Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

ĐÊM TÀN BẾN NGỰ

Tôi theo chân người trong mộng ra thăm Huế lần đầu tiên vào một chiều nhạt nắng của cuối thu năm 1984. Ngay những phút giây đầu tiên, khung cảnh êm đềm và thơ mộng của đất Thần Kinh đã đem lại cho tôi một nguồn cảm xúc vô tận. Dẫu bao năm tháng trôi qua nhưng dấu xưa vẫn không bao giờ phai nhòa trong tâm tưởng. 

Sáng nay cảm hứng xưa trở mình, để gợi lòng nhớ thương Huế, tôi nghe lại nhạc phẩm “Đêm Tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ khai sáng nền tân nhạc Việt Nam. Mặc dù theo học âm nhạc Tây Phương nhưng nhạc phẩm của ông luôn được xây đắp bằng chất liệu của dân tộc. Ông đã dùng cách kí âm của Tây Phương để ghi lại âm hưởng của âm nhạc cổ truyền – đây là một sự sáng tạo độc đáo.

Thời trai trẻ, vì quá ngu dại nên tôi ít khi chịu nghe nhạc cụ dân tộc hoặc những nhạc phẩm có âm hưởng cổ truyền. Lúc ấy, tôi có một quan niệm rất hời hợt là chỉ có âm nhạc cổ điển Tây Phương mới thực sự có giá trị, còn âm nhạc cổ truyền Việt Nam là một thứ gì quê mùa, cổ hủ... Bây giờ ngẫm lại, tôi hiểu ra rằng đa số thanh niên thuộc thế hệ tôi và thế hệ đàn anh tôi - hơn tôi khoảng hai mươi tuổi trở lại - là những thế hệ bị bật rễ và mất gốc. 

Năm ngoài ba mươi tuổi, tình cờ được nghe Giáo sư Trần Văn Khê thuyết trình về nhạc cụ dân tộc và nhạc cổ truyền Việt Nam trên trên vô tuyến truyền hình, tôi mới sáng mắt. Cách đây gần mười lăm năm, nhờ đọc được bộ Hồi Ký Trần Văn Khê, tôi mới thấy rõ hơn giá trị của âm nhạc dân tộc. Tên tuổi của Giáo sư Trần văn Khê đã lừng lẫy khắp năm châu bốn bể, tôi mạo muội nhắc đến ông ở đây để làm minh chứng.

Những dòng chữ viết ở trên là thay lời tạ lỗi của một thời đui mù và ngu dại! 





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét