Thứ Hai, 20 tháng 8, 2012

CẢM NGHĨ NHÂN ĐỌC “THUỞ BAN ĐẦU” (*)


Vì biết ơn GS. Dương Thiệu Tống trong việc giáo dục con cái, tôi đã viết bài về cuốn sách Hồi Ký Sư Phạm - THUỞ BAN ĐẦU của ông. Bài viết được đăng trên Tạp chí Tia Sáng vào tháng 06/2003. Khi tái bản cuốn hồi ký vào cuối năm 2003, GS. Dương Thiệu Tống đã cho đăng đoạn cuối bài viết của tôi vào bìa sau cuốn sách nhưng tôi không hề được biết. Mấy năm sau, đứa em con ông chú tôi ra Huế học, vào hiệu sách, tình cờ thấy được và mua về tặng tôi.

Giáo sư đã qua đời vào năm 2008, vĩnh viễn tôi sẽ không gặp được ông để bày tỏ lòng biết ơn. Tuy vậy, khi biết ông đã đọc bài viết của mình thì xem như tôi đã gặp được ông rồi. Đây cũng là cái duyên của tôi và GS. Dương Thiệu Tống.

Giáo sư Dương Thiệu Tống và những người bạn cùng học bậc Trung học với ông ở trường Providence (Thiên Hựu) - Huế như giáo sư Phan Ngọc, giáo sư Đinh Xuân Lâm(**)… đều xuất thân từ những gia đình có truyền thống Nho học. Họ là một thế hệ được hấp thu một phần tinh hoa của văn hoá Đông phương từ gia đình và văn hoá Tây phương của nhà trường thời Pháp thuộc.

Nhờ được dưỡng dục bởi những người thầy đầy tâm huyết và lỗi lạc, cộng thêm được sống trong một môi trường tinh thần chưa bị vong bản nên đa số những người thuộc thế hệ ông đã trở thành những con người có hoài bão lớn, có lí tưởng cao. Có lẽ là do thời cuộc, thế hệ  ông đã chọn lấy con đường lập thân là đóng góp cho đất nước. Hầu hết những người thầy của ông đã ảnh hưởng sâu đậm đến cuộc đời dạy và học của ông, và cũng của nhiều người trong lớp tuổi ông thời ấy. Với những yêu cầu của thời cuộc, về sau này thế hệ ông đã góp một phần không nhỏ trong sự nghiệp giáo dục và văn hoá của nước nhà.

Giáo sư Dương Thiệu Tống và những người bạn cùng thời đã chọn nghề giáo ở một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giáo dục của đất nước. Ông là một trong những người thầy đầu tiên thực hiện chương trình Trung học Hoàng Xuân Hãn(***). Đây là một chương trình trung học hoàn toàn của Việt Nam, dùng tiếng Việt làm chuyển ngữ thay cho những chương trình Pháp trước đó. Những nhà giáo trẻ tuổi được đào tạo ở nước ngoài nhưng vẫn nặng tình với dân tộc đã biên soạn chương trình này. Họ đã hăng hái đem những kiến thức thu thập ở trong và ngoài nước để xây dựng một nền giáo dục dân tộc trong một thời gian đạt kỉ lục, chưa từng thấy trong lịch sử giáo dục của bất cứ quốc gia nào đã bị thực dân đô hộ lâu dài.

Vì hoàn cảnh lúc đó không cho phép học lên cao nữa nên sau khi đỗ Tú tài II được vài tháng ông chính thức bước chân vào nghề nhà giáo. Thế hệ nhà giáo như ông đã trưởng thành trong một giai đoạn đặc biệt khó khăn. Họ chưa được chuẩn bị đầy đủ về phương pháp giáo dục, về tâm lí sư phạm nên gặp rất nhiều trở ngại trong buổi ban đầu. Lớp nhà giáo như ông chỉ có sự nhiệt tình trong giảng dạy, cái “tâm” muốn truyền bá kiến thức và chút ít kinh nghiệm rút ra từ các nhà giáo đã dạy mình trước đó. Vậy mà ông đã vượt qua được thử thách và đứng vững trên tư thế một nhà giáo thực thụ. Ông tâm sự rằng, sự tận tâm đối với nghề nghiệp là bài học sư phạm duy nhất ông đã tiếp nhận được từ những người thầy đáng kính. Hành trang này đã giúp ông rất nhiều trên bước đường dạy học.

“Thuở ban đầu” gợi cho chúng ta một bức tranh tuy cũ nhưng rất sinh động về dạy và học trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Do hoàn cảnh chiến tranh khốc liệt, các trường học thời đó phải dời từ thành phố về nông thôn và luôn luôn di chuyển ở vùng rừng núi (vì máy bay Pháp thường bắn phá). Thời ấy, nhà giáo đã sống trong những tháng ngày gian nan khốn khó nhưng đã vận dụng hết khả năng để sáng tạo và cố gắng vượt bực để giải quyết một vấn đề nan giải là: Phải tiếp tục giảng dạy trong tình trạng thầy không có trường, trò không có sách, và cả thầy lẫn trò đều không có nhà để ở. Tuy vậy, tình nghĩa thầy trò sâu đậm hơn bao giờ hết, thầy giáo được sống trong sự đùm bọc yêu thương của quần chúng lao động nghèo khổ. Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” được thể hiện rất rõ nét và rất cảm động. Họ là những con người tuy nghèo khó, ít học, nhưng vẫn thấy tầm quan trọng của sự học và luôn luôn mong mỏi con em mình được học hành chu đáo. Quan niệm của phụ huynh của ngày ấy có nhiều ưu điểm hơn ngày nay, cha mẹ cho con em đến trường không những chỉ có mục đích tiếp thu kiến thức mà còn được những nhà giáo đáng kính dạy làm người. Thế hệ nhà giáo như ông lúc đó phải cố gắng hết sức - tuy tuổi mới hai mươi - nhưng đã phải nhận trách nhiệm đóng vai khả kính, cũng nhờ vậy nên phần nào đã đáp ứng được sự mong mỏi của phụ huynh thời ấy. Quan niệm giáo dục của ngày trước làm cho chúng ta hôm nay  phải suy ngẫm.

Học trò ông đa số là con nhà nông, ít có điều kiện học tập, nhưng nhờ vào sự tận tâm, sự khuyến khích và khen ngợi của ông nên đã tự tin, quyết chí học hành nên sau này đã có nhiều người thành đạt. Ông kể rằng, một người học trờ cũ có tên là Hải, năm 1985 tìm đến thăm ông tại nhà, thầy trò hội ngộ sau gần 40 năm khói lửa. Anh ta vẫn còn giữ lại tấm học bạ cũ đã sờn rách, trong đó có lời phê của ông 36 năm trước. Người học trò cũ đã đưa ông xem và nói rằng: “Con được thành đạt như ngày hôm nay chính là nhờ lời phê của thầy”. Trong tấm học bạ ấy, những thầy giáo khác thì phê là: “Học lực tầm thường”,”Lười học”,”Cần cố gắng hơn”… Riêng ông đã phê: “Học sinh xuất sắc, rất nhiều hứa hẹn. Nếu chịu khó học tập sẽ có một tương lai xán lạn”. Đúng như lời ông nhận xét, người học trò ấy năm 1985 là Phó Tiến sĩ và đang làm cán bộ giảng dạy ở đại học. Điều này nhắc nhở cho chúng ta thấy, chỉ cần có một lời khen đúng mức thì có thể làm thay đổi vận mệnh của một con người.

“Thuở ban đầu” còn cho chúng ta biết thêm một trường hợp đặc biệt nữa. Một học sinh có năng khiếu về ngoại ngữ, chỉ kém ông chừng ba, bốn tuổi, con của một lão nông hiếu học, trọng thầy. Nhờ ông dìu dắt và chỉ bảo tận tình mà sau này trở thành một trí thức có tầm cỡ. Người này chính là Phi Bằng, một trong những người có công đóng góp vào việc xây dựng chương trình Việt ngữ cho Đài BBC ở Luân Đôn trong những năm cuối thập niên 1950. Sau đó, Phi Bằng trở thành Biên tập viên cho một tờ báo nổi tiếng quốc tế là Far Eastern Economic Review (Tạp chí Kinh tế Viễn Đông) có trụ sở đóng tại Luân Đôn. Hiện nay, anh đã về hưu ở Mỹ và chuyên viết sách báo bằng tiếng Anh. Năm 1999, Nhà xuất bản Trẻ - Thành phố Hồ Chí Minh đã cho in một cuốn sách giá trị của Phi Bằng nhan đề: “20 năm tham quan nước Mỹ”. Trong những dịp về thăm quê hương, anh cũng thường đến thăm người thầy cũ của mình.

Tình nghĩa sâu nặng của thầy trò ông nhắc nhở cho thế hệ nhà giáo hôm nay, đừng quên một trong những điều trọng yếu của giáo dục là giáo dục nhân cách cho học sinh bằng hành động gương mẫu của chính mình.

Có một chương trong “Thuở ban đầu” dành hẳn cho một con người lạ lùng và độc đáo có tên là Hĩm Su. Anh ta là học trò ngoài đời của giáo sư Dương Thiệu Tống. Vốn học vấn của Hĩm Su chỉ mới đến lớp Nhì (tương đương với lớp Bốn bây giờ), anh có nghề làm giò chả và kiêm luôn nghề y tá tư. Tuy đã quá tuổi học đường và đã có vợ con nhưng anh là người khát khao hiểu biết, đặc biệt là muốn biết đến nơi đến chốn nhiều lĩnh vực và không bao giờ thoả mãn với những câu trả lời không được rõ ràng của nhiều nhà giáo thời ấy. Lí thuyết về Cơ học lượng tử ở thập niên bốn mươi đối với nước ta còn rất mới mẻ, thậm chí không mấy thầy giáo trung học hiểu thấu đáo, thế mà anh bán giò chả này lại cố công học hỏi và thường bàn đến. Tất nhiên, với trình độ của anh, anh chỉ hiểu đại cương về nó mà thôi. Xét như vậy, cũng làm cho chúng ta thán phục trước sự học hỏi vô vị lợi của anh rồi. Hĩm Su đã được ông không tiếc công sức chỉ dẫn tận tình về một số lĩnh vực mà ông am hiểu - nhất là việc giảng dạy tiếng Pháp. Chỉ trong một thời gian không lâu, anh đã đọc được sách báo viết bằng tiếng Pháp. Ông cho biết, nếu Hĩm Su có điều kiện học tập một cách có căn bản, có hệ thống và được học đến nơi đến chốn thì anh bán giò chả này sẽ trở thành một nhà bác học, một khoa học gia không mấy gì khó khăn.

Bằng chứng là có một học sinh cũ của ông trở thành giáo sư Đại học ở một nước lớn. Và lí thú thay khi du học ở Mỹ, ông gặp lại người học trò cũ. Lúc ấy, ông là sinh viên còn người học trò cũ là giáo sư đại học của một nước kế cận. Ông giáo sư đại học này hồi còn là học sinh của ông ở bậc Trung học không phải là một học sinh xuất sắc nhất xét theo tiêu chuẩn của trường trung học lúc bấy giờ, nhưng lại giống với anh Hĩm Su về phương pháp và thái độ học tập. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến thái độ học tập của phần lớn học sinh hiện nay, bây giờ học sinh ham học mà không ham hỏi, ít khát khao hiểu biết, thiếu lí tưởng. Học sinh đã học một cách thụ động những gì cần thiết cho môn học - nhất là các kì thi, nhưng không quan tâm đến kiến thức dành cho con người sinh hoạt ngoài xã hội hay trong cuộc sống. Học sinh chỉ chấp nhận được những gì đã dạy và hầu như không nêu ra những điều thắc mắc, hoặc học hỏi để hiểu vấn đề cho sâu sắc hơn nữa. 

“Thuở ban đầu” còn có những trang viết về những lời dạy bảo của cha một cách sinh động mỗi khi ông gặp khó khăn trong nghề nghiệp. Cha ông là một người uyên thâm Nho học nhưng rất phóng khoáng, cụ thường dẫn giải kinh điển Nho giáo một cách sáng tạo chứ không gò bó như các nhà Nho thuở xưa. Thật ra, lúc ấy giáo sư cũng không tin tưởng mấy về những huấn điều của Nho giáo, có lúc còn muốn tranh luận với cha mình. Mãi về sau, khi ngồi tại những trường đại học lớn của Hoa Kỳ ông đã được những giáo sư khả kính nước ngoài cho mình thấy giá trị của tư tưởng truyền thống giáo dục của Đông phương. Cho tới lúc đó ông mới thấy được giá trị trong những lời giáo huấn của cổ nhân. Những câu nói to tát, dài dòng của các nhà giáo dục Tây phương đã được Khổng Tử cô đọng lại thành những câu châm ngôn để dạy cho môn đệ mình cách đây hơn 2500 năm. Ông rất hối tiếc! Một kho tàng văn hoá dân tộc sống động, gần gũi ông nhất, đã hé mở cho ông thấy lúc còn thanh xuân, nhưng vì ảnh hưởng Tây học, ông đã vô tình khép lại. Điều này làm cho chúng ta nhớ đến giáo sư Phan Ngọc, người bạn thời trung học của ông, đã từng tâm sự trên báo Tuổi trẻ Chủ nhật: Ông đã từng ân hận vì chỉ tiếp nhận ở cha mình - cũng là một người uyên thâm Nho học - chỉ được chút ít chữ nghĩa. Giá như ông tiếp thu được vốn hiểu biết của cha mình, ông sẽ là người may mắn nhất.

Thế hệ những bậc thầy của giáo sư Dương Thiệu Tống như: Hoàng Xuân Hãn, Tạ Quang Bửu, Đào Duy Anh, Hà Thúc Chính, Nguyễn Thúc Thào…, thế hệ đàn anh của ông như: Nguyễn Hiến Lê, Nguyễn Khắc Viện…, cho đến thế hệ của ông đều có may mắn tiếp thu đầy đủ căn bản của hai nền văn hoá Đông – Tây. Thế kỉ XX đã làm xuất hiện rất ít những con người hiếm hoi ấy. Ở họ thể hiện rõ rệt dấu ấn tinh thần của kẻ sĩ Nho giáo trong phong thái của con người đương đại. Theo tôi, càng về sau này mẫu người như vậy ở nước ta sẽ ít dần rồi hết hẳn vì giáo dục đã đứt liên lạc với truyền thống.

Nền giáo dục truyền thống của dân tộc đã xuất sinh những nhà giáo có nhân cách tuyệt vời. Trong lịch sử giáo dục của đất nước, kể từ người thầy Chu Văn An cho đến thế hệ của ông là còn liên lạc được với suối nguồn của truyền thống. Thật không nói quá lời rằng, thế hệ của thầy ông và thế hệ của ông là hai thế hệ nhà giáo dục mẫu mực nhất trong nền giáo dục Việt Nam thời hiện đại. Tôi muốn ví họ như một loài chim quý sắp bị tuyệt chủng. Trước tình cảnh ấy, chúng ta phải làm gì?

 Hồ Phú Hùng

(*) Thuở Ban Đầu – Hồi Ký Sư Phạm (NXB Trẻ Thành phố Hồ Chí Minh, 1999)
(**) - Giáo sư Phan Ngọc là người nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á với hằng trăm công trình về ngôn ngữ, văn hoá, văn học được viết bằng tiếng Việt, Pháp, Anh. Tác giả của Bản sắc văn hoá Việt Nam.
       - Giáo sư Sử học Đinh Xuân Lâm hiện đang giảng dạy tại Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội.
(***)  Chương trình được soạn thảo dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Gs Hoàng Xuân Hãn - lúc ấy ông làm Bộ trưởng trong chính phủ Trần Trọng Kim. Hội đồng soạn thảo gồm một số Giáo sư và học giả tên tuổi đang dạy học và làm việc tại Huế như : Phạm Đình Ái (Lí, Hoá); Nguyễn Thúc Hào, Nguyễn Dương Đôn (Toán); Tạ Quang Bửu (Vật Lí); Nguyễn Huy Bảo, Linh mục Nguyễn Văn Hiền (Triết); Hoài Thanh, Đào Duy Anh (Việt Văn)... 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét