Thứ Tư, 20 tháng 1, 2016

VỀ MỘT NGƯỜI HIỀN NAM BỘ

Đã nhiều lần tôi tự hứa với mình là không nên viết nhăng viết cuội ở đây nữa, nhưng rồi vẫn bị cái “nghiệp chướng” này lôi kéo. Tôi không nghiện viết lắm nhưng không hiểu sao có cái gì thôi thúc mình phải mở máy tính, thế rồi bàn phím trở thành trung gian cho những xúc cảm và suy tưởng của mình. Thôi thì đành chiều theo tiếng lòng chứ biết làm sao bây giờ? Tuy vậy, tôi phải tự nhắc nhở rằng: Mi nên kiệm lời.
Năm 2011, nhờ đọc được bài viết Thăm nhà văn Trang Thế Hy trong tập bút kí Nhớ Đến Một Người của BS. Đỗ Hồng Ngọc, tôi mới biết đến nhà văn Trang Thế Hy - một cái tên lạ hoắc lạ huơ. Khi tìm được tác phẩm của ông, tôi mới có dịp thưởng thức một bài viết tuyệt hay của nhà văn Nguyên Ngọc đã dành cho ông, bài viết có nhan đề Người hiền của văn chương Nam Bộ. Nếu không nhờ BS. Đỗ Hồng Ngọc, tôi không thể biết Trang Thế Hy là ai, cũng như chẳng biết ông là tác giả của bài thơ Cuộc Đời - bài thơ từng được Phạm Duy phổ thành nhạc phẩm Quán Bên Đường. Thời trai trẻ, lúc tập bài nhạc này, tôi cứ ngỡ đây là một bài nhạc được phổ từ thơ của một nhà thơ thời tiền chiến. Ngờ đâu, bài thơ chỉ "mới" xuất hiện trên tuần báo Vui Sống vào năm 1959 tại Sài Gòndo Bình Nguyên Lộc làm chủ bút .
Khi đọc Trang Thế Hy, tôi cũng yêu mến ông như đã từng yêu mến Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Hồ Dzếnh, Thanh Tịnh, Vũ Bằng, Võ Hồng, Võ Phiến, Sơn Nam và Bình Nguyên Lộc. Vì sự quan tâm của tôi dành cho lĩnh vực khác nên tôi ít để ý đến những sự kiện văn học đương đại trong nước cũng như của thế giới. Nhưng không phải vì thế mà tôi ruồng rẫy những tác phẩm văn chương mang tính triết lí, những đoản văn và những tùy bút làm rung động lòng người. Tôi là người ưa tìm kiếm những nguồn ánh sáng của quá khứ, thích lục lọi những “lọ cổ - chén xưa” trong đống đồ cũ, thỉnh thoảng lại đem ra nâng niu và mời thiên hạ nhìn ngắm.
Nhìn thấy sự băng hoại của xã hội, sự lụi tàn của đạo làm người trên quê hương và nhất là cảnh bạo lực trong học đường, tôi thường lẩn thẩn: "Phải chi những năm bắt đầu cắp sách, con trẻ thời nay được nuôi dưỡng tâm trí bằng những dòng văn chương chuyên chở sự tinh tế, nhân hậu, chân thật, thương yêu và bao dung thì về sau tâm trí chúng sẽ được đề kháng mạnh mẽ với những thứ dung tục, bạo lực, giả dối, hận thù và ích kỉ.". Ngẫm lại, tôi thấy đã mình mang ơn nền giáo dục của miền Nam Việt Nam ngày trước rất nhiều. Như dòng sữa mẹ ngọt ngào tuôn chảy, nguồn thơ văn nhẹ nhàng và hiền hòa ấy đã nuôi dưỡng tâm hồn tôi từ thuở ấu thời. Ở đây, tôi chỉ ca ngợi nền giáo dục của miền Nam chứ không hề có ý đồ ca ngợi thể chế chính trị trước đây - thời ấy chính trị và giáo dục không ăn nhịp với nhau. Ô hay! Từ câu chuyện về nhà văn Trang Thế Hy, tôi lại sa đà vào chuyện khác mất rồi. 

Chiều nay, tôi lần giở tập bút kí của Đỗ Hồng Ngọc nói trên để đọc lại bài viết về Trang Thế Hy. Đọc xong, tôi có cảm hứng muốn giới thiệu bài viết của vị bác sĩ này đến mọi người. Và rất may, tôi đã tìm thấy bài viết Thăm nhà văn Trang Thế Hy trên trang nhà của BS. Đỗ Hồng Ngọc.

2 nhận xét:

  1. Năm 2021 vẫn thích đọc blog của chú và cháu biết thêm được vài thứ hay ah. Thanks chú

    Trả lờiXóa