Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

TRƯỜNG CA HỘI TRÙNG DƯƠNG - TIẾNG SÔNG HƯƠNG

Trường ca Hội Trùng Dương được nhạc sĩ Phạm Đình Chương sáng tác vào giữa thập niên 1950. Trường ca Hội Trùng Dương gồm ba phần về ba dòng sông lớn - Tiếng Sông Hồng, Tiếng Sông Hương, Tiếng Sông Cửu Long - tượng trưng cho ba miền của nước Việt mến yêu.

Phạm Đình Chương là một tên tuổi lớn của nền tân nhạc Việt Nam. Trong Trường ca Hội Trùng Dương, ông đã dùng phương pháp kí âm của Tây Phương để ghi lại âm hưởng dân ca của ba miền Bắc, Trung, Nam. Tiếng nói của ba dòng sông chính là tiếng nói tâm tình của người dân những xứ này về khung cảnh thanh bình, về kế dân sinh, về những khó khăn và hiểm họa từ thiên nhiên và giặc ngoại xâm... Trường ca để đời này đã thành công rực rỡ sau khi được ban Hợp Ca Thăng Long trình diễn.

Trong những ngày miền Trung bị bão lụt hoành hành dữ dội, tôi bỗng nhớ đến Tiếng Sông Hương trong Hội Trùng Dương. Với tôi, Tiếng Sông Hương đã đồng vọng với tiếng nói hai con sông lớn Vu Gia và Thu Bồn của xứ Quảng nghèo khó. Chiến tranh đã qua đi khá lâu, người dân nơi đây tuy đã được hưởng cảnh thái bình nhưng "ông trời" vẫn còn làm khốn đốn họ bằng những cơn bão lụt hằng năm.

Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2013

VỀ MỘT NHÀ GIÁO MẪU MỰC

Chiều nay, tôi vào mạng để xem có thước phim nào về GS. Dương Thiệu Tống được đưa lên youtube không thì may mắn thay, tôi đã tìm được một phim tài liệu nói về cuộc đời dạy học và nghiên cứu về giáo dục của GS. Dương Thiệu Tống. Tôi thực sự xúc cảm khi được nhìn thấy những hình ảnh sống động của vị thầy luôn tận tâm, tận lực với nền giáo dục nước nhà cho đến hơi thở cuối cùng. Giờ đây bóng dáng hình hạc xương mai ấy đã trở về với cát bụi, nhưng ngọn lửa trong tim ông vẫn rực sáng một góc trời.

Nếu trong cuộc đời đi học của mình, tôi có diễm phúc được học với một vị thầy giống như thầy Dương Thiệu Tống thì có lẽ cuộc đời tôi đã hoàn toàn rẽ sang một ngả khác. Dường như, hầu hết bạn bè cùng trang lứa với tôi trưởng thành trong một giai đoạn giao thời - một giai đoạn khó khăn của lịch sử - nên hoàn toàn mất đi định hướng và đã bị cơn gió đời thổi giạt, quay cuồng như những chiếc lá thu rơi. Âu đó là số phận! Giả sử có kiếp sau, nếu "hậu thân" của tôi không có duyên được làm một tu sĩ chân chính thì tôi xin nguyện ước được làm một thầy giáo mẫu mực.

Mỗi khi tiếp xúc với người lạ, không hiểu vì sao mà cứ mười người thì hết bảy, tám người nghĩ tôi là nhà giáo. Trong số bảy, tám người đó, có vài ba người lại gọi tôi bằng thầy, và vì thế tôi phải thường cải chính. Tuy không phải là thầy giáo nhưng tự trong căn để, tôi thấy mình có "cái nghiệp" làm thầy. Nói đúng hơn, tôi đã từng làm thầy giáo tại gia - áp dụng triết lí giáo dục của nhiều nhà giáo dục - để nuôi dạy đứa con thành người. Tôi là thứ dân ngoại đạo nhưng luôn có những quan tâm đặc biệt về giáo dục. Phải chăng đây cũng là định mệnh?

Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

CON THẰN LẰN CHỌN NGHIỆP

LỜI DẪN                                                            

Tối qua, tôi nằm đọc lại “Ta Là Cái Đó” (I Am That) của vị thánh  Nisargadatta Maharaj trong đất nước Ấn Độ cổ xưa. Cuốn sách được biên tập và dịch ra Anh ngữ từ các cuốn băng ghi âm những đối thoại theo phong cách Socratic của bậc đạo sư này với người tìm kiếm chân lí trên khắp thế giới.

Trong khi gấp sách để nghiền ngẫm những trực chỉ về Thực Tại Tối Thượng của Nisargadatta Maharaj, tôi thường nhìn lên trần nhà hoặc vách nhà. Khi hôm, bất chợt tôi nhìn thấy một con thằn lằn đang rình và đớp mồi; hình ảnh này làm tôi ngừng suy tư và liên tưởng đến truyện ngắn “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” của Hồ Hữu Tường sáng tác vào năm 1953. So với “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” thì con thằn lằn này có vẻ quá “hung hãn” – mà có lẽ những con thằn lằn khác cũng phải hành động như thế để mưu sinh và tồn tại. “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” được sống trong am và nghe kinh Phật từ những lời tụng của một vị sư già nên nó có được “linh giác”, còn con thằn lằn trong nhà tôi thì sống chung với người trần tục và không được nghe tụng kinh nên có nhiều ám chướng cũng là chuyện đương nhiên - bởi tôi chỉ đọc kinh Phật chứ không biết tụng thành tiếng.

Theo tôi, “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp”  là một truyện ngắn đặc sắc và ý nghĩa nhất mà tôi đã từng đọc. Tôi là  người không bao giờ coi trọng thứ văn chương không có đạo tâm, không mang màu sắc triết lí và đạo học, nhưng đối với loại văn chương dẫn dắt con người về với Suối Nguồn của chính mình, về với Hiện Hữu và Thực Tại thì tôi luôn luôn trân quý. Sáng nay, bỗng nhiên tôi có cảm hứng muốn chia sẻ cùng người thân và và bạn bè nghệ phẩm đích thực này.

Giữa một đường truông thăm thẳm, vắng vẻ và âm u, không một xóm nhà, ít người qua lại, có một cái am nhỏ. Am ấy mới cất, độ non ba năm thôi. Trong am, chỉ có một sư cụ già, thui thủi một mình, quanh năm chẳng được ai thăm viếng. Trước am, nơi giữa sân, chất sẵn một đống củi, vừa lớn, vừa cao ngất, củi sắp vuông vắn, thẳng thắn, dường như được săn sóc chẳng khác một vườn kiểng do một vị lão trưởng giả chăm nom.

Một hôm, trời đã tối rồi, nhà sư vừa lên đèn được một chặp, thì có hai người khách đến trước ngưỡng cửa, vái mà thưa rằng:

- Bạch sư cụ, nhờ ngọn đèn dắt dẫn, chúng tôi mới dõi đến đây. Mong nhờ sư cụ cho tá túc một đêm, sáng mai chúng tôi sẽ lên đường.

Nhà sư ung dung, chắp tay đáp:

- Mô Phật, cửa thiền bao giờ cũng mở rộng cho người lỡ bước.

Rồi dừng một phút, dường như để trấn tĩnh nỗi vui đương sôi nổi trong lòng, nhà sư tiếp:

- Ngót ba năm nay, tôi mở am nơi này, không được một ai đến viếng. Ngày nay là ngày ước nguyện, may được hai ngài quá bước, ghé nghỉ chân. Âu cũng là duyên trước….

Nói xong, nhà sư dọn cơm chay cho khách dùng, và câu chuyện không đề, vô tình dẫn khách đến câu hỏi:

- Bạch sư cụ, chẳng hay sư cụ thích tụng kinh nào?

Vui sướng, vì như gặp bạn tri âm, nhà sư đáp:

- Tôi quy y Phật pháp từ thuở bé, rừng thiền có thể nói rằng đã viếng khắp nơi. Cách ba năm nay, lòng huệ được mở ra… Và từ ấy, tôi chỉ tụng kinh Di Lặc.

Một người khách hỏi:

- Sư cụ có thể cho tôi biết duyên cớ vì sao chăng?

- Mô Phật. Chỉ có lời nói mà độ được người, tôi sao dám tiếc lời? Vậy tôi xin vui lòng nói cho hai ngài rõ. Bởi tôi đọc qua các kinh sách,thấy rằng Phật Thích Ca khi đắc đạo, có dạy: Hai ngàn năm trăm năm về sau, Phật pháp sẽ đến chỗ chi ly, ấy là hồi mạt pháp. Di Lặc sẽ xuống trần mà cứu độ chúng sanh và chỉnh đạo lại. Nay cũng đã gần đến kỳ hạn. Chắc là Phật Di Lặc đã xuống trần mà độ kẻ thành tâm tu hành. Bởi lẽ ấy tôi có nguyện tụng đủ một nghìn lần kinh Di Lặc. Nếu lời nguyện được y, ấy là tôi sẽ đắc đạo.

Người khách thứ hai hỏi:

- Sư cụ đã tụng được bao nhiêu lần rồi?

- Đã được chín trăm chín mươi chín lần rồi. Bây giờ, chỉ còn lần thứ một nghìn; lần tụng của đêm nay. Chắc hai ngài trước có duyên lành, đêm nay đến mà chứng kiến tôi tụng lần thứ một nghìn ấy…

Đến đây, bữa cơm chay đã mãn. Khách mệt mỏi, xin ngả lưng. Nhà sư dọn dẹp trong am cho thanh khiết, rồi bước tới trước bàn Phật, khêu bấc đèn dầu, mở kinh ra mà khởi sự tụng. Tiếng tụng kinh chậm rãi, như nện vào không gian. Thỉnh thoảng một tiếng chuông ngân lên, đánh dấu chuỗi tiếng mõ dài đăng đẳng…

Trước khi nhắm mắt ngủ, hai người khách còn trao đổi vài câu:

- Tội nghiệp thay cho sư cụ già, quá mê tín, mất sáng suốt, mà không giác ngộ. Phật pháp lập ra đã hai nghìn năm trăm năm về trước, tránh sao cho chẳng có chỗ lỗi thời. Nhận thấy chỗ lỗi thời, các môn đệ ắt phải lo tài bồi, phát triển mối đạo. Thế là có tư tưởng này, học thuyết nọ; rồi sanh ra môn ra phái. Ấy là nguồn gốc của sự chi ly. Nay rừng thiền đã hơn tám mươi bốn ngàn cội khác nhau, ấy là lẽ dĩ nhiên vậy.

- Tôi cũng đồng ý với anh về chỗ đó, và nghĩ thêm rằng: Nếu bây giờ có một vị Di Lặc xuống trần, thì vị ấy có trọng trách cất nhắc Phật pháp cho kịp với mọi sự tiến hóa của mọi sự việc từ hơn hai nghìn năm nay. Và trách nhiệm của mỗi tín đồ của Phật là dọn mình cho sẵn, để đón rước cái Pháp mới sắp ra đời. Chớ mê mải trong việc gõ mõ tụng kinh, há chẳng phải là phụ lòng mong của Thích Ca chăng?

Lời nói của hai người khách giữa cái am vắng vẻ, không dè có kẻ trộm nghe. Kẻ nghe trộm này là một con thằn lằn, đến ở am khi am vừa mới dựng lên, và đã từng nghe chín trăm chín mươi chín lần kinh, nên có linh giác, nghe được tiếng người, biết suy nghĩ và phán đoán. Câu phê bình của hai người khách đã giúp chocon thằn lằn giác ngộ. Nó vốn biết nguyện vọng của nhà sư: là hễ tụng xong lần thứ một nghìn, thì nhà sư sẽ lên giàn hỏa mà tự thiêu… Rồi nó nghĩ: nhà sư lòng còn mê tín, chưa được giác, phỏng có thiêu thân, thì làm sao nhập được Niết Bàn? Hay là ta tìm thế ngăn người, đừng để cho người thiêu thân, đợi chừng nào người được giác rồi sẽ hay?

Rồi con thằn lằn quyết định: Phải ngăn ngừa, đừng để nhà sư tụng xong lần thứ một nghìn. Nó nghĩ được một kế: Ấy là bò lên bàn Phật, đến dĩa đèn dầu, rán sức mà uống cạn dĩa dầu. Bấc sẽ lụn, đèn tắt, nhà sư không thấy chữ mà tụng nữa.

Một sức mầu nhiệm đã giúp cho con thằn lằn đạt được ý nguyện: chỉ trong một hơi mà dĩa dầu đã cạn: bộ kinh chỉ tụng được quá nửa mà thôi. Đèn tắt, nhà sư ngạc nhiên, nhưng nghĩ: hai người khách là kẻ phàm tục, không được duyên lành chứng giám việc đắc đạo của mình. Âu là xếp kinh, nghỉ, chờ ngày mai khách lên đường, sẽ tụng lần thứ một nghìn ấy.

Nhưng, sau đó đêm nào cũng vậy, buổi đọc kinh chưa xong mà đèn lại tắt đi. Nhà sư có lúc tính tụng kinh lần này vào khoảng ban ngày, nhưng nhớ lại khi xưa đã có lời nguyện tụng kinh vào lúc khuya, tĩnh mịch, nên không dám đổi.

Và một đêm kia, dằn lòng không được, tuy tụng kinh mà mắt chốc chốc nhìn lên dĩa dầu để xem sự thể do đâu, nhà sư bắt gặp con thằn lằn kê mỏ mà uống dầu. Nổi giận xung lên, nhà sư dừng gõ mõ, và mắng rằng:

- Loài nghiệt súc! Té ra mi ngăn ngừa không cho ta được đắc đạo!

Rồi tay cầm dùi mõ, nhà sư nhắm ngay đầu con thằn lằn mà đập mạnh. Con thằn lằn bị đánh vỡ đầu, chết ngay. Hôm ấy, nhà sư tụng xong lần kinh, bước lên dàn hỏa, tự châm lửa mà thiêu mình.

Và cũng đêm ấy, hai cái linh hồn được đưa đến trước tòa sen của Phật. Uy nghiêm, ngài gọi nhà sư mà dạy:

- Nhà ngươi theo cửa thiền từ thuở bé, mà chẳng hiểu bài học vỡ lòng của pháp ta là thế nào! Pháp ta đã dạy phải trừ hết dục vọng thì mới đắc đạo, mà ngươi dục vọng lại quá nhiều: bởi việc muốn đắc đạo, để được thành Phật kia cũng là một cái dục vọng. Có dục vọng ấy là Tham ; bởi tham nên giận mắng con thằn lằn, ấy là Sân; bởi sân nên tưởng rằng trừ được con thằn lằn thì tha hồ tụng kinh, rồi đắc đạo, ấy là Si. Có đủ Tham Sân Si tất phải phạm tội sát sanh, thì dầu ăn chay trường trọn đời, cũng chưa bù được.

Tội ngươi lớn lắm, phải rán tu luyện thật nhiều mới mong chuộc được. Vậy ta truyền cho Kim Cang, La Hán hốt cho hết đống tro do xác ngươi thiêu mà hóa ra, rồi đem tro ấy tung khắp bốn phương trời. Mỗi một hột tro đó sẽ biến sanh thành một người. Chừng nào mọi người ấy đắc đạo, đám chúng sanh ấy sẽ được quy nguyên, trở hiệp lại thành một, thì nhà ngươi sẽ đến đây mà thành chánh quả. Rồi Phật cho gọi hồn con thằn lằn mà dạy:

- Nhà sư chưa được giác mà làm tội, tội ấy đáng giá là một mà thôi. Còn nhà ngươi, được giác một phần rồi, mà làm tội, thì tội đáng kể là mười.

Con thằn lằn lạy mà thưa rằng:

- Bạch Phật tổ, lòng của đệ tử vốn là muốn độ nhà sư, dầu nát thân cũng không tiếc. Chẳng hay đệ tử có tội chi?
Phật phán:

- Muốn độ người, kể thiếu chi cách, sao ngươi ngăn đón việc tụng kinh của người? Đã đành rằng việc tụng làm của nhà sư là một việc mê tín, nhưng dầu là mê tín, song vẫn là một tín ngưỡng. Cõi Phật vốn là cõi tự tại. Nếu phạm đến tự do tín ngưỡng, gọi là để dắt người vào, thì làm sao cho được. Bởi ngươi không dùng phương pháp tự do, người là kẻ mất tự do, thì cả hai làm sao được vào cõi tự tại?

Một lần nữa, con thằn lằn được giác, quì lạy mà xin tội:

- Xin Phật tổ mở lòng từ bi, cho đệ tử hóa sanh một kiếp nữa, để dùng phương pháp tự do mà độ vô số chúng sanh do những hột tro, mà các vị Kim Cang, La Hán vừa tung ra đó.

Phật đáp:

- Ta cho ngươi được toại nguyện.

Hồn con thằn lằn vừa muốn lạy Phật mà đi đầu thai, thì sực nhớ lại, nên bạch rằng:

- Xin Phật tổ dạy đệ tử phải hóa sanh làm kiếp chi?

Phật đáp:

- Nhà ngươi đã gần bến giác, phải tự mình chọn hình thể mà hóa sanh. Tự do chọn lựa mới có thể luyện mình để bước vào cõi tự tại.

Hồn con thằn lằn từ ấy trôi theo mây gió, không biết trụ vào đâu, để có thể vừa dùng phương pháp tự do mà độ người, vừa có thể độ được đông người, số người đông như số hột tro do một cái xác thiêu ra. Thật chưa hề có lúc nào có một linh hồn bị trừng phạt phải đau khổ đến thế…

Một hôm trong hồi xiêu bạt, hồn con thằn lằn thấy bóng của một trong hai người khách đã đến am thuở nọ, mà câu chuyện nghe lóm đã làm duyên cho mình mấy năm đau khổ.

Thằn lằn vội vã bay theo vái chào và kể nỗi niềm đau đớn:

- Ngài đã giúp cho tôi giác ngộ được một ít, có hay đâu tôi phải mang cái nghiệp vô định này. Đã trót làm ơn, xin độ cho tôi đến bờ bến.

Hai ông khách đáp:

- Chúng tôi đâu dám lên mặt thầy đời mà dạy người, huống chi lại dám đèo bồng mang lại một giải pháp cho một vấn đề nan giải. Nhưng đã lỡ gieo trong trí ngươi một ý nghĩ làm cho ngươi phải khổ như bây giờ, thì phải góp ý kiến để cho ngươi suy xét mà gỡ rối. Ấy gọi là chuộc lỗi.

Hồn con thằn lằn gật đầu, cảm ơn trước. Một người khách nói:

- Chúng tôi đây là bọn chơi văn giỡn chữ, quanh năm chỉ lấy việc đem ý hay lời đẹp mà làm cho vui lòng kẻ đọc mình, rồi lấy sự vui của người làm sự sung sướng của mình, cho đó là sự “đắc đạo” của mình. Nếu phải mong muốn điều gì, thì cố gắng trình bày cho bóng bẩy, văn hoa: được thì tốt, bằng không thì thôi, chớ chẳng hề khi nào phạm đến tự do của người…

Nghe đến đó, thì một điểm linh quang bắt đầu hiện trong trí con thằn lằn. Người khách thứ hai nói tiếp:

