Thứ Bảy, 6 tháng 7, 2013

TRONG NỖI NHỚ MÊNH MÔNG

Chiều nay, trong không gian tịch lặng của căn gác nhỏ, trong cái nóng như thiêu như đốt của mùa hè xứ Quảng, tôi nằm đọc Đánh Thức Trí Thông Minh (Awakeing of Intelligence) của Krishnamurti. Trong lúc gấp sách mơ màng, bỗng nhiên cảnh cũ bạn xưa tuôn về làm tràn ngập tâm tưởng tôi như một cơn lũ. Dẫu biết rằng những thuyết giảng của Krishnamurti là hiện thân của phi tư tưởng, phi kiến thức, phi kí ức, phi thời gian… nhưng không hiểu sao hôm nay tâm tư tôi quyết “chống chọi” lại tinh thần của vị đạo sư.

Hè năm 1978, tôi theo chân một người bạn vừa mới thân quen từ Đà Nẵng về thăm quê ngoại ở làng Bàn Tân, Đại Lộc. Người bạn cũng là một người anh bà con phía bên ngoại tôi và làng Bàn Tân là quê nội của anh ấy. Ngày đó, ngôi làng nhỏ thật thanh bình và yên tĩnh - nhất là những đêm trăng sáng. Nhà bạn tôi nằm sâu trong một khu vườn rộng, những đêm khuya, sân vườn đầy vẻ thâm u và quyến rũ. Sau khi mẹ bạn mất một thời gian, thân sinh của bạn tôi đã xuôi Nam và về sau định cư ở một nơi cách quê nhà cả hàng vạn dặm nên khu vườn xưa giờ đã thuộc về người khác.

Nhiều đêm, ngồi chơi trong vườn cùng bạn nhưng tôi cứ thẫn thờ nhìn ánh trăng dịu mát, thỉnh thoảng những ca từ tuyệt đẹp như “Đường em có đi, hằng đêm bước qua nở những đóa hoa ôi dị kì. Đường êm có khi, chờ em bước qua là nghiêng giấc mơ ước thề. Ngàn sao sáng xa, nhìn em thướt tha, rụng rơi vướng mây tóc ngà… Đường em cứ đi, tình ta cứ xây, chờ em thoát thai quay đường về. Đường quanh khúc co, nhịp chân trói vo, đường duyên ấm vui, đường mơ.”  (Đường Em Đi - Phạm Duy) hoặc “Dìu nhau đi trên phố vắng. Dìu nhau đi trong ánh sáng. Dắt hồn vào giấc mơ vàng. Nhẹ nhàng dìu nhau đi chung một niềm thương… Dìu nhau sang bên kia thế giới. Dìu nhau nương thân ven chín suối. Dắt dìu về chốn xa vời. Đời đời dìu nhau, đưa nhau vào nghìn thu.”  (Thương Tình Ca - Phạm Duy) cùng tiếng đệm nhỏ nhẹ của cây đàn guitar được vang lên trong đêm thanh vắng. Tuy mới tuổi mười tám nhưng phần nào tôi đã nhận ra sự vô thường hư ảo và nỗi khổ đau của một kiếp nhân sinh. Cũng vì thế, đến tận hôm nay đời tôi chẳng tựu thành được một điều gì quý giá và mãi mãi chỉ là con số không.

Dòng sông Vu Gia hiền hòa xuôi về biển cả chảy ngang qua làng Bàn Tân, Đại Lộc. Mùa nắng, dòng sông phẳng lặng và êm đềm bao nhiêu thì mùa lũ lại cuồng bạo và hung dữ bấy nhiêu. Một chiều nắng nhạt, trên chuyến đò ngang xuôi dòng Vu Gia từ làng Bàn Tân sang chợ Phường Đông, tôi được bạn kể nghe câu chuyện về cuộc đời, về hành trình truy tìm chân lí và con đường dẫn đến sự giác ngộ của Tất Đạt - nhân vật chính trong Câu Chuyện Dòng Sông (Siddhartha) của Hermann Hesse. Khi nghe bạn nhắc đến cái tên Tất Đạt, tôi liền nhận ra gương mặt thân quen ấy, vô thức ngủ yên bắt đầu lay động. Hè năm 1975, tôi - một cậu bé mười lăm tuổi mê sách - tình cờ bắt gặp Câu Chuyện Dòng Sông và chiếm giữ nó. Tâm trí tôi còn quá non nớt nên không thể nào hiểu nổi ý nghĩa thâm trầm của kiệt tác tâm linh ấy và cuốn sách đã bị thất lạc lúc nào tôi cũng không hay. Giờ đây mỗi khi nghĩ lại, tôi vô cùng hối tiếc vì đã đánh mất kỉ vật quý giá này.

Chiếc ghe với mái chèo nhẹ nhàng lướt trôi. Trong cảnh bềnh bồng sông nước, có mây trắng ngang trời và xa xa là đồi núi chập chùng, người bạn đã say sưa dẫn dắt hồn tôi vào cõi mộng tưởng thênh thang, nhưng thực ra, lúc bấy giờ tôi chưa thấu hiểu về sự giác ngộ. Sau đó do bận bịu việc học hành, câu chuyện về chàng Tất Đạt đã đi vào quên lãng. Mùa thu năm 1983, khi tinh thần gặp hồi khủng hoảng, tôi may mắn được một người chị - bây giờ là chị vợ - tặng cuốn sách nói trên thì bấy giờ tôi mới đủ sức thể nhập vào dòng sông bất diệt luôn luôn dạt dào tuôn chảy. Gần trọn mùa đông năm 1983, cùng với Hermann Hesse và dòng sông Vu Gia, tôi đã sống những tháng ngày thơ mộng nhất đời mình. Câu chuyện như có một ma lực và vô cùng lôi cuốn nhưng vì chưa trải nghiệm nhiều nên tôi chưa cảm nhận đầy đủ đời sống nội tâm của chàng trai trẻ Bà la môn - người thương gia - lão chèo đò - bậc giác ngộ có tên là Tất Đạt của mấy ngàn năm trước trên mảnh đất vô vi Ấn Độ. Mãi cho đến năm 1992, lúc bắt đầu đọc sách về Thiền Tông, tôi mới hoàn toàn thấu hiểu những gì Hermann Hesse muốn chuyển tải. Câu Chuyện Dòng Sông đã xoay chuyển hướng đời và xô đẩy tôi đi về một vùng trời mù sương và vô định.

Từ lâu, tôi đã dự tính sẽ viết một bài hồi ức có nhan đề “Ông bà ngoại tôi và làng Bàn Tân - Đại Lộc”  để tưởng niệm ông bà ngoại, để gợi nhớ tình yêu thương vô bờ mà ông bà đã dành cho tôi và cưu mang tôi trong cái thời mạt vận ấy. Tôi cũng dự tính viết “Hermann Hesse,Tôi và Câu Chuyện Dòng Sông”  để tạ ơn người đã mở lối vào khu vườn kì bí Đông Phương và cho tôi nhìn ra cội nguồn của ánh sáng nguyên sơ. Tuy đã tự hứa với mình nhiều lần, nhưng mỗi khi chấp bút là mỗi lần tôi bị lạc trong mê lộ của thế giới ngôn từ và đánh mất sự tĩnh lặng của tâm thức nên đến nay vẫn chưa thực hiện được.

Kể từ sau năm 1979, do hoàn cảnh sống, tôi và người bạn ấy hiếm khi có dịp ngồi lại với nhau. Năm 1991, sau nhiều năm xa cách tôi gặp lại bạn. Qua bao thăng trầm dâu bể, bạn tôi vẫn còn cư ngụ trong căn nhà tại một con hẻm nhỏ trên đường Đống Đa, Đà Nẵng. Đây chính ngôi nhà nhỏ bình yên của riêng người bạn từ thời trai trẻ mà tôi đã có dịp đến chơi lần đầu vào mùa hè năm 1978. Gặp nhau vào lúc tình trạng kinh tế của gia đình bạn đang lâm vào cảnh khốn khó, nhưng tình bạn vẫn như xưa. Những trưa nắng đổ lửa, những đêm hè oi bức của những năm 1991-1993, trên căn gác chật chội và nóng hầm hập ấy, câu chuyện về sự giác ngộ vẫn là đề tài thường xuyên được nhắc đến. Cuối năm 1993, bạn tôi bỏ xứ vào Nam để tìm kế mưu sinh, ngôi nhà đã vào tay người khác. Không biết giờ đây ngôi nhà ấy như thế nào, đã được sửa sang hay bị người chủ mới dỡ bỏ hoàn toàn để xây lại thành căn nhà khác? Giờ đây trong kí ức không phai mờ của tôi, ngôi nhà có căn gác gỗ thân yêu vẫn luôn hiện hữu. Làm sao để có được một đêm tôi cùng người bạn trở về nằm yên trên căn gác đơn sơ để cảm nghiệm lẽ vô thường sinh tử?

Nhờ trời, sau bao năm vất vả, bạn tôi đã được thong dong trong ngôi nhà ba tầng và mảnh vườn nhỏ cạnh bên luôn tươi màu hoa lá - niềm mơ ước của bao người chọn Sài Gòn làm quê hương thứ hai. Dù đã đến thăm chơi và ở lại nhiều lần trong ngôi nhà rộng rãi, thoáng mát đó nhưng sao tôi vẫn cảm thấy thiếu sự gắn bó và thân thuộc. Suy nghĩ lan man đưa tôi về câu chuyện của họa sĩ bậc thầy về tranh sơn mài Nguyễn Gia Trí. Một thời gian sau khi bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” của họa sĩ Nguyễn Gia Trí được bán với giá rất cao, ông bị bệnh nặng và phải nhập viện dài ngày. Lợi dụng lúc ông vắng nhà, con cái ông đập bỏ cái nhà và xưởng vẽ cũ nát, hư hỏng vì mấy chục năm không tu sửa và xây dựng một ngôi nhà khang trang khác. Khi xuất viện và được người nhà đón về, vừa đến cửa ông không chịu vào và bảo rằng đây không phải là nhà của mình. Khi con cái cho biết đây là ngôi nhà vừa mới được xây dựng lại thì ông hờn dỗi và bắt đền mọi người. Hơn mười năm về trước tôi chưa đủ sức để cảm nhận được tâm trạng của ông nên nghĩ rằng đây là một ông già kì cục, nhưng nay tôi đã thấu hiểu. Phải chăng tôi đã già mất rồi và đang trở thành người hoài cổ?

Trí nhớ mênh mông lại đưa tôi về những đêm hè của năm 1980 của một khung trời cũ với một người bạn khác. Tôi và người bạn học cũ hay thức khuya trong căn nhà dưới chân đồi ở làng quê Đại Hanh - nay thuộc huyện Phú Ninh - để nhàn đàm về những mộng ước ấu thời không thể thực hiện. Dưới ánh sáng tù mù của cây đèn dầu, càng về khuya cảnh vật càng im ắng, thôn xóm đã chìm vào giấc ngủ mà trong gian bếp nhỏ, hai chàng trai trẻ vẫn còn thì thầm thâu đêm. Trong thời buổi nghèo khó năm xưa, thức khuya để tâm tình mà có nửa lon thuốc rê để phì phà và vài chén khoai chà dằn bụng là đầy đủ lắm rồi, và câu chuyện cứ thế mải mê không hồi kết. Đêm đã khuya mà cuộc tán gẫu của hai chàng trai trẻ vẫn vang vang lên tận nhà trên, mẹ người bạn phải giục đến mấy lần thì cả hai mới chịu đi ngủ.

Mùa đông năm ấy người bạn đi học xa, lâu lâu mới về thăm nhà. Từ đó đến nay, tôi chưa bao giờ có dịp thức khuya cùng người bạn trong căn nhà ấy. Thỉnh thoảng, kỉ niệm xưa thấp thoáng hiện về từ kí ức xa xăm nhưng tôi không chú ý lắm, bỗng dưng chiều nay một nỗi nhớ khôn nguôi tràn ngập lòng mình. Bao năm qua do bận bịu chuyện áo cơm, chuyện nuôi dạy con cái chắc bạn tôi không còn nhớ những đêm hè cô liêu tịch mịch ấy. Mẹ của người bạn đã qua đời gần bốn năm nay, bạn tôi và anh em của người bạn đều ở xa, ngôi nhà năm xưa giờ đây trở nên hoang vắng. Tôi ước ao được một lần cùng bạn trở về không gian cũ, thức trọn một đêm hè để cảm nghiệm sự tĩnh lặng của một vùng quê nghèo hiu hắt và ôn lại những chuyện buồn vui của một thời trai trẻ. Nhưng đó cũng chỉ là mơ ước, bởi tâm trí con người hiện đại đang quay cuồng vội vã, còn trái tim thì không thiết tha sự đồng vọng thâm giao.

Mỗi khi kỉ niệm của những ngày đã qua dâng trào, lòng tôi cảm thấy xao xuyến bâng khuâng. Trong thời buổi sự thành công và cạnh tranh luôn được chú trọng, tất cả những gì tốt đẹp trong sự tương giao giữa người và người trên quê hương đã dần dần phai nhạt. Sống trong biển người chen chúc đông vui nhưng nhiều lúc tôi vẫn thấy mình lạc loài và cô độc. Để tìm được sự an lạc trong thế giới mê cuồng, tôi tập sống tỉnh thức trong từng phút giây hiện tại và xóa đi những kỉ niệm của một thời quá vãng. Tuy nhiên, đôi lúc tâm trí tôi vuột khỏi chánh niệm như một đứa trẻ tìm cách trốn chơi trong sự canh chừng của cha mẹ, hay như con trâu già thoát khỏi người chăn để tìm về cánh rừng xưa. Nếu mai kia phải sống nơi xứ người mà lòng luôn ngóng vọng cảnh cũ người xưa và mồ mả cha ông nơi cố quận, hoặc sống nơi quê nhà mà thương con nhớ cháu ở tận phương xa thì làm sao tôi có thể tránh đi nỗi ưu phiền chồng chất. Phải chăng đó là định mệnh của một con người hay hoài cổ. Tôi tự hỏi, làm thế nào để được an nhiên tự tại giữa dòng đời luôn luôn thay đổi?

Tam Kỳ, Tiết Hạ Chí, Quý Tỵ - 2013