Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

CHÚT SƯƠNG KHÓI VỚI BHAGAVAD GÌTÀ - CHÍ TÔN CA


Nhờ một cơ duyên hiếm có, cách đây hai mươi năm tôi đọc được Bhagavad Gìtà(*) - Chí Tôn Ca qua một bản dịch quý giá bằng tiếng Việt do Cơ Sở Phát Triền Văn Hóa Quảng Hóa ấn hành năm 1971. Vì nhiều lí do, tôi cố tình bỏ quên Bhagavad Gìtà trong tủ sách chỉ sau vài lần đọc. Trước tết, tôi mua được một bản dịch tiếng Việt khác của Bhagavad Gìtà. Tuy văn phong của bản dịch mới này hiện đại hơn nhưng nhiều đoạn tối nghĩa và không chuyển tải được cái thần của Bhagavad Gìtà như bản dịch của miền Nam trước năm 1975 .

Để cảm nghiệm lại chặng đường đã qua trên mảnh đất vô vi và xuất thế của Ấn Độ, thời gian gần đây tôi đọc lại Bhagavad Gìtà. Bhagavad Gìtà là Thánh Kinh của Ấn Độ và cũng là tác phẩm vĩ đại về tôn giáo và triết học trên thế giới. Tôi không thể nào diễn tả hết những trải nghiệm của mình về Bhagavad Gìtà mà chỉ phát biểu ngắn gọn về kiệt tác tâm linh này bằng mấy từ: VÔ CÙNG BÌNH AN VÀ SIÊU THOÁT.

Hai mươi năm là một quãng thời gian khá dài trong đời người. Tuy vậy, theo ngôn ngữ của nhà Phật thì quãng thời gian này cũng chỉ bằng một sát na, sát na còn ngắn hơn một giây đồng hồ rất nhiều. Cũng trên căn gác nhỏ tĩnh lặng, mấy hôm nay tôi nằm đọc Bhagavad Gìtà để tìm lại thời gian đã mất. Bởi chú tâm nên tiếng xe cộ, tiếng người nói ngoài kia chỉ là chút vang vọng, khuôn mặt của những năm xưa cũ dần dần hiện hữu. Bỗng nhiên tôi muốn giũ bỏ tất cả để sống an nhiên tự tại, sống như hạc nội mây ngàn như những ngày giữa tháng 8 năm 1996 tại chùa Linh Phong, Đà Lạt. Ước vọng sống một cuộc sống giải thoát tại thế, trở thành gã khổ hạnh, không vợ không con, không cửa không nhà, không căn cước, không bản ngã… lại trỗi dậy mạnh mẽ trong tôi.

Sáng nay đọc đến đoạn: “Nếu trước khi trút bỏ thân xác hiện thời, con người cưỡng lại được những thèm muốn của giác quan vật chất và kìm chế được cả ham muốn lẫn sân hận, anh ta đã tìm được chỗ đứng của mình trong cuộc đời và hưởng hạnh phúc ở cõi thế gian.”  (Bhagavad Gìtà V:23)

Một sự đồng cảm đến lạ thường! Như có điều gì thúc đẩy, tôi bật dậy mở máy ghi vội đôi dòng. Dẫu người đọc những dòng chữ dưới đây cho tôi là một thằng điên điên, dại dại chăng nữa, tôi vẫn muốn ghi lại suy nghĩ của mình.

Theo quy luật tự nhiên, ở vào độ tuổi mãn dục nam thì khả năng tính dục của người đàn ông bắt đầu cạn kiệt. Nhưng vì phần đông vẫn còn thèm khát nữ sắc nên họ đều sợ hãi giai đoạn này, họ gắn liền điều ấy với sự bất lực, già nua, héo úa, lụi tàn… Bởi vậy họ thường vùng lên tìm kiếm mọi phương cách, mọi dược liệu, hòng kéo dài sức “thanh xuân” và chứng tỏ bản lĩnh đàn ông nơi mình. Họ muốn nghịch lại với tạo hóa, muốn làm trái với điều “thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”  (thuận theo thiên nhiên thì tồn tại, ngược lại với thiên nhiên thì tiêu mất) chăng? Sao họ quá u mê và lầm lạc!

