Thứ Ba, 8 tháng 9, 2015

THẮP SÁNG TƯƠNG LAI

Sau gần một tháng gia đình tôi được sum họp trong cảnh yên vui và đầm ấm, con tôi lại đi xa để tiếp tục công việc còn đang dang dở. Trong những ngày qua, mỗi khi chìm đắm trong tĩnh lặng, tôi hay hồi tưởng đến quãng thời gian con tôi còn nhỏ dại.

Căn gác cũ kĩ trong mái nhà xưa đã trở thành quá khứ, khoảng không gian bé nhỏ ấy là nơi lưu dấu bao kỉ niệm êm đềm của cha con tôi giờ đây thuộc về miền kí ức. Dấu tích xưa còn lại là cây đàn organ điện tử và một kệ sách khoảng hơn hai trăm cuốn của con tôi thuở nhỏ - hiện đang nằm trong căn phòng mới của con tôi. Chiều nay nhìn giá sách, tôi bồi hồi nhớ lại hình ảnh đứa bé ngày xưa thường say mê và cặm cụi trên từng trang sách nhỏ. Lướt qua từng dãy sách mà một thời tôi đã cùng đọc với con trai, bỗng nhiên ánh mắt tôi dừng lại nơi cuốn Tâm Hồn Cao Thượng. Tay mân mê và nhẹ nhàng lật từng trang sách, tôi bắt gặp lại bài Học ĐườngHọc Đường là một bài viết có ý nghĩa nhất trong Tâm Hồn Cao Thượng mà tôi bắt buộc con tôi phải học thuộc lòng và chép đi chép lại nhiều lần để rèn luyện nét chữ. Cuốn vở học trò mà con tôi đã chép cẩn thận những bài học giá trị với nét chữ khá đẹp lúc còn đang học lớp ba đã bị thất lạc từ lâu. Khi con tôi đi học xa, tôi đã tìm đi tìm lại nhiều lần nhưng nó vẫn không lộ diện. Là người hay lưu giữ những kỉ vật của con và mang lòng hoài cổ nên đến giờ tôi vẫn còn hối tiếc.

Hỡi các bậc cha mẹ trẻ! Hãy lưu giữ cẩn thận những kỉ vật thuở ấu thời của những đứa con. Khi trẻ thơ trưởng thành, gia sản này sẽ làm phong nhiêu tâm hồn của chúng. Trước những giông gió phũ phàng của cuộc đời, cõi lòng chúng sẽ lắng dịu, tình yêu thương sẽ đâm chồi nảy lộc và cuối cùng chúng sẽ vượt qua được cơn thử thách.

HỌC ĐƯỜNG 

Enricô con ơi! Việc học đối với con hình như khó nhọc, mẹ con nói phải đấy. Cha chưa bao giờ trông thấy con đi học với cái dáng quả quyết và nét mặt hớn hở như cha mong muốn! Con thử tưởng tượng nếu con ngồi không ở nhà thì ngày giờ của con sẽ trống trải biết là dường nào! Cha chắc chỉ trong vòng một tuần lễ là con lại muốn trở lại nhà trường. Con ơi! Hiện thời, không một đứa trẻ nào là không đi học. Con hãy nghĩ đến những người thợ làm lụng cặm cụi cả ngày, tối đến còn phải cắp sách đi học, những cô thiếu nữ suốt tuần lễ bị giam giữ trong xưởng, chủ nhật đến cũng rủ nhau đi học, những binh lính hết giờ luyện tập cũng đem ra học, viết. Cho đến những trẻ mù, trẻ câm, chúng cũng đều học cả.

