Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

ĐÔI DÒNG TỰ BẠCH

Quê ngoại tôi ở làng Bàn Tân, Đại Lộc, Quảng Nam nhưng ông ngoại tôi - tên là Tôn Thất Minh - người gốc Huế và thuộc dòng họ “con vua cháu chúa” của triều đình nhà Nguyễn ngày xưa. Lúc còn nhỏ, ông ngoại tôi theo phía bên ngoại của mình từ Huế vào Điện Bàn, Quảng Nam lập nghiệp. Đến khi trưởng thành, ông ngoại tôi cưới vợ - bà ngoại tôi là con gái tộc “Nguyễn Đình” ở Bàn Tân - rồi nhận Đại Lộc làm quê hương thứ hai của mình. Ông ngoại tôi nói giọng Huế đặc sệt, mạ và hai cậu của tôi sinh trưởng tại Quảng Nam nên chỉ nói giọng Quảng mà không nói được giọng Huế như ông.

Thuở còn trai trẻ, tính tôi ngang ngạnh và hay lý sự. Phải chăng đây là cá tính của người dân xứ Quảng - Quảng Nam hay cãi? Dù là bậc trưởng thượng nhưng khi lời nói ra nghe không thuận tai tôi thì tôi cũng phản ứng lại ngay. Cậu út tôi mang họ của vua chúa nên rất tự hào về dòng dõi của mình, mỗi khi nhắc đến chuyện dòng tộc thì ông thường cho dòng họ của mình cái gì cũng nhất. Có lần ông bảo tôi rằng: “Thời nhà Nguyễn còn làm vua, con cháu Tôn Thất có bị vi phạm tội tình gì thì chính quyền địa phương không được quyền đụng chạm đến mà chỉ gửi người ấy về Phủ Tôn Nhơn ở Huế xét xử”. Vì vậy, chính quyền địa phương rất ngán hạng “con vua cháu chúa” này. Nghe vậy, tôi liền cãi lại: “Mấy ông vua phong kiến đó bao che quá, làm như vậy những người được ưu đãi đó sẽ ỷ lại và nhiều khi họ gây rối cho chính quyền sở tại.”. Khi nghe cậu tôi ca ngợi về dòng họ bên ngoại, tôi không muốn ăn theo mà lí luận như sau: “Dòng họ nhiều đời nào cũng đông người, vì thế luôn có người giàu sang – kẻ bần hàn, người lương thiện – kẻ độc ác, người làm tướng – kẻ làm tôi, người thông minh – kẻ ngu đần... Ở đời, được làm vua, thua làm giặc là chuyện thường tình. Có gì đâu mà phải hãnh diện.”. Lần ấy cậu tôi rất giận và mắng tôi một trận nên thân.

Cũng do tính tình ngang bướng như vậy nên ba tôi không ưa tôi, hình như ông chẳng dành cho tôi một chút tình cảm nào. Ba tôi là một trong những người độc tài số một trên thế gian này, con cái trong nhà rất sợ ông. Những điều ông nói ra thì luôn luôn đúng và con cháu phải biết câm miệng lắng nghe. Dù trong lòng tôi rất sợ ông, nhưng có gì không vừa ý thì tôi cũng kiếm cách nói lại cho bằng được. Nhà độc tài nào mà chịu nổi cảnh “thần dân” của mình bất tuân và chống đối? Chỉ có phương cách là đàn áp, nhiều lần ba tôi đã áp dụng điều này với tôi. Lúc ba tôi còn sống ông là y tá tư có tiếng tại cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé của thời ấy, tôi là y sĩ thất nghiệp nên phụ việc cho ba tôi. Trong gần hai năm cộng tác với ba tôi, vì xung đột giữa hai thế hệ, vì bất đồng quan điểm, nhiều lần tôi chán nản bỏ nhà ra đi. Lần cuối cùng, vào mùa thu năm 1983 tôi bỏ về nương náu tại quê ngoại ở làng Bàn Tân, Đại Lộc. Ở quê ngoại được khoảng hai tháng, tôi nghe nói ba tôi đau yếu nên tôi trở về giúp việc cho ông. Vào cuối mùa đông năm ấy, ba tôi bị tai biến mạch não và ra đi vĩnh viễn. Nay tôi ở độ tuổi gần bằng ba tôi và lớn hơn tuổi cậu tôi lúc đó, ba và cậu tôi đã ra người thiên cổ nhưng tôi thì vẫn giữ nguyên cá tính trời cho – dù thời gian đã bào mòn đi khá nhiều góc cạnh. Bởi vậy cho đến tận bây giờ, tôi cũng không làm vừa lòng mạ tôi nhiều lắm!

Lòng tôi thường hoài vọng và bâng khuâng mỗi khi nghe nhắc đến những địa danh của xứ Huế.  Trong dòng máu đã pha loãng của tôi còn đôi chút “chất Huế” chăng? Hôm nay, trong sự cô đơn tĩnh lặng của một ngày giữa thu, trong cái buồn hiu hắt của xứ Quảng nghèo khó, tôi đã nghe đi nghe lại lại vài nhạc phẩm về Huế. Khi nghe nhạc, vô thức tôi bỗng nhiên lay động và gợi lại những câu chuyện không đâu của một thời quá vãng.

(685) Quang Lê và Ngọc Hạ - Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh) PBN 73 - YouTube

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét