiều ngày 27/04/2005, ban tuyển chọn thông báo qua điện thoại cho con tôi sau khi xét duyệt tất cả hồ sơ đã nộp, cháu nằm trong số mười một em được vào vòng phỏng vấn. Ban tuyển chọn còn cho con tôi biết là họ đã gửi thông tin về ngày giờ và địa điểm phỏng vấn vào địa chỉ email của cháu.

Sau khi biết được thông tin, tôi liền mua vé máy bay khứ hồi Đà Nẵng - Hà Nội cho hai cha con. Trưa ngày 05/05/2005, cha con tôi đi Đà Nẵng đáp máy bay ra Hà Nội. Để thuận tiện cho cuộc phỏng vấn vào sáng ngày 07/05/2005, vừa đến nơi, tôi liền tìm một khách sạn gần địa điểm phỏng vấn và thuê ngay phòng ở. Nhằm tránh những trở ngại không lường trước do việc đi lại và ăn uống gây ra, từ lúc đến nơi cho tới khi đi phỏng vấn, con tôi không ra khỏi phòng. Vì quá cẩn thận, trong khoảng thời gian ấy, hai cha con tôi chỉ ăn bánh mặn với phô mai và uống sữa tươi đã đem theo. Tôi chỉ đi ra ngoài hai lần, một lần đi bộ đến nơi phỏng vấn để biết trước đường đi nước bước, một lần đi bằng xe ôm xuống phố chính để mua sách luyện thi đại học bằng tiếng Anh. Mục đích của việc mua sách nhằm dự phòng, nếu cháu không kiếm được học bổng trong lần này thì sang năm cháu sẽ thi vào vào NUS NTU của Singapore.

Sáng ngày 07/05/2005, tôi và cháu đi bộ đến địa điểm phỏng vấn. Trong khi ngồi chờ ban tuyển chọn gọi cháu vào phỏng vấn, tôi có trao đổi sơ qua với các phụ huynh và học sinh khác. Qua trò chuyện, tôi thấy con tôi đạt được nhiều thành tích học tập hơn các em khác nên lại càng hi vọngtin tưởng hơn. Đến lượt con tôi vào phỏng vấn, tôi ngồi ở bên ngoài và rất hồi hộp. Khoảng vài mươi phút sau, tôi nghe tiếng cười ồ lên của hội đồng phỏng vấn. Sau khi trải qua cuộc phỏng vấn bằng tiếng Anh kéo dài khoảng 45 phút, con tôi trở ra với vẻ mặt tươi cười rạng rỡ. Lúc ấy, tôi nghĩ rằng có lẽ học bổng đang ở trong tầm tay của cháu.

Sau này, tôi hỏi con tôi vì sao có những tiếng cười lớn trong lúc đang phỏng vấn. Con tôi bảo rằng, ban tuyển chọn đã hỏi con tôi có đi chơi đâu ở thủ đô Hà Nội không. Cháu thực thà trả lời, vì lo lắng cho cuộc phỏng vấn sắp đến nên chẳng dám đi chơi đâu cả. Khi trả lời xong, cả sáu người trong hội đồng đều cười lên thành tiếng. Trước khi cuộc phỏng vấn kết thúc, hội đồng cho thí sinh đặt một câu hỏi. Con tôi đã hỏi hội đồng phỏng vấn là bao giờ sẽ có kết quả. Ban tuyển chọn bảo là vào thứ hai tuần đến (ngày 09/05/2005) sẽ có kết quả chính thức. Chiều hôm đó, cha con tôi bay về lại Đà Nẵng để cháu còn tiếp tục đến trường. Địa điểm phỏng vấn nằm ở vùng ven thành phố nên tuy mang tiếng là đi Hà Nội nhưng con tôi chẳng biết gì về Hà Nội cả. 