Mỗi buổi sáng, lúc con ra trường, con hãy nghĩ cùng giờ ấy, trong thành phố ta có tới ba vạn đứa trẻ cũng như con đi “chầu’’ lớp học trong ba tiếng đồng hồ để được mở mang trí tuệ. Con lại nghĩ: Xấp xỉ giờ này, con trẻ trong các nước trên hoàn cầu đều đi học cả. Con hãy tưởng tượng những trẻ lếch thếch trên những đường hẻm nhà quê, rảo bước trong các phố phường huyên náo, dưới bầu trời oi ả hay trong cơn mưa tuyết lạnh lùng, chúng đi thuyền ở những xứ lắm sông ngòi, cưỡi ngựa qua những cánh đồng mông quạnh, hoặc ngồi “xe trượt’’ trên những bãi băng giá lạnh. Chúng xuống lũng, lên đồi, chúng xuyên rừng lội suối, chúng vượt qua những ngọn đồi hẻo lánh hoang vu. Ăn mặc hàng nghìn lối khác nhau, nói bằng trăm thứ tiếng khác nhau, chúng đi một mình hay lũ năm lũ ba, sách cắp trong tay hay cặp đeo dưới nách.

Từ ngôi trường cùng tột lấp trong ánh tuyết nước Nga cho tới nóc trường hẻo lánh lẩn trong khóm gồi xứ Ả Rập, có tới hàng triệu triệu đứa trẻ cùng học một điều bằng những thể thức khác nhau.

Con lại tưởng tượng cái tổ kiến học sinh ấy gồm có hàng trăm dân tộc khác nhau và cái trường hoạt động ấy, con có cái hân hạnh dự phần rồi con tự nhủ: Ví phỏng một mai sự hoạt động ấy ngừng hẳn thì nhân loại sẽ trở lại đời mọi rợ, sẽ sa vào cõi tối tăm, sự hoạt động ấy là sự tiến bộ, là mối hy vọng, là ánh sáng vinh quang của thế giới vậy.

Cố lên! Tên lính nhỏ trong đạo quân lớn lao kia! Cố lên! Con ơi! Lấy sách vở làm khí giới, lấy lớp học làm quân đội, lấy thế giới làm bãi chiến trường, coi sự ngu dốt là cừu địch và lấy sự văn minh của nhân loại làm cuộc khải hoàn, con phải phấn đấu luôn luôn và chớ hề làm tên lính hèn nhát.

Tâm Hồn Cao Thượng - Edmond De Amicis (Hà Mai Anh dịch)

CHA VÀ CON



















Tình cờ, tôi sưu tầm được một bài luận của một học sinh viết về người cha thân yêu của mình. Bài luận này là một trong những bài luận mà một đại học Mỹ đã yêu cầu thí sinh phải hoàn thành khi nộp hồ sơ xin học đại học. Chủ đề của bài luận là “Hãy kể cho chúng tôi nghe về người đã ảnh hưởng đáng kể đến cuộc đời của bạn” .

Nhận thấy đây là một bài luận hay nên tôi đã tập tò dịch ra tiếng Việt với mục đích chia sẻ cho những bạn trẻ hiện đang có con trong độ tuổi cắp sách đến trường. Từ trải nghiệm bản thân - làm con rồi làm cha - tôi nghĩ rằng những bậc cha mẹ bớt thời gian tìm kiếm danh lợi, ít vui chơi và hưởng thụ cá nhân nhưng dành nhiều thời gian cho con trẻ thì sẽ nhận lại được niềm tin yêu, sự kính trọng và lòng hiếu thảo. Đây là những báu vật mà không bạc tiền nào có thể mua được. Có những món quà vô giá mà đứa trẻ sẽ hân hoan nhận lấy và mãi mãi biết ơn.Thời gian trôi qua rất nhanh, con cái bạn sẽ lớn nhanh như thổi và lúc ấy bạn không thể gần gũi chúng như thuở còn ấu thơ. 

Mười tám năm về trước, khi đọc câu chuyện ngắn về tình cha con của nhà văn Benjamin  J. Stein (Ưu Tiên Một Của Tôi - Lê Anh Dũng dịch), tôi đã xúc động một cách dị thường. Theo ý của riêng tôi, lời kết của tác giả trong câu chuyện: "Dành thời gian cho con, nào phải đâu tôi đã bỏ qua những việc trọng đại trong đời. Dành được thời gian cho con, đó mới chính là điều trọng đại." luôn luôn là chân lí sâu sắc mà tác giả đã sớm lĩnh hội được trong lúc nuôi dạy con cái.
  
Với tôi, sự thất bại lớn lao nhất của cha mẹ không phải là có những đứa con không thành đạt ngoài xã hội; mà sự thất bại lớn lao nhất của cha mẹ là có những đứa con không biết thương yêu và kính trọng bậc sinh thành.

BÀI LUẬN:

Ông là một người không có bằng cấp nào đặc biệt, không đạt những thành tích lớn lao và không có tên tuổi gì cả. Giống như mọi người khác, ông chỉ là một con người bình thường; nhưng đối với tôi ông là người có một tính cách độc nhất vô nhị, sở hữu một sự uyên bác hiếm có và gây ảnh hưởng lạ thường đối với tôi. Ông chính là ba tôi.

Do hoàn cảnh bắt buộc, việc học của ba tôi chấm dứt sau bậc trung học phổ thông, tuy vậy ông đã tự phát triển bản thân mình và truyền lại cho tôi một tính ham hiểu biết đặc biệt về kiến thức. Tôi nhớ lại một cách sống động rằng tôi rất thích thú trong những tiệm sách vào ngày cuối tuần, trong thời gian đó ông đã dùng tất cả số tiền tiết kiệm có được để thành lập một thư viện của gia đình. Vào lúc tám tuổi, tôi bắt đầu đọc Túp lều chú Tom và những câu chuyện về Albert Einstein; vào lúc mười lăm, tôi quay sang đọc Hermann Hesse và Stephen Hawking. Nhưng không chủ đề nào tôi đọc mà ba tôi không luôn luôn khích lệ và chỉ dẫn tôi, ngoài ra ông còn tìm kiếm sự giải thích từ bạn bè của ông bất cứ khi nào ông không thể làm sáng tỏ một khái niệm trừu tượng.

Bên cạnh sự khát khao hiểu biết, tôi cũng thừa hưởng sự kiên trì và tính quả quyết của ông. Mặc dù không có sự rèn luyện từ trước, nhưng khi tôi được năm tuổi, ông bắt đầu tự học và dạy tôi chơi đàn organ điện tử ba giờ mỗi đêm. Sự bền bỉ đã truyền cảm hứng cho tôi trong nhiều năm, tôi đã luyện tập ít nhất thêm hai giờ sau những buổi giảng dạy của ông. Chúng tôi đã làm việc một cách kiên nhẫn, cuối cùng công việc này cũng đem lại cho chúng tôi một kết quả đáng tự hào: tôi được xếp vị trí thứ nhất trong kì thi đàn Organ cấp tỉnh. Nhưng chính sự phát triển cảm xúc mạnh mẽ về âm nhạc, sự rèn luyện tinh thần của chính tôi và sự sẵn sàng vượt qua những trở ngại ở phía trước mới là những thứ đem đến cho ba tôi một niềm vui sướng lớn lao nhất.

Ba tôi cũng khắc sâu trong tôi ý thức về trách nhiệm và sự đồng cảm trong sự quan hệ với mọi người xung quanh thông qua lòng nhân đạo hay qua việc phô bày cho tôi thấy cảnh nghèo khó trên xứ sở của chúng tôi. Lúc tôi lên mười, tôi bắt đầu theo ông đi đến những gia đình nghèo khổ ở những miền quê lân cận để trò chuyện và tặng quà cho những trẻ em trạc tuổi tôi. Khi lớn lên, tôi đã sử dụng nhiều mùa hè dạy miễn phí tiếng Anh cho trẻ em ở những vùng nông thôn của tỉnh nhà. Thỉnh thoảng tôi cảm thấy đè nặng nhưng sự mệt nhọc này đã tiêu tan lập tức khi nghĩ rằng sự thi ân của tôi có thể đem lại cho những người ấy một sự may mắn nhỏ.

Tất cả mọi thứ tôi đều chịu ảnh hưởng sâu sắc từ ba tôi; nếu không có ông tôi đã trở thành một con người hoàn toàn khác. Ông cũng cho tôi thấy rằng, ẩn giấu trong một con người trông vẻ ngoài bình thường có thể là người có trái tim bằng vàng và một tính cách có một không hai. Điều quan trọng nhất là ông đã giúp tôi những bước đi lớn nhất trong cuộc hành trình của đời tôi: dạy cho tôi biết thế nào để đứng vững trên đôi chân của mình và luôn giúp đỡ người khác.

Tam Kỳ, tháng 09/2015