Trong những loại lạc thú của thế gian, ái dục là lạc thú mãnh liệt nhất, bởi vì nó luôn đem lại những kinh nghiệm dị thường cho thân xác. Chính thứ dục lạc xác thân này đã níu giữ, không cho con người bay lượn trên vùng trời phúc lạc. Vậy khi ta không còn bị những lạc thú của giác quan lôi kéo và ràng buộc thì chẳng phải đó là điều tự do ư? Ta không cần phải cưỡng lại cơn cám dỗ của dục vọng, mà dục vọng ấy đã tự nó đã ra đi và không quấy rầy ta nữa, chẳng phải là điều vui sướng ư? Tại sao ta lại đem xích xiềng tròng vào cổ?

Cổ nhân biết tiết chế dục vọng còn chúng ta lại sống quá buông thả. Nếu ước ao thỏa mãn mọi dục vọng trần thế và tận hưởng cho hết những lạc thú của giác quan thì đời sống tinh thần của con người làm sao không suy đồi cho được. Để chạy trốn chính mình, con người hiện đại tạo ra quá nhiều khoái lạc thân xác - nhất là rượu chè và tình dục. Họ không dám đối diện với sự thật, tự lừa dối chính mình và không muốn nhìn thẳng vào lẽ vô thường sinh tử. 




(*) Bhagavad Gìtà đã được dịch ra tiếng Anh và tiếng Đức vào cuối thế kỉ XVIII và đầu thế kỉ XIX. Từ đó về sau, đã có nhiều bản dịch và giới thiệu khác của Bhagavad Gìtà. Những bậc thức giả và hiền triết Âu Mỹ đã đón nhận và ngợi ca Bhagavad Gìtà một cách hào hứng và nồng nhiệt.

- “Tôi chịu ơn Bhagavad Gìtà về một ngày tuyệt diệu trong đời. Đó là tác phẩm số một, có cảm tưởng như là cả một đế chế đang nói với chúng ta; ở đó chẳng có gì là tầm thường, nhỏ mọn, tất cả đều lớn lao, hợp lí, thanh thái; đó là tiếng nói của trí tuệ cổ xưa được suy ngẫm ở thời đại khác và khí hậu khác nhưng đấy cũng chính là những vấn đề đang làm chúng ta bất an”. (Ralp Waldo Emerson)

- “Buổi sáng, tôi đắm chìm lí trí của mình trong triết học hoành tráng của Bhagavad Gìtà, cái mà nếu đem ra so sánh thì thế giới hiện đại của chúng ta và văn chương của nó hình như chẳng có ý nghĩa gì cả”. (Henry David Thoreau)

- "Cái  trung tâm của tôn giáo Ấn Độ ấy cũng là một trong những công trình đúc kết minh bạch và dễ hiểu nhất của Triết học Truyền thống (Perennial Philosophy) mà con người ta từng thực hiện được. Bởi thế nó có một giá trị trường cửu, không phải chỉ đối với dân tộc Ấn Độ mà đối với toàn thể nhân loại".  (Aldous Huxley)

- "Tác phẩm thâm thúy và cao siêu nhất xuất hiện ở thế gian". (Wilhelm von Humboldt)

Trong tác phẩm Những Dị Biệt Giữa Hai Nền Triết Lý Đông Tây, triết gia Kim Định cho biết rằng, Wilhelm von Humboldt không ngớt cám ơn Thiên Chúa cho ông sống lâu để kịp đọc được Bhagavad Gìtà.

Wilhelm von Humboldt là người sáng lập ra Đại học Berlin - Đức (sau được đổi thành Đại học Humboldt). Từ đầu thế kỉ XX, và nhất là sau thế chiến thứ hai, tinh thần tự do học thuật - tự do nghiên cứu và giảng dạy - của Humboldt đã ảnh hưởng toàn triệt đến những đại học nghiên cứu xuất sắc của Hoa Kỳ. Từ đó cho đến nay, nhờ vào vị thế dẫn đầu của mình, các đại học nghiên cứu Hoa Kỳ đã trở thành mẫu mực cho thế giới.

2 nhận xét:

  1. làm sao để mua đc quyển sách này ,xin chỉ giúp với ah

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Quyển sách này do miền Nam xuất bản trước năm 1975 nên thị trường không có bán nhưng có thể tìm mua nó ở các tiệm bán sách cũ ở Sài Gòn.

      Xóa