- Xưa nay, trong bọn chúng tôi cũng được một vài tay lỗi lạc, kể một chuyện lý thú, hát một bài thơ hay, chuyện ấy thơ này được truyền ở hàng triệu miệng. Vậy, nếu ngươi có lòng muốn độ hằng hà sa số chúng sanh, thì cố gắng trau dồi văn tài cho tương xứng, văn ngươi tung ra là có thể cảm hoá triệu triệu người… Rồi, cũng phải luyện văn tâm, để cho văn ngươi có thể nhen nhúm được trong lòng mỗi người một điểm lửa thiêng. Lửa bắt cháy, văn của ngươi như dầu rót thêm vào, làm cho ngọn lửa sáng lên…

Hồn con thằn lằn gật đầu ba cái để tạ ơn và nói rằng:

- Con đường ấy khó đi cho đến hết được, song chắc chắn là đi cùng đường, ắt có thể đến trước tòa sen mà chầu Phật tổ. Vậy tôi xin cố gắng.

(Ảo Tượng - Tập truyện ngắn nhiều tác giả - NXB Lá Bối, Sài Gòn 1965)

LỜI BẠT

Hồ Hữu Tường là học giả, nhà văn, nhà báo và nhà chính trị độc lập nổi tiếng của miền Nam trước đây. Tôi chỉ quan tâm đến những giá trị vĩnh cửu như đạo học và triết lí nên không mấy quan tâm đến vấn đề chính trị, vì thế tôi không phán xét – và cũng không có quyền để phán xét - chuyện đúng sai của ông ở đây. Công việc này dành cho những sử gia chân chính trong một không gian và thời gian khác.

Số phận “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” là số phận của những ai muốn chống lại tham, sân, si và đứng ra cản đường ám chướng u mê của con người. Phải chăng “Con Thằn Lằn Chọn Nghiệp” là điềm báo về số phận của chính tác giả? Qua cơn biến động phũ phàng của thời đại, sự nghiệp văn chương và văn hóa của ông thì thành công, còn sự nghiệp chính trị thì xem như hoàn toàn thất bại. Là hàng hậu bối, tôi nguyện cầu cho “hậu thân” của ông không đi vào con đường chính trị mà mãi mãi đi theo con đường văn hóa.

Thứ Bảy, 5 tháng 10, 2013

VỀ CHẤT LƯỢNG GIÁO DỤC ĐẠI HỌC CỦA VIỆT NAM

Không biết bao giờ các ĐH Việt Nam mới được đứng vào trong các bảng xếp hạng dưới đây để con em nước Việt khỏi bị cảnh tị nạn giáo dục và hàng tỉ đô đa hằng năm không đội nón ra đi. Với tình trạng giáo dục đại học lạc hậu và tiêu cực hiện nay, có lẽ Việt Nam phải mất cả trăm năm nữa chăng?

Cũng vì chất lượng giáo dục đại học yếu kém như thế cho nên các nước Âu Mỹ không công nhận bằng cấp ĐH của Việt Nam. Hầu hết các nước Âu Mỹ chỉ chấp nhận bằng tốt nghiệp của ĐH Việt Nam làm cơ sở học tiếp bậc Cao học (Graduate) mà không được nhận vào để làm công việc tương đương với chuyên môn được ghi trên bằng cấp. Thực tế đã cho thấy, người có bằng kĩ sư của ĐH Bách Khoa khi sang Mỹ định cư thì chỉ làm công nhân hoặc may mắn lắm thì được làm công việc của một kĩ thuật viên; người tuy đã có bằng bác sĩ của ĐH Y Dược nhưng vẫn không được nhận vào làm y tá trong bệnh viện...

Việc xếp hạng ĐH của các bảng xếp hạng trên thế giới có thể chưa chính xác cho lắm, nhưng khi một ĐH đã được nằm trong bảng xếp hạng thì chứng tỏ là ĐH đó đạt yêu cầu cao về chất lượng đào tạo.