Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

ĐÔI DÒNG TỰ BẠCH

Quê ngoại tôi ở làng Bàn Tân, Đại Lộc, Quảng Nam nhưng ông ngoại tôi - tên là Tôn Thất Minh - người gốc Huế và thuộc dòng họ “con vua cháu chúa” của triều đình nhà Nguyễn ngày xưa. Lúc còn nhỏ, ông ngoại tôi theo phía bên ngoại của mình từ Huế vào Điện Bàn, Quảng Nam lập nghiệp. Đến khi trưởng thành, ông ngoại tôi cưới vợ - bà ngoại tôi là con gái tộc “Nguyễn Đình” ở Bàn Tân - rồi nhận Đại Lộc làm quê hương thứ hai của mình. Ông ngoại tôi nói giọng Huế đặc sệt, mạ và hai cậu của tôi sinh trưởng tại Quảng Nam nên chỉ nói giọng Quảng mà không nói được giọng Huế như ông.

Thuở còn trai trẻ, tính tôi ngang ngạnh và hay lý sự. Phải chăng đây là cá tính của người dân xứ Quảng - Quảng Nam hay cãi? Dù là bậc trưởng thượng nhưng khi lời nói ra nghe không thuận tai tôi thì tôi cũng phản ứng lại ngay. Cậu út tôi mang họ của vua chúa nên rất tự hào về dòng dõi của mình, mỗi khi nhắc đến chuyện dòng tộc thì ông thường cho dòng họ của mình cái gì cũng nhất. Có lần ông bảo tôi rằng: “Thời nhà Nguyễn còn làm vua, con cháu Tôn Thất có bị vi phạm tội tình gì thì chính quyền địa phương không được quyền đụng chạm đến mà chỉ gửi người ấy về Phủ Tôn Nhơn ở Huế xét xử”. Vì vậy, chính quyền địa phương rất ngán hạng “con vua cháu chúa” này. Nghe vậy, tôi liền cãi lại: “Mấy ông vua phong kiến đó bao che quá, làm như vậy những người được ưu đãi đó sẽ ỷ lại và nhiều khi họ gây rối cho chính quyền sở tại.”. Khi nghe cậu tôi ca ngợi về dòng họ bên ngoại, tôi không muốn ăn theo mà lí luận như sau: “Dòng họ nhiều đời nào cũng đông người, vì thế luôn có người giàu sang – kẻ bần hàn, người lương thiện – kẻ độc ác, người làm tướng – kẻ làm tôi, người thông minh – kẻ ngu đần... Ở đời, được làm vua, thua làm giặc là chuyện thường tình. Có gì đâu mà phải hãnh diện.”. Lần ấy cậu tôi rất giận và mắng tôi một trận nên thân.

Cũng do tính tình ngang bướng như vậy nên ba tôi không ưa tôi, hình như ông chẳng dành cho tôi một chút tình cảm nào. Ba tôi là một trong những người độc tài số một trên thế gian này, con cái trong nhà rất sợ ông. Những điều ông nói ra thì luôn luôn đúng và con cháu phải biết câm miệng lắng nghe. Dù trong lòng tôi rất sợ ông, nhưng có gì không vừa ý thì tôi cũng kiếm cách nói lại cho bằng được. Nhà độc tài nào mà chịu nổi cảnh “thần dân” của mình bất tuân và chống đối? Chỉ có phương cách là đàn áp, nhiều lần ba tôi đã áp dụng điều này với tôi. Lúc ba tôi còn sống ông là y tá tư có tiếng tại cái thị xã Tam Kỳ nhỏ bé của thời ấy, tôi là y sĩ thất nghiệp nên phụ việc cho ba tôi. Trong gần hai năm cộng tác với ba tôi, vì xung đột giữa hai thế hệ, vì bất đồng quan điểm, nhiều lần tôi chán nản bỏ nhà ra đi. Lần cuối cùng, vào mùa thu năm 1983 tôi bỏ về nương náu tại quê ngoại ở làng Bàn Tân, Đại Lộc. Ở quê ngoại được khoảng hai tháng, tôi nghe nói ba tôi đau yếu nên tôi trở về giúp việc cho ông. Vào cuối mùa đông năm ấy, ba tôi bị tai biến mạch não và ra đi vĩnh viễn. Nay tôi ở độ tuổi gần bằng ba tôi và lớn hơn tuổi cậu tôi lúc đó, ba và cậu tôi đã ra người thiên cổ nhưng tôi thì vẫn giữ nguyên cá tính trời cho – dù thời gian đã bào mòn đi khá nhiều góc cạnh. Bởi vậy cho đến tận bây giờ, tôi cũng không làm vừa lòng mạ tôi nhiều lắm!

Lòng tôi thường hoài vọng và bâng khuâng mỗi khi nghe nhắc đến những địa danh của xứ Huế.  Trong dòng máu đã pha loãng của tôi còn đôi chút “chất Huế” chăng? Hôm nay, trong sự cô đơn tĩnh lặng của một ngày giữa thu, trong cái buồn hiu hắt của xứ Quảng nghèo khó, tôi đã nghe đi nghe lại lại vài nhạc phẩm về Huế. Khi nghe nhạc, vô thức tôi bỗng nhiên lay động và gợi lại những câu chuyện không đâu của một thời quá vãng.

(685) Quang Lê và Ngọc Hạ - Ai Ra Xứ Huế (Duy Khánh) PBN 73 - YouTube

ĐÊM TÀN BẾN NGỰ

Tôi theo chân người trong mộng ra thăm Huế lần đầu tiên vào một chiều nhạt nắng của cuối thu năm 1984. Ngay những phút giây đầu tiên, khung cảnh êm đềm và thơ mộng của đất Thần Kinh đã đem lại cho tôi một nguồn cảm xúc vô tận. Dẫu bao năm tháng trôi qua nhưng dấu xưa vẫn không bao giờ phai nhòa trong tâm tưởng. 

Sáng nay cảm hứng xưa trở mình, để gợi lòng nhớ thương Huế, tôi nghe lại nhạc phẩm “Đêm Tàn Bến Ngự” của nhạc sĩ Dương Thiệu Tước. Dương Thiệu Tước là một trong những nhạc sĩ khai sáng nền tân nhạc Việt Nam. Mặc dù theo học âm nhạc Tây Phương nhưng nhạc phẩm của ông luôn được xây đắp bằng chất liệu của dân tộc. Ông đã dùng cách kí âm của Tây Phương để ghi lại âm hưởng của âm nhạc cổ truyền – đây là một sự sáng tạo độc đáo.

Thời trai trẻ, vì quá ngu dại nên tôi ít khi chịu nghe nhạc cụ dân tộc hoặc những nhạc phẩm có âm hưởng cổ truyền. Lúc ấy, tôi có một quan niệm rất hời hợt là chỉ có âm nhạc cổ điển Tây Phương mới thực sự có giá trị, còn âm nhạc cổ truyền Việt Nam là một thứ gì quê mùa, cổ hủ... Bây giờ ngẫm lại, tôi hiểu ra rằng đa số thanh niên thuộc thế hệ tôi và thế hệ đàn anh tôi - hơn tôi khoảng hai mươi tuổi trở lại - là những thế hệ bị bật rễ và mất gốc. 

Năm ngoài ba mươi tuổi, tình cờ được nghe Giáo sư Trần Văn Khê thuyết trình về nhạc cụ dân tộc và nhạc cổ truyền Việt Nam trên trên vô tuyến truyền hình, tôi mới sáng mắt. Cách đây gần mười lăm năm, nhờ đọc được bộ Hồi Ký Trần Văn Khê, tôi mới thấy rõ hơn giá trị của âm nhạc dân tộc. Tên tuổi của Giáo sư Trần văn Khê đã lừng lẫy khắp năm châu bốn bể, tôi mạo muội nhắc đến ông ở đây để làm minh chứng.

Những dòng chữ viết ở trên là thay lời tạ lỗi của một thời đui mù và ngu dại! 





Thứ Năm, 12 tháng 9, 2013

BẢNG XẾP HẠNG CÁC VIỆN ĐẠI HỌC TỐT NHẤT NƯỚC MỸ

Hằng năm, tạp chí US.News công bố bảng xếp hạng các viện ĐH Mỹ. Bảng xếp hạng của US.News là bảng xếp hạng được đánh giá cao và có uy tín tại Hoa Kỳ.

https://www.usnews.com/best-colleges/rankings/national-universities


11/09/2013 18:15 (GMT + 7)
ĐH Harvard mất vị trí đại học tốt nhất nước Mỹ

TTO - Kết quả xếp hạng các trường đại học Mỹ của báo US News, một trong những bảng xếp hạng được theo dõi sát sao nhất, vừa được công bố vào ngày 10-9 với một kết quả bất ngờ: ĐH Harvard (bang Massachusetts), đại học lâu đời nhất của nước Mỹ, đã rơi xuống hạng 2.


ĐH Harvard đã nhường vị trí đầu bảng cho ĐH Princeton (bang New Jersey). Sau 5 năm liền được đánh giá cao hơn hoặc đồng hạng, ĐH Harvard đã trao đổi vị trí với ngôi trường đối thủ của mình trong khối Ivy League (khối 8 trường đại học danh tiếng ở vùng Đông Bắc nước Mỹ).

ĐH Princeton là ngôi trường lâu đời thứ 4 của Mỹ với nhiều ngành nghiên cứu nổi tiếng hàng đầu thế giới như khoa Kinh tế, Lịch sử, Toán học và Vật lý. Trường là nơi giảng dạy và học tập của nhiều nhân vật nổi tiếng trong lịch sử như Einstein, Đệ nhất Phu nhân Michelle Obama, John Nash - cha đẻ của Lý thuyết Trò chơi hay người tiên phong của môn khoa học máy tính Alan Turing.

ĐH Princeton còn là trường đầu tiên của Mỹ công bố chính sách, hỗ trợ tài chính cho sinh viên mà không yêu cầu sinh viên phải nhận nợ. Trong số 5.336 sinh viên đang theo học ở trường, Princeton trao học bổng cho gần 60% số học sinh với mức học bổng trung bình gần 40.000 đô la Mỹ/năm.

Được biết, đây không phải là lần đầu tiên ĐH Princeton được xếp ở vị trí cao nhất.

Trước đó, ngôi trường này đã có 8 năm liền (2001-2008) đứng ở vị trí đầu bảng của báo US News.

VŨ THANH (từ Mỹ)