Thứ Hai, 20 tháng 5, 2013

HÀNH TRÌNH VÔ ĐỊNH XỨ

Vì không bị lệ thuộc vào hệ thống biểu tượng và tín điều của một tôn giáo có tổ chức nào nên trong công cuộc truy tìm Thực Tại Tối Thượng, chàng là người hết sức may mắn. Về mặt này, chàng được hoàn toàn Tự Do. Với chàng, những kinh sách thiêng liêng, những giáo pháp của những bậc giác ngộ thuộc bất kì tôn giáo hoặc nền văn hóa nào cũng đều là “ngón tay chỉ trăng”, là “tấm biển chỉ đường” giúp chàng có thể nhìn thấy được cái Thực Tại Tối Thượng. Từ kinh sách đã đọc, chàng xem những ai đã khai mở để chàng nhận ra con người đích thực của mình chính là những vị Chân Sư. Ngoài ra, chàng còn xem những con người đang trên hành trình vô trụ xứ mà mình bắt gặp qua sách vở là những người bạn đường, những bậc Thiện Tri Thức.

Tuy đọc khá nhiều kinh sách nhưng chàng không phải là thứ mọt sách, chỉ biết chúi đầu, chúi mũi vào những con chữ nhỏ xíu mà quên đi thế giới thực tại và cuộc sống nóng hổi ở chung quanh. Chàng không dựa vào đó để trau dồi và tích lũy kiến thức, để khoe khoang chữ nghĩa, hoặc gặp đâu cũng trích dẫn lăng nhăng như một con vẹt mà chính là để thỏa mãn nỗi khát khao hiểu biết. Chàng cho rằng, sách vở là vị thầy, là vợ hiền, là bạn quý, là hơi thở, là lương thực…, và trên hết là suối nguồn cảm hứng vô tận của mình; nếu không có nó, chắc chàng sẽ khó hiện hữu và vô cùng bơ vơ, lạc lõng trong đêm trường hoang vu lạnh lẽo này. Được lãng du trong khu rừng sách vở tâm linh và nằm yên hàng giờ trong trạng thái cô đơn với một tâm thức tĩnh lặng để đào sâu vào hiện thể và cảm nghiệm cái thực tại phi thời gian là niềm hoan lạc bất tuyệt đối với chàng. Không một tham vọng, một ham muốn nào trên thế gian còn tồn tại trong chàng.

Chàng là người lữ hành cô độc đang cố gắng băng qua sa mạc tịch liêu với gánh nặng quá sức trên vai, còn cơn khát thì luôn luôn cháy bỏng. Thỉnh thoảng chàng cũng gặp được vài ốc đảo thanh bình, xanh tươi và thấp thoáng là Quê Hương ở phía trước. Nếu không có những ốc đảo - những trạm dừng chân để tiếp tục tiến về phía trước - thì có lẽ chàng đã bỏ cuộc hoặc chết khát dọc đường. Những ai đã chọn cho mình một hành trình vô định đều có cái tố chất điên điên, rồ rồ. Hồi sáu, bảy tuổi do chạy theo một ông anh chơi thả diều nên chàng bị chó điên cắn, lúc ấy dù đã được chích ngừa nhưng di chứng của "nọc độc" điên dại ấy còn ảnh hưởng cho đến tận hôm nay.

Khoảng mười bảy năm trước, nhiều lúc chàng nghĩ mình là truyền nhân của Nietzsche, nhưng thực ra không phải như vậy. Nietzsche là một thiên tài nên thường có giọng điệu mục hạ vô nhân (dưới mắt không người - chẳng coi ai ra gì cả), chàng chỉ là một thường nhân nên không thể học đòi theo kiểu của Nietzsche được. Nietzsche là người độc thân, chẳng có mối ràng buộc nào nên cuộc sống hơi bất thường; chàng là kẻ có vợ con, có nhiều nỗi lo toan thường nhật nên đời sống có phần quân bình hơn. Vị triết gia chuyên sử dụng cây búa để đập phá truyền thống tôn giáo, triết học, văn hóa ... của Tây Phương đã sống câm lặng trong mười năm cuối đời là một sự “mặc như lôi” (im lặng sấm sét) hay hoàn toàn điên loạn? Đây là một điều bí ẩn mà không ai có thể giải đáp được. Chàng là người Đông Phương, mà kẻ đi tìm Đạo ở Đông Phương luôn biết nương tựa vào bậc đạo sư mỗi khi bị chơi vơi trong hố thẳm không cùng. Vì thế, hi vọng chàng sẽ hóa thân thành hài nhi và không rơi vào bi kịch.

Tam Kỳ, Tiết Lập Hạ - 2013

2 nhận xét:

  1. Chú là người rất dũng cảm. Dám đi con đường dài, nhỏ và hẹp, đầy sỏi đá chông chênh giữa sa mạc mênh mông và tịch liêu.
    Dũng cảm thôi cũng chưa đủ mà còn phải đầy nghị lực và trí tuệ nữa.
    Con thích cách nhìn đời và nhìn Đạo của chú. Cảm ơn chú đã chia sẻ suy tưởng về hành trình của một người dũng cảm! (Nguyễn Hữu Lâm)

    Trả lờiXóa
  2. Cám ơn con đã đọc bài viết và cho biết cảm tưởng của mình.

    Trả lờiXóa