Với hi vọng tràn đầy, gia đình tôi chờ đợi kết quả học bổng. Trưa hôm sau (ngày chủ nhật - 08/05/2005), tiếng chuông điện thoại bàn reo lên, tôi cầm ngay điện thoại. Một giọng nữ người Hà Nội bảo với tôi là cho cô gặp em Hồ Phú Quốc. Tôi đoán chắc phía bên kia đường dây là người của ban tuyển chọn và linh tính báo cho biết, đây là một điềm lành. Lúc ấy con tôi đang ngủ trưa, tôi vào nhà trong gọi ngay cháu dậy, cháu liền chạy nhanh ra để nghe điện thoại. Con tôi được cô ấy cho biết cô là người trong ban tuyển chọn và có trách nhiệm thông báo cho con tôi biết là cháu đã được tuyển chọn đi học tại Canada. Cô còn hỏi thêm rằng, khi nhận được thông tin này cháu có ngạc nhiên không. Con tôi trả lời rằng cháu rất ngạc nhiên, vì cứ nghĩ là ngày mai mới có kết quả và không dám mơ ước là mình sẽ được chọn đi Canada. Cô ấy nói tiếp, cháu rất xứng đáng để nhận được học bổng này. Sau cuộc điện thoại lịch sử này, niềm vui của gia đình tôi như được vỡ òa.

Ngày hôm sau, con tôi nhận được một email từ ông David Baird - Chủ tịch Ủy ban UWC Việt Nam. Email được viết bằng tiếng Anh, nội dung như sau:

Ngày 09/05/2005

David Baird
Chủ tịch Ủy ban UWC Việt Nam

Quốc thân mến,

Chúng tôi muốn giới thiệu bạn một học bổng để đến học tại trường Lester B. Pearson UWC trong năm học 2005/2006 cũng như năm học 2006/2007. Bạn đã gây ấn tượng với tất cả chúng tôi trong cuộc phỏng vấn vừa qua và chúng tôi đã nhất trí trong việc giới thiệu bạn cho học bổng Pearson. Học bổng này có giá trị trên 50.000 USD và sẽ là một kinh nghiệm tuyệt vời đối với bạn.

Nếu bạn chấp nhận học bổng này, tôi yêu cầu bạn liên hệ với tôi qua email càng nhanh càng tốt để chúng tôi có thể bắt đầu tiến hành xin thị thực nhập cảnh và giới thiệu bạn cho trường. Chính trường sẽ là nơi quyết định nhận vào một cách chính thức.

Một lần nữa, chúng tôi xin chúc mừng trên thành tích học tập xuất sắc và cho cơ hội lí thú đang nằm ở phía trước của bạn. Bạn sẽ thích thú Pearson rất nhiều.

Trân trọng,

David Baird
Hiệu trưởng Trường Quốc Tế Liên Hiệp Quốc
Hà Nội, Việt Nam

Khoảng vài ngày sau, con tôi nhận một phong bì lớn từ cô Vũ Thị Hải Anh - nhân viên của Đại Sứ Quán Canada tại Hà Nội. Phong bì gồm có thư của cô Vũ Thị Hải Anh, đơn xin visa (thị thực nhập cảnh) vào Canada và giấy tờ hướng dẫn xin visa. Lá thư cũng được viết bằng tiếng Anh, tôi trích ra dưới đây một đoạn.

Ngày 10/05/2005

Quốc thân mến,

Chúc mừng thành tích học tập vượt trội của bạn trong năm học vừa qua, đặc biệt là trong sự cạnh tranh cho một học bổng toàn phần tại Trường Pearson ở Canada. Đây là thời điểm để bạn xin thị thực nhập cảnh vào Canada, mặc dù trên thực tế tiến trình nộp đơn chỉ diễn ra khi bạn nhận được quyết định chính thức từ nhà trường. Như đã hứa, tôi gửi ngay đến bạn mẫu đơn xin thị thực nhập cảnh và những hướng dẫn. Xin vui lòng đọc tất cả các tài liệu một cách cẩn thận và làm theo những lời chỉ dẫn. Việc tiến hành thị thực nhập cảnh có thể kéo dài và đôi khi vất vả. Nếu bạn cần bất cứ sự giúp đỡ nào, cứ tự nhiên liên lạc với tôi.
……

Trân trọng,
Vũ Thị Hải Anh

Cô Vũ Thị Hải Anh là một người rất cởi mở và nhiệt tình. Bất cứ khi nào con tôi có điều thắc mắc và cần tìm hiểu thì cũng được cô giải thích một cách tận tình cặn kẽ. Nếu không có sự giúp đỡ của cô Vũ Thị Hải Anh, trong buổi đầu ấy chúng tôi sẽ rất lúng túng trong việc làm đơn và nộp đơn xin visa.

Khoảng một tuần sau, kể từ khi nhận được thư của cô Vũ Thị Hải Anh, Trường Lester B. Pearson gửi một phòng bì lớn theo dạng chuyển phát nhanh đến nhà tôi. Phong bì bao gồm thư mời nhập học, một số giấy tờ liên quan đến việc xin visa và cuốn sách mỏng giới thiệu về nhà trường. Gia đình chúng tôi bắt đầu tiến hành làm đơn và nộp đơn xin visa tại Lãnh sự quán Canada ở thành phố Hồ Chí Minh. Tiếp theo sau đó, con tôi đi khám sức khỏe theo sự yêu cầu và chỉ định của chính phủ Canada. Sau khi hoàn thành các thủ tục, chỉ một thời gian ngắn con tôi nhận được visa từ Lãnh sự quán Canada.

Thế là mọi việc đã diễn ra một cách mau chóng và thuận lợi. Sau bao ngày lo lắng cho những sự trở ngại có thể xảy ra, tôi thở phào nhẹ nhõm và hoàn toàn yên tâm cho chuyến xuất ngoại của cháu sắp đến. Tôi đặt vé máy bay khứ hồi Canada cho con tôi, và vợ chồng tôi chuẩn bị hành trang cho cháu lên đường. Ba tháng hè trôi qua thật nhanh, ngày 29/08/2005 tôi đưa con tôi vào Sài Gòn, ngày 02/09/2005 tôi tiễn cháu lên sân bay Tân Sơn Nhất để bay sang Canada. Con tôi xa quê hương, người thân bạn bè khi mới chỉ mười bảy tuổi. Ở lứa tuổi ăn chưa no lo chưa tới, con chim non đã bắt đầu rời xa tổ ấm để bay đến một vùng trời xa lạ. Với tôi, giao phó đứa con trai độc nhất và chưa trưởng thành của mình cho người khác dạy dỗ là cả một vấn đề lớn.  

Nhờ đã tìm hiểu thấu đáo về sứ mệnh giáo dục và môi trường sinh sống dành cho học sinh của hệ thống các Trường Thế giới Liên kết - nhất là của Trường Lester B. Pearson, Canada nên tôi hoàn toàn yên tâm và tin tưởng. Mục đích giáo dục của hệ thống UWC là đem những người trẻ tuổi trên khắp thế giới vào trong một cộng đồng, để họ cùng chung sống và học tập, cùng giao lưu văn hóa nhằm tạo ra sự hiểu biết và thúc đẩy hòa bình trên thế giới trong tương lai. Về mặt kiến thức, Tú tài Quốc tế (International Baccalaureate - IB) là một chương trình chuyên sâu và toàn diện của bậc trung học phổ thông. Ngoài ra, IB là chương trình tú tài được đánh giá cao nhất trên thế giới. Khi tuyển sinh, các đại học hàng đầu của Bắc Mỹ và Châu Âu thường ưu tiên cho những thí sinh đã theo học chương trình này. Hệ thống giáo dục của UWC chính là môi trường giáo dục lí tưởng mà tôi hằng mong ước từ lâu.

