Thứ Ba, 19 tháng 5, 2015

ĐÔI DÒNG VỀ PHẬT QUANG ĐẠI TỪ ĐIỂN

Vượt lên những nỗi khổ đau của thế giới điêu linh, vút cao giữa đổ nát hoang tàn của những thành quách cũ, lướt qua bao lớp sóng phế hưng của vô số triều đại, từ đỉnh cao giác ngộ Đức Phật nhìn xuống dòng đời mênh mang, nở nụ cười từ bi và cứu độ chúng sinh thoát khỏi nhất thiết khổ ách. Hơn hai ngàn năm trăm năm đã trôi qua, cho đến tận bây giờ và mãi mãi về sau - nếu loài người còn có mặt trên trái đất - những pháp bảo của Ngài vẫn là phước báu đối với những ai muốn vượt lên cái nhất thời và tìm đến sự Vĩnh Cửu.
Qua nhiều năm khép lại những bộ kinh Phật để lo toan những công việc đời thường, gần đây chàng đã cúi đầu, từ tốn và nhẹ nhàng giở lại từng trang kinh Phật. Khi còn trai trẻ, chàng đã đọc giáo pháp của Đức Phật một cách vội vã, đọc nhưng tâm trí còn nghĩ đến chuyện khác, và bởi bao hệ lụy vây quanh nên tuy cũng hiểu được kinh điển nhưng chàng chưa thực hành nhiều lắm. Ngày xưa, lúc mới đọc được năm, sáu chục cuốn sách về Phật giáo, về Thiền Tông, Mật Tông Tây Tạng và vài bộ kinh Phật, dẫu không nói ra nhưng chàng luôn tự cho mình là hiểu sâu đạo Phật. Đó chính là sự kiêu ngạo, kiêu ngạo một cách ngu muội! Mới đây, khi sưu tập gần như đầy đủ những bộ kinh quan trọng của Phật giáo (khoảng tám mươi pho kinh điển đạo Phật, tương đương bốn mươi ngàn trang giấy chi chít chữ), chàng đã biết khiêm tốn hơn. Hôm nay, chàng bắt đầu bò trên từng trang kinh và trườn tới như đứa trẻ mới biết bò biết lẫy. Chàng là đứa con nít đang bò, dần dần tập đi, tập chạy, tập bơi và sẽ vùng vẫy trong cái biển cả mênh mông những pháp thoại ấy. Đọc kinh Phật là đọc chính mình, là gột đi từng lớp si mê ám chướng, là lọc sạch vọng tưởng điên đảo, là soi sáng những hố thẳm âm u trong tâm thức, là chuyển hóa tâm hồn, là trải rộng lòng yêu thương... và tìm thấy niềm an lạc vô biên. Niềm an lạc siêu tuyệt mà nếu đem tất cả khoái lạc của thế gian cộng lại cũng không thể nào sánh nổi.
Trở ngại lớn lao đầu tiên khi đọc thẳng vào kinh điển mà không qua bất cứ luận giải nào của các học giả hoặc hành giả Phật giáo là vấn đề ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong kinh điển Phật giáo phần lớn được dịch từ chữ Phạn sang chữ Hán, rồi từ chữ Hán sang tiếng Việt. Cách sử dụng ngôn ngữ trong kinh điển cũng không thống nhất, cùng một từ tiếng Phạn mà người dịch của Trung Hoa thời trước mỗi người dịch mỗi khác, cũng cùng một từ tiếng Hán mà dịch giả của Việt Nam dịch ra tiếng Việt mỗi khác. Dù đã dịch ra tiếng Việt nhưng ngôn ngữ trong kinh điển rất cổ kính và hàm súc. Nếu nghiền ngẫm kinh điển mà không có từ điển Phật học để tra cứu thì phải đành bỏ cuộc. Do chiến tranh loạn lạc, do xáo trộn của thời cuộc, mãi cho đến năm 1975 nước Việt chỉ có một bộ từ điển Phật học duy nhất của cư sĩ Đoàn Trung Còn. Từ sau 1975 đến nay, rải rác có xuất bản thêm vài bộ từ điển nữa nhưng từ ngữ cũng còn nghèo nàn và thiếu sót, bởi đó là những công trình của cá nhân hoặc của một nhóm chỉ vài ba người. Ngày hôm nay, Phật Quang Đại Từ Điển đã giải quyết được vấn đề khó khăn ấy.
Tăng ni sinh và người nghiên cứu Phật học ở Việt Nam luôn chờ mong bộ từ điển đồ sộ và công phu có tên là Phật Quang Đại Từ Điển được dịch ta tiếng Việt. Phật Quang Đại Từ Điển là bộ từ điển Phật học đầy đủ nhất từ trước cho đến nay trên thế giới. Bộ đại từ điển này đã được năm mươi học giả Đài Loan bỏ công biên soạn từ năm 1978 đến năm 1988, đúng y mười năm trời. Bộ đại từ điển đã được Hòa thượng Thích Quảng Độ - một tên tuổi lớn của Phật giáo Việt Nam - dịch trong một hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thầy bắt đầu dịch vào năm 1990 và hoàn thành vào năm 1997. Vì nhiều lí do tế nhị, bộ đại từ điển này không được xuất bản trong nước nhưng lại được xuất bản tại Đài Loan năm 2000 và tại Pháp năm 2012. Thật hi hữu, vào cuối năm 2014 Phật Quang Đại Từ Điển bản tiếng Việt được cho phép ấn hành tại Việt Nam. Phật Quang Đại Từ Điển gồm 8 cuốn, gần 10.000 trang với 22.608 từ và bảy triệu chữ giải thích các từ.
Cách đây vài ngày, chàng đã sở hữu báu vật vô giá này và đã đặt nó vào vị trí trang trọng nhất trong nhà. Chưa kể đến sự thu hút của nội dung phong nhiêu và giàu có, về mặt hình thức đây là một ấn bản hoàn hảo. Là một người chơi sách - chỉ chơi một cách tài tử - chàng công nhận nó tuyệt đẹp. Phật Quang Đại Từ Điển đẹp từ bìa sách, từ loại giấy chuyên dụng chỉ dành cho từ điển được nhập của Hà Lan, cho đến độ sắc sảo của từng con chữ bé xíu. Chàng mân mê, vuốt ve, ngắm nghía nó hoài không chán! Biết rằng nó cũng vô thường như bao sự vật khác, sẽ hư hoại và tan biến theo thời gian nhưng những phiên bản như nó sẽ trường tồn mãi mãi.


Dưới đây là trích đoạn trong bài giới thiệu về bản dịch Phật Quang Đại Từ Điển của thi sĩ Thi Vũ - người chịu trách nhiệm xuất bản Phật Quang Đại Từ Điển tại Paris năm 2012.
"Vừa thoát ách Pháp thuộc, liền bị rơi ngay vào chiến tranh rồi tranh chấp đến nay, dồn dập suốt 67 năm ròng. Nước ta chưa hình thành Hàn lâm viện để định chế ngữ văn trên bước tiến hóa của nhân loại, và sự đổi thay chuyển biến mỗi ngày trong cộng đồng dân tộc. Long đong theo những loạn động của thời thế, văn hóa và ngữ học mắc phải hệ lụy chưa biết ngày nào thoát thân.
.....
Phải đọc công trình dịch thuật Phật Quang Đại Từ điển mới thấy học thuật Hòa thượng thâm viễn, ngôn ngữ phong phú, sáng tạo, và thù ứng với các từ Hán, Phạn tương đương. Tinh thông, nhuần nhuyễn, thanh thoát qua từng câu văn. Không còn là một tác phẩm dịch thuật, mà là tác phẩm văn chương trong lĩnh vực triết học và tư tưởng Phật giáo qua ngôn ngữ Việt. Vừa tường giải, vừa đối chiếu, mỗi từ mục là một bài thâm nhập giáo lý siêu thoát nhưng thực chứng của đạo Phật.
.........
Người ở xa nước, không được gần gũi chư Tăng Ni, Thiện tri thức thông hiểu giáo lý, có bộ Phật Quang Đại Từ điển trong tay sẽ như được sống bên vị Thầy cao cả về đường Phật lý. Và điều chắc chắn, sẽ không bao giờ bị xa lìa với chân ngữ của đạo Phật, hay bị suy diễn đạo Giác ngộ thành loạn tưởng của tà giáo vào thời Mạt pháp hôm nay.
Tiền đồ Phật học Việt Nam có phát huy, tiến bộ chăng, phần lớn sẽ nhờ vào bộ Phật Quang Đại Từ điển bản dịch Việt văn của Hòa thượng Thích Quảng Độ. Và cũng sẽ là tiền đề cho sự rộ nở của triết học, của tư tưởng Việt Nam còn sơ khai hôm nay. Nhớ lại hồi thế kỷ VII Tây lịch, thánh tăng Huyền Trang bỏ 15 năm trường, xuyên sa mạc Gobi hoang vắng, hiểm nghèo, sang Ấn độ thỉnh Kinh Phật. Về nước ngài phiên dịch ra Hán văn dưới thời Đường. Tiếp sau những dịch phẩm của ngài Kumârajîva (Cưu ma la thập) đời Đông Tấn thế kỷ V, các bản dịch của ngài Huyền Trang với óc sáng tạo dồi dào, chữ nghĩa độc đáo, thâm huyền, làm rộ nở, phong phú, đổi mới văn học, ngôn ngữ và tư tưởng Trung quốc.
Sẽ lợi ích biết bao cho hàng chục nghìn Tăng, Ni, hàng triệu người học Phật trong nước, nếu Phật Quang Đại Từ điển được xuất bản tại Việt Nam. Thế nhưng nhà đương quyền đặt điều kiện muốn in phải xóa bỏ tên dịch giả, Thích Quảng Độ. Vì vậy, năm 2000, Hòa thượng Thích Tịnh Hạnh thuộc Hội Văn hóa Giáo dục Linh Sơn Đài Bắc cho xuất bản lần đầu tại Đài Loan. Nay đã tuyệt bản. Do nhu cầu học hỏi của Phật tử Việt Nam trên năm châu đòi hỏi, và được Hòa thượng Thích Quảng Độ ủy quyền, tôi hân hoan thúc đẩy Nhà xuất bản Quê Mẹ ở Paris ấn hành Phật Quang Đại Từ điển vào mùa thu năm nay, 2012, gồm 6 tập, dày 7374 trang."


Paris, ngày 7.6.2012
Thi Vũ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét