Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

VỀ KRISHNAMURTI

Krishnamurti sinh năm 1895 tại  Ấn Độ. Năm 13 tuổi ông được Hội Thông Thiên Học nhận vào và được xem như là ứng thân của một bậc “đạo sư thế giới” mà sự nhập thế đã được hội công bố trước. Chẳng bao lâu, Krisknamurti xuất hiện như một đấng vô thượng sư đầy uy quyền và cương nghị với những cuộc nói chuyện và các bài viết chẳng liên quan đến một tôn giáo riêng biệt nào và cũng không thuộc về Đông hay Tây mà cho toàn thể nhân loại. Cương quyết từ bỏ hình ảnh là đấng cứu thế, năm 1929 Krishnamurti giải tán Dòng tu Ngôi Sao Phương Đông (Order of the Star in the East) - một hội đoàn lớn và giàu có đã được xây dựng quanh ông - và tuyên bố chân lý là “vùng đất không lối vào”, chân lí không thể đạt được bởi bất kì tôn giáo, triết lí hoặc giáo phái nào cả.

Suốt đời mình, Krishnamurti nhất mực từ chối danh hiệu đạo sư mà nhiều người đã tìm cách phong tặng. Ông thu hút vô số người nghe trên toàn thế giới nhưng không bao giờ đòi hỏi uy quyền cũng như thu nhận đệ tử, ông thuyết giảng như một con người nói chuyện với một con người. Cốt tủy giáo pháp của ông là sự nhận thức được rằng mọi thay đổi căn bản trong xã hội chỉ xảy ra khi có sự chuyển hóa ý thức cá nhân. Krishnamurti luôn luôn nhấn mạnh về sự biết rõ chính mình, hiểu được những ảnh hưởng của sự hạn chế và chia rẽ trong việc quy định mang màu sắc của tôn giáo và quốc gia. Ông chỉ rõ tính cần thiết của sự cởi mở, vì đó là “không gian bao la trong bộ não có sẵn một năng lượng ngoài sức tưởng tượng”. Hình như đó chính là suối nguồn sáng tạo bất tận của ông và cũng là yếu tố then chốt của ảnh hưởng mang tính xúc tác mà ông đã tác động lên khối nhân loại đông đảo và đa dạng này.

Krishnamurti không ngừng thuyết giảng trên toàn thế giới cho đến khi mất vào năm 1986 ở tuổi 90. Những bài diễn thuyết, đối thoại, nhật kí và thư từ của ông đã được lưu giữ trong hơn 60 bộ sách. Từ nguồn giáo huấn phong phú đó mà loạt sách chủ đề này đã được kết tập và ấn hành. Mỗi cuốn sách đặt trọng tâm vào một đề tài có liên quan chuyên biệt và tính khẩn thiết của nó trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta.

(Lời Nói Đầu tác phẩm OnLiving and Dying - Về Sống và Chết)

 CÁI TÔI

Tại sao ta thèm khát được thiên hạ biết đến, thích được thiên hạ nể vì, ham được khuyến khích? Tại sao ta nông nổi đến vậy? Tại sao ta níu cứng vào những cái riêng rẽ của tên gọi, địa vị, sự nghiệp? Không tên tuổi thì tồi lắm sao? Không được đời biết thì hèn lắm sao? Tại sao ta đuổi theo tiếng tăm, cần được ái mộ? Tại sao ta không bằng lòng ta? Phải chăng vì ta sợ ta, ta xấu hổ đã trót là ta, nên tên gọi, địa vị và sự nghiệp mới trở thành quan trọng vậy? Thiệt là quái gở sao mà lòng thèm khát của ta mạnh quá quắt đến như vậy, cứ muốn phải có tên tuổi, phải được hoan nghinh? Trong cơn kích động của đấu trường, người ta làm đủ việc lạ lùng để được tôn kính; người ta được suy tôn là anh hùng vì giết được một đồng loại. Bằng vào những uy quyền, thiên tư, khả năng hoặc thành quả, người ta leo trèo lên gần hơn mức tuyệt đỉnh - tuy nói tuyệt mà không “tuyệt” bao giờ, vì càng ngày càng có những đỉnh cao thêm mãi mọc lên trong khối óc nhiễm phải mầm độc thành công…

Dầu bằng đường lối nào, hoặc vụng hoặc khéo, cái tôi vẫn được nuôi dưỡng và bồi bổ. Ngoài những việc làm phi nhân, phản xã hội của nó ra, tại sao cái tôi phải được duy trì mãi? Dầu rằng ta mắc trong cơn bấn loạn và buồn phiền, với những niềm vui chốc thoáng, tại sao cái tôi cứ đuổi theo những chuyện nhất định sẽ đưa đến khốn khổ và đau thương? Niềm khao khát hoạt động tích cực cho cái thực nhằm chống lại cái hư thúc đẩy ta tranh đấu để hiện hữu; có tranh đấu ta mới có cảm tưởng sống, đời ta mới có mục đích, và lần hồi ta sẽ từ bỏ được mầm xung đột và buồn phiền. Ta nghĩ rằng nếu hoạt động ngưng hết thì ta sẽ không còn là cái gì hết, ta tàn tạ, và cuộc sống mất hết ý nghĩa; và nghĩ vậy tức ta đứng nguyên ở thế kẹt giữa hỗn loạn, xung đột và mâu thuẫn. Nhưng đồng thời ta cũng ý thức đến một cái gì khác hơn, siêu lên và vượt ra ngoài tất cả nỗi khốn đốn ấy. Như thế là có cuộc nội chiến ở trong ta vậy.

Bên ngoài ông sang trọng bao nhiêu, bên trong ông nghèo nàn bấy nhiêu; tuy nhiên quấn khố đi ra đường vẫn chưa phải là thoát nghèo. Sở dĩ ông nghèo, ông trống không bên trong, vì ông thèm khát trở thành; và dầu làm gì, cái không ấy vẫn không bao giờ lấp đầy được; dầu ông làm gì vẫn là mưu toan lẫn tránh - hoặc vụng hoặc khéo - mà tránh đi đâu thì cái không ấy vẫn thân thiết sát kề bên ông như bóng của chính ông. Dầu ông không muốn đoái hoài đến cái không ấy, nhưng nó vẫn sờ sờ đó. Cái tôi của ông, dầu cởi bỏ mất đi hoặc điểm tô thêm, vẫn không bao giờ che đậy được cái nghèo ở bên trong. Bằng những hoạt động tiêu cực hay tích cực, cái tôi xoay xở đủ cách để làm giàu và gọi đó là kinh nghiệm hoặc gì gì khác tùy theo sở thích. Cái tôi không bao giờ chịu vô danh. Nó có thể choàng một lớp áo khác, mang một cái tên khác, nhưng vẫn là cái cốt cũ ấy. Chính cái mưu mô đồng hóa ấy ngăn cách ta nhận ra thực chất của nó…

KRISHNAMURTI
(Commentaries on Living I - Đường Vào Hiện Sinh, Trúc Thiên dịch, NBX An Tiêm 1969, trang 120-123)

2 nhận xét:

  1. Với Osho thì người ta có thể nghi ngờ, vì chính cuộc sống của ông ta: cái tôi vẫn còn hiện hữu. Với Krishnamurti, ta có thể hoàn toàn tin tưởng ở bậc thầy tâm linh này - một đấng "vô sự tự ngộ".
    Có nhiều Thầy giảng đạo nghe có vẻ rất hay, có tiếng tăm khiến nhiều người bị "mê hoặc". Nhưng khi nhìn vào chính cuộc sống của họ: cái tôi còn lớn lắm thì ta dễ dàng nhận ra rằng đây không phải là bậc chân tu. Mấy "thầy dỏm" có rất nhiều, nếu mình không có kinh nghiệm hoặc người đi trước hướng dẫn thì rất dễ "thần tượng" một vị thầy như vậy.
    Cảm ơn chú đã tặng con sách và một số chỉ dẫn bổ ích, trong đó có vài cuốn của bậc thầy Krishnamurti!

    Trả lờiXóa
  2. Chú rất đồng tình với những nhận định của con. Những nhận xét về Osho đã chứng tỏ con là người có đầu óc độc lập và vô cùng sắc sảo. Con là người tầm đạo vững vàng nên không bị đám đông sùng bái Osho làm lung lạc tinh thần.

    Trả lờiXóa