Dù xa quê hương, người thân, bạn bè và môi trường quen thuộc nhưng con tôi vẫn không có gì lo lắng và ưu tư. Lúc rời gia đình để vào Sài Gòn hoặc khi chuẩn bị vào phòng cách ly ở sân bay, cháu vẫn không tỏ ra bịn rịn gì cả. Mặc dù hơi buồn vì phải xa đứa con trai thân yêu, nhưng tôi cảm thấy rất vui vì nhận ra con mình đã trưởng thành, độc lập và mạnh mẽ. Đối với con tôi, giấc mơ được đến những chân trời xa lạ để tiếp thu những tinh hoa của xứ người dần dần trở thành hiện thực.

Cơ hội tốt đẹp nhiều khi chỉ đến với trong đời người một vài lần, nếu ta không kịp nắm bắt thì sẽ vô cùng uổng phí. Cơ hội đã đến với con tôi một cách bất ngờ và đột ngột, nhưng nếu gia đình tôi không có sự chuẩn bị cho cháu từ nhiều năm trước thì cơ hội có một không hai này đã vụt khỏi tầm tay. Do trước đây học bổng của UWC chưa được phổ biến rộng rãi trên mạng internet nên tôi chỉ nghĩ đến việc làm thế nào để cháu kiếm được học bổng đại học tại Singapore, và không bao giờ mơ ước con mình sẽ được học đại học ở Hoa Kỳ. Không ngờ, chuyện du học của con tôi đã đến sớm hơn dự tính.

Ủy ban UWC Việt Nam và Trường Lester B. Pearson đã chắp thêm đôi cánh ước mơ để sau đó con tôi có thể bước vào một trong những đại học danh tiếng nhất của thế giới là đại học Princeton của Hoa Kỳ. Ủy ban UWC được thành lập vì mục đích phi lợi nhuận nhằm giúp đỡ cho con em nước Việt có cơ hội tiếp xúc, giao lưu với bạn bè năm châu và được thụ hưởng một nền giáo dục toàn diện nhất. Rời xa Trường Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, Quảng Nam để đến học tập tại Trường Lester B. Pearson, Canada là một bước ngoặt vô cùng quan trọng, bước ngoặt này đã làm thay đổi toàn bộ cuộc đời con tôi. Kể từ đó, nhiều cơ hội khác đã đến và nhiều cánh cửa đã mở rộng ra với cháu.

Để có được chút thành quả như ngày hôm nay, con tôi đã được rất nhiều người giúp đỡ. Trước tiên là những người trong Ủy ban UWC Việt Nam - nhất là cô Vũ Thị Hải Anh. Trong tinh thần làm việc tình nguyện, những người của ủy ban tuyển chọn có một tấm lòng hoàn toàn vô tư, trong sáng và công bằng. Tiếp theo là Trường Lester B. Pearson, nơi đã cấp học bổng toàn phần cho con tôi theo học hai năm Tú tài Quốc tế; các thầy cô tại Trường Lester B. Pearson đã từng hướng dẫn và giúp đỡ tối đa để con tôi có thể mở được cánh cửa của Đại học Princeton Hoa Kỳ; tỉ phú người Mỹ Shelby Davis đã cấp học bổng toàn phần Davis Scholarship để con tôi theo học bốn năm tại Đại học Princeton… Còn nhiều người nữa nhưng tôi không thể  nào kể ra cho hết.

Những dòng chữ được viết ở trên là để thay lời cảm tạ những ân nhân mà gia đình chúng tôi không thể nào quên. Câu “trùng trùng duyên khởi” của nhà Phật không thể nào sai! Hiểu theo nghĩa hẹp nhất của cụm từ này là hàng ngàn, hàng vạn nhân duyên hội tụ thì mới có thể tạo nên được những điều kì diệu cho con trai tôi. Tôi luôn nguyện ước là sau khi đã nhận lãnh được những điều quý báu từ lòng nhân ái của nhiều người, trong một tương lai không xa, con tôi sẽ đáp đền tiếp nối và mang lại cho người khác những điều tốt đẹp hơn. Phải chăng đây cũng là sứ mệnh mà hệ thống các Trường Thế giới Liên kết đã và đang thực hiện?

Tam Kỳ, Tiết Xuân Phân, Quý Tỵ - 2